Cảnh sát Brazil tăng cường trấn áp hoạt động lửa đảo bằng tiền điện tử
Ngày 6/10, Cảnh sát Brazil công bố đã thu giữ vàng miếng, đồng hồ, lượng lớn tiền mặt và đồ trang sức xa xỉ khi trấn áp một nhóm bị cáo buộc đầu tư tiền điện tử giả.
Lực lượng an ninh Brazil tuần tra tại Rio de Janeiro. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo cảnh sát, nhóm này bị cáo buộc lừa đảo hàng nghìn nhà đầu tư ở Brazil, Mỹ và ít nhất 10 quốc gia khác bằng cách thuyết phục họ “thuê” tài sản tiền điện tử, được cho là mang lại lợi nhuận lên tới 20%/tháng. Trên thực tế, trong khi một phần tiền được sử dụng để thanh toán hằng tháng, phần còn lại được sử dụng để mua bất động sản có giá trị cao, xe hơi sang trọng, tàu thuyền, quần áo hàng hiệu, đồ trang sức và các mặt hàng khác cho chính các nghi phạm.
Cuộc trấn áp, với sự tham gia của khoảng 100 cảnh sát, diễn ra sau khi Bộ An ninh Nội địa Mỹ cung cấp thông tin cho giới chức Brazil về một vụ rửa tiền trị giá hàng triệu USD liên quan đến một chương trình đầu tư tiền điện tử lửa đảo (Ponzi) có trụ sở ở Brazil. Nhóm điều hành chương trình Ponzi bị cáo buộc đã chuyển tới 4 tỷ reais (770 triệu USD) chỉ riêng ở Brazil trong vòng 6 năm. Người bị cáo buộc là chủ mưu của chương trình Ponzi – được báo chí gọi là “Bitcoin Sheik” – có cơ sở tại thành phố Curitiba, miền Nam Brazil, nơi đối tượng tuyên bố đã tập hợp một nhóm lớn các nhà giao dịch tiền điện tử.
Video đang HOT
Cảnh sát cho biết nhóm nghi phạm, bao gồm nhiều thành viên trong cùng một gia đình, cũng bán các loại tiền điện tử được cho là của riêng mình, hứa hẹn lợi nhuận hàng tháng cực kỳ lớn. Báo chí Brazil cho biết trong số các nạn nhân, có cả các cầu thủ bóng đá và con gái của một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng.
Cảnh sát đặt tên cho cuộc trấn áp này là “Chiến dịch Poyais”, theo tên một vùng đất hư cấu ở Trung Mỹ do tên lừa đảo khét tiếng người Scotland ở thế kỷ 19 Gregor MacGregor tạo ra. Vụ lừa đảo của MacGregor đã gây ra sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào năm 1825 bằng cách lừa các nhà đầu tư Anh và Pháp với hy vọng kiếm được tài sản ở “ Thế giới mới” từ số tiền tương đương khoảng 5 tỷ USD ngày nay.
Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đẩy mạnh hợp tác năng lượng
Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Azerbaijan - Thổ Nhĩ lần thứ 2 diễn ra tại Istanbul, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Thổ Nhĩ Kỳ, ông Fatih Donmez, cho biết với các hiệp định song phương sắp được ký kết, hợp tác năng lượng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan sẽ được nâng lên tầm cao mới.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại cuộc họp báo ở Ankara. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo ông Donmez, hai nước đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác vốn đã bền chặt trong lĩnh vực năng lượng. Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng xanh và quan hệ đối tác giữa các công ty dầu khí nhà nước của hai bên cũng ngày càng được thúc đẩy.
Người đứng đầu Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan sẽ sớm ký kết một hiệp định liên chính phủ, và một công ty mới ra đời từ mối quan hệ đối tác giữa công ty dầu khí nhà nước BOTAS của Thổ Nhĩ Kỳ và công ty dầu khí quốc doanh SOCAR của Azerbaijan sẽ bắt đầu các hoạt động chung.
Ông Donmez nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ vững bền giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan khi hai nước cung cấp nguồn năng lượng quan trọng cho các khu vực xung quanh, bao gồm cả châu Âu, với các dự án như đường ống dẫn khí đốt Baku-Tbilisi-Ceyhan, đường ống Nam Caucasus và đường ống dẫn khí đốt xuyên Anatolian.
* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngày 6/10 đã bắt tay bên lề hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất Cộng đồng chính trị châu Âu (EPC) ở Praha (CH Séc), vài giờ trước cuộc hội đàm song phương trực tiếp đầu tiên giữa hai bên nhằm thảo luận về quá trình nối lại bình thường hóa quan hệ.
Theo một đoạn video được công bố bởi kênh truyền hình TRT Haber, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Thủ tướng Armenia Pashinyan đã thể hiện thái độ rất thiện chí. Trong cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa ông Erdogan và ông Pashinyan diễn ra vài giờ sau đó, hai bên thảo luận về quá trình nối lại bình thường hóa quan hệ song phương.
Trước đó cùng ngày, ông Erdogan, ông Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã có một cuộc điện đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh EPC được tổ chức theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất hồi cuối tháng 6 vừa qua, trong khuôn khổ nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) của Pháp. Tuy nhiên, chủ đề của cuộc điện đàm ba bên này không được tiết lộ.
Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia không có quan hệ ngoại giao chính thức. Biên giới giữa hai nước đã bị đóng cửa theo một quyết định của Ankara kể từ năm 1993. Căng thẳng giữa hai bên nảy sinh liên quan tới một loạt các vấn đề bao gồm việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh với Armenia, và sự phản đối của Ankara đối với quá trình công nhận quốc tế liên quan tới vụ diệt chủng người Armenia vào năm 1915 được thực hiện dưới thời Đế quốc Ottoman.
Quốc gia duy nhất ở EU vẫn nhận được khí đốt của Nga Khi ba trong số bốn đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến châu Âu không hoạt động, Hungary hiện là quốc gia thành viên EU duy nhất vẫn tiếp nhận khí đốt của Nga. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN Theo tờ Forbes Hungary, có bốn đường ống có thể cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho châu Âu....