Cách nấu lẩu hải sản ngon xuýt xoa
Buổi họp gia đình vào cuối tuần lại sắp đến nhưng bạn lại chưa biết nên nấu món ăn nào để cả gia đình cùng thưởng thức.
Các món ăn bình thường dễ thực hiện lại đã quá nhàm chán, thay vào đó bạn tính làm một nồi lẩu nhưng lại chưa biết cách thực hiện ra sao. Hãy cùng vào bếp với chúng tôi để biết cách nấu lẩu hải sản siêu ngon nhưng lại không khó để thực hiện tại nhà đâu nhé!
1. Nguyên liệu nấu lẩu hải sản
Để có một nồi lẩu hải sản thơm ngon, các bạn cần chuẩn bị một số nguyên liệu sau: tôm sú, mực, nghêu, thịt bò, cá điêu hồng, xương ống, sả, cà chua… và một số loại rau ăn kèm như: bắp cải, cải thảo, nấm kim châm, nấm hương, rau muống bào sợi…Ngoài ra các gia vị cần thiết như: nước mắm, chanh, muối, hạt nêm, đường, ớt tươi, ớt bột, sa tế, tỏi băm nhuyễn
2. Cách nấu lẩu hải sản
Bước 1: Hầm xương để làm nước dùng lẩu
Nước dùng luôn là linh hồn của hầu hết các món nước. Vì vậy, để có một món lẩu ngon thì công đoạn cầu kỳ nhất vẫn là hầm xương để lấy nước dùng ngọt và đậm vị.
Trước tiên, xương mua về thì sẽ rửa thật sạch qua với chút muối để hết các cặn bẩn của thịt bám dính trên xương.
Nhắc một nồi nước nấu cho sôi thì cho xương vào nồi. Đợi tới khi nồi nước sôi lại thì tắt bếp và đổ phần nước này đi. Cách làm này tuy có hơi cầu kỳ nhưng sẽ giúp cho nước dùng được trong hơn và không bị tanh.
Cách nấu lẩu hải sản – Hầm xương
Cho nước lạnh vào nồi, lượng nước chỉ cần cách mặt xương 1 ngón tay. Cho thêm vào nồi hầm 1-2 củ hành tím đập dập. Ninh trên bếp với lửa vừa trong khoảng 1-2 tiếng để lấy nước dùng.
Trong quá trình này, bạn cần thường xuyên hớt bọt để nước dùng được trong nhé!
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu
Tôm: Bạn cắt bớt râu rồi đem rửa sạch với chút muối để khử bớt mùi tanh.
Mực: Loại bỏ phần mắt, túi mực, xương mềm và da mực rồi đem rửa sạch với nước. Sau đó, cắt mực thành từng khoanh vừa ăn.
Nghêu: nghêu mua về ngâm với nước có bỏ sẵn 1-2 trái ớt đập dập trong vòng 30 – 60 phút để nghêu nhả hết chất bẩn. Sau đó, đem rửa lại thật kỹ với nước để loại bỏ hết cát từ vỏ nghêu và các chất bẩn khác.
Cách nấu lẩu hải sản – Sơ chế các loại hải sản
Cá diêu hồng làm sạch và rửa với chút chanh để loại bỏ mùi tanh.
Thịt bò cũng rửa sạch và thái lát mỏng vừa ăn (thịt bò cần thái đúng sớ để khi ăn thịt không bị dai)
Sả cây thì rửa sạch, 2 cây đem đập dập. Số sả còn lại thì đem băm nhuyễn.
Cà chua rửa sạch rồi cắt làm 4.
Cách nấu lẩu hải sản – Sơ chế sả và cà chua
Các loại rau ăn kèm thì nhặt sạch lá sâu, ngâm với nước muối và rửa sạch với nước rồi cắt thành khúc vừa ăn.
Bước 3: Làm nước lẩu
Phần nước xương đã ninh đủ thời gian thì cho phần sả cây đã đập dập vào và mở lửa nhỏ để cho nước sôi trở lại.
Nhắc chảo lên bếp và cho vào chảo 1 muỗng canh dầu ăn, dầu nóng thì cho tỏi, sate và sả băm vào xào cho thơm. Tiếp đó cho thêm 1 muỗng cà phê ớt bột vào rồi tắt bếp, đảo thật nhanh tay để các nguyên liệu hòa vào nhau.
Cách nấu lẩu hải sản – Nấu nước lẩu
Nước trong nồi vừa sôi lại thì cho phần gia vị vừa xào vào, nêm muối, hạt nêm, đường, ít nước mắm và bột ngọt vào nồi nước sao cho vừa ăn.
Bước 4: Thưởng thức lẩu
Khi thưởng thức, cho lẩu ra một nồi nhỏ và để trên bếp cồn, bếp điện hoặc nồi lẩu điện bật sẵn để giữ nước lẩu được nóng, cho ít cà chua thái múi cau vào nồi để nước dùng được ngon hơn.
Cho các nguyên liệu ăn kèm đã chuẩn bị ở trên vào nồi để thưởng thức.
Cách nấu lẩu hải sản
Video đang HOT
Để món ăn được đậm vị hơn, bạn nên chuẩn bị thêm các món nước chấm để ăn kèm với các món hải sản như nước mắm ớt, muối tiêu chanh, muối ớt xanh…. Có thể dùng kèm với bún tươi và mì.
Vậy là nồi lẩu chua cay đã hoàn tất. Hy vọng với cách nấu lẩu hải sản ở trên sẽ giúp cho các bạn có thể tự thực hiện món lẩu này tại nhà để cùng thưởng thức với các thành viên trong gia đình.
Tổng hợp các món lẩu giúp xua tan cảm giác ngán thịt ngày Tết
Những món lẩu sau đây vừa tuyệt ngon lại chống ngán tuyệt hảo đảm bảo sẽ là gợi ý tuyệt vời cho gia đình bạn!
Với thời tiết lành lạnh trong những ngày đông như thế này thì có lẽ lựa chọn làm lẩu để mời cả gia đình, anh em, bạn bè cùng thưởng thức là một ý tưởng khá hợp lý và hấp dẫn.
1. Lẩu bò nhúng mẻ
Món lẩu mẻ này luôn lôi cuốn người thưởng thức bởi vị chua chua, thơm thơm, thanh mát, dịu nhẹ của nước dùng. Chính vị chua chua ấy của loại gia vị đặc biệt này khiến người thưởng thức không cảm thấy ngán chút nào, đặc biệt phù hợp cho những ngày tết với nhiều món ăn dầu mỡ.
Nguyên liệu:
600g bắp bò
1 chén mẻ
2 trái cà chua
trái thơm
3 trái chuối xanh
3 trái dưa leo
3 trái khế xanh
Xà lách
Hành tây, hành tím, tỏi, sả cây, ớt
Bún tươi
Bánh tráng
Nước mắm, muối, đường, bột ngọt, dầu ăn, hạt nêm.
Cách nấu lẩu bò nhúng mẻ:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu.
- Bạn có thể chọn những phần thịt khác tuy nhiên để món lẩu thêm ngon bạn nên chọn bắp bò tươi ngon, không bị tái, không có mùi lạ. Bắp bò khi mua về bạn, bạn đem rửa sạch với nước muỗi loãng rồi để ráo. Tiếp theo, bạn thái bắp bò thành những khoanh tròn mỏng, rồi xếp ra đĩa riêng.
- Bạn cho 2 - 3 muỗng mẻ vào tô, cho thêm nước lọc rồi dùng muỗng khuấy đều. Sau đó, bạn dùng rây lọc mẻ và bỏ phần xác.
- Hành tây lột vỏ, rửa sạch, thái sợi mỏng, để riêng.
- Tỏi và hành tím bạn đem bóc vỏ, đập dập và băm nhỏ để riêng từng loại.
- Sả bạn đem rửa sạch, băm nhỏ.
- Ớt rửa sạch, băm nhỏ.
- Cà chua rửa sạch, cắt múi cau.
- Thơm bạn gọt sạch vỏ, bỏ mắt và băm nhỏ.
- Dưa leo gọt vỏ, rửa sạch, chẻ làm đôi theo chiều dọc rồi chẻ thành những thanh dài và mỏng để cuốn bánh tráng.
- Chuối xanh bạn đem gọt sơ lớp vỏ, cắt khoanh mỏng tròn hơi xéo rồi đem ngâm trong nước muỗi pha loãng để chuối không bị thâm đen.
- Khế bạn bỏ 2 đầu, gọt bỏ các đường gân của khế rồi rửa sạch. Sau đó, cắt khế thành những miếng mỏng vừa ăn.
- Xà lách bạn đem nhặt sạch, rửa sạch rồi ngâm với nước muối pha loãng. Tiếp theo, bạn xả lại với nước, để ráo.
Bước 2: Ướp bò
Khi thịt bò được cắt mỏng, bạn ướp chúng với ít tiêu xay, muỗng cà phê hạt nêm, muỗng cà phê bột ngọt rồi trộn đều lên.
Bước 3: Nấu lẩu
Bạn cho nồi lẩu lên bếp, cho dầu ăn vào, khi dầu nóng bạn cho hành tím, tỏi và sả băm nhỏ vào phi thơm. Khi nguyên liệu dậy mùi, bạn cho cà chua vào xào chung. Xào đến khi cà chua săn lại thì bạn cho nước mẻ và nước lọc vào nấu sôi.
Bước 4: Nêm nếm
Khi nước sôi lên, bạn nêm nếm nước lẩu cùng với 2 muỗng hạt nêm, 2 muỗng đường, 1 muỗng bột ngọt cho có vị chua chua, ngọt nhẹ vừa ăn. Tiếp theo, bạn cho hành tây vào rồi tắt bếp.
Bước 5: Làm mắm nêm
Bạn cho chảo lên bếp, cho dầu ăn cùng tỏi, hành tím băm vào phi thơm. Khi dậy mùi bạn cho thơm băm nhỏ vào xào vừa chín tới. Tiếp đến, bạn cho nước lọc vào cùng với 3 muỗng mắm nêm và ít ớt băm vào. Khuấy đều tay đến khi mắm nêm sôi lên, thì bạn nêm thêm 2 muỗng đường, chút bột ngọt cho vừa ăn. Khuấy tan gia vị thì tắt bếp.
2. Lẩu gà lá giang
Nguyên liệu:
- 1-1,2kg thịt gà
- Lá giang: 1 bó
- Bún: 1kg
- Các loại rau nhúng lẩu ăn kèm: Tùy từng sở thích bạn có thể chọn rau muống, hoa chuối, giá đỗ...
- Gừng 1 củ
- Hành khô, tỏi: Mỗi loại 1 củ
- Ớt sừng: 1 trái
- Gia vị cần thiết: Nước mắm, bột nêm, đường, dầu ăn, hạt tiêu, muối
Cách nấu lẩu gà lá giang:
Bước 1: Sơ chế và ướp thịt gà
Gà mua về làm sạch rồi chà xung quanh, bên ngoài gà bằng gừng và muối để loại bỏ mùi hôi. Sau đó rửa sạch và để ráo.
Chặt gà thành những miếng vừa ăn rồi thêm chút gia vị bao gồm: bột nêm, chút đường, hạt tiêu vào ướp. Thời gian ướp khoảng 20 phút để gà ngấm gia vị, khi làm lẩu gà lá giang sẽ đậm đà, thơm ngon hơn.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu
- Cạo vỏ gừng, rửa sạch rồi đập dập.
- Tỏi và hành khô lột vỏ, rửa sạch, đập dập rồi băm nhỏ.
- Rửa sạch ớt, bỏ cuống, thái lát.
- Đối với lá giang đem nhặt bỏ những cành lá già, giập úa. Tiếp đến ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 10 phút rồi rửa sạch, vò sơ rồi để ráo.
- Nhặt, rửa sạch lá giang
- Đối với những loại rau ăn kèm đem nhặt, ngâm nước muối pha loãng chừng 15-20 phút cho sạch bụi bẩn. Sau đó rửa lại cho sạch rồi vớt ra để ráo.
Bước 3: Xào thịt gà
- Đun nóng chảo dầu trên bếp thì trút phần phần tỏi vào phi thơm vàng lên thì cho ra đĩa.
- Vẫn chiếc chảo đó thêm chút dầu vào đun nóng thì cho hành khô và chỗ tỏi băm nhỏ còn lại vào phi thơm. Tiếp đến trút thịt gà vào xào cho săn thì tắt bếp.
Bước 4: Làm lẩu gà lá giang
- Bắc nồi nước lên bếp đun cho sôi thì cho thịt gà đã xào vào nấu chín. Cho ớt rồi nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.
- Khi thấy thịt gà đã chín thì cho chỗ lá giang vào đảo đều và tiếp tục đun sôi trở lại thì tắt bếp.
- Cho lá giang vào nồi lẩu gà
- Đổ nồi nước gà lá giang vào nồi lẩu. Lúc này bạn có thể thêm phần dầu tỏi phi thơm ở trên cùng chút nước mắm vào nêm nếm lại cho vừa ăn.
Bước 5: Hoàn thành và thưởng thức
- Xếp các loại rau ăn kèm và chỗ lá giang ra đĩa. Bún cắt thành những khúc vừa ăn rồi bày ra đĩa.
- Đặt nồi lẩu ở giữa và bắt đầu thưởng thức cùng các loại rau, bún ăn kèm.
- Hoàn thành và thưởng thức lẩu gà lá giang.
3. Lẩu hải sản
Nguyên liệu:
- 500gr tôm tươi
- 500gr mực tươi
- 1 bát con ngao (nghêu)
- 1/3 quả dứa
- 2 quả cà chua (thêm nhiều cà chua nếu bạn thích nước lẩu có màu đỏ đẹp)
- 1 bó nấm kim châm
- 1 thìa bột me (nếu có me tươi thì càng tốt)
- 2 cái xương ức gà
- 500gr cá phi lê
- 1 ít giò cá viên
- Vài miếng đậu phụ non
- Vài bó miến hoặc mì tôm tùy thích
- Rau cải chíp và các loại rau tùy theo sở thích
- Gia vị gồm: hành khô, tỏi, hạt nêm, mắm đường, muối, tiêu, gừng, hành lá.
Cách làm lẩu hải sản:
Bước 1: Xương ức gà rửa sạch rồi cho vào nồi nước hầm cho nước lẩu ngọt thanh, khi nước sôi bạn hớt bỏ bọt phía trên để nước được trong nhé (bạn có thể cho thêm ít đầu tôm vào hầm cho nước thêm ngọt).
Bước 2: Sau khoảng 1 tiếng bạn bỏ xương riêng, lọc lấy nước dùng cho vào nồi lẩu.
Bước 3: Tôm, ngao, mực sơ chế sạch, mực thái lát vừa mỏng, cá phi lê thái lát vừa mỏng.
Bước 4: Các loại rau nhặt rửa sạch, để ráo nước và xếp riêng từng loại vào đĩa. Dứa thái miếng vừa mỏng, đậu non cắt miếng vuông, miến ngâm nước cho mềm thì vớt ra.
Bước 5: Phi hành tỏi với dầu ăn cho thơm rồi cho cà chua vào xào qua. Cho nước dùng đã chuẩn bị sẵn ở trên vào cùng với chút bột me. Vặn lửa vừa và nêm gia vị cho vừa ăn rồi thả dứa vào nước lẩu đun lấy mùi thơm. Rắc chút tiêu và ít hành lá lên trên là bạn đã hoàn thành nồi nước để ăn lẩu hải sản rồi nhé.
Bước 6: Trình bày món ăn và thưởng thức:
- Cho nồi lẩu hải sản ra giữa bàn ăn, đặt trên bếp điện.
- Xếp đĩa rau, đĩa hải sản, miến và nước mắm đã chuẩn bị sẵn bày ra xung quanh bàn rồi thưởng thức.
Lưu ý: Nếu thích ăn cay bạn có thể thêm sa tế nhé! Ngoài ra, bạn có thể thêm các loại hải sản khác nếu thích.
Theo Khampha
Những món hải sản ngon tuyệt cú mèo của thành phố Đà Nẵng Đà Nẵng - thành phố được mệnh danh là nơi đáng sống nhất tại Việt Nam, không chỉ có khí hậu trong lành, những khu nghỉ dưỡng cao cấp hay danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà Đà Nẵng còn thu hút đông đảo du khách bởi những món hải sản cực ngon. Chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày nghỉ lễ...