Cần có đủ “chân kiềng”
Để xây dựng một trường học hạnh phúc, môi trường giáo dục thân thiện với học trò phải có sự chuyển động, quyết tâm của cán bộ quản lý, giáo viên. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại với sự nỗ lực từ phía nhà trường thì chưa đủ.
Xây dựng trường học hạnh phúc đúng nghĩa, học sinh được giáo dục toàn diện, thực chất và cần có sự chung tay của gia đình, xã hội.
HS Trường THCS Đông Sơn trong một hoạt động trải nghiệm
Kinh nghiệm từ trường vùng “khó”
Cô Tô Thị Bích Liên – Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết: Trường THCS Đông Sơn nằm ở ngoại thành. Đây là vùng đất gò đồi, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông nên kinh tế còn khó khăn, thậm chí nhiều gia đình phải làm ăn xa để phát triển kinh tế. HS tuy ngoan nhưng còn hụt hẫng các kĩ năng trong cuộc sống.
Chính vì vậy, để HS được hưởng một môi trường giáo dục toàn diện trong một ngôi trường hạnh phúc, BGH đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thông qua kế hoạch giáo dục hoạt động ngoài giờ lên lớp. Vào đầu năm học nhà trường xây dựng kế hoạch hoạt động trải nghiệm và giao cho Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh thực hiện. Các chủ điểm hoạt động luôn gắn liền với các ngày lễ lớn trong tháng, năm.
Với những nỗ lực tổ chức hoạt động trải nghiệm từ phía nhà trường mà HS đã được rèn luyện nhiều kĩ năng cần có trong cuộc sống, tạo bản lĩnh tự tin. Đặc biệt, HS được học tập kiến thức một cách trực tiếp sâu sắc và được bày tỏ quan điểm, suy nghĩ chính kiến của bản thân trước những vấn đề cụ thể.
Mặt khác, cô Liên cũng cho rằng: Muốn có môi trường giáo dục thân thiện cần phát huy vai trò của lãnh đạo nhà trường. Tại Trường THCS Đông Sơn, cô Liên đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động cho cả năm học. Tạo mọi điều kiện về nhân lực, vật lực cho các tổ chức trong nhà trường thực hiện kế hoạch. Ngoài ra, BGH nhà trường còn chủ động phối hợp với các tổ chức xã hội để thực hiện kế hoạch và trực tiếp tham gia vào các hoạt động trải nghiệm với HS, GV…
Cô Liên khẳng định: Hiệu trưởng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên chất lượng giáo dục và thương hiệu của nhà trường. Một hiệu trưởng năng động, nhiệt huyết, say mê công việc, sáng tạo… sẽ tạo nên một ngôi trường thân thiện, tích cực, một ngôi trường hạnh phúc cho tất cả GV và HS.
Cần sự chung tay của gia đình, xã hội
Video đang HOT
Nhà giáo Tô Thị Bích Liên khẳng định: Muốn xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện, trường học hạnh phúc một cách thực chất, rất cần sự chung tay, vào cuộc từ phía gia đình và các tổ chức xã hội. Bởi mỗi HS cần được gia đình quan tâm, xã hội đồng hành và nhà trường thân thiện để các em có môi trường học tập sáng tạo, hình thành nên những phẩm chất, năng lực của con người thế hệ mới.
Nhà giáo Tô Thị Bích Liên – Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội
Thực tế cho thấy, cơ chế thị trường khiến cho nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm đến các con em mình, bố mẹ “khoán” việc học hành của trẻ cho nhà trường, thầy cô. Ở đâu đó vẫn còn các tổ chức xã hội không đồng hành với công tác giáo dục. Điều đó khiến giáo dục khó khăn hơn để đạt hiệu quả, mục tiêu mong muốn còn bản thân HS chịu nhiều thiệt thòi.
Khi gia đình và xã hội cùng chung tay với nhà trường thì nhà trường sẽ có được nhiều điều kiện quan trọng cần thiết cho công tác giáo dục. Học sinh không chỉ được học mà còn được giao lưu tìm hiểu thông qua các tổ chức xã hội. Trong gia đình khi các em được yêu thương, quan tâm sẽ chủ động hơn trong ý thức học tập và có sự phát triển toàn diện.
Cô Liên cũng cho rằng, muốn xây dựng trường học hạnh phúc một cách “thực chất”, đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường phải tạo được một môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, có tinh thần cởi mở bình đẳng. Ở ngôi trường đó, BGH, GV cần xem trọng người học; tôn trọng quyền được học tập của HS, chú trọng giáo dục kĩ năng sống, giáo dục cho HS biết rèn luyện thân thể, tự bảo vệ sức khỏe, biết lắng nghe và chia sẻ. Người quản lý dù không trực tiếp lên lớp hàng ngày song cũng cần phải hỗ trợ người học và tạo thách thức để người học rèn luyện và nỗ lực vượt qua…
Đội ngũ GV – những người trực tiếp hàng ngày lên lớp phải trở thành người bạn đồng hành với HS, luôn sáng tạo trong các bài dạy, tạo điều kiện để HS tham gia học tập hứng thú, chủ động tìm hiểu kiến thức dưới sự dìu dắt của thầy cô…
Đức Trí
Theo giaoducthoidai
Trao cơ hội để giáo viên thay đổi và sẵn sàng thay đổi
TS Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - cho rằng: Trường học hạnh phúc là nơi học sinh, giáo viên muốn đến, thích đến, muốn cống hiến, được sáng tạo...
Tạo nên những trường học hạnh phúc không phải quá khó nhưng đòi hỏi từ cán bộ quản lý và giáo viên phải thay đổi, được trao cơ hội để thay đổi và sẵn sàng thay đổi.
Ảnh minh họa/ INT
Những giá trị cốt lõi
- Trường học hạnh phúc là mỗi học sinh đến trường phải hạnh phúc. Mỗi nhà trường, thầy cô giáo cần làm gì để mỗi ngày đến trường của học sinh thực sự là mỗi ngày vui, thưa ông?
- Học sinh được yêu thương và biết cách yêu thương đúng nghĩa; được an toàn và biết cách tạo sự an toàn cho người khác; hiểu và hiểu được người khác; được tôn trọng sự khác biệt và biết tôn trọng sự khác biệt của người khác; được ghi nhận giá trị bản thân và thấu hiệu được giá trị của những người xung quanh... đó là những việc mỗi thầy cô giáo nên làm và hướng dẫn học sinh cách làm.
Ngoài ra, không gian học tập sạch sẽ, thoáng mát, lớp học với những tiết học có nội dung gần gũi hấp dẫn; thầy cô với những mối quan tâm, chia sẻ, với các phương pháp dạy học lôi cuốn, vui vẻ; mối quan hệ bạn bè thân thiết, đoàn kết; lớp học với những hoạt động tập thể ấm áp, thân thiện... là những điều kiện để học sinh gắn bó, muốn đến trường, đến lớp. Chỉ có như thế thì trường học mới là cuộc sống - cuộc sống hạnh phúc của mỗi em học sinh.
- Cần làm gì để việc xây dựng trường học hạnh phúc thực sự đi vào cuộc sống giáo dục, không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào?
TS Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam
- Một xã hội tiến bộ và phát triển bền vững thì những cá nhân trong đó phải là những con người: Đồng cảm, khoan dung, có mối quan hệ tích cực, sáng tạo; những con người có khả năng, kỹ năng và sẵn sàng hợp tác; những con người biết "chung sống chung" một cách tốt đẹp... Đó là những giá trị chỉ có thể tạo dựng được ở những "trường học hạnh phúc".
Hiểu đơn giản: Trường học hạnh phúc là nơi học sinh, giáo viên muốn đến, thích đến, muốn cống hiến, được sáng tạo... Tạo nên những trường học hạnh phúc không phải quá khó nhưng đỏi hỏi cán bộ quản lý và giáo viên phải thay đổi, được trao cơ hội để thay đổi và sẵn sàng thay đổi.
Tôi cũng muốn nhắc lại câu nói của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong lễ phát động xây dựng trường học hạnh phúc: "Thay bằng nguyền rủa bóng đêm thì hãy cùng nhau thắp lên một que diêm".
Ảnh minh họa/ INT
Hỗ trợ một số trường khi triển khai
- Ngành Giáo dục đã có nhiều chương trình, hoạt động nhằm hướng đến một môi trường giáo dục hạnh phúc, vậy điểm khác biệt trong phát động xây dựng "trường học hạnh phúc" của Công đoàn Giáo dục Việt Nam là gì?
- Thời gian qua, các trường học đã và đang triển khai trường học thân thiện và một số mô hình khác nhằm xây dựng môi trường học tập an toàn, văn minh và tiến bộ. Công đoàn Giáo dục Việt Nam, với chức năng tham gia quản lý giáo dục và chăm lo, bảo vệ, chia sẻ khó khăn cho đội ngũ nhà giáo, người lao động trong ngành... Vì thế, việc hỗ trợ nhà giáo trong các nhà trường có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng và môi trường làm việc tiến bộ, hiệu quả là phương châm hành động của các cấp công đoàn trong ngành Giáo dục.
Điểm khác biệt là chúng tôi sẽ tác động trực tiếp tới giáo viên - thành tố quyết định sự thành công hay thất bại trong mỗi nhà trường để họ hiểu rõ trách nhiệm của mình; giúp họ có cách làm bằng các hướng dẫn cụ thể; chia sẻ, lan tỏa rộng rãi và khen thưởng kịp thời mỗi cá nhân, nhà trường khi họ tâm huyết và thực hiện thành công.
Ngoài ra, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng thay đổi cách truyền thông tới giáo viên bằng cách mời truyền thông cùng tham gia vào quá trình hướng dẫn chứ không chỉ thuần túy đưa tin. Cụ thể, chúng tôi phối hợp với VTV7 thực hiện các gala: "Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc" và tới đây là seri truyền hình thực tế: "Hiệu trưởng thay đổi vì trường học hạnh phúc". Đặc biệt, chúng tôi cũng phối hợp VTV7 tổ chức cuộc thi: "Thầy cô trong mắt em" nhằm tạo cơ hội cho giáo viên thể hiện sự sáng tạo, lòng yêu nghề và ý thức nghề nghiệp trong các công việc thường ngày ở trường, ở lớp.
Với đặc thù của công đoàn, chúng tôi cũng nhận được sự hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ để triển khai trường học hạnh phúc một cách hiệu quả. Vừa qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Quỹ Hỗ trợ giáo dục phổ thông Việt Nam - theo đó: Quỹ sẽ hỗ trợ một số nhà trường khi bắt tay vào triển khai trường học hạnh phúc từ năm học 2019 - 2020.
- Xin cảm ơn ông!
Hiếu Nguyễn (Thực hiện)
Theo giaoducthoidai
Trường Mầm non Sơn Thủy, nơi vườn hoa chim hót Về thăm Sơn Thủy, một xã nông thôn mới của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi cảm nhận được "một làng quê đáng sống" là như thế nào. Giữa mùa đông, gió bấc, thế nhưng cảnh quan nơi đây vẫn tươi vui với màu xanh của cây lá. Đi qua Trường Mầm non Sơn Thủy "... ngỡ bầy chim đang hót,...