Canada đe dọa cắt nguồn cung năng lượng để đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ
Ngày 11/12, sau cuộc họp với Thủ tướng Justin Trudeau và các thủ hiến tỉnh tại Ottawa, Thủ hiến tỉnh Ontario ông Doug Ford đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nhằm phản đối kế hoạch áp thuế của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau (giữa) rời khách sạn ở West Palm Beach, Florida, sau cuộc gặp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, ngày 29/11/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Ông Ford cho biết Ontario đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc cắt giảm xuất khẩu năng lượng sang Mỹ nếu chính quyền ông Trump hiện thực ý định áp thuế toàn diện đối với hàng hóa Canada.
Phát biểu trước báo giới, ông Ford khẳng định ưu tiên hàng đầu là bảo vệ lợi ích của người dân Ontario và Canada. Mặc dù không mong muốn đối đầu thương mại, ông nhấn mạnh rằng tỉnh của ông sẽ không ngần ngại cắt đứt nguồn cung năng lượng đến các bang Michigan, New York và Wisconsin nếu tình thế bắt buộc. Viễn cảnh căng thẳng kinh tế leo thang sau ngày nhậm chức của ông Trump vào tháng 1/2025 đã thúc đẩy Canada chuẩn bị tất cả các phương án ứng phó kịp thời.
Video đang HOT
Trong bối cảnh đó, Canada đã nhanh chóng triển khai các bước chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại tiềm tàng. Phó Thủ tướng Chrystia Freeland tuyên bố chính phủ đang lập danh sách các sản phẩm của Mỹ có thể bị áp thuế trả đũa, đồng thời nhấn mạnh rằng Canada sẽ không chấp nhận bất kỳ mức thuế phi lý nào. Các tỉnh, đặc biệt là những nơi sản xuất khoáng sản quan trọng, đã đồng lòng ủng hộ lập trường cứng rắn này để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Hành động đáp trả quyết liệt từ Canada không chỉ là lời cảnh báo gửi đến Mỹ mà còn phản ánh mối lo ngại sâu sắc về tác động kinh tế nếu căng thẳng kéo dài. Với vai trò là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất và nguồn điện chính cho Mỹ, bất kỳ sự gián đoạn nào từ Canada cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả hai quốc gia. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng thuế quan và các biện pháp trả đũa sẽ làm tăng chi phí sinh hoạt, đặc biệt là giá thực phẩm và hàng tiêu dùng tại Mỹ, đồng thời gây áp lực lớn lên người tiêu dùng.
Ngoài ra, sự gia tăng căng thẳng thương mại này còn đe dọa tương lai của Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada ( USMCA), vốn sẽ được gia hạn vào năm 2026. Thủ hiến Ford đã đề xuất việc đàm phán một hiệp định thương mại song phương giữa Mỹ và Canada, loại bỏ Mexico do nước này không tuân thủ các quy định thương mại hiện hành, đồng thời trở thành trung gian cho hàng hóa từ Trung Quốc vào thị trường Bắc Mỹ.
Trong khi đó, Chính phủ Canada vẫn nỗ lực tìm kiếm sự ổn định trong mối quan hệ với Mỹ. Thủ tướng Trudeau thừa nhận rằng những biện pháp thuế quan không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho Canada mà còn khiến người dân và doanh nghiệp Mỹ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng thời, Canada cam kết tăng cường an ninh biên giới, đầu tư vào công nghệ giám sát hiện đại và triển khai thêm lực lượng để giải quyết các mối quan ngại từ phía Mỹ.
Cuộc đối đầu thương mại này không chỉ là một thử thách lớn đối với cả Canada và Mỹ mà còn là bài kiểm tra quan trọng đối với khả năng duy trì mối quan hệ đồng minh chiến lược. Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và chính trị đòi hỏi cả hai bên phải đưa ra những quyết định sáng suốt và hành động phối hợp chặt chẽ.
Tiến trình hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ có nguy cơ chệch hướng
Ngày 11/12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo đề xuất của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc áp thuế trên diện rộng đối với hàng nhập khẩu có thể cản trở những nỗ lực nhằm hạ nhiệt lạm phát và khiến giá tiêu dùng tăng.
Khách hàng chọn mua đồ trong siêu thị tại Foster City, bang California (Mỹ). Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Giám đốc điều hành (CEO) của Tạp chí Phố Wall, Bộ trưởng Yellen bày tỏ lo ngại chiến lược nói trên có thể làm chệch hướng tiến trình kiềm chế lạm phát thời gian qua, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Giải đáp câu hỏi của báo giới về kế hoạch của Tổng thống đắc cử Mỹ áp thuế trên diện rộng, bà Yellen nhận định chính sách này có thể khiến giá cả tăng đáng kể, bất lợi cho người tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo áp lực chi phí cho các công ty vốn phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của một số lĩnh vực nhất định và tạo thêm gánh nặng chi phí cho các hộ gia đình.
Nữ Bộ trưởng Tài chính bảo vệ những nỗ lực của chính quyền đương nhiệm về áp thuế có mục tiêu nhằm ngăn chặn các hoạt động thương mại không công bằng từ nước ngoài.
Bộ trưởng Yellen đưa ra nhận định trên trong bối cảnh ông Trump tuyên bố áp thuế tối thiểu 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu, đồng thời đánh thuế cao hơn đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Canada và Mexico.
Trong một phát biểu ngày 11/12 tại Viện Brookings ở Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu bật thành quả kinh tế Mỹ hiện nay. Ông Biden lập luận rằng các nỗ của ông thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sản xuất và các cộng đồng bị bỏ lại phía sau đã ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn hơn và đặt nền tảng cho sự tăng trưởng liên tục.
Ông bày tỏ hy vọng chính quyền mới sẽ duy trì và phát triển dựa trên sự tiến bộ này, song cũng thừa nhận một số vấn đề còn tồn tại như việc người lao động Mỹ vẫn đang phải chật vật với lạm phát và giá nhà cao.
Chính phủ Canada lần thứ 3 vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Ngày 9/12, Chính phủ Canada đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần thứ 3 trong nhiều tháng qua, do đối thủ chính là đảng Bảo thủ khởi xướng. Thủ tướng Canada Justin Trudeau vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 1/10/2024. Ảnh: ANI/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại Canada, chính phủ đảng Tự do thiểu số của Thủ...