Căn hộ hạng sang đang nhiều hơn nhà giá rẻ
Chung cư giá rẻ khan hiếm 9 tháng liền và chỉ chiếm 2% nguồn cung còn căn hộ hạng sang chiếm 6% rổ hàng.
CBRE Việt Nam vừa công bố báo cáo tổng kết diễn biến thị trường nhà ở TP HCM năm 2019 và cho biết rổ hàng căn hộ hạng sang tại đô thị này đang lấn lướt cả nguồn cung nhà bình dân (giá rẻ).
Khảo sát của đơn vị này cho biết, căn hộ trung cấp chiếm tỷ trọng cao nhất với 67% tổng nguồn cung chào bán trong năm 2019. Phân khúc cao cấp đứng thứ hai, chiếm 25%, kế đến là phân khúc hạng sang chiếm 6%. Phân khúc bình dân vẫn chưa có dự án mới sau ba quý liên tiếp khan hiếm, chiếm 2% tổng nguồn cung mới. Năm 2019 căn hộ hạng sang có thêm hai dự án mới so với 5 dự án trong năm 2018. Các dự án này tập trung ở quận 1 và khu vực Thủ Thiêm, quận 2.
Sự lép vế về nguồn cung căn hộ giá rẻ trước phân khúc hạng sang, theo nhiều chuyên gia là vấn đề đáng lưu tâm. Bởi lẽ trên thực tế nhu cầu nhà ở phân khúc bình dân (dưới 1.000 USD mỗi m2) luôn lớn nhất thị trường trong khi dòng sản phẩm hạng sang (từ 4.000 USD mỗi m2 trở lên) thường phục vụ giới siêu giàu với nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên diễn biến hiện nay cho thấy căn hộ hạng sang thậm chí còn xuất hiện trên thị trường dồi dào hơn nhà giá rẻ, tiềm ẩn nguy cơ tạo nên sự lệch pha cung cầu thời gian tới.
Phối cảnh một dự án căn hộ hạng sang có giá bán gần 300 triệu đồng mỗi m2.
Với đà tăng giá mạnh mẽ của bất động sản trong nửa thập niên qua, hiện mức giá trung bình tại phân khúc hạng sang đạt 6.308 USD mỗi m2 tính đến quý IV/2019, tuy nhiên vẫn có nhiều dự án chào bán trên 10.000 USD mỗi m2.
Dù giá bán đang ở đỉnh lịch sử của bất động sản Việt Nam, trong 12 tháng qua căn hộ hạng sang vẫn có sức mua khá cao nhờ chiếm hữu những vị trí đắc địa tại những “tọa độ vàng” của thành phố. Có trên 70% sản phẩm chào bán ra thị trường đã được tiêu thụ, đặc biệt nhiều dự án tại Thủ Thiêm ghi nhận lượng căn hộ tiêu thụ đạt 100% khi mở bán.
Video đang HOT
Sản phẩm hạng sang hút cả khách trong nước (TP HCM, Hà Nội và các tỉnh thành lân cận) lẫn ngoài nước. Theo thống kê từ các giao dịch thành công qua hệ thống của CBRE Việt Nam ở phân khúc hạng sang, nhóm khách người Việt chiếm 68% lượng giao dịch, trong đó nhiều người thuộc thế hệ Y (độ tuổi 30-40), khách nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc.
Nếu như trước đây phân khúc này được dẫn dắt hoàn toàn bởi các chủ đầu tư nội địa (do lợi thế vượt trội về tìm kiếm quỹ đất ở vị trí trung tâm), hiện nay các liên doanh có sự tham gia của chủ đầu tư nước ngoài đang ngày càng gia tăng sự hiện diện, với những ưu thế về vốn và kinh nghiệm phát triển sản phẩm hạng sang.
Căn hộ tại phân khúc hạng sang đang được các chủ đầu tư kết hợp các xu hướng và chất lượng hoàn thiện quốc tế như tiêu chuẩn xanh, tích hợp công nghệ thông minh, vật liệu hoàn thiện nhập khẩu từ các thương hiệu hàng đầu… Ngoài ra, mô hình “branded residence”, căn hộ được quản lý bởi đơn vị vận hành khách sạn, nơi cư dân có thể tận hưởng những dịch vụ, tiện ích như đang ở khách sạn, cũng đang được các chủ đầu tư tại Việt Nam quan tâm để tạo điểm nhấn, làm tăng giá trị cho dự án.
Theo vnexpress
Lao động trẻ "đỏ mắt" tìm nhà... vừa túi tiền
Hiện tại, nhu cầu về căn hộ khoảng 15-20 triệu đồng/m2 ở TP.HCM khá lớn, tuy nhiên số lượng cung ứng ra thị trường lại rất ít...
Theo các chuyên gia lĩnh vực bất động sản, hầu hết nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ, nhất là loại căn hộ một đến hai phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn và được vay trả góp tối thiểu 15 - 20 năm... là những từ khóa được người lao động trẻ tìm kiếm nhiều nhất. Tuy nhiên, phân khúc này hiện đang rất hiếm.
Căn hộ mini có gác lửng với mức giá 700-800 triệu/ căn đang là lựa chọn của nhiều người trẻ, gia đình nhỏ (Ảnh: Q.H)
Giá chung cư cao gấp 20 - 25 lần thu nhập bình quân
Thống kê của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, toàn thành phố có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (khoảng 1,5 triệu người). Trong đó, khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức chưa sở hữu nhà ở, 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội và 143.000 hộ có nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội. Ngoài ra, còn hơn 20.000 hộ sống trên và ven kênh rạch; 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, nâng cấp hoặc tái định cư. Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu mua nhà ở thương mại vừa túi tiền hoặc thuê mua nhà ở xã hội trả góp 15 năm, hoặc thuê nhà giá rẻ, nhưng trên thực tế, thu nhập của họ lại quá thấp so với giá nhà.
Cụ thể, giá chung cư tại TP.HCM đang cao gấp từ 20-25 lần so với thu nhập bình quân (thu nhập bình quân của người TP.HCM năm 2018 là khoảng 6.000 USD/năm, tương đương khoảng 140 triệu đồng/năm), trong khi đó, giá căn hộ chung cư phổ biến ở mức 3-4 tỷ đồng/căn.
"Ở các nước phát triển, giá nhà chỉ gấp từ 5-7 lần thu nhập bình quân. Trong khi đó, tại TP.HCM giá chung cư đang cao gấp 20-25 lần, do đó, các bạn trẻ mới kết hôn, hoặc bắt đầu đi làm, công nhân trong các khu công nghiệp... (từ 25-35 tuổi) là những đối tượng rất khó khăn để sở hữu nhà nếu chỉ dựa vào mức thu nhập như hiện tại. Còn nếu chấp nhận vay tiền để mua nhà, các bạn trẻ phải dành đến 40-50% thu nhập hàng tháng, thậm chí là hơn nữa, để chi trả nếu mua nhà. Mức chi phí này cao hơn mức bình quân 20-30% của thế giới", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đánh giá.
Trong khi đó, thống kê của một số công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, phân khúc căn hộ bình dân ngày càng ít trên thị trường. Theo một báo cáo mới đây của DKRA, nếu như năm 2016, phân khúc căn hộ bình dân chiếm 30%, tăng 8% vào năm 2017 thì tới 2018 chỉ còn 17% và thu hẹp chỉ còn 5% nửa đầu 2019. Ngược lại, căn hộ cao cấp đang mở rộng, tăng từ 5% năm 2018 lên 17% trong nửa đầu năm 2019.
Khó khăn hơn, theo đánh giá của HoREA, nguồn cung nhà ở bình dân tại TP.HCM trong tương lai rất hạn chế. Nguyên nhân là vì 74% tổng số dự án là những dự án có đất hỗn hợp, quy mô lớn, nằm tại các quận vùng ven và huyện ngoại thành (nguồn cung chủ yếu nhà ở bình dân). Các dự án này bao gồm đất ở, đất nông nghiệp mà DN đã nhận chuyển nhượng, xen cài đất rạch, bờ đất, đường thuộc diện Nhà nước trực tiếp quản lý thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích dự án. Theo quy định, phần diện tích này phải đấu giá theo giá thị trường. Do đó, đến nay, tất cả các dự án nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng, có quỹ đất hỗn hợp đều bị ách tắc thủ tục công nhận chủ đầu tư.
Vì sao khó?
Nói về khó khăn của việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, trong văn bản gửi Bộ Xây dựng báo cáo tình hình sử dụng quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn TP đã có 41 dự án Nhà ở xã hội với quy mô lên tới 41.414 căn hộ, tổng diện tích đất hơn 133 ha được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 14 dự án với số lượng 8.419 căn hộ được nhà đầu tư hoàn thành; 9 dự án đang trong giai đoạn xây dựng với quy mô 7.581 căn hộ và còn đến 18 dự án, quy mô lên đến 25.414 căn hộ đang trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư.
Ngoài ra, trong 5 năm qua, Thành phố đã cấp chủ trương đầu tư cho 35 dự án nhà ở thương mại, các dự án này đều dành 20% quỹ đất để làm Nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 4 dự án hoàn thành phần xây dựng với quy mô 4.967 căn hộ, 1 dự án với quy mô 1.210 căn hộ đang được hoàn thành.
Nguyên nhân dẫn sự phát triển chậm trễ của nhà ở xã hội, theo Sở Xây dựng TP, là do các dự án nhà ở thương mại quy mô sử dụng đất trên 10 ha, dù đã xác định quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội, nhưng một số chủ đầu tư chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên chưa triển khai đầu tư xây nhà ở xã hội.
Đối với các dự án có quy mô sử dụng dưới 10 ha, hầu hết chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp bằng tiền (20% tiền sử dụng đất), số tiền này được chủ đầu tư nộp vào Quỹ Phát triển nhà ở Thành phố để đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện dự án, các đối tượng được hưởng chính sách vay mua nhà chưa ổn định, chưa kể nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng cũng chưa được bố trí.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, nguồn cung nhà ở xã hội chưa đáp ứng đủ, bên cạnh đó là những vướng mắc trong chính sách phát triển nhà ở xã hội chưa được tháo gỡ. Trong đó, chính sách tín dụng dành cho nhà ở xã hội hiện nay là một trong những rào cản khiến cho nhà ở xã hội chưa phát triển mạnh.
"Kể từ khi gói vay 30.000 tỷ đồng kết thúc, cả doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội và người mua đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay mới", ông Châu đánh giá.
Doanh nghiệp chủ động lo chỗ ở cho người lao động
Thấu hiểu được khó khăn của lao động nhập cư từ các tỉnh thành, đồng thời tạo động lực giữ chân người lao động gắn bó lâu dài, năm 2007, Tổng công ty Phong Phú đã đầu tư xây dựng chung cư Nhân Phú có tổng cộng 197 căn hộ, có diện tích từ 50m2 đến 65m2 để bán ưu đãi cho CBCNV với giá 9 triệu đồng/m2, thanh toán 20% nhận nhà, 80% còn lại Tổng Công ty đứng ra bảo lãnh vay ưu đãi ngân hàng, cho công nhân lao động trả dần từ 10 đến 15 năm tùy theo thu nhập để bảo đảm số còn lại đủ trang trải cuộc sống.
Đối với một số trường hợp công nhân không đủ tiền mua nhà theo chế độ ưu đãi, Tổng Công ty hỗ trợ giải quyết cho thuê ở ổn định lâu dài với chi phí thấp.
Trong khi đó, Saigon Co.op lại có chính sách hỗ trợ cho người lao động có thu nhập thấp (làm việc đủ 10 năm): Nếu người lao động mua nhà, sẽ được hỗ trợ 200.000.000 VND/1 người; nếu người lao động thuê nhà, sẽ được hỗ trợ 2.000.000 VND/1 tháng/người trong liên tục 10 năm...
Theo Dân Việt
Căn hộ 25 m2: Nên hay không nên? Bộ Xây dựng giữ quan điểm về quy định căn hộ có diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 25 m2 thay vì 45 m2 như trước Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Quy chuẩn Kỹ thuật chung quốc gia về chung cư. Trong phần yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, Bộ Xây dựng quy định căn hộ chung...