Các thuốc ảnh hưởng đến “phòng the”
“… Sau khi dùng thuốc chống trầm cảm tự nhiên tôi trở nên thờ ơ với chuyện đó…”.
“… Ngày xưa nàng luôn là nguồn cảm hứng bất tận của mình ấy thế mà chẳng hiểu sao sau khi điều trị bệnh viêm loét dạ dày, dường như nàng chẳng còn ý nghĩa gì nữa…”.
Đó là những lời tâm sự của nhiều người bệnh sau một liệu pháp điều trị bệnh nào đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đó là các tác dụng không mong muốn của những loại thuốc mà họ đã dùng. Sau đây là một số loại thuốc thường gặp gây ảnh hưởng không tốt đến chuyện “phòng the”.
Các loại thuốc dùng điều trị bệnh
Nhóm thuốc an thần gây ngủ (benzodiazepines)
Benzodiazepin tác dụng vào thụ thể GABA (gamma-amino-butyricacid) trong não, làm chậm lại các hoạt động của những chất dẫn truyền thần kinh như noradrenaline (norepinephrine), dopamine, serotonin… Thuốc thường được chỉ định điều trị trong các trường hợp hồi hộp lo lắng, mất ngủ, động kinh…
Đối với chuyện “phòng the”, thuốc gây trạng thái mệt mỏi về tâm lý, uể oải thờ thẫn về tinh thần hay ngủ gà ngủ gật nên dẫn đến giảm ham muốn chuyện chăn gối.
Hầu hết các loại thuốc có thể gây tác dụng không mong muốn.
Video đang HOT
Nhóm thuốc chống tăng huyết áp (antihypertensives)
Thuốc chẹn beta-giao cảm (b-blockers)
Đây là những thuốc được dùng phổ biến trong chuyên khoa tim mạch do thuốc có tác dụng ức chế hoạt động giao cảm nên làm hạ huyết áp và giảm nhịp tim.
Cũng do tác dụng ức chế giao cảm nên thuốc gây co thắt cơ trơn của vật hang dương vật, làm cho lượng máu đến dương vật giảm đi dẫn đến hiện tượng “cậu nhỏ” khó cương cứng hay không thể cương được.
Các loại thuốc lợi niệu nhóm thiazide (thiazide diuretics)
Thuốc lợi niệu nhóm thiazide ngoài tác dụng đào thải muối (Na và Cl) và nước ra khỏi cơ thể làm hạ huyết áp, thuốc còn gây hạ K máu. Đây là nguyên nhân làm cho “cậu nhỏ” không thể cương hoặc cương nhưng không cứng hoặc cương nửa chừng rồi lại mềm đi ngay.
Nhóm thuốc kháng histamin điều trị viêm loét dạ dày hành tá tràng
Điển hình trong nhóm thuốc này là cimetidine, thuốc có tác dụng ức chế cạnh tranh với các thụ thể histamine H2 có ở tế bào thành của dạ dày làm ngăn cản sự bài tiết dịch vị dạ dày nên có tác dụng chống viêm loét.
Cimetidine có tác động đến hệ thống enzyme cytocrom P450 ở gan nên thuốc có tác dụng đối kháng với các thụ thể của androgen (hormon sinh dục nam), và tăng cường chuyển hóa testosteron thành estrogen. Điều này là nguyên nhân gây ra các trục trặc trong chuyện chăn gối ở những người phải dùng thuốc lâu ngày.
Các thuốc chống trầm cảm (antidepressants)
Các thuốc chống trầm cảm, như tên gọi của nó dùng để điều trị bệnh trầm cảm. Thuốc làm tăng cường một số loại chất dẫn truyền thần kinh trong não như serotonin, norepinephrine và dopamine…. Đây là một trong các nhóm thuốc phổ biến gây các tác dụng không mong muốn lên chuyện “phòng the” cho cả chàng lẫn nàng.
Các tác dụng phụ thường thấy là “cậu nhỏ” khó cương ở chàng còn ở nàng thì gây nên trạng thái mất hưng phấn và mất cảm giác khoái cảm, thờ ơ hay lãnh đạm với chuyện “ấy”, kích thích mãi mà “cậu nhỏ” không cương lên được, hay rối loạn trong việc bài xuất các tinh binh hoặc cuộc chiến đấu diễn ra mãi mà không cảm nhận được cực khoái.
Các thuốc chống động kinh (antieleptics)
Bản thân bệnh động kinh cũng đã gây ảnh hưởng đến chuyện chăn gối cho cả nàng và chàng nhưng các thuốc điều trị bệnh lại làm cho tình trạng này nặng hơn do ảnh hưởng đến hoạt động hormon của hệ trục dưới đồi – tuyến yên – sinh dục, đặc biệt là những thuốc tác động đến hệ enzyme cytocrome P450 ở gan.
Các thuốc chống loạn thần (antipsychotics)
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các thuốc chống loạn thần gây các tác dụng không mong muốn lên hoạt động “phòng the” cho cả nam và nữ thông qua tác dụng chẹn anpha-giao cảm và ảnh hưởng đến hệ hormon (tăng prolactine máu).
Các biện pháp điều trị rối loạn cương do thuốc gây ra Trong khi dùng một hóa liệu pháp nào đó có gây tác dụng phụ nói trên có thể đổi sang các thuốc khác có tác dụng điều trị bệnh tương đương nhưng lại ít có tác dụng không mong muốn đến chuyện “phòng the”. Giảm liều thuốc điều trị trong trường hợp các tác dụng không mong muốn này phụ thuộc vào liều thuốc hoặc thay đổi thời gian dùng thuốc. Trong trường hợp không thể thay đổi loại thuốc, không thể giảm liều thì có thể điều trị phối hợp với các thuốc trợ giúp thêm sức cương của “cậu nhỏ” như sildenafil (viagra), tadalafil (cialis), vardenafil (levitra) nếu như không có những tương kị thuốc bất lợi.
Các thuốc điều trị bệnh lý tuyến tiền liệt
Các thuốc chống u phì đại tuyến tiền liệt như chặn anpha- giao cảm, ức chế men 5-anpha reductase có thể gây rối loạn xuất tinh binh hoặc giảm ham muốn chuyện ấy do ảnh hưởng đến chuyển hóa testosteron và estrogen.
Các thuốc chống ung thư tuyến tiền liệt như flutamide, leuprorelin… làm ảnh hưởng đến hoạt động của testosterone nên gây tình trạng “cậu nhỏ” khó cương, hay thờ ơ lãnh đạm.
Các thuốc chống bệnh Parkinson
Một số trường hợp, các thuốc chống lại căn bệnh Parkinson có thể gây tăng khả năng hoạt động “chuyện ấy” lên mức cường dâm khiến cho đối tác hoang mang lo sợ.
Các thuốc kích thích (recreational drugs)
Đây là những thuốc có tác dụng kích thích hưng phấn thần kinh thường được sử dụng để thỏa mãn những nhu cầu tiêu khiển của một số cá nhân. Các loại thuốc này bao gồm: amphetamine, ecstasy, ma túy (cannabis) và heroin (opiates). Dù dưới hình thức này hay hình thức khác nhưng nói chung là trong giai đoạn đầu sử dụng thì thuốc có xu hướng làm tăng ham muốn thực hiện “chuyện ấy” nhưng về lâu dài lại gây các tác dụng ngược lại.
Rượu (alcohol) là một trong những dạng chất kích thích được sử dụng rất phổ biến. Với một liều lượng thích hợp có thế làm tăng khả năng trong “chuyện ấy”. Nhưng với liều cao hay nghiện rượu lâu ngày sẽ dẫn đến rối loạn sức cương dương của “cậu nhỏ” do rượu làm ảnh hưởng đến trục hormon dưới đồi- tuyến yên- sinh dục, điều này sẽ gây giảm khả năng sản xuất các tinh binh và có thể dẫn đến vô sinh ở chàng.
Thuốc lá (tobacco) là chất kích thích thứ hai được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới. Theo nhiều nghiên cứu, việc sử dụng thuốc lá lâu ngày sẽ làm tổn thương hệ tế bào nội mô trong lòng mạch máu. Điều này không những ảnh hưởng nhiều đến hoạt động “phòng the” mà còn ảnh hưởng đến chức năng của hệ tim mạch.
Theo BS. Nguyễn Hoài Bắc (Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt Đức)
SK&ĐS