Các trường đại học mở đầu vào, siết đầu ra: Sinh viên phải khổ luyện để thành tài
Với cơ chế tự chủ, hầu hết các trường đều áp dụng nhiều phương án tuyển sinh nên việc thí sinh trúng tuyển vào đại học không còn quá khó khăn.
Bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực vẫn là yêu cầu cốt lõi trong đào tạo ĐH. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những năm gần đây ngày càng có nhiều sinh viên không đáp ứng được yêu cầu trong quá trình học tập. Xu thế mở đầu vào, chú trọng chất lượng đào tạo và siết chặt ở đầu ra đang được nhiều trường áp dụng.
Nhiều sinh viên bị cảnh cáo học vụ
Tại buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp vừa qua, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin: Hằng năm nhà trường có 700 – 800 sinh phải ra khỏi hệ đào tạo chính quy do không đáp ứng được yêu cầu của nhà trường. Nguyên nhân chủ yếu, các em không xác định rõ yêu cầu ngành học, lười học, không có mục tiêu rõ ràng, mất động lực học tập, một số em sa đà vào game online. Ngoài ra có 40% sinh viên phải trả nợ môn và đến năm thứ sáu mới ra trường.
“Tỷ lệ này, các trường khác cũng không kém. Một số trường kỹ thuật khác như Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Giao thông Vận tải cũng có số lượng sinh viên phải bỏ dở việc học, con số cũng không ít hơn 700 – 800 em/năm” – PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ, đồng thời cho hay: Với chương trình kỹ sư 5 năm, nhà trường phấn đấu có 60% sinh viên ra trường đúng hạn; 40% còn lại (không tính những em bị buộc thôi học) sẽ cố gắng trả nợ môn để có thể tốt nghiệp vào năm thứ 6.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, thí sinh và phụ huynh cũng nên nhìn nhận ở phương diện tích cực. Hiện, tỷ lệ sinh viên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp đúng hạn tăng hằng năm. Trong số 5.000 sinh viên tốt nghiệp, có khoảng 1.000 em ra trường trước thời hạn. Con số này cho thấy sự chênh lệch, phân hóa rất lớn giữa các sinh viên về ý thức, kỹ năng, thái độ và trình độ và kiến thức. Ngoài ra, trong số những sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ đạt loại khá giỏi chiếm khoảng 70%.
Hiện nay, các trường đại học tuyển sinh bằng nhiều phương thức khác nên cánh cửa vào giảng đường đại học luôn rộng mở với thí sinh… Nói cách khác, việc “mở” đầu vào, và siết chặt ở đầu ra, chú trọng chất lượng đào tạo đang là xu hướng được các trường hướng tới, thậm chí là giải pháp đột phá, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: Ở nhiều nước phương Tây, một số trường tuyển sinh theo kiểu “ghi danh” nhưng quy trình đào tạo của họ rất nghiêm ngặt và “siết chặt” ở đầu ra. Chúng ta có thể tham khảo, nghiên cứu học tập và vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Chất lượng đào tạo mới là thước đo và làm nên thương hiệu của trường. Đây cũng là điều kiện quan trọng để thu hút người học.
Video đang HOT
Tư vấn tuyển sinh cần chung thực và gắn với thực tiễn đào tạo. Ảnh minh họa
Siết chặt toàn bộ tiến trình
TS Trương Tiến Tùng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng: Việc các trường ĐH mở đầu vào, siết đầu ra phù hợp với thực tiễn khách quan và xu thế quốc tế. Mở đầu vào chính là tạo điều kiện, cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho người học. Rộng hơn chính là phát triển xã hội học tập và học tập suốt đời. Tất nhiên, “mở rộng” đầu vào không có nghĩa là tuyển sinh bằng mọi giá, “vơ bèo vạt tép”.
Việc các trường chú trọng đào tạo, siết chặt ở đầu ra không chỉ là trách nhiệm tự thân, mà còn với người học và xã hội. Khi đó, chất lượng đào tạo sẽ được kiểm soát trong suốt quá trình: Từ khi sinh viên nhập học đến khi tốt nghiệp, chứ không chỉ chú trọng mỗi đầu vào. Điều này chấm dứt tình trạng: Cứ đỗ vào đại học là được tốt nghiệp. “Hơn bao giờ hết, bản thân sinh viên phải nỗ lực, phấn đấu không ngừng và học tập nghiêm túc, thực chất để có kiến thức, hành trang lập thân, lập nghiệp sau này” – TS Trương Tiến Tùng khuyến nghị.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh: Học đại học là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Các trường luôn đặt ra những giới hạn nhất định cho sinh viên để bảo đảm chất lượng đầu ra. Hiện nay, xu hướng của các cơ sở giáo dục đại học là siết chặt chất lượng, thí sinh cần xác định vào ĐH là để học, chứ không phải vào được rồi là tự mãn, xả hơi và ung dung ngồi chờ ngày nhận bằng tốt nghiệp.
Làm công tác quản lý chất lượng, ông Đào Phong Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng, Trường ĐH Cần Thơ ủng hộ việc siết chặt toàn bộ tiến trình gồm: Đầu vào, đào tạo và đầu ra. Sau công đoạn tuyển sinh, các trường cần tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về tiến trình đào tạo; quan tâm kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ, từng bước xây dựng và lan tỏa văn hóa chất lượng trong giáo dục.
Ông Lâm đề xuất: Bộ GD&ĐT tiếp tục hướng dẫn các trường và thực hiện thanh tra kiểm tra về đề án tuyển sinh, hồ sơ tuyển sinh, chương trình đào tạo (đầu vào); tiến trình dạy – học, hoạt động ngoại khóa, thực tế – thực tập, liên kết doanh nghiệp (đào tạo); kết quả đánh giá, tốt nghiệp, cơ sở dữ liệu việc làm sinh viên tốt nghiệp (đầu ra). Đặc biệt là, yêu cầu về kiểm định chất lượng bao gồm công tác tự đánh giá (do các trường thực hiện) và đánh giá ngoài công nhận chất lượng (do các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện) về chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục. Áp dụng nghiêm việc xử phạt và khen thưởng theo kết quả thực hiện.
“Trong bất cứ bối cảnh nào, chúng ta đều cần đến nỗ lực của bản thân người học và gia đình. Các em cần thực hiện tốt yêu cầu về thời gian tự học, tự chuẩn bị, nghiên cứu và xây đắp năng lực học tập suốt đời” – ông Lâm nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Lê Đình Tùng – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Y Hà Nội, nhiệm vụ chính của sinh viên là học tập. Vì thế, các em không được lơ là, chủ quan. Đặc biệt, với những thí sinh có ý định đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào học trường y cần xác định tâm thế: Chăm chỉ học tập và rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ; phải khổ luyện trong những năm học đại học.
Tuyển đại học, cao đẳng: Cơ hội cho thí sinh 'tuổi dê vàng'
Những ngành học hot của các trường luôn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của các thí sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia đưa ra lời khuyên với các thí sinh cần cân bằng giữa mong muốn và năng lực thực sự của bản thân.
Tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh.
Trước lo lắng của thí sinh và phụ huynh về việc xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm nay dự kiến số lượng thí sinh tăng đột biến, cơ hội đỗ không cao, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT khẳng định: Chỉ tiêu của các cơ sở đào tạo do Bộ GDĐT quản lý vẫn ổn định. Việc xét tuyển vào các trường cũng không có xáo trộn lớn.
Đừng từ bỏ giấc mơ
Những ngành học hot của các trường luôn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của các thí sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia đưa ra lời khuyên với các thí sinh cần cân bằng giữa mong muốn và năng lực thực sự của bản thân.
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2021 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tư vấn trực tiếp cho các thí sinh có nguyện vọng thi vào trường.
"6-7 điểm/môn có vào được ĐH Bách khoa hay không? Tôi cho rằng còn 2 tháng nữa để các em cải thiện phong độ. Còn giữ nguyên phong độ này thì cánh cửa vào ĐH Bách khoa rất hẹp. Cố gắng mỗi môn 8 điểm là có thể vào một số ngành của Bách khoa. Còn nếu chọn những ngành hot thì kinh nghiệm các năm trước phải đạt 28-29 điểm. Riêng đối với ngành Khoa học máy tính thì như năm ngoái, nếu như các em ra khỏi phòng thi mà chắc chắn 3 môn đều 10 thì hẵng nghĩ đến trúng tuyển" - ông Điền nói.
Một cơ hội khác để các thí sinh đỗ vào trường, đúng nguyện vọng yêu thích đó là tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Bách khoa. Kỳ thi này không bắt buộc mà là thêm một cơ hội vào trường, đặc biệt là các ngành hot, khi không gian rất chật hẹp, điểm chuẩn rất cao thì đây là một cơ hội khác để các thí sinh thử sức.
Ông Điền cũng cho hay, hầu hết các trường kỹ thuật ở Việt Nam đều đào tạo về ngành Công nghệ thông tin. Trong trường hợp không thực sự tự tin về kết quả, các em có thể tìm ngành Công nghệ thông tin tại nhiều trường khác vừa sức hơn.
Tương tự, ngành ngôn ngữ Hàn Quốc hay Hàn Quốc học có điểm chuẩn trúng tuyển các năm gần đây chạm ngưỡng, thậm chí vượt mốc 30 điểm. Nhiều thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào ngành này bởi cơ hội kiếm việc làm, có thu nhập tốt thậm chí ngay từ khi còn là sinh viên đã rất rộng mở. Song nhìn vào điểm chuẩn, đây quả là một thách thức.
Để tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành học liên quan đến tiếng Hàn Quốc, TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội khuyên thí sinh nên nhìn phổ điểm tiếng Hàn và điểm chuẩn trúng tuyển của các ngành/trường trong 5 năm trở lại đây, rồi xếp dần các nguyện vọng từ cao xuống thấp.
"Ngoài ra còn có một phương thức khác nếu các em không học ĐH chính quy. Đó là ở các trường dạy tiếng Hàn theo phương thức vừa làm vừa học, thường học vào buổi tối và chỉ xét tuyển bằng học bạ, xét từ trên cao xuống và các bạn cũng vẫn sẽ được cấp bằng chứng nhận" - TS Phương chia sẻ.
Chọn ngành rồi mới chọn trường là lời khuyên năm nào các chuyên gia tuyển sinh cũng nhấn mạnh với mong muốn các thí sinh xác định được sở thích và đam mê của mình, kiên trì theo đuổi mục tiêu và nỗ lực. Nói như PGS.TS Nguyễn Phong Điền, không nên từ bỏ giấc mơ của mình. Nếu học tốt thì dù học ở trường nào ra, các em đều có cơ hội thành công, tìm được việc tốt khi ra trường.
Chọn phương thức xét tuyển phù hợp
Với việc các trường sử dụng đa dạng phương thức xét tuyển, cánh của vào ĐH của các em "tuổi dê vàng" rộng mở hơn. TS Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo ĐH và sau ĐH, Trường ĐH Thủy lợi cho biết năm nay nhà trường mở thêm 7 ngành mới, dự kiến dành 4 tỷ cho sinh viên khóa mới, trong đó có 5 suất học bổng dành cho các em đạt từ 24 điểm trở lên, đứng top đầu của nhà trường. 20 suất tiếp theo với trị giá 45 triệu/1 suất dành cho các em đăng ký vào các khối kỹ thuật của nhà trường và rất nhiều suất học bổng khác dành cho các em qua quỹ học bổng Lê Văn Kiểm và gia đình cũng như quỹ học bổng chung của nhà trường.
GS.TS Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho biết nhà trường có 3 phương thức xét tuyển truyền thống và xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội. Cánh cửa vào trường rất rộng mở nên các thí sinh "tuổi dê vàng" hoàn toàn có thể yên tâm.
Tại Học viện Cảnh sát Nhân dân, bên cạnh 25 chỉ tiêu xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GDĐT, 430 chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, nhà trường còn dành 75 chỉ tiêu cho các thí sinh có chứng chỉ IELTS, TOFEL, IBT, Tiếng Trung Quốc HSK cộng với điểm 3 năm THPT HS giỏi. Năm nay, Bộ Công an cũng có phân vùng tuyển sinh mới.
Theo Thiếu tá Phạm Tiến Dũng, Tổ trưởng phụ trách tuyển sinh, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết năm nay nhà trường tuyển sinh từ Huế trở ra. Trong địa bàn miền Bắc, nhà trường tuyển sinh chia thành 4 địa bàn riêng, các em ở các tỉnh vùng cao sẽ xét tuyển với nhau.
Chia địa bàn như vậy nhằm tạo điều kiện có lợi cho các tỉnh vùng miền. Nhiều năm qua khảo sát cho thấy số chỉ tiêu các em trúng tuyển không cao do ngưỡng điểm các vùng khác nhau. Điểm ưu tiên dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa... dẫn đến sự khác biệt, chênh nhau tới tối đa 2,75 điểm. Khi chia địa bàn thì các em có cơ hội như nhau và đáp ứng được nhu cầu đào tạo của các tỉnh địa phương, của Bộ Công an nói chung.
Trả lời câu hỏi của thí sinh về việc em đủ điều kiện đỗ một trường nào đó thông qua phương thức xét HS giỏi cấp tỉnh, khi thi THPT, em có thể đặt trường đó ở NV2 được không?
TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các trường thông thường xét giải HS giỏi cấp tỉnh hay học bạ theo đề án tuyển sinh riêng của trường, thông thường xét trước khi có kết quả thi THPT. Vì vậy, nếu lúc đó thí sinh chấp nhận học ngành này, trường này thì bạn đăng ký nhập học luôn.
Còn với phương thức xét tuyển qua kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, em hoàn toàn có thể đặt trường đó ở NV2 hay 3, về nguyên tắc không ai cấm. Bởi thí sinh có quyền đăng ký tất cả các NV mà mình muốn. Tuy nhiên, việc đặt NV như vậy nếu vào đúng ngành e đã trúng tuyển theo phương thức khác nhưng không nhập học là thừa, trừ khi e dùng kết quả thi THPT, cộng điểm ở điều kiện thi đạt giải cấp tỉnh.
Xét tuyển đại học dựa vào kết quả thi THPT có gì mới? Một trong vài thay đổi quan trọng là dự kiến cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần nếu thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trở lại trường sau kỳ nghỉ phải tăng tốc học để chuẩn bị cho kỳ thi THPT và xét...