Cách nhận biết tôm khô bị tẩm hóa chất độc hại
Thông qua màu sắc, mùi vị… có thể giúp bà nội trợ phân biệt được tôm khô tự nhiên và tôm khô tẩm hóa chất.
So với tôm tươi, tôm khô có thể sử dụng lâu dài, tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho bà nội trợ. Song vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất đã tẩm ướp hóa chất như formol và phẩm màu nhằm kéo dài thời hạn sử dụng và tăng hương vị, màu sắc… cho tôm khô.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, tôm khô nếu được tẩm ướp hóa chất, formol giúp tạo màu sắc, tăng độ dai và bảo quản được lâu dài song chúng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
“Khi ăn phải loại tôm này có thể gây rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng…” – ông nhấn mạnh.
Các tài liệu y tế cũng chỉ ra formol có thể gây bệnh viêm da dị ứng, nổi mề đay, rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày. Thai phụ dùng thực phẩm nhiễm formol sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, hấp thụ lượng lớn còn làm thai nhi bị dị dạng.
Để tránh gặp phải những nguy hại trên, khi mua tôm khô, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh đã chỉ ra các đặc điểm giúp người tiêu dùng có thể phân biệt tôm khô tự nhiên và tôm khô tẩm hóa chất. Cụ thể:
Về màu sắc: Tôm khô tẩm ướp hóa chất thường màu sắc sặc sỡ, kém tự nhiên, trong khi tôm sạch màu hồng tự nhiên, khi giã thịt bung ra từng mảng, phần bụng tôm có màu hơi trắng ngà, phần sống lưng vẫn còn ruột tôm màu đen.
Video đang HOT
Tôm tẩm hóa chất sau khi ngâm nước một lúc sẽ bị phai màu ra bát nước. Ảnh minh họa: Internet
Cũng theo chuyên gia này, tôm khô thật và tôm khô không đảm bảo còn nhận biết thông qua việc ngâm trong nước. Tôm tẩm hóa chất sau khi ngâm nước một lúc sẽ bị phai màu ra bát nước, trong khi đó tôm khô thật sẽ nở ra nhưng nước vẫn giữ màu trong. Hoặc khi cho tôm vào cối giã, nếu tôm làm từ nhựa hay cao su thì hình dạng không thay đổi, với tôm thật thịt sẽ bung từng mảng.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh đưa ra lời khuyên: “Người tiêu dùng chỉ nên mua tôm khô ở những nơi uy tín, có nhãn mác và hạn sử dụng rõ ràng. Hoặc tự chế biến tôm khô ở nhà để chế biến đồ ăn”. Vị chuyên gia cũng cảnh báo tôm khô là mặt hàng dễ bị nấm mốc, đặc biệt là thời tiết nồm ẩm, việc bảo quản không tốt sẽ khiến cho tôm bị biến chất gây nấm mốc, làm tăng nguy cơ ngộ độc khi ăn.
HẠ QUYÊN
Theo PLO
Cẩn trọng khi mua thủy hải sản khô
Một số cơ sở chế biến, doanh nghiệp sử dụng phụ gia như phẩm màu, chất bảo quản không có trong danh mục được phép hoặc vượt quá giới hạn cho phép để bảo quản thủy hải sản khô.
Thuỷ sản khô (cá khô, mực khô, tôm khô...) là loại thực phẩm được sử dụng phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên nếu quá trình sơ chế, chế biến, bảo quản không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng phụ gia không theo quy định, sản phẩm có nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng.
Nguy cơ về an toàn thực phẩm
Gần đây, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khuyến cáo vì lợi nhuận một số cơ sở chế biến, doanh nghiệp đã sử dụng các chất phụ gia như phẩm màu, chất bảo quản không có trong danh mục được phép hoặc vượt quá giới hạn cho phép.
Điều này có thể gây hại cho người tiêu dùng như suy gan, thận và hệ thống tiêu hóa, thậm chí gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, nội tiết và nặng hơn là gây ra ung thư.
Trên thực tế trong nhiều năm trở lại đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh sử dụng phẩm màu, các chất bảo quản độc hại như natri borat (hàn the) hay trichlofon... để đuổi ruồi, muỗi cũng như kéo dài thời hạn của thực phẩm khô.
Chia sẻ với PLO, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết natri borat hay trichlorfon đều là hai chất không được phép sử dụng trong thực phẩm, ngay cả trong nuôi trồng thủy sản, cũng không được phép dùng vì tính độc hại của nó. Theo PGS Thịnh, một số cơ sở sử dụng natri borat để kéo dài hạn sử dụng cho sản phẩm khô, còn trichlorfon thì dùng tránh ruồi, muỗi bu vào.
"Hai chất này cực kỳ độc hại cho con người, có thể gây tử vong. Do đó cần cẩn trọng trong việc mua và sử dụng thực phẩm khô" - PGS Thịnh cho hay.
Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sử dụng hóa chất, phẩm màu để thủy sản khô kéo dài thời hạn sử dụng cũng như tránh ruồi muỗi, côn trùng... Ảnh: Nguyên Hà
Vị chuyên gia cho hay, con người ăn phải thực phẩm sử dụng hàn the sẽ tích lũy trong cơ thể, tùy liều lượng có thể gây nên những triệu chứng cấp tính và mạn tính. Lúc này hàn the đi vào cơ thể, ngấm vào tế bào máu và não, làm các tế bào thần kinh hoạt động không bình thường, dẫn tới tình trạng đần độn.
Thêm vào đó, hàn the còn gây hại cho gan, thận gây rối loạn chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc. Tuy nhiên, những thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày nếu có hàn the thì lượng độc tố cũng không đủ cao để khiến chúng ta bị ngộ độc cấp tính hay tử vong ngay mà sẽ tích tụ dần dần, khó phát hiện.
Đối với trichlorfon, trên thực tế được dùng để trừ nhiều loại sâu miệng nhai và chích hút cây trồng và nông sản, trừ côn trùng y tế và ký sinh trùng hại vật nuôi. Loại hóa chất này có độc tính thuộc nhóm độc II, có khả năng gây hại đến sức khỏe con người khi bị hấp thụ vào cơ thể, dẫn đến các triệu chứng xuất huyết, tức ngực, khó thở do co thắt ống phế quản. Trường hợp bị nặng có thể bị bất tỉnh, rối loạn thần kinh, nhịp tim bất thường hay có thể dẫn đến tử vong.
"Hai chất này cực kỳ độc hại cho con người, có thể gây tử vong. Do đó cần cẩn trọng trong việc mua và sử dụng thực phẩm khô" - PGS Thịnh cho hay.
Ngoài sử dụng hóa chất, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản nhận định thủy sản khô cũng có khả năng bị lây nhiễm các vi khuẩn có hại như E.coli, Salmonella. Những vi khuẩn này dễ dàng xâm nhập vào thực phẩm nếu như cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ quá trình khai thác, thu gom, sơ chế, chế biến (từ công nhân, trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm). Những loại vi khuẩn này khi đi vào cơ thể con người sẽ gây ra tiêu chảy, thương hàn.
Chọn sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng rõ ràng
Để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thủy sản khô, Cục khuyến cáo các sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản khô phải tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình khai thác, sơ chế, chế biến, bảo quản thuỷ sản khô nhằm ngăn ngừa lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh.
Các cơ sở kinh doanh tuyệt đối không sử dụng những chất phụ gia ngoài danh mục cho phép và tuân thủ liều lượng quy định của Bộ Y tế. Sản phẩm khi thành phẩm cần đóng gói kỹ lưỡng, vật liệu bao gói phải an toàn cho sức khỏe. Bảo quản hợp vệ sinh và nhiệt độ phù hợp với yêu cầu từng loại sản phẩm.
Đối với người tiêu dùng, khi mua hàng hóa, tuyệt đối không mua sản phẩm bị mốc, sản phẩm có màu sắc lạ. Cục cũng khuyến cáo người dân chỉ nên chọn mua ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm được in ấn ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Vè vấn đề này, PGS Thịnh bày tỏ trên thực tế rất khó nhận biết đâu là thực phẩm khô an toàn và thực phẩm khô sử dụng các chất cấm để bảo quản hoặc chống ruồi, muỗi.
"Cách tốt nhất để bảo vệ người tiêu dùng là cơ quan chức năng phải tăng cường rà soát và lấy mẫu kiểm tra các cơ sở buôn bán hoặc tiểu thương ở chợ. Khi phát hiện cần công bố rộng rãi để người tiêu dùng tránh mua phải, đồng thời xử phạt theo đúng quy định pháp luật như xử phạt hành chính và tiêu hủy số sản phẩm vi phạm".
NGUYÊN HÀ
Theo PLO
Bài thuốc trị viêm đại tràng Khi bị viêm đại tràng, người bệnh thường có các triệu chứng như đau bụng, thường ở bên trái và hai hố chậu, đau quặn từng cơn hoặc đau âm ỉ, đi ngoài được thì đỡ đau; đại tiện lỏng nhiều lần trong ngày, hay mót rặn, phân có thể có nhày mũi hoặc máu, cũng có khi táo bón kèm nhày mũi...