Cách nào duy trì những ngành học khó tuyển sinh?
Mùa tuyển sinh 2020 – 2021, bên cạnh nhiều ngành “hot” thu hút thí sinh với điểm chuẩn cao ngất ngưởng, có không ít ngành học tại nhiều trường phải “ngóng” thí sinh. Ở một số trường, có ngành nhiều năm không tuyển được sinh viên nên buộc phải dừng tuyển.
Sinh viên ngành Lâm học, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM trong giờ thực hành.
Chật vật tuyển sinh, buộc dừng đào tạo
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, những ngành học như Thiết kế thời trang, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (hệ chất lượng cao, tiếng Anh), Điện tử Viễn thông hệ chất lượng cao Việt – Nhật hay ngành Môi trường chất lượng cao… có số lượng thí sinh quan tâm, đăng ký xét tuyển và nhập học rất thấp. Trước đó, trong đề án tuyển sinh 2020, trường này đã quyết định dừng tuyển sinh 2 ngành Công nghệ vật liệu dệt may và Kỹ thuật nữ công.
Tương tự, tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, bên cạnh những ngành học thuộc về thế mạnh đào tạo có điểm trúng tuyển cao chót vót như Thú y, Nông học, Công nghệ sinh học thì còn một số ngành như Lâm học, Lâm nghiệp đô thị, Quản lý tài nguyên rừng có điểm trúng tuyển bằng sàn và không nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh. Theo TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, những ngành học trên tuy không có sức hút mạnh mẽ nhưng vì nhu cầu vẫn có nên năm nào cũng có thí sinh theo học, dù chỉ tuyển được 70 – 80% chỉ tiêu.
Thực tế, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang ngày càng “thấm sâu” vào trong mọi mặt của đời sống, việc một số ngành phải dừng, tạm ngưng tuyển sinh đào tạo vì nhu cầu không còn (theo quy luật tự nhiên) khó tránh khỏi. Nhiều trường khi xây dựng cơ chế tự chủ, đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động đã dừng tuyển sinh những ngành học bị xem là lỗi thời, để xây dựng những ngành học mới phù hợp hơn, nhằm bảo đảm nguồn tài chính.
Năm học 2020 – 2021, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM dừng tuyển sinh hai ngành học là Khoa học thủy sản và Công nghệ vật liệu. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng chính thức dừng tuyển sinh 4 ngành đào tạo: Hoạt hình manga Nhật Bản, Cartoon Mỹ 3D, Thiết kế tạo dáng công nghiệp 3D, Thiết kế trang trí nội – ngoại thất, Ngôn ngữ Pháp vì khó tuyển sinh.
Thống kê của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh đào tạo năm 2019 cũng cho thấy, 5 nhóm ngành có tỉ lệ tuyển sinh và nhập học thấp nhất là Nông lâm nghiệp và Thủy sản đạt 32,6%; nhóm ngành Khoa học tự nhiên đạt 34,58%; Môi trường và bảo vệ môi trường đạt 45,28%; Dịch vụ xã hội đạt 45,71% và Khoa học sự sống đạt 50,04%.
Video đang HOT
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin & truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TPHCM cho rằng: Ngành học không tuyển được thí sinh và phải đóng cửa là điều bình thường trong bối cảnh nền kinh tế đang thay đổi và hội nhập mỗi ngày. Bởi khi nhu cầu nhân lực ngành học nào đó xã hội đã bão hòa và không cần tự khắc nó sẽ bị đào thải và thay thế bằng ngành khác phù hợp hơn.
Tháo gỡ ra sao?
Để thích ứng với bối cảnh mới và duy trì những ngành học khó tuyển, ngành học thuộc về thương hiệu của nhà trường, nhiều trường đã và đang xây dựng nhiều chính sách đi kèm nhằm hỗ trợ tối đa cho sinh viên. Trong đó, học bổng, việc làm là những chính sách “xương sống” nhằm tạo thêm sức hút cho ngành học.
Tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, sinh viên theo học các ngành như Lâm học, Lâm nghiệp đô thị được hỗ trợ bằng chính sách “đặt hàng” đào tạo từ các doanh nghiệp, trong quá trình đào tạo nhà trường mời doanh nghiệp tới trường để tuyển dụng sinh viên.
Tiến sĩ Trần Đình Lý chia sẻ: Ngoài chính sách học bổng, khuyến học, khuyến tài, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, nhà trường đã và đang đẩy mạnh kế hoạch tuyên truyền sâu rộng đến nhiều học sinh và phụ huynh về tầm quan trọng của nguồn nhân lực trọng yếu cũng như đóng góp của khối ngành nghề trên cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, nhà trường cũng có những ưu đãi cho sinh viên ngành này khi vào trường như cam kết chất lượng đầu ra, việc làm… nhằm “trải thảm” đón sinh viên.
Thạc sĩ Phùng Quán cho biết thêm: Với ngành học khó tuyển nhiều năm nay như Địa chất, Hải Dương học, Địa chất học, trường khuyến khích sinh viên bằng việc dành 5 suất học bổng toàn phần, bán phần cho các em có điểm trên 22 điểm. Bên cạnh đó, trường cũng kết nối với doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng xây dựng chính sách tài chính hỗ trợ sinh viên ngay trong quá trình học, đồng thời cam kết vị trí việc làm sau khi ra trường nếu các em đáp ứng tiêu chí học tập theo yêu cầu cuối khóa học.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, một số ngành nhu cầu nhân lực vẫn rất cần nhưng lại không có người học. Điều đó buộc các trường phải tìm mọi cách để tuyển dù sĩ số học sinh không đủ để duy trì lớp. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng và triển khai mô hình đại học chia sẻ là hết sức thiết thực nhằm bảo đảm việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường của các trường đại học. Ngành học đó có thể không “hot”, không thu hút sự thích thú của sinh viên nhưng nó vẫn rất cần cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, các trường với thế mạnh đào tạo không thể bỏ được.
“Mô hình đại học chia sẻ là giải pháp tháo gỡ cho vấn đề này khi nó cho phép các trường gửi sinh viên (vì quá ít) cho các trường khác có cùng chương trình, ngưỡng bảo đảm đầu vào để tạo điều kiện cho sinh viên học tập, tiết giảm chi phí cho đơn vị. Sinh viên có thể theo học lý thuyết bằng hình thức online, tiết kiệm thời gian và bối cảnh học tập, khi thực tập chuyên ngành chỉ việc đến trường có liên kết chia sẻ thực tập. Mô hình đại học chia sẻ không chỉ mang lại cái lợi cho người học, đội ngũ giảng viên các trường đại học địa phương, đại học tốp dưới, quan trọng hơn nó mang lại sự chủ động cho người học và giữ ngành đào tạo của các trường” – PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.
3 ngành khó tuyển nhất của trường là: Địa chất học, Hải dương học và Kỹ thuật địa chất. Khó tuyển nhưng không có nghĩa là không có học sinh bởi nếu chỉ cần hạ điểm chuẩn, trường sẽ tuyển đủ. Tuy nhiên, quan điểm của nhà trường là chất lượng, các ngành trên có thể không tuyển đủ chỉ tiêu nhưng trường vẫn sẽ duy trì bởi thực tế nhu cầu của thị trường vẫn rất lớn. – Thạc sĩ Phùng Quán
Đừng vì đậu đại học mà bỏ quên đam mê!
Thí sinh nên cân nhắc kỹ mong muốn của bản thân, đừng vì "vé" đậu ĐH mà chấp nhận học những ngành mình không đam mê để rồi khi vào học lại bỏ ngang, hay khi ra trường không hứng thú với công việc
Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" - năm 2020, chiều 6-10, Báo Người Lao Động tổ chức buổi tư vấn tuyển sinh với chủ đề "Làm gì sau khi biết điểm chuẩn?". Các chuyên gia cùng nhìn lại mức điểm chuẩn mà các trường ĐH vừa công bố, tư vấn thủ tục đăng ký nguyện vọng (NV) bổ sung, thủ tục nhập học và chia sẻ với các thí sinh về con đường tới thành công mà không nhất thiết phải học ĐH...
Điểm chuẩn tăng cao: Không bất ngờ!
Từ chiều 4 và 5-10, các trường ĐH, học viện công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Bức tranh điểm chuẩn năm nay tăng "nóng" ở khối ngành kinh tế, y dược, công nghệ thông tin. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng điểm chuẩn năm nay đã được dự báo sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm các môn, phổ điểm các tổ hợp môn.
ThS Nguyễn Bá Anh, Phó trưởng Phòng Truyền thông - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết điểm chuẩn khối ngành sức khỏe luôn cao, ở những trường tốp đầu, điểm chuẩn càng cao nên không có gì bất ngờ về điểm chuẩn năm nay.
Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, có 5 lý do cơ bản khiến điểm chuẩn nhiều trường, ngành tăng. Đó là do đề thi không quá khó; những ngành "hot" được nhiều thí sinh đăng ký; chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp của các trường tốp 1 cao nên chỉ tiêu của phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều; những thí sinh có điểm ưu tiên đối tượng, khu vực cũng ảnh hưởng đến điểm chuẩn; những ngành mũi nhọn, đào tạo tiên phong, đầu tư mạnh nhưng chỉ tiêu ít và thậm chí miễn phí học phí nên rất thu hút thí sinh.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên - ĐHQG TP HCM, nhận định năm nay là 1 năm rất đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chương trình THPT được giảm tải và mục đích chính của kỳ thi là để xét tốt nghiệp nên độ khó của đề thi không bằng năm trước.
Theo TS Trương Tiến Sĩ, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, điểm chuẩn năm nay nằm trong dự báo chung của các chuyên gia trước khi thí sinh tiến hành thay đổi NV nhưng nhiều thí sinh có điểm thi cao vẫn rớt vì có phần chủ quan, đổ dồn NV vào ngành "hot", trường "hot" mà không đánh giá được mức điểm chuẩn có thể xảy ra. Các em thường tính theo kiểu lấy điểm chuẩn năm 2019 cộng thêm 1 đến 2 điểm rồi đặt NV. Cách này không sai vì bộ không giới hạn số lượng NV nhưng các thí sinh lẽ ra cần thêm những NV mang tính dự phòng để bảo đảm đậu.
Các chuyên gia trao đổi trong buổi tư vấn chiều 6-10 tại hội trường Báo Người Lao Động. Ảnh: TẤN THẠNH
Cơ hội nào trong đợt xét tuyển bổ sung?
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết xét tuyển đợt 1 có 161 trường tuyển đủ chỉ tiêu, nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 205 (chiếm 66,55% số đơn vị tuyển sinh), có 83 trường có tỉ lệ trúng tuyển dưới 50%. Điều này đồng nghĩa việc thí sinh không còn nhiều sự lựa chọn xét tuyển như đợt 1.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thí sinh vẫn có cơ hội ở những trường xét tuyển bổ sung. ThS Nguyễn Bá Anh thông tin những trường ĐH xét tuyển bổ sung thường không nhiều, ngành "hot" cũng không còn nhưng quan trọng là các em chọn ngành phù hợp với bản thân. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sau khi có kết quả nhập học sẽ công bố thông tin có tuyển bổ sung hay không. Ngay từ bây giờ, các em có thể đến trường để tìm hiểu, để được tư vấn xét tuyển. Tất cả nhóm ngành của trường đều có xét tuyển bằng học bạ.
Tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, TS Trần Đình Lý cho biết cơ hội xét tuyển bổ sung chỉ còn ở nhóm ngành lâm nghiệp. Nhưng nếu thí sinh không đậu ở cơ sở chính vẫn còn cơ hội học ở cơ sở phân hiệu của trường tại Gia Lai, Ninh Thuận vì nơi đây còn tuyển bổ sung nhiều ngành.
Lưu ý đối với thí sinh trúng tuyển
TS Lê Thị Thanh Mai khuyến cáo các thí sinh nếu trúng tuyển nên làm thủ tục nhập học đúng thời gian quy định, sau 17 giờ ngày 10-10, nếu thí sinh không đến làm thủ tục nhập học thì xem như không tham gia học. Ngoài ra, các trường ĐH sẽ được quyền chủ động tuyển sinh bổ sung, công bố kết quả vào ngày 15-10, thí sinh vẫn còn cơ hội đậu ĐH nhưng không còn nhiều trường để lựa chọn.
"Các thí sinh nên cân nhắc kỹ mong muốn của bản thân, đừng vì vé đậu ĐH mà chấp nhận học những ngành mình không đam mê để rồi khi vào học lại bỏ ngang, hay khi ra trường không hứng thú với công việc mình lựa chọn. Quan trọng nhất vẫn là đam mê và sở thích của bản thân với ngành nghề nào" - TS Thanh Mai nhấn mạnh.
Điểm chuẩn Đại học Công Nghệ Vạn Xuân chính thức năm 2020 Điểm trúng tuyển đại học hệ chính quy năm 2020 tất cả các ngành của trường Đại học Công Nghệ Vạn Xuân đã được công bố ngày 5/10. Ảnh minh họa Cụ thể như sau: