Cần phát huy mô hình trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế
Sáng 6/10, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Tọa đàm ‘Giải pháp xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế’.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì tọa đàm.
Kinh nghiệm từ địa phương
Hà Nội có một số trường chuyên biệt như: Trường Tiểu học Bình Minh, Trường PTCS Xã Đàn, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu… Ngoài ra, Trường THPT Ba Vì có học sinh nhiễm HIV học tập hòa nhập. Theo chia sẻ của ông Kiều Cao Trinh, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội, đây là kết quả quá trình tuyên truyền, vận động để phụ huynh, học sinh trên địa bàn có con em đang học tập tại trường yên tâm, đồng cảm và sẻ chia với những học sinh không may bị nhiễm HIV.
Để xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế, Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn, Hà Nội, có khoảng 60% học sinh khiếm thính (HSKT), chú trọng thiết kế kế hoạch hoạt động sao cho học sinh nhà trường nói chung và HSKT nói riêng được đảm bảo an toàn, đảm bảo sự thân thiện.
Vì HSKT khó khăn trong việc nghe nên nhà trường tuyệt đối không để hiện tượng đi xe đạp, xe máy hay ô tô vào sân trường, cổng trường. Các gốc cây ở khu vực trường đều xây bồn lớn bao quanh để tránh xe đi lại; cách âm khu vực lớp học.
Nhà trường giao cho tổ chức Đoàn Đội thiết kế các cuộc thi, các trò chơi phù hợp với hoạt động tập thể. Ở đó học sinh bình thường và HSKT cùng chơi, cùng thi vui vẻ.
Ông Nguyễn Văn Ngợi, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Đồng Tháp, cho biết: Tỉnh đã tổ chức triển khai công tác xây dựng trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập bằng nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, thiết thực như: Quy trình xử lí bạo lực học đường; Các bước xây dựng chương trình phòng ngừa và can thiệp học sinh yếu thế; Xây dựng góc học tập tại nhà….
“Với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, Đồng Tháp đã xây dựng nhiều mô hình, nhiều phong trào nổi bật hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh. Trong đó, nhiều học sinh yếu thế do nhiều nguyên nhân khác nhau được chăm lo, được hỗ trợ và được tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để các cháu đến trường vượt qua khó khăn, học tập tốt hơn”, ông Ngợi bày tỏ.
Video đang HOT
Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì tọa đàm tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.
Tăng cơ hội hòa nhập cho nhóm yếu thế
PGS. TS. Nguyễn Hồng Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhận định việc tạo dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hòa nhập còn một số rào cản như điều kiện kinh tế xã hội, khác biệt văn hóa, khó khăn về phương tiện giao tiếp ngôn ngữ, thiếu cơ sở vật chất và học liệu…
Để tăng cơ hội hòa nhập cho nhóm yếu thế, trường học cần xây dựng môi trường giáo dục “trong lành” cả về tâm lý lẫn vật chất. Tại từng cơ sở giáo dục, mô hình “Phòng tư vấn tâm lý học đường” phải được tăng cường phát triển; đồng thời, thúc đẩy cấp chứng nhận trẻ khuyết tật và hỗ trợ các em tiếp cận dịch vụ bảo trợ xã hội.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, bà Lê Thị Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ Trẻ em, Tổ chức UNICEF Việt Nam, khuyến nghị các cơ quan bảo vệ trẻ em phối hợp với trường học duy trì mối quan hệ hợp tác và hoạt động chuyên môn để hỗ trợ, thực hiện các dịch vụ và thực hành bảo vệ trẻ em.
“Về phía nhà trường, phải xây dựng cơ chế hoạt động của nhóm bảo vệ trẻ em, các thành viên bao gồm nhân viên xã hội, cán bộ đầu mối bảo vệ trẻ em và hiệu trưởng nhà trường. Ngoài ra, xây dựng dịch vụ và thực hành công tác xã hội bảo vệ trẻ em và công tác xã hội học đường”, bà Loan chia sẻ.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp và kiến nghị, giải pháp của đại diện Sở GD&ĐT các địa phương, các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục.
Thứ trưởng Minh nhấn mạnh việc xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế là hướng đi đúng, trúng, góp phần thúc đẩy giáo dục toàn diện. Quá trình xây dựng mô hình này cần sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, UBND các tỉnh và vai trò tham mưu của Sở GD&ĐT các địa phương.
Thời gian tới, các nhà trường cần quan tâm triển khai, phát huy mô hình trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế. Trong đó, hỗ trợ học liệu cho các nhóm yếu thế; quan tâm, trao đổi thường xuyên với phụ huynh, học sinh.
Thứ trưởng lưu ý tiếp tục đánh giá các nguy cơ, rào cản và giải pháp xóa bỏ rào cản để giúp các nhóm học sinh yếu thế hòa nhập trong trường học. Công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học phải được xây dựng bài bản và quan tâm sâu sát hơn nữa.
“Các cơ quan, trường học tăng cường giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống cho học sinh để góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, không bạo lực trong trường học”, thứ trưởng Ngô Thị Minh cho hay.
Phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số
Trong giai đoạn 2015-2020, Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục thực hiện một số Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì hội thảo.
Ngày 29/9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 5596 của Bộ GD&ĐT và góp ý Dự thảo Kế hoạch thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) lĩnh vực GD&ĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của 18 Sở GD&ĐT. Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.
5 năm thực hiện mục tiêu
Ngày 24/11/2016, Bộ GD&ĐT có Quyết định số 5596/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục thực hiện một số Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020 gắn với Mục tiêu phát triển bền vững 2030. Trong đó gồm 2 mục tiêu: Phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ với các DTTS; Tăng cường bình đẳng giới trong giáo dục với các DTTS.
Trong giai đoạn 2015-2020, việc thực hiện Quyết định 5596 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đầu tiên, mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ đối với đồng bào DTTS đã vượt chỉ tiêu đề ra năm 2020.
Theo đó, năm 2020, tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng độ tuổi ở bậc TH đạt 98,57%. Tỷ lệ trẻ DTTS hoàn thành chương trình TH đạt 99,4%. Tỷ lệ người DTTS 15-60 tuổi biết chữ đạt 93,9%. Tính đến năm 2020, 50/51 các tỉnh vùng DTTS, miền núi đạt và vượt chỉ tiêu học sinh đi học đúng độ tuổi, 51/51 tỉnh vượt chỉ tiêu hoàn thành chương trình tiểu học.
Mục tiêu tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ cũng đạt và vượt chỉ tiêu năm 2020. Tuy nhiên, một số vùng DTTS còn tồn tại nhiều hủ tục như tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Do điều kiện kinh tế - xã hội ở các dân tộc này còn khó khăn, phụ nữ thường trở thành lao động chính trong gia đình từ khi bước vào lứa tuổi THCS. Từ đó, các em ít cơ hội được học tập lên cấp cao hơn.
Nhìn chung, kế hoạch hành động của ngành Giáo dục phải đối mặt với nhiều thách thức. Đơn cử, ở vùng DTTS, miền núi, điều kiện sống của người dân còn khó khăn. Việc chăm sóc giáo dục con em, quan tâm đầu tư việc học tập còn bất cập, điều kiện cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu, chưa đồng bộ, trang thiết bị còn chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học nên việc huy động học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học đối với DTTS còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa có sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ, coi đây là nhiệm vụ của ngành Giáo dục. Chất lượng dạy học cấp tiểu học ở một số tỉnh chưa cao, các lớp xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến.
Kiến nghị trong thời gian tới
Tại hội thảo, một số Sở GD&ĐT kiến nghị cần có các chế độ, chính sách ưu tiên đối với cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác và học sinh DTTS học tập tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; Tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất cho trường học ở khu vực miền núi, DTTS sớm đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia.
Bên cạnh đó, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường thuộc vùng DTTS đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT 2018; bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ quản lý và giáo viên các vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận công tác tham mưu, phối hợp thực hiện của Sở GD&ĐT các địa phương. Thứ trưởng cho rằng kiến nghị xác đáng, cụ thể của các Sở sẽ đóng góp cho Kế hoạch thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS lĩnh vực GD&ĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, từ kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2015-2020, ngành Giáo dục cần tiếp tục tập trung vào các mục tiêu đặt ra, thực hiện hiệu quả các biện pháp phát triển bền vững cho vùng DTTS, miền núi.
Để thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS lĩnh vực GD&ĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác quản lý, tập trung huy động nguồn lực đầu tư.
Các địa phương tăng cường giải pháp huy động trẻ em, học sinh DTTS đi học và học hết cấp học; huy động người lớn đi học xoá mù chữ. Thực hiện chính sách và bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vùng DTTS, miền núi.
Lùm xùm ứng xử thầy trò trong học trực tuyến: Bộ GD-ĐT nói gì? Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chia sẻ với phóng viên Thanh Niên xung quanh một số vụ việc lùm xùm trong ứng xử giữa giáo viên và người học trực tuyến thời gian qua, đồng thời nêu giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề...