Các nước có ‘cởi mở’ chuyện học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học?
Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả ở những nước có nền giáo dục phát triển, thì vấn đề nên hay không nên cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học vẫn là vấn đề gây tranh cãi.
Chuyện học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học vẫn là đề tài gây tranh cãi ở nhiều nước. (Nguồn: Vietnamnet)
Cấm để chống bắt nạt trên mạng
Tại một số nước phương Tây, lý do cấm học sinh dùng điện thoại là để hạn chế nạn bắt nạt trên mạng.
Cụ thể, theo AFP, gần 90% thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi ở Pháp dùng điện thoại di động. Từ năm học 2018-2019, Pháp áp dụng lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong tất cả trường học trên cả nước. Lý do cấm nhằm giảm thiểu tình trạng mất tập trung, chống bắt nạt trên mạng và quan trọng là khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn.
Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer hoan nghênh đạo luật trên, và gọi đây là “luật của thế kỷ 21″, giúp tăng cường kỷ luật đối với 12 triệu học sinh ở Pháp.
“Cởi mở với công nghệ của tương lai không có nghĩa chúng ta phải chấp nhận mọi cách sử dụng chúng” , ông Blanquer nhấn mạnh.
Một số ý kiến ủng hộ học sinh dùng điện thoại trong lớp đưa ra những lý do như sử dụng hiệu quả công nghệ có thể giúp học sinh học tốt hơn và cái cần làm là hướng dẫn học sinh dùng cho đúng cách thay vì cấm.
Tại Australia, tháng 9/2018, nước này đã quyết định ban hành lệnh cấm điện thoại di động trong trường học. Lệnh cấm được thực thi lần đầu tiên tại các trường ở bang New South Wales sau đó tiến hành trên phạm vi toàn bang này. Một trong số những nguyên nhân là do lo ngại về hành vi bắt nạt trên mạng.
Bộ trưởng Giáo dục Australia đương thời – ông Rob Stokes – còn ra chỉ thị xem xét lại về việc sử dụng các thiết bị công nghệ khác ở trường học, chứ không chỉ riêng điện thoại thông minh.
“Trong các lớp học và sân chơi trên khắp thế giới, smartphone trao cơ hội kết nối cho học sinh và phụ huynh, nhưng chúng cũng tạo ra nhiều vấn đề khác: từ bắt nạt trên mạng, mạng xã hội, smartphone gây ra nhiều quan ngại cho các bậc phụ huynh, giáo viên và học sinh”, ông Stokes nhấn mạnh.
Video đang HOT
Hiện nay, ở Australia, các trường học quy định điện thoại di động chỉ được sử dụng trong trường hợp gọi cho cha mẹ hoặc người bảo hộ, chỉ khi cha mẹ hoặc người bảo hộ cho phép con em mình sử dụng trong lúc diễn ra các hoạt động ngoại khóa của trường như đi cắm trại, dã ngoại…
Việc sử dụng điện thoại di động cũng bị hạn chế trong môi trường học tập, đặc biệt là bị tuyệt đối trong một số khu vực nhất định trong trường như phòng thay đồ, phòng tắm, phòng thể chất và bể bơi. Nếu một học sinh bị phát hiện sử dụng điện thoại di động ở những khu vực trên, họ sẽ bị tịch thu thiết bị của mình, tùy theo tình huống sẽ bị phạt theo mức độ nặng.
Các trường hợp ngoại lệ sẽ được cân nhắc cụ thể và cho phép bởi hiệu trưởng mỗi trường, đặc biệt là với học sinh sử dụng thiết bị thông minh để theo dõi sức khỏe. Nếu học sinh cần liên lạc với phụ huynh trong giờ học hoặc ngược lại thì sử dụng điện thoại của văn phòng nhà trường.
Tại Thái Lan, phần lớn các lớp học, bao gồm cả trường quốc tế, việc sử dụng điện thoại bị nghiêm cấm. Thậm chí, một số trường còn giới hạn thời gian học sinh dùng điện thoại thông minh trong khuôn viên trường giữa các tiết học và sau giờ học. Lý do học sinh sẽ bị phân tâm khi dùng điện thoại để truy cập Internet, hoặc nhắn tin.
Tương tự, Singapore cũng cấm học sinh dùng điện thoại trong lớp từ 7h30 tới lúc tan học. Nếu mang theo thì phải tắt điện thoại, còn vi phạm thì sẽ bị tịch thu điện thoại từ một tuần đến một năm.
Để cải thiện điểm số
Tại Anh, bắt đầu từ năm 2007, hơn 50% tổng số trường học ở Anh quyết định cấm sử dụng điện thoại di động trong lớp học, một điều chưa từng có tiền lệ trước đó khoảng một thập kỷ. Đến 2012, số lượng các trường học trên khắp nước Anh cấm điện thoại di động đã tăng lên 98%.
“Kể từ tháng 9/2018, học sinh ở độ tuổi 11 – 16 có điện thoại di động ở trường học phải nộp cho giáo viên hoặc cất trong tủ đồ của lớp và chỉ được nhận lại khi tan trường”, lệnh cấm nêu rõ.
Chính quyền nước Anh đã ra lệnh cấm mạnh tay nhằm cải thiện điểm số, loại bỏ những hành vi sử dụng điện thoại vì những mục đích không liên quan tới học tập.
Sau khi lệnh cấm được thực thi, các trường học ở Anh đã ghi nhận kết quả tích cực đối với học sinh: có thêm nhiều học sinh năng hoạt động bên ngoài hơn, số lượng học sinh tham gia các câu lạc bộ và sự kiện xã hội của trường tăng cao.
Theo một nghiên cứu của Đại học Kinh tế London xuất bản năm 2015, học sinh có kết quả học tập cao hơn khi trường học cấm sử dụng điện thoại trong giờ học.
Tìm cách “sống chung”
Tại Mỹ không có quy định cấm mang và sử dụng điện thoại ở trường học với lý do, điện thoại là một công cụ hữu hiệu giúp ích cho việc học tập trong nhiều trường hợp.
Năm 2006, Michael Bloomberg vốn là thị trưởng đương thời thành phố New York đã ra quyết định cấm học sinh, sinh viên sử dụng điện thoại ở tất cả trường học, gây làn sóng tranh cãi trong cộng đồng phụ huynh và học sinh.
Luật cấm học sinh sử dụng điện thoại tại trường học có hiệu lực đến tận năm 2015 khi ông Bloomberg rời ghế thị trưởng và ông Bill de Blasio lên thay.
Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học của Mỹ chỉ ra, phần lớn học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học không phải để học mà để gửi tin nhắn cũng như đăng các dòng trạng thái lên mạng xã hội. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng học của học sinh.
Một số phụ huynh tin rằng con họ cần có điện thoại ở trường để họ có thể liên lạc với con khi cần. Đó là lý do vì sao nhiều nơi, nhất là ở Mỹ, cho phép trẻ mang điện thoại tới trường nhưng không cho dùng trong lớp học.
Một số người cho rằng tốt hơn, thay vì cấm thì nên dạy trẻ cách sử dụng công nghệ có trách nhiệm. Những người này cũng tin rằng smartphone còn có thể là một công cụ giáo dục thuận tiện cung cấp các nguồn tài nguyên học tập phong phú, hữu ích cho học sinh.
Tại Nhật Bản, theo chính sách mới nhất được thông qua vào tháng 7/2020, học sinh Nhật Bản từ cấp 2 sẽ được phép mang điện thoại đến trường để liên lạc trong các trường hợp khẩn cấp, điều cần thiết với tần suất thiên tai lớn ở Nhật Bản.
Với quy định này, học sinh sẽ được mang điện thoại trong từ nhà đến trường để phòng tránh trường hợp nguy hiểm. Sau khi tới trường, các em sẽ được yêu cầu cất điện thoại vào những tủ cá nhân để tránh mất tập trung trong giờ học.
Tại Hàn Quốc, từ năm 2012, toàn bộ học sinh Hàn Quốc bị cấm mang điện thoại đến trường, trừ những trường hợp cụ thể như đi dã ngoại hay hoạt động ngoại khóa ngoài trời.
Quyết định này được đưa ra sau nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng gần 20% giới trẻ Hàn Quốc bị nghiện điện thoại thông minh hoặc mạng Internet. Song việc cấm là cấm, còn học sinh lén lút sử dụng thì tất nhiên không tránh khỏi.
Tuy nhiên, kể từ năm 2014, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã thử nghiệm một phần mềm quản lý điện thoại học sinh dựa vào GPS: iSmartKeeper. Các nhà giáo dục Hàn Quốc giờ đây đã không còn phải đau đầu với sự phát triển của điện thoại thông minh đang gây mất tập trung trong từng tiết học của học sinh.
Kể từ năm 2014, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã thử nghiệm một phần mềm giúp giáo viên có tắt điện thoại học sinh từ xa. Song sử dụng phần mềm này, cũng như nhiều phần mềm theo dõi, hạn chế sử dụng điện thoại đã vấp phải nhiều lo ngại khác về quyền riêng tư và thông tin cá nhân của học sinh.
Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học: Chỉ người trong cuộc mới thấu!
Hẳn chúng ta ai cũng từng ít nhất một lần nghe đến câu "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Nay học trò lại có thêm điện thoại thông minh trong lớp thì tha hồ mà thể hiện những hành vi phá bĩnh?
Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học theo thông tư mới ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang vấp phải sự phản biện mạnh mẽ từ dư luận xã hội. Có thể kể ra đây một số trăn trở lớn của những người trực tiếp trong cuộc, đó là giáo viên và phụ huynh.
Thứ nhất, tình huống cho phép học sinh sử dụng điện thoại cá nhân trong lớp hoàn toàn khác với giờ tin học. Vào giờ tin học, hệ thống máy tính đã được cài đặt đồng bộ dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của giáo viên tin học. Trong khi đó, điện thoại của từng học sinh thì lại có những tính năng công nghệ khác nhau. Nhiều học sinh sẽ qua mặt giáo viên, cố ý sử dụng điện thoại thông minh với các mục đích khác ngoài việc phục vụ học tập. Một lớp học ba bốn chục học sinh, một mình giáo viên chắc chắn không thể nào theo dõi hành vi sử dụng điện thoại của từng em. Đối với giáo viên, độ khó trong công tác quản lý, kiểm soát lớp học có thể tăng thêm.
Liệu thầy cô có đủ sức theo dõi tất cả học sinh trong lớp để kịp thời ngăn chặn các em chơi game, xem phim, lướt mạng? (Nguồn: VietnamNet)
Đành rằng theo quy định mới ban hành, học sinh chỉ có thể sử dụng điện thoại khi có sự cho phép của giáo viên, nhưng trên thực tế, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, do cách hiểu của từng Sở GD&ĐT ở từng địa phương, việc triển khai thực hiện tại các trường học, hẳn sẽ có những độ vênh nhất định.
Nếu nhà trường tỏ ra có tinh thần khai phóng, trao hoàn toàn quyền quyết định cho giáo viên, đừng nghĩ rằng đây là một tín hiệu tích cực; vì giả như tình hình bình thường thì không sao, song một khi nảy sinh tình huống phức tạp, bản thân giáo viên sẽ là người đầu tiên hoàn toàn chịu trách nhiệm, áp lực từ phía nhà trường cũng như phụ huynh rất lớn. Gánh nặng lại chồng thêm gánh nặng!
Đây không phải là tâm lý "quản không được thì cấm" mà rõ ràng, có quá ít hành lang pháp lý với những quy định cụ thể để bảo vệ giáo viên trước những tình huống thực tiễn trong không gian sư phạm.
Hẳn chúng ta ai cũng từng ít nhất một lần nghe đến câu "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Nay học trò lại có thêm điện thoại thông minh trong lớp thì tha hồ mà thể hiện những hành vi phá bĩnh. Học sinh có thể ghi âm, quay hình với những nội dung không lành mạnh (chụp ảnh dìm hàng, quay cảnh hớ hênh...) hoặc cắt ghép ảnh, video thành những nội dung mang tính chất hư cấu nhằm câu view. Có thể các em chỉ nghĩ làm cho vui, giải trí, nhưng những hậu quả thì thật khôn lường!
Thứ hai, cứ ngỡ phụ huynh sẽ ủng hộ thông tư mới, nhưng kỳ thực, dễ dàng nhận thấy phần đông phụ huynh còn có nhiều ý kiến băn khoăn, lo âu. Công nghệ hiện đại mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhưng đồng thời cũng kéo theo đó là mặt tiêu cực với nhiều hệ lụy. Phụ huynh lo lắng mặt trái của công nghệ sẽ không được kiểm soát tốt nếu con em mình sử dụng điện thoại trong lớp học. Câu hỏi đặt ra là liệu thầy cô có đủ sức theo dõi tất cả học sinh trong lớp để kịp thời ngăn chặn các em có hành động chơi game, xem phim, lướt mạng vô bổ hay lên xem bài giải, đáp án?
Việc ghi chép truyền thống giúp con trẻ nhớ bài bằng phương pháp một lần ghi là một lần nhớ. Nếu lạm dụng điện thoại, phụ huynh lo lắng con trẻ sẽ có khuynh hướng ỷ lại vào công nghệ, sinh ra thói quen chây lười. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng lo ngại vấn đề tâm lý đua đòi của con trẻ lại phát sinh thêm một tình huống mới. Bạn bè dùng điện thoại cao cấp đời mới, khiến trẻ cảm giác thua thiệt; hoặc những bạn dùng điện thoại đời cũ bị các bạn trong lớp tỏ ý chê bai, thậm chí có hành động trẻ con là kêu gọi tẩy chay.
Rõ ràng, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp sẽ phát sinh hàng loạt các vấn đề, các tình huống có liên quan mà đôi khi ngay cả nhà trường, giáo viên và phụ huynh cũng sẽ lúng túng khi xử lý. Bởi vậy, đòi hỏi cần có những quy định, chế tài, hành lang pháp lý phù hợp thay vì chỉ đơn giản là một câu ngắn gọn trong điều lệ thông tư.
Trẻ mang điện thoại vào lớp, có gì mà ngại? Vì sao ngành Giáo dục lại đề ra quy định cho học sinh sử dụng điện thoại? Nó có dựa trên căn cứ, cơ sở khoa học nào không? Điện thoại thông minh chính là thiết bị giúp học sinh tiếp cận giáo dục hiện đại (Ảnh minh họa) Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT vừa ban hành, trong đó quy định nhiều...