Cần bổ sung quy định về quyền tự chủ
Góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), TS Nguyễn Vinh Hiển – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – đề nghị cần bổ sung quy định về quyền tự chủ của nhà trường, giáo viên trong giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non.
Ảnh minh họa
Phát huy chủ động, sáng tạo
Trường tự chủ không đồng nghĩa với trường phải tự lo hết mọi việc mà có thể và cần phải được áp dụng ở nhiều mức độ nội dung khác nhau. Điều này đúng với cả giáo dục đại học và giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non; trong đó giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non có quyền tự chủ hạn chế hơn nhiều so với giáo dục đại học.
Chia sẻ điều này, TS Nguyễn Vinh Hiển dẫn Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT: “Bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng”.
Năm 2014, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố kết quả nghiên cứu về chất lượng giáo dục phổ thông trên thế giới đưa ra nhận xét: “Hệ thống trường học được trao nhiều quyền tự chủ hơn để xác định và biên soạn ra chương trình giảng dạy và cách đánh giá thì có xu hướng chất lượng tốt hơn so với hệ thống trường học không được trao quyền tự chủ như vậy”.
Để phát huy tính chủ động, sáng tạo và hoạt động phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng trường, TS Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Cần phải giao quyền tự chủ cho nhà trường, cho giáo viên. Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT chỉ đạo nhiều việc liên quan đến phát huy quyền tự chủ của nhà trường, giáo viên. Nhiều trường đã thực hiện tốt và nâng cao chất lượng giáo dục một cách rõ rệt, nhưng nhìn chung, cả hệ thống vẫn đang quản lý một cách bị động, chưa phát huy tốt cơ hội tự chủ; tác dụng lan tỏa của các điển hình tiên tiến còn chậm. Một trong những lí do quan trọng của tình trạng này là cơ chế quản lý giáo dục vẫn nặng về quan liêu, bao cấp.
Tự chủ về nguồn lực và hoạt động giáo dục
Video đang HOT
Đối với các trường phổ thông, mầm non công lập, thực tế đã chỉ ra, nhà trường có thể tự chủ cả về các nguồn lực và hoạt động giáo dục. Điều này cần được thể chế hoá trong Luật Giáo dục, đồng thời với quy định về thực hiện dân chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục.
Nhấn mạnh điều này, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT TS Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Khi nhà trường được giao kinh phí hàng năm theo định mức quy định chung và cùng với kinh phí xã hội hoá hợp pháp, nhà trường được chủ động chi tiêu theo kế hoạch hoạt động; Hiệu trưởng được chủ động sử dụng nhân lực (tiếp nhận, phân công, đánh giá, đãi ngộ…) dựa trên chế độ chính sách do Nhà nước quy định và chất lượng, hiệu quả công việc của viên chức thì trách nhiệm của hiệu trưởng và giáo viên đều được nâng cao, chất lượng công việc được cải thiện.
Nhà trường có thể chủ động sử dụng kinh phí để mời giáo viên, kỹ sư, nghệ nhân… đến thỉnh giảng hoặc hỗ trợ tổ chức, hướng dẫn các hoạt động của học sinh. Điều này cần cho các môn học còn thiếu giáo viên và rất cần thiết cho các hoạt động cần sự linh hoạt trong chương trình giáo dục nhà trường như: hướng nghiệp, an toàn giao thông, kỹ năng sống… và các hoạt động trải nghiệm khác.
TS Nguyễn Vinh Hiển – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Với quyền tự chủ về hoạt động giáo dục, trên cơ sở chương trình do Bộ quy định với mục tiêu tối thiểu cho cả nước, nhà trường có quyền chủ động xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục nhà trường về tất cả các thành tố cơ bản (mục tiêu, nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp, kiểm tra đánh giá kết quả) và hoạt động quản lý thực hiện chương trình theo định hướng phát triển tốt nhất năng lực học sinh, phù hợp nhất với điều kiện cụ thể.
Ở các trường miền núi, vùng dân tộc thiểu số, nhất là các trường tiểu học, quyền tự chủ sẽ tạo điều kiện cho nhà trường tăng cường và linh hoạt tổ chức các hoạt động nhằm khắc phục những khó khăn của học sinh trong học tập, nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt, Toán học… hay các hoạt động nhằm phát huy, bảo tồn các giá trị văn hoá, lịch sử của địa phương.
Đối với giáo viên, hiện nay nhiều nơi cán bộ quản lý cấp sở, cấp phòng, cấp trường vẫn còn cầm tay chỉ việc về phương pháp và kỹ thuật dạy học, nhiều khi rất vô lý mà giáo viên vẫn phải theo, trong khi đó là những yếu tố rất cần sự sáng tạo, linh hoạt của người dạy.
“Với những lý do nêu trên, cần bổ sung quy định về quyền tự chủ của nhà trường, giáo viên trong giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non” – TS Nguyễn Vinh Hiển đề nghị.
Khi giao lưu, hợp tác quốc tế được mở rộng và năng lực sử dụng tiếng Anh của giáo viên và học sinh ngày càng tốt hơn, với quyền tự chủ, nhiều trường phổ thông của Việt Nam đã chủ động kết nối với các trường phổ thông nước ngoài để trao đổi, giao lưu giáo viên và học sinh về nhiều lĩnh vực khác nhau như hội thảo, thỉnh giảng, tham quan, chọn cử học sinh tham dự các cuộc thi, các cuộc liên hoan quốc tế…
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai
Nhất trí quan điểm bổ sung đối tượng cử tuyển đối với học sinh các dân tộc thiểu số rất ít người
Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Thường trực ủy ban (TTUB) nhất trí với nhiều nội dung Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến của nhân dân góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó có chính sách nâng chuẩn đào tạo giáo viên mầm non, chính sách cử tuyển và về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.
Ảnh minh họa/internet
Về chính sách nâng chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non. TTUB cơ bản nhất trí với Chính phủ trong việc tiếp thu ý kiến Nhân dân về yêu cầu nâng chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non lên trình độ cao đẳng vi đây la lưa tuôi rât quan trong trong qua trinh phat triên cua tre em va với ý nghĩa đây là một trong những giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, TTUB cho rằng, Giáo dục Mầm non có tính đặc thù cao, chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non không chỉ được quyết định bởi trình độ đào tạo, mà còn cần kỹ năng sư phạm, kinh nghiệm và nhiều phẩm chất khác của nhà giáo.
Mặt khác, đây là chính sách tác động tới đông đảo các nhà giáo và các cơ sở giáo dục mầm non; vì vậy, cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chuẩn đào tạo của nhà giáo, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi.
TTUB đề nghị cần quy định theo hướng mở để tạo sự linh hoạt khi triển khai thực hiện đối với các vị trí việc làm trong các cơ sở mầm non, các nhóm trẻ. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc và lộ trình để việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên mầm non theo trình độ đào tạo được thực hiện một cách hợp lý, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục; bảo đảm chất lượng đào tạo và yêu cầu nghề nghiệp, tránh hình thức, chú trọng văn bằng hơn năng lực làm việc.
Ảnh minh họa
Về chính sách cử tuyển. TTUB cơ bản nhất trí với quan điểm của Nhân dân và sự tiếp thu của Chính phủ về việc bổ sung đối tượng cử tuyển đối với học sinh các dân tộc thiểu số rất ít người; học sinh dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; điều chỉnh từ phân công sang ưu tiên tuyển dụng để phù hợp với quy định của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức và nhấn mạnh việc bảo đảm chất lượng đầu ra sau đào tạo, để chính sách được thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của từng địa bàn, địa phương.
Tuy nhiên, Chính phủ cần có những quy định chặt chẽ, phân công phân cấp rõ trách nhiệm để chính sách cử tuyển được triển khai thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả.
Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. TTUB tán thành với Chính phủ về việc tiếp thu ý kiến Nhân dân, bổ sung các quy định liên quan đến chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết 88/2014/NQ13 của Quốc hội.
Tuy nhiên, TTUB cho rằng cần nghiên cứu, tiếp thu thêm một số ý kiến của Nhân dân và cụ thể hóa thành các quy định trong dự thảo Luật về sách giáo khoa điện tử, vấn đề xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa để thuận lợi cho người học trong việc sử dụng sách giáo khoa, tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, TTUB đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến nhân dân về đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục.
Minh Phong
Theo giaoducthoidai
Cấp thiết cải thiện chế độ tiền lương cho nhà giáo Bàn về chính sách lương và chế độ đãi ngộ cho nhà giáo không phải là câu chuyện mới, nhưng chưa bao giờ hết "nóng". Chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo là hoàn toàn chính đáng với vai trò của một nghề đặc thù trong xã hội Nhiều ý kiến khác nhau đã được nêu ra xung quanh đề...