Cách bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới
Ở giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát, CQĐT đã làm rõ hành vi chuyển tiền trái phép ra nước ngoài với hơn 106 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,5 tỷ USD) của bà Trương Mỹ Lan và các bị can.
Theo Cơ quan điều tra (CQĐT), hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) và các bị can khác kéo dài trong 10 năm, từ 2012-2022. Có 21 công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thực hiện các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.
Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa xét xử vụ án giai đoạn 1
Đối với hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, CQĐT làm rõ, dưới sự chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, các đối tượng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã câu kết với các nhân viên Ngân hàng SCB chuyển tiền quốc tế, thông qua việc lập khống các hóa đơn mua hàng, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, hợp đồng vay tiền, hợp đồng tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và các công ty ở nước ngoài.
Các hợp đồng này đều là hợp đồng khống để hợp thức việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam; các pháp nhân chuyển tiền, nhận tiền từ các “công ty ma” thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Việc chuyển tiền ra nước ngoài, nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam được thực hiện tại 3 chi nhánh của Ngân hàng SCB gồm Sài Gòn, Cống Quỳnh và Bến Thành.
Theo CQĐT, dù các thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài không đủ điều kiện, thiếu các loại giấy chứng nhận, chứng từ, văn bản…, nhưng các đối tượng có thẩm quyền vẫn duyệt mở khóa trên hệ thống để hoàn tất việc chuyển tiền quốc tế.
Nhóm đối tượng đã thực hiện 107 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và 152 giao dịch nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam. Tổng số tiền bị quy kết vận chuyển tiền trái phép qua biên giới là 4,5 tỷ USD.
151 báo cáo giao dịch đáng ngờ, không có danh sách các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát?
Mặc dù vậy, nhưng từ năm 2012- 7/10/2022, không có cơ quan quản lý Nhà nước nào thanh tra, kiểm tra đối với các khách hàng đã có 107 giao dịch chuyển tiền đi nước ngoài, 152 giao dịch nhận tiền từ nước ngoài chuyển về.
Video đang HOT
Có 21 công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thực hiện các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.
Theo quy định, Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước có vai trò tiếp nhận thông tin, báo cáo từ các tổ chức theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và các thông tin khác nghi ngờ liên quan đến rửa tiền…
Sau khi tiếp nhận, Cục Phòng chống rửa tiền có trách nhiệm phân tích, xử lý báo cáo, thông tin nghi ngờ liên quan đến rửa tiền.
Kết luận điều tra chỉ ra rằng, từ năm 2012-2022, Ngân hàng SCB đã báo cáo Cục Phòng chống rửa tiền: 3.160 file báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử (giao dịch từ 1.000 USD trở lên hoặc bằng tiền ngoại tệ khác có giá trị tương đương) bằng hình thức điện tử với 313.705 giao dịch chuyển đi, nhận về. Ngoài ra, còn có 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ.
Trước thời điểm khởi tố vụ án ngày 7/10/2022, các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền về Việt Nam đều không nằm trong “danh sách đen”, là đối tượng bị điều tra truy tố xét xử, không nằm trong danh sách cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước và của các quốc gia khác…
Do đó, Cục Phòng chống rửa tiền không có cơ sở để phân tích, xác định hơn 313.000 giao dịch chuyển tiền điện tử có giao dịch liên quan đến hoạt động rửa tiền, vận chuyển tiền của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Đối với 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ mà Ngân hàng SCB gửi lên, không có danh sách các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát chuyển tiền đi, nhận tiền về nên Cục Phòng chống rửa tiền cũng không có cơ sở để phân tích, nghi ngờ.
Một cơ quan chức năng khác là Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) thì lại không có chức năng kiểm tra, thanh tra hoạt động ngoại hối của các cá nhân, tổ chức nói chung cũng như hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền về Việt Nam nói riêng.
Vụ Quản lý ngoại hội chỉ thống kê, theo dõi số liệu trên cơ sở số liệu báo cáo tổng hợp của các ngân hàng mà không có số liệu giao dịch cụ thể từng tổ chức hay cá nhân cụ thể. Quá trình theo dõi số liệu tổng hợp do Ngân hàng SCB cung cấp, Vụ Quản lý ngoại hối không có cơ sở phát hiệu sự bất thường trong việc chuyển tiền, nhận tiền nước ngoài.
Vì vậy, CQĐT cho rằng, không có căn cứ xem xét trách nhiệm của Cục Phòng chống rửa tiền, Vụ Quản lý ngoại hối trong việc các đối tượng, công ty thuộc Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB làm trái quy định về chuyển tiền quốc tế.
CQĐT kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và các cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực chuyển tiền quốc tế, đảm bảo chặt chẽ về các điều kiện chuyển tiền, có biện pháp kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chuyển tiền quốc tế.
Chồng bà Trương Mỹ Lan giúp vợ rửa tiền như thế nào?
Ở giai đoạn 1 vụ Vạn Thịnh Phát, ông Chu Lập Cơ, chồng bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 9.116 tỷ đồng.
Ở giai đoạn 2, CQĐT tiếp tục làm rõ việc chồng bà Trương Mỹ Lan là đồng phạm trong vụ án rửa tiền.
Như VietNamNet đã đưa, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 34 bị can trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Trong số 34 bị can, ông Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric), chồng bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) bị đề nghị truy tố về tội Rửa tiền.
Ở giai đoạn 1 vụ án, ông Chu Lập Cơ bị cáo buộc phạm tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. CQĐT làm rõ, ông Chu Lập Cơ khi còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square đã nắm giữ tới 99,26% cổ phần tại công ty này.
Năm 2012, dưới sự chỉ đạo của vợ, ông Chu Lập Cơ đã lập hồ sơ vay vốn tại SCB nhằm cơ cấu các khoản nợ xấu. Khi đó, vợ chồng bà Trương Mỹ Lan thống nhất việc dùng tài sản dự án Times Square để đảm bảo cho các khoản vay.
Ngày 10/12/2012, ông Chu Lập Cơ đã ký biên bản họp Đại hội đồng cổ đông Công ty Times Square, chấp thuận thế chấp tài sản bảo lãnh nợ vay cho các cá nhân, tổ chức do bà Trương Mỹ Lan chỉ định.
Từ tháng 12/2012 -12/2014, ông Chu Lập Cơ đã giúp bà Trương Mỹ Lan hợp thức hóa hồ sơ vay vốn khống, giải ngân tiền vay tại SCB cho 73 khoản vay của 67 khách hàng. Tổng số tiền ngân hàng giải ngân là gần 30.000 tỷ đồng, thời hạn vay vốn 5 năm. Toàn bộ số tiền này được sử dụng cho mục đích riêng của bà Lan.
Đến năm 2017, do phương án vay vốn là lập "khống", các khoản vay chỉ dùng trả nợ xấu, không có nguồn để thu hồi gốc và lãi nên các khoản nợ đến hạn không thể trả.
Bà Trương Mỹ Lan tiếp tục thuyết phục chồng ký biên bản họp HĐQT Công ty Cổ phần Times Square để tiếp tục sử dụng tài sản của công ty thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay cho 54 khách hàng. Việc này nhằm gia hạn nợ đang vay SCB.
Cơ quan điều tra xác định, ông Chu Lập Cơ đã giúp sức cho vợ rút tiền, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 9.116 tỷ đồng.
Ở giai đoạn 2 của vụ án, CQĐT tiếp tục làm rõ: Từ ngày 1/1/2018- 10/10/2022, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhân viên nộp tổng số hơn 225 tỷ đồng vào thẻ Visa, Master của chồng là ông Chu Lập Cơ.
Trong đó có hơn 113 tỷ đồng có nguồn gốc lấy từ các khoản vay khống tại Ngân hàng SCB; hơn 81 tỷ đồng có từ các khoản vay đã được tất toán tại Ngân hàng SCB bởi các khoản vay khống khác (các khoản vay sau trả cho các khoản vay trước); hơn 31 tỷ đồng có từ các khoản vay chưa được tất toán tại SCB đến thời điểm 17/10/2022, đã bị xử lý về tội Tham ô tài sản.
Có hơn 1,3 tỷ đồng có nguồn gốc từ tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành, bán trái phiếu cho Công ty An Đông.
Trong tổng số hơn 225 tỷ đồng, ông Chu Lập Cơ đã sử dụng hơn 33 tỷ đồng có nguồn gốc từ tiền tham ô của Ngân hàng SCB và lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ việc phát hành, bán trái phiếu Công ty An Đông vào các hoạt động như đã nêu trên.
Tại CQĐT, ông Chu Lập Cơ thừa nhận có biết vợ là bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhân viên nộp tiền vào tài khoản đứng tên ông để ông sử dụng thanh toán các hoạt động, dịch vụ trên.
CQĐT cho rằng, hành vi của ông Chu Lập Cơ đã phạm vào tội Rửa tiền đối với số tiền hơn 33 tỷ đồng từ nguồn tiền phạm tội Tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông. Ông Chu Lập Cơ giữ vai trò đồng phạm, giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan.
Xét thấy, xuyên suốt vụ án từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2, ông Chu Lập Cơ đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt nên CQĐT đề nghị xem xét khi lượng hình đối với chồng bà Trương Mỹ Lan.
Vụ Vạn Thịnh Phát: CEO Tập đoàn của tỷ phú Lý Gia Thành gửi văn bản tới tòa Luật sư Phan Trung Hoài cho hay, với mong muốn khắc phục hậu quả, gia đình bà Trương Mỹ Lan đã liên hệ với Quỹ đầu tư thuộc Tập đoàn CK Asset Holdings Limited của tỷ phú Lý Gia Thành, đề xuất giải pháp toàn diện liên quan đến SCB. Chiều ngày 1/4, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các...