Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi là rất quan trọng, bởi trong khoảng thời gian này, cha mẹ sẽ nhận thấy sự thay đổi nhiều nhất của các bé trong giai đoạn sơ sinh đầu đời cả về thể chất lẫn não bộ.
Trẻ sơ sinh luôn cần phải được chăm sóc một cách kỹ lưỡng nhất trong những năm tháng đầu tiên để có thể thích nghi với môi trường mới cũng như có sự phát triển tối ưu nhất.
Biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)
Việc chăm sóc cho trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi có rất nhiều những vấn đề khác nhau như: vệ sinh, dinh dưỡng, giấc ngủ… Điều này đã khiến không ít mẹ bị hoang mang, không biết nên bắt đầu từ đâu và làm thế nào cho đúng.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi về giấc ngủ và dinh dưỡng
1. Cách bế ẵm trẻ đúng
Nếu lần đầu tiên làm cha mẹ, chắc chắn rất nhiều ông bố bà mẹ không biết bế trẻ như thế nào là đúng. Nhiều mẹ thường bế bé theo kiểu vác lên vai để bé ợ hơi sau khi bú. Tuy nhiên, mẹ không nên bế bé trong tư thế này quá lâu và khi bế thì phải để cả thân bé áp vào ngực, vai của người lớn càng nhiều càng tốt, phần tay phải luôn đỡ tại phần đầu và cổ. Như vậy sẽ giúp làm giảm lực lên xương sống của bé.
Bắt đầu từ tháng thứ 3 trở đi, tư thế bế có thể được thay đổi, bế vác bé lên theo phương thẳng đứng bằng cách cho bé ngồi lên một cánh tay của người lớn, tay còn lại sẽ nâng đỡ cổ, ngực và để bé áp sát hoàn toàn vào phần cơ thể của người lớn. Mặc dù vậy, cũng không nên thường xuyên bế theo tư thế này và bế quá lâu.
Lưu ý khi bế bé sơ sinh:
- Trước khi bế bé, người bế nên rửa tay thật sạch sẽ, không nên đeo bất cứ thứ gì trên người để tránh cọ vào da hoặc mặt bé, thậm chí là ảnh hưởng đến hệ thống xương non nớt của trẻ.
- Không nên cho trẻ tập ngồi quá sớm do hệ thống xương của trẻ vẫn chưa hoàn thiện, tránh những tật về hệ xương khớp.
- Cần phải luôn luôn chú ý đến phần đầu của trẻ trong khoảng thời gian từ 0-3 tháng tuổi.
Cách bế trẻ sơ sinh cũng cần phải chú ý cẩn thận. (Ảnh minh họa)
2. Dinh dưỡng cho bé và cách cho bé sơ sinh bú từ 0-6 tháng tuổi
Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng tuổi do dễ tiêu hóa, rất ít khi gây dị ứng và có chứa nhiều kháng thể để giúp bé tránh được những tác nhân gây bệnh. Sau khi sinh xong, mẹ nên cho bé bú sớm nhất để bé có thể bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì trong 2 năm đầu đời là tốt nhất.
Dạ dày lúc mới sinh của bé khá nhỏ nên chỉ cần ăn từ 6-7 lần/ngày. Mỗi lần cách nhau khoảng từ 1-2 tiếng, thời gian cho bú khoảng từ 15-30 phút (tùy theo lượng sữa). Về lượng sữa mẹ được tính như sau:
- Ngày 1 và 2 sau khi sinh: Bé chỉ cần ăn khoảng 10ml/ bữa.
- Ngày 3 – 8: Mỗi ngày tăng thêm khoảng 10ml/ bữa và đến ngày thứ 8, trẻ đã có thể bú được 60ml/ bữa.
- Từ ngày 15 đến 1 tháng: Tăng dần số lượng sữa cho đến khoảng 100ml/ bữa.
- Trong tháng thứ 2-3: Mỗi bữa trẻ cần ăn khoảng 120ml sữa.
- Từ tháng 4: Lượng sữa có thể tăng lên 130ml sữa/ bữa.
- Tháng thứ 5: Bé ăn từ 140-150ml sữa/ bữa và giảm ăn còn 5 bữa/ ngày.
Video đang HOT
- Tháng thứ 6: Lượng sữa mỗi bữa của trẻ khoảng 150 – 170m sữa/ bữa.
Dù mẹ cho bé bú mẹ hay uống sữa công thức, sau khi bé được bú no, hãy bế bé lên ở tư thế vác vai, bụng ép sát vào ngực mẹ và vỗ nhẹ lên lưng bé để bé ợ hơi, tránh ọc sữa. Giữ ở tư thế như vậy trong khoảng 10-16 phút, mẹ hãy chú ý giữ đầu và cổ bé cẩn thận vì cổ bé vẫn còn khá yếu.
3. Cách đặt trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi ngủ
Ở giai đoạn này, giấc ngủ rất quan trọng với mỗi trẻ sơ sinh, ngủ đủ giấc sẽ giúp trẻ tăng trưởng về thể chất và tinh thần. Trong một khoảng thời gian khá dài, bé đã ở trong bụng mẹ nên khi mới chào đời, khái niệm ngày – đêm với bé là không rõ ràng.
Việc của mẹ là cần hướng dẫn bé để giúp bé có thể nhận biết được ngày đêm, chẳng hạn như cho bé ngủ tại không gian tối và yên tĩnh còn đánh thức bé dậy tại không gian sáng, có nhiều âm thanh. Dần dần, bé sẽ làm quen với điều này và có được đồng hồ sinh học hợp lý nhất.
Trẻ ngủ đủ giấc sẽ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, mẹ nên tránh cho bé nằm ở tư thế sấp vì có thể gây nguy cơ đột tử. Ngoài ra, mẹ cũng không nên để gối hay thú nhồi bông…xung quanh trẻ vì có thể khiến trẻ bị ngạt thở nếu chẳng may chúng đè vào mũi bé.
4. Ru bé ngủ và cần dỗ ngay khi bé khóc
Hát ru không chỉ giúp bé sơ sinh phát triển về thính giác mà còn có tác dụng giúp cân bằng hệ thần kinh của bé, giúp bé đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Không những thế, hát ru còn giúp mẹ cảm thấy thư thái và thoải mái hơn. Bên cạnh đó, khi thấy bé có các triệu chứng như nhăn nhó, mếu máo, muốn khóc hay ọ ẹ khó chịu,…mẹ cũng nên dỗ dành bé ngay để bé sớm bình tâm.
Mẹ không nên có suy nghĩ, để bé khóc với mục đích rèn rũa sẽ làm gây hại hệ thần kinh của bé, làm bé chậm phát triển và kém thông minh hơn. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ khóc kèm theo một số dấu hiệu như vã mồ hôi, biếng ăn, đặc biệt là mồ hôi trộm… cha mẹ nên đưa bé đi khám để phát hiện bệnh ngay.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 0-6 tháng tuổi về vấn đề vệ sinh
1. Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh
Trong khoảng 2 tuần đầu sau sinh, dây rốn của trẻ sẽ thay đổi từ màu vàng nhạt sang màu nâu đen, khô và tự rụng dần. Cuống rốn của trẻ sơ sinh là một vết thương hở, nếu như không được chăm sóc đúng cách sẽ rất dễ bị nhiễm trùng và gây biến chứng nhiễm trùng máu ở trẻ. Việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh được thực hiện như sau:
- Trước khi vệ sinh rốn cho trẻ, mẹ phải rửa tay thật sạch và sát trùng tay bằng cồn 90 độ.
- Nhẹ nhàng tháo băng và gạc rốn ra.
- Quan sát xem ở vùng rốn và quanh rốn của trẻ có bị mủ, viêm đỏ hay chảy dịch vàng, chảy máu, có mùi hôi hoặc bất thường nào khác không.
Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa)
- Thực hiện lau rốn bằng bông gòn, nước chín vô trùng và thấm khô vùng cuống rốn, chân rốn.
- Sát trùng vùng da quanh rốn của trẻ bằng nước muối sinh lý.
- Có thể để rốn hở hoặc che rốn bằng một lớp gạc mỏng.
- Quấn tã tại vùng dưới rốn, tránh để nước tiểu hoặc phân hay bất cứ thứ gì vấy bẩn vùng rốn.
2. Cách thay tã cho trẻ sơ sinh
Mẹ có thể dùng xen kẽ tã vải và tã giấy để thay cho bé. Nếu chọn tã giấy, mẹ hãy chọn loại tã có kích cỡ phù hợp với tính năng chống hăm và ngứa. Nếu cho bé dùng tã vải, mẹ hãy chọn những loại có chất liệu cotton mềm, thấm nước tốt.
Sau khi bé tè đầy hoặc ị, mẹ hãy thay tã cho bé ngay. Trước khi thay phải vệ sinh thật sạch bộ phận sinh dục, vùng hậu môn bằng khăn mềm và nước ấm theo chiều từ trước ra sau. Thoa kem chống hăm hoặc bảo vệ da cho o bé rồi mới mặc tã vào.
Mẹ lưu ý, tránh sử dụng loại tã không có nguồn gốc xuất xứ, không có hạn sử dụng sẽ làm tăng nguy cơ bị dị ứng, nhiễm trùng da, sử dụng tã chất lượng kém lâu ngày có thể ảnh hưởng nguy cơ ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.
3. Cách tắm cho trẻ sơ sinh
Quy trình tắm cho bé sơ sinh được hướng dẫn như sau:
- Bước 1: Trước khi tắm, mẹ phải pha nước ấm vào thau, thử sức nóng của nước bằng cùi chỏ, lưu ý, chỉ nên dùng nước vừa đủ ấm từ 36 – 38 độ C. Nếu như thời tiết lạnh, mẹ không cảm nhận được chính xác nhiệt độ trong nước có thể sử dụng các sản phẩm đo nhiệt độ tắm.
- Bước 2: Dùng một chiếc khăn to và quấn quanh người bé, ôm chặt bé và ngửa đầu.
Cách tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách . (Ảnh minh họa)
- Bước 3: Dùng khăn nhỏ (loại khăn vải màn hoặc khăn mặt cho trẻ sơ sinh) nhúng nước và lau mặt bé. Thực hiện lau theo trình tự: 2 mắt, mũi, mặt và 2 tai. Mẹ có thể lau mắt theo thứ tự từ trong khóe mắt kéo khăn ra ngoài ở hai bên tai, đổi mặt khăn lau và lau mắt còn lại.
- Bước 4: Làm ướt tóc và gội đầu cho bé bằng xà phòng, xả lại với nước ấm sạch.
- Bước 5: Làm ướt tóc bằng sữa tắm và xả lại với nước ấm sạch, tốt nhất mẹ nên chọn loại sữa tắm không làm cay mắt bé.
- Bước 6: Lau thật khô tóc bé ngay sau khi xả sạch nước.
- Bước 7: Bỏ khăn bông đang quấn quanh người bé ra.
- Bước 8: Cho toàn bộ người bé vào trong thau nước, một tay đỡ luôn đầu bé, tay còn lại tắm từ cổ xuống đến chân.
- Bước 9: Tắm xong thì nhẹ nhàng nhấc bé ra khỏi chậu nước (chú ý nên chọn loại chậu tắm to cho trẻ). Đặt trẻ vào trong chiếc khăn bông to đã trải sẵn và lau khô người cho bé.
- Bước 10: Thật nhanh chóng mặc quần áo sạch đã chuẩn bị vào cho bé.
Chú ý: Cần phải bế bé cẩn thận vì trẻ rất nhỏ và trơn, dễ bị vuột khỏi tay người bé. Ngoài ra, cần phải tắm cho bé tại nơi kín gió, chú ý vệ sinh thật kĩ bộ phận sinh dục của bé.
Ngoài những cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi trên đây, cha mẹ cũng cần tiêm phòng đầy đủ cho bé theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Niềm vui lớn là điều trị, chăm sóc thành công cho trẻ sinh non
Niềm vui đối với BSCKII Giang Trần Phương Linh, Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, là điều trị, chăm sóc thành công cho trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh non. Đó cũng chính là động lực để chị tiếp tục gắn bó với nghề Y cao quý và cũng lắm gian nan, vất vả.
BSCKII Giang Trần Phương Linh chăm sóc trẻ ơ sinh
Ca sinh non đặc biệt
Cứ mỗi tháng 1 lần, Tiểu Lan lại được mẹ đưa từ Tây Ninh đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM để bác sĩ Giang Trần Phương Linh tái khám. Nhìn bé con khỏe mạnh, tăng cân đều đặn mỗi tháng khiến ai cũng mừng. "Tiểu Lan chào đời lúc mới 28 tuần tuổi. Thấy bé mạnh khỏe, tôi rất vui, đó cũng là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực trong công việc", bác sĩ Linh chia sẻ.
Ngày 2/11/2020, cô bé Tiểu Lan chào đời chỉ nặng 800gr. Khi lọt lòng mẹ, bé tự thở yếu, được thở CPAP (thông khí áp lực dương liên tục) để giúp phổi nở tốt ngay tại phòng sanh. Tại đơn nguyên sơ sinh, bé được thở máy không xâm lấn, được truyền dịch nuôi ăn qua thông tĩnh mạch rốn, kháng sinh điều trị nhiễm trùng.
Với sự chăm sóc, điều trị tận tình của các bác sĩ, điều dưỡng, sức khỏe bé tiến triển từng ngày. 3 tuần sau sinh, Tiểu Lan được gặp mẹ, tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ, tập bú. 50 ngày tuổi, bé bú tốt, nặng 1,7kg và được xuất viện.
Bé Tiểu Lan chào đời lúc 28 tuần tuổi, nặng 800gr được điều trị, chăm sóc thành công
Bác sĩ Phương Linh chia sẻ, đối với các bệnh viện nhi hiện nay, việc điều trị và chăm sóc thành công những bé sinh non 28 tuần tuổi không còn là việc quá khó khăn. Bản thân chị cũng đã quen với việc chăm sóc bé sinh non, nhẹ ký. Tuy nhiên, đối với khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thì đây là ca sinh non nhỏ tuần tuổi nhất mà đội ngũ y bác sĩ của khoa thực hiện thành công.
"Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM được chính thức thành lập từ tháng 11/2020. Việc chăm sóc ca sinh non 28 tuần tuổi được xem là thành công bước đầu trong bối cảnh cơ cơ sở vật chất, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng còn rất non trẻ. Trong giai đoạn đầu thì đây vẫn là thử thách mà mọi người phải vượt qua", bác sĩ Linh nói.
Kiên quyết theo ngành y
Sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu, ngay từ những năm tháng đầu học phổ thông, Phương Linh đã mong muốn sau này được làm bác sĩ bởi sự cao quý của nghề Y. Từ ước mơ cháy bỏng đó, cô đã không ngừng nỗ lực và thực hiện được mơ ước của mình. "Lúc đó mình cũng gan lắm. Chỉ nhất quyết thi vào ngành Y. Mình nghĩ nếu lỡ như không đậu thì sẽ tiếp tục ôn luyện để năm sau thi tiếp, dù khi đó có nhiều sự lựa chọn khác. May mắn là mình thi đậu vào Đại học Y Dược TPHCM ngay", bác sĩ Linh nhớ lại.
Tốt nghiệp đại học, Phương Linh học nội trú nhi rồi sau đó về làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây, chị đã dành những năm tháng thanh xuân của mình để học hỏi và phát triển nghề nghiệp.
BSCKII Giang Trần Phương Linh, Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Đến năm 2019, chị chuyển sang làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM với mong muốn tìm kiếm cho mình những thử thách mới. Chừng ấy năm gắn bó với nghề đã cho chị nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, điều trị trẻ sơ sinh, trong đó có những trẻ sinh non.
"Việc điều trị cho trẻ non tháng không thể một mình có thể làm được mà cần sự phối hợp của cả êkíp", Phương Linh tâm sự. Tại môi trường làm việc mới, chị vừa điều trị, vừa hướng dẫn các đồng nghiệp chăm sóc trẻ một cách tỉ mỉ, mang lại hiệu quả cao nhất. Chị cùng đồng nghiệp chăm sóc những trẻ 34 tuần tuổi, sau đó là 32 tuần, rồi 30 tuần tuổi để mọi người thích nghi dần với trẻ sinh non tháng.
Công việc tại khoa Sơ sinh cũng rất đặc thù, bởi những đứa trẻ mới lọt lòng mẹ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Những bác sĩ, điều dưỡng không chỉ chăm sóc, quan sát bằng kinh nghiệm y khoa mà còn phải bằng cả sự nhạy cảm, yêu thương của người phụ nữ, người mẹ. Những lúc bé cần ôm ấp, vỗ về, chỉ cần một cái chạm nhẹ vào cơ thể cũng đủ tiếp thêm sức mạnh để bé vượt qua nỗi đau khi xung quanh là chằng chịt các loại dây, máy móc.
Chinh phục những nấc thang mới
Theo bác sĩ Linh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là một môi trường làm việc tốt, hội tụ nhiều điều kiện mà có thể một số bệnh viện khác chưa có được. Bên cạnh sự đi đầu của Trung tâm tim mạch của bệnh viện, việc phát triển của khoa Phụ sản tạo nhiều cơ hội để can thiệp sớm trẻ bị dị tật tim bẩm sinh nguy kịch là hết sức thuận tiện, dễ dàng.
Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chăm sóc cho trẻ sơ sinh
Điển hình như vào năm 2019, bệnh viện đã điều trị thành công cho một trường hợp sơ sinh bị tim bẩm sinh nặng. Đây là ca bệnh đầu tiên có sự phối hợp êkíp khoa Sản, Sơ sinh và Tim mạch. Bé ra đời với tật tim bẩm sinh chuyển vị đại động mạch, khi chào đời có cơ tím nặng ngay sau sinh.
Trước đây, những ca bệnh tương tự sẽ được chuyển sang bệnh viện nhi để can thiệp. Việc chuyển bệnh sẽ mất thời gian, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhi. Tuy nhiên, trường hợp này đã được giữ lại bệnh viện để điều trị. Khi bé vừa chào đời đã được can thiệp tim mạch ngay sau sinh, sau đó được mổ tim. Đến nay, bé được 15 tháng tuổi và phát triển khoẻ mạnh.
2 năm gắn bó với Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là khoảng thời gian không dài nhưng đủ để bác sĩ Linh khẳng định và tìm hướng đi cho mình. Chị mong muốn góp phần phát triển khoa Sơ sinh theo một mô hình điều trị và chăm sóc toàn diện, từ giai đoạn chu sinh, sơ sinh đến theo dõi về sau cho trẻ. Trong đó, tập trung phát triển những mũi nhọn trong giai đoạn chu sinh với hồi sức trẻ sơ sinh tại phòng sanh; phối hợp liên chuyên khoa trong can thiệp tim bẩm sinh nặng.
Theo bác sĩ Linh, hiện nay, việc điều trị và chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng đã có nhiều bước tiến. Không ít các cơ sở y tế đang "chạy đua" để điều trị trẻ sinh non tháng, nhẹ cân nhất. Nhưng điều chị muốn hướng đến, không chỉ trẻ sinh non được nuôi sống mà còn muốn đi đường dài cùng trẻ: theo dõi, đánh giá sự phát triển trẻ, ít nhất cho đến khi trẻ 18-24 tháng tuổi.
"Sự phát triển của y khoa khiến mình phải luôn luôn học hỏi. Học qua sách vở, internet, đồng nghiệp và thực tiễn công việc hằng ngày. Với vai trò là người quản lý của một khoa còn trẻ trong bệnh viện lớn, sẽ có nhiều áp lực. Nhưng tôi nghĩ đó cũng là những thử thách cho bản thân mình", Trưởng Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ.
Biết được 7 bí mật này về trẻ sơ sinh, mẹ lần đầu sinh con sẽ không còn bỡ ngỡ Đối với những người làm cha mẹ lần đầu tiên, họ có thể tài giỏi, có năng lực chuyên môn nhưng việc nuôi con nhỏ là một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ mà họ phải học tập. Trẻ sơ sinh còn nhỏ và có dung tích dạ dày nhỏ Khi mới sinh, dung tích dạ dày của bé chỉ khoảng 5-7ml, sau...