Căng thẳng cuộc “chạy đua” vào lớp 10
Mấy tháng nữa là các em học sinh lớp 9 sẽ tham gia kỳ thi tuyển chọn vào lớp 10. Công cuộc học hành, ôn luyện cho kỳ thi này đã được bắt đầu với rất nhiều sự căng thẳng, áp lực cho cả thầy cô, học trò lẫn gia đình học sinh.
Các em học sinh lớp 9 phải ôn luyện rất vất vả để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 (Ảnh: Bạch Dương)
Các em học sinh lớp 9 đã bắt đầu ôn luyện cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới. Đó được coi là một cuộc cạnh tranh khốc liệt với tỷ lệ chọi hàng năm đều khá cao. Năm 2018, số thí sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội cao đột biến, tăng 24.000 học sinh so với năm ngoái. Điều đó có nghĩa là năm nay Hà Nội sẽ có hơn 100.000 học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, dự báo một cuộc cạnh tranh căng thẳng sắp diễn ra.
Hàng năm, lượng thí sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 tại các thành phố lớn đều rất đông nhưng chỉ tiêu của các trường công lập thì có hạn. Thông thường, chỉ có khoảng 60% – 70% số thí sinh trúng tuyển vào các trường công lập. Năm 2017, toàn thành phố Hà Nội có 76.000 học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 nhưng chỉ có 56.840 chỉ tiêu cho khối các trường công lập, còn lại sẽ được định hướng học tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề.
Đứng trước một bước đi quan trọng của cuộc đời mỗi học sinh, bản thân các cô, cậu học trò không tránh khỏi áp lực.
Bạn Hương Giang, học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Trãi, Hà Nội cho biết: “Lịch học của em rất dày, thường phải đi học từ sáng đến tận tối. Em đi học thêm 3 môn toán, văn, anh. Mỗi môn học 2 buổi/ tuần, riêng môn toán 1 tuần em học tới 3 buổi. Mỗi buổi học thường kéo 2-3 tiếng. Ngoài việc học chính và học thêm thì đêm về đến nhà em còn cần phải ôn lại kiến thức đã học và hoàn thành bài tập được thầy, cô giao ngày hôm đó.”
Khi được hỏi về việc nếu trượt trường công thì sẽ ra sao, Hương Giang : “Em cũng không dám nghĩ đến tình huống nếu trượt trường công lập thì sẽ ra sao, vậy nên em sẽ cố gắng ôn luyện thật tốt để có thể vào được trường mình mong muốn.”
Video đang HOT
Trước một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời con em mình, phụ huynh học sinh cũng có nhiều lo toan. Cô Thu Phương (Quận Hà Đông, HN), một phụ huynh có con đang là học sinh lớp 9 : “Tôi tin tưởng và kỳ vọng vào con gái mình nhưng vẫn khá lo lắng. Để ôn thi vào lớp 10 thì con đang rất vất vả, đi học thêm, học chính rất nhiều nên tôi cần quan tâm đến sức khỏe và tâm lý của con mình hơn. Thêm vào đó, học phí cũng là một vấn đề lớn. Mỗi buổi học có giá từ 100 nghìn – 200 nghìn đồng. Riêng tiền học thêm để ôn thi cho cháu đã tốn đến hàng triệu đồng/ tháng.”
Còn cô Kim Hoa (Quận Hoàn Kiếm) : “Năm nay con gái tôi thi vào lớp 10. Sức học của cháu khá tốt nên đặt nhiều kỳ vọng vào trường chuyên. Tuy nhiên, việc cạnh tranh vào các trường chuyên lại rất khó vì học lực của các cháu đều rất tốt. Tôi mong rằng không gặp phải cảnh hy vọng nhiều thì thất vọng càng nhiều.”
“Cạnh tranh” bớt gay gắt khi vào các trường ở nông thôn?
Thi tuyển vào trường công tại các huyện ngoại thành, vùng nông thôn có vẻ dễ thở hơn với sự cạnh tranh thấp. Điểm chuẩn đầu vào các trường công tại nông thôn dao động từ 21 tới hơn 40 điểm, trong khi các trường công thuộc thành phố lớn có điểm chuẩn từ 45 tới 55 điểm, cao hơn khá nhiều.
Cô Trần Thị Biển, giáo viên trường THCS Hà Hồi (hyện Thường Tín, HN) cho biết: “Nhìn chung, điểm chuẩn vào các trường công lập tại huyện Thường Tín không cao như các trường thuộc nội thành, nhiều em sức học chưa được tốt. Tuy nhiên cả học sinh lẫn thầy, cô đều đang gắng sức ôn luyện cho kỳ thi sắp tới. Nhà trường đã tăng thêm 2 tiết/tuần cho mỗi môn toán và văn.
Toán, Văn là hai môn thi bắt buộc trong kỳ thi tuyển vào lớp 10. (Ảnh: Bạch Dương)
Để có thể trúng tuyển vào trường công trên địa bàn huyện, các em cần phấn đấu đạt 5-6 điểm/môn. Nhiều em có sức học tốt thì lại lựa chọn thi tuyển vào các trường chuyên, trường công lớn tại nội thành Hà Nội, giảm bớt tỷ lệ cạnh tranh vào các trường công trên địa bàn huyện.”
Kỳ thi tuyển chọn vào lớp 10 thực sự là một cuộc cạnh tranh khốc liệt, chứa đầy lo lắng, tiêu tốn nhiều tiền bạc, công sức với học sinh, phụ huynh và thầy cô. Đặc biệt, nó càng trở nên khó khăn hơn khi cạnh tranh vào các trường chuyên, trường công ở thành phố lớn với tỷ lệ chọi “cao ngất”.
Theo Toquoc.vn
Tuyển sinh lớp 10: Bao giờ sẽ thi thêm môn thứ 3?
Hiệu trưởng, giáo viên các trường THPT tại Hà Nội đều đồng tình với quan điểm, bên cạnh xét học bạ, thi hai môn Văn, Toán thì cần thi thêm môn thứ ba nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện, phù hợp với mục tiêu học gì thi nấy như hiện nay. Trong khi đó, học sinh cảm thấy thiệt thòi nếu bị tăng môn thi so với trước.
Trong năm học tới, học sinh hà Nội có thể sẽ phải thi thêm môn thứ 3
Phải có lộ trình
Nguyễn Thị Thùy Dương, học sinh lớp 8 tại một trường THPT Hà Nội cho rằng, nếu trong năm tới việc thi tuyển lên lớp 10 có thêm môn thứ 3 mà hiện tại chưa có bất cứ thông báo nào sẽ là sự thiệt thòi rất lớn cho Dương và các bạn cùng khóa. Dương cho rằng, lâu nay, việc xét cả điểm học bạ trong 4 năm THCS cũng khiến học sinh không dám lơ là việc học.
Cùng lúc, học sinh phải học rất nhiều môn, phải đảm bảo mức điểm giỏi để được cộng 5 điểm lúc xét tốt nghiệp đã rất áp lực với học sinh rồi. "Nếu trong năm tới, Hà Nội có chủ trương thi môn thứ ba thì học sinh phải được thông báo sớm, và cụ thể đó là môn thi nào. Hiện tại, cả giáo viên và học sinh đều chỉ "nghe đồn" mà không biết chính xác nên rất hoang mang", Dương nói.
Chị Trần Phương Lan ở Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân (Hà Nội) năm nay có con đang học lớp 8 tại Trường THCS Việt Nam - An giê ri cũng bày tỏ sự lo lắng vì có thể trong năm tới có quá nhiều sự thay đổi. Chị Lan phân tích, những năm trước, học sinh được cộng từ 0,5 đến 1,5 điểm học nghề vào xét tuyển lớp 10 thì nay có thông tin, điểm học nghề không được cộng.
"Trong khi đó, con lại có thể phải thi thêm một môn nữa, mà không chắc chắn là sẽ thi môn nào để gia đình có kế hoạch cho con học ôn, bồi dưỡng ngay từ lớp 8. Lên lớp 9 riêng học thêm 2 môn Toán, Văn đã chiếm nhiều thời gian", chị Lan nói. Cũng theo chị Lan, lên THPT học sinh chủ yếu học theo ban vì thế, nếu thi môn thứ 3 thì nên thi ngoại ngữ để học sinh có động lực học tốt môn học này để thi cử.
Ngoại ngữ hay bài thi tổng hợp?
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho biết, nhiều năm lại đây, học sinh khi vào lớp 10 có biểu hiện học lệch kiến thức rất rõ. Đa số học sinh học tốt Văn, Toán còn các môn khác giáo viên phải bỏ công sức kèm cặp rất nhiều. Điều này được lý giải bởi việc, trong quá trình học THCS học sinh tập trung ôn luyện hai môn chính mà lơ là những môn học khác. Cũng theo ông Bình, Hà Nội nên triển khai việc thi thêm môn thứ 3 và không nhất thiết phải thông báo sớm để học sinh có trách nhiệm học đều tất cả các môn.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT khác cho rằng, để phù hợp với việc dạy học tích hợp thì nên có bài thi tổng hợp kiến thức. Đó không nhất thiết phải là Vật lý, Hóa học, Sinh học hay Lịch sử, Địa lý mà bài thi đó tổng hợp kiến thức liên môn. Thậm chí, riêng bài thi đó, Hà Nội hoàn toàn có thể ra đề dạng trắc nghiệm như đề thi THPT quốc gia cho học sinh làm quen. "Cùng với việc xét điểm học bạ thì việc làm bài thi tổng hợp kiến thức liên môn sẽ đánh giá được kiến thức, năng lực học sinh dễ dàng nhất", hiệu trưởng này nói.
Bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng trường Dịch vọng (Hà Nội cho rằng) cũng cho rằng, lâu nay, phụ huynh học sinh vẫn hay chú trọng học Văn, Toán mà chưa chú trọng các môn khác. Tuy nhiên, xét tuyển lên lớp 10 lâu nay vẫn xét điểm học bạ vì thế học sinh không hề học lệch ở các môn khác, ngoài Văn, Toán. Bởi điểm xét tuyển là điểm tính trung bình theo năm, em đạt năng lực giỏi toàn diện mới được cộng điểm tối đa và ở những mức năng lực khác được cộng điểm thấp hơn. Vì thế, nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên học tập nghiêm túc ở các môn học khác, không có chuyện chỉ chăm chăm học Văn, Toán mà lệch các môn khác.
Bà Nga cho rằng, nếu thi môn thứ 3 cũng rất phù hợp tình hình học gì thi nấy như hiện nay. Tuy nhiên, môn thi thì nên chăng là môn Ngoại ngữ bởi lâu nay học sinh Việt Nam vẫn chưa có động lực về đầu ra nên việc học ngoại ngữ chưa hiệu quả.
Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT thông tin, trong thời gian tới, học sinh và lớp 10 có thể thi môn thứ ba. Hiện, Sở đang nghiên cứu và trình phương án cho UBND Tp Hà Nội xem xét, phê duyệt. Nếu được, phương án thi môn thứ 3 có thể áp dụng ngay trong năm học 2019-2020.
Lý giải về sự thay đổi này, ông Đại cho rằng, phương án xét học bạ và thi tuyển hai môn Toán, Văn được Hà Nội thực hiện 10 năm qua và đang bộc lộ nhiều hạn chế. Bởi trên thực tế, việc dạy học có nhiều thay đổi, phương án thi THPT quốc gia cũng thi nhiều môn, hướng học sinh đến phát triển năng lực toàn diện. "Do đó, việc thi thêm môn học là điều cần thiết tuy nhiên, môn thi thứ 3 là môn nào thì sở đang nghiên cứu. Có thể, đó là bài thi kiến thức nhiều môn khác nhau để thúc đẩy việc học tập toàn diện", ông Đại nói.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay việc thi thêm môn thứ 3 vẫn đang là phương án. Nếu có sự thay đổi trong năm học tới, đơn vị sẽ thông báo vào tháng 3 hàng năm để học sinh, nhà trường có kế hoạch dạy học phù hợp.
Theo TPO
Đề minh họa kỳ thi quốc gia, đòi hỏi học sinh ôn tập kiến thức rộng Theo nhiều giáo viên đề minh hoạ Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đòi hỏi học sinh phải ôn luyện khối kiến thức sâu rộng và có khả năng tư duy bao quát mới có thể đạt điểm cao. Học sinh lớp 12 đang gấp rút ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia 2018. Ảnh: ĐH Môn Lịch sử đòi...