Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học: Có phải ‘thả gà ra để đuổi’?
Sau thông tin Bộ GD&ĐT cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo lắng các em sẽ sa đà vào mê trận thông tin trên mạng xã hội, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ người lớn dễ dẫn đến hậu quả khó lường. Báo TG&VN xin trích đăng quan điểm của một nhà giáo về vấn đề này.
Việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học khiến dư luận hoang mang, lo lắng. (Nguồn: TT)
Tôi là một nhà giáo gắn cả đời với việc dạy học trò. Tuy nay đã bỏ phấn bỏ bút nhưng tôi vẫn thường xuyên theo dõi những quyết định liên quan đến việc dạy của thầy cô và việc học của trò. Việc Bộ GD&ĐT ra quyết định cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học theo tôi là một quyết định nông cạn, có thể ảnh hưởng không tốt đối với nền giáo dục nước nhà.
Ở nước ngoài, việc cấm hay cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động đều dựa trên những nghiên cứu khoa học bài bản, có so sánh đối chứng.
Nước Anh, năm 2007 có 50% số trường cấm sử dụng điện thoại, năm 2012 con số này là 98%. Ở Australia, kể từ năm 2020 chính phủ yêu cầu các trường công cấm học sinh sử dụng điện thoại di động. Nước Mỹ, mỗi bang có một quy định riêng, đôi khi phụ thuộc vào cách nghĩ của thống đốc bang. Chẳng hạn, tại New York từ 2006 tới 2015, dưới thời thị trưởng Michael Bloomberg học sinh phổ thông không được phép sử dụng điện thoại trong giờ học.
Tại Nhật, từ tháng 7/2020 học sinh từ cấp hai trở lên được phép mang điện thoại tới trường để phục vụ những việc khẩn cấp như thiên tai. Khi tới trường các em phải cất điện thoại vào tủ đựng đồ cá nhân.
Vào năm 2014, Hàn Quốc thí điểm một số nơi cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh nhưng có phần mềm giúp giáo viên quản lý việc dùng điện thoại của học sinh như cho phép trang mạng nào học sinh được vào, trang mạng nào không.
Tôi không hiểu dựa trên những nghiên cứu nghiêm túc nào mà Bộ lại ban hành quyết định này. Thời nay, các công cụ hỗ trợ cho việc dạy và việc học không thiếu, học sinh cần được khuyến khích sử dụng các công cụ này ở nhà chứ không phải trong giờ học tại trường.
Đến trường, ngoài việc lĩnh hội kiến thức mà thầy cô truyền thụ cho trò, lớp học còn là nơi giao lưu giữa thầy cô với trò, giữa trò với trò. Trong khi đó, thực tế đang tồn tại căn bệnh trong các gia đình thời nay khi ở nhà, vợ chồng con cái mỗi người đều dán mắt vào chiếc điện thoại của mình. Và chiếc điện thoại tưởng chừng “vô tri vô giác” đang phá vỡ nếp sinh hoạt gia đình truyền thống của nhiều gia đình. Giờ đây, nếu chiếc điện thoại thông minh được hợp thức hóa khác nào đưa căn bệnh nghiện điện thoại di động vào trường học, có khác nào “thả gà ra để đuổi”?
Biết rằng, quy định cho học sinh sử dụng điện thoại vào mục đích học tập nhưng ai giám sát các em? Giáo viên làm sao có thể giám sát vài chục học sinh sử dụng điện thoại làm gì, học tập hay lao vào những thú tiêu khiển cá nhân? Khi ấy ai sẽ chịu trách nhiệm?
Thời nay, tính khai phóng cần được chú trọng hơn tính khai trí. Tuy nhiên, việc dạy và học theo kiểu thầy truyền thụ và giảng giải kiến thức trên lớp, học sinh tiếp thu nhanh hơn nhiều so với việc học online. Với những suy nghĩ như trên, tôi cho rằng, nên cân nhắc và có những đánh giá trước khi quyết định cho học sinh mang điện thoại vào lớp trong giờ học hay không.
Nói một cách trung thực, thời nay, học sinh từ bậc tiểu học tới đại học chưa thực sự tự giác trong việc học. Tại các lớp học ở bậc phổ thông, dạy đi đôi với dỗ, đấy là việc mà đa phần các giáo viên đang làm. Nếu cho học trò mang điện thoại thông minh vào lớp, tôi e rằng Internet sẽ “dỗ” học sinh đi chệch hướng.
Video đang HOT
Những trang mạng đen không phù hợp với thuần phong mĩ tục của người Việt có sức hấp dẫn rất ghê gớm, nhất là với lứa tuổi mới lớn ưa khám phá, tò mò. Lớp học đông, liệu các thầy các cô có đủ sức ngăn trò vào những trang mạng đen như bạo lực hay khiêu dâm được không? Cha mẹ thời nay chỉ có một hoặc hai con mà nhiều gia đình còn không quản được con vào các trang mạng này thì thầy cô làm cách nào quản được mấy chục học trò?
Thực ra, tại các thành phố lớn điện thoại thông minh đã chen chân vào nhiều gia đình chứ không phải chỉ đến khi Bộ GD&ĐT cho phép học trò mang điện thoại vào lớp học mới có vấn đề nan giải này. Việc thả gà ra rồi đuổi bắt cũng đã có rồi, nhiều nước cũng nhận ra mặt trái của việc học trò sử dụng điện thoại thông minh, nên mỗi nước đều có quy định cụ thể việc cho phép hay không cho phép sử dụng điện thoại tại trường.
Biết rằng, sợ thả gà ra bắt mà không dám quyết những việc làm hay, tiến bộ phục vụ cho mục đích giáo dục là không có bản lĩnh. Nhưng việc ban hành những quyết định không có cơ sở khoa học, không cân đong đo đếm cẩn thận sẽ có tác hại khôn lường.
Các phương tiện truyền thông chỉ là công cụ hỗ trợ cho việc dạy của thầy và việc học của trò chứ không thể thay thế cho các trường dạy theo phương pháp truyền thống. Tuy là giáo viên nhưng tôi đã từng phải đi học thêm những kiến thức mới, hôm nào vì lý do không đến lớp nghe bài giảng của thầy, tôi phải dành thời gian gấp 5 lần thời gian nghe giảng trực tiếp trên lớp để đọc tài liệu mới nắm được vấn đề.
Thực tế, cho đến thời điểm hiện nay, chưa có quốc gia nào đóng cửa trường truyền thống để thay bằng hình thức dạy online. Hơn nữa, trong một lớp học có từ “hai người thầy” trở lên trình bày một vấn đề, học sinh có tiếp thu dễ hơn không? Sẽ thế nào khi cùng một lúc vừa đọc tài liệu vừa nghe thầy cô giảng, liệu khả năng tiếp thu của các em có tăng lên?
Những quyết định của ngành giáo dục đều liên quan tới hàng chục triệu học sinh, liên quan tới mọi thành phần trong xã hội. Bởi vậy, trước khi ban hành những quy định mới cần phải cân đong đo đếm thận trọng.
Theo tôi, trước khi đưa ra quyết định cho phép học sinh được dùng điện thoại thông minh trong giờ học cần chọn ngẫu nhiên khoảng 126 lớp ở 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh 2 lớp cùng bậc học. Trong hai lớp của mỗi tỉnh, một lớp cho sử dụng điện thoại, một lớp không. Sau một tháng được dạy cùng một chương trình, nếu lớp cho dùng điện thoại có kết quả kiểm tra cao hơn lớp không, khi đó, quyết định cho học sinh sử dụng điện thoại mới có sức thuyết phục về khoa học.
Đồng thời, nên tiến hành thăm dò trên diện rộng các bậc phụ huynh với đầy đủ các thành phần xem ai tán thành chủ trương cho học sinh sử dụng điện thoại, ai không. Nếu số phụ huynh tán thành chủ trương cho học sinh dùng điện thoại tại trường áp đảo số phụ huynh nói không, khi đó quyết định của Bộ mới thực sự được người dân tán thành.
Người Việt ta thông minh và có khả năng học hỏi. Thế nhưng nếu định hướng sai vì kém hiểu biết hay chỉ vì lợi ích của một nhóm người nào đó thì “lợi bất cập hại”. Hãy xem các quy định về việc cho hay không cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh của một số nước sẽ thấy việc Bộ GD&ĐT cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học là đúng hay sai, có phù hợp hay không.
“Tôi nghĩ việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại với mục đích để các em khai thác tài liệu học tập trong giờ học khi có sự đồng ý của giáo viên về mặt lý thuyết là đúng. Nhưng thực tế rất khó kiểm soát được việc sử dụng có thực sự đúng mục đích hay không? Vì số học sinh có ý thức, tự giác cũng không nhiều. Số còn lại sẽ lợi dụng việc hợp thức hóa chiếc điện thoại trong lớp học với mục đích khác, trong đó rất có thể đưa các em đến những thông tin xấu. Giáo viên sẽ rất khó quản lý”. (cô Lê Thị Hồng, TP. Thanh Hóa)
Dạy học từ xa: Giải pháp học tập hiệu quả “mùa” dịch Covid-19
Có ý kiến cho rằng, nếu thời gian nghỉ học tiếp tục kéo dài do dịch bệnh thì cần có những giải pháp cụ thể để đảm bảo chất lượng giáo dục.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã lùi kỳ thi THPT Quốc gia nhưng nhiều học sinh, giáo viên và phụ huynh vẫn lo lắng cho chất lượng các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi THPT.
Đâu là giải pháp tối ưu?
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bệnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Hiện nay, dịch đã bùng phát ở một số quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị, đối với học sinh, sinh viên là đối tượng có thể chủ động phòng chống dịch, có thể cho đi học trở lại từ ngày 2/3 tới. Còn đối với học sinh mầm non, tiểu học, có thể cho lùi lại 1 - 2 tuần, tùy theo tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên chưa thể quyết cho học sinh đi học trở lại vào thời gian cụ thể ngay tại cuộc họp này, mà cần chờ đến ngày 27 - 28/2 mới "chốt" vấn đề này.
Bộ GD-ĐT đã công bố chính thức khung thời gian năm học 2019 - 2020, với 4 mốc thời gian được điều chỉnh:
1. Kết thúc năm học trước ngày 30/6/2020.
2. Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/7/2020.
3. Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8/2020.
4. Thi trung học phổ thông Quốc gia từ ngày 23/7/2020 đến ngày 26/7/2020.
TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, rất khó khăn để quyết định thời điểm nào cho học sinh quay trở lại trường khi diễn biến dịch đang rất phức tạp. Thời gian nghỉ học đã kéo dài 1 tháng nhưng các giải pháp mà Bộ GD-ĐT đưa ra mang tính rất thụ động.
Nghĩa là, tùy theo tình hình dịch, nếu dịch căng thì Bộ cho nghỉ, cứ nghe ngóng từ tuần này sang tuần khác khiến học sinh, giáo viên và cả xã hội lo lắng, vì việc học bị gián đoạn khá lâu. Ngay bây giờ, Bộ GD-ĐT cần chủ động tìm giải pháp chứ không thể thụ động như thời gian qua. Ví dụ, trước đây giải pháp khi đến mùa lũ đồng bằng Sông Cửu Long phải cho học sinh nghỉ học sớm, nhưng sau đó chúng ta đã tìm ra giải pháp "sống chung với lũ", tương tự như vậy, ngành giáo dục cần tìm ra giải pháp "sống chung với dịch".
"Thời gian này là cơ hội để các trường suy nghĩ về việc triển khai đại trà dạy học trực tuyến, chứ không chỉ trong các đợt thiên tai, dịch họa. Trong mấy ngày gần đây, đã có kênh truyền hình Vĩnh Long, Đồng Nai, Quảng Ninh, TP HCM... dạy học qua kênh truyền hình, nhưng mới chỉ dạy cho lớp 9 và lớp 12 (là lớp chuẩn bị thi chuyển cấp-PV). Tuy nhiên, mới chỉ dạy theo hình thức ôn tập, còn theo tôi Bộ cần chỉ đạo để thống nhất trên toàn quốc là dạy kiến thức mới. Đang lúc "nước sôi, lửa bỏng" cần làm ngay, chỉ cần có quyết tâm cao là làm được..." - TS Lê Viết Khuyến
TS. Khuyến cho biết, hiện nay, có một số trường đã triển khai đào tạo trực tuyến nhưng không phải nơi nào cũng có điều kiện áp dụng.
Chính vì vậy, ngày 20/2, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng, Bộ GD-ĐT đề xuất giải pháp là vẫn cho các trường tiếp tục hoạt động, nhưng thay phương thức học truyền thống (mặt đối mặt) bằng hình thức học từ xa, cụ thể là học truyền hình. Những bài học đó học sinh có thể lưu lại, nếu chưa rõ có thể xem lại hoặc trao đổi với giáo viên của lớp mình những phần chưa hiểu (giáo viên sẽ đóng vai trò trợ giảng).
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng: HS-SV nghỉ học trong mùa dịch Covid-19 là cần thiết nhưng nếu kéo dài, hơn 20 triệu học sinh nghỉ học quá lâu sẽ tác động xấu đến nhiều mặt giáo dục và xã hội. Tốt hơn là, toàn xã hội cần chung sức với ngành giáo dục triển khai các giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến có thể của đại dịch mà không chỉ thụ động cho HS-SV nghỉ học chờ hết dịch.
Trước đây chúng ta đã từng thực hiện dạy học trên truyền hình và bây giờ kênh VTV7 vẫn duy trì tuy rằng thời gian không nhiều. Hiện cả nước có hàng trăm kênh truyền hình từ Trung ương đến địa phương là lợi thế để triển khai dạy học trên truyền hình. Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày theo phương thức phi lợi nhuận.
"Nếu chủ trương từ trên và có sự đồng thuận của các sở GD-ĐT địa phương, các trường, đài phát thanh - truyền hình địa phương thì việc dạy học đại trà trên 63 tỉnh, thành phố của cả nước trước hết là học sinh phổ thông, sẽ không gặp khó khăn đáng kể nào". - GS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam
Khi các kênh truyền hình cùng tham gia cần có quy định rõ ràng thời khóa biểu cho từng môn học đối với từng khối lớp, áp dụng chung thống nhất trên cả nước hoặc cho từng tỉnh, thành phố. Các sở GD-ĐT sẽ lựa chọn giáo viên bộ môn giỏi lên dạy trên truyền hình. Học sinh ở nhà học một mình hoặc học nhóm vài ba em ngồi chung học trực tuyến, bên cạnh có phụ huynh quản lý theo dõi. Việc theo dõi, hướng dẫn đánh giá kết quả học tập của học sinh vẫn do đội ngũ giáo viên ở các trường đảm nhiệm.
"Muốn làm được như vậy thì người đứng đầu ngành và đứng đầu các địa phương cần sớm ra quyết định để các đài truyền hình chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục triển khai việc dạy học" - GS. Quân nhấn mạnh.
Có thể xét tốt nghiệp trung học phổ thông?
Dù Bộ GD-ĐT có quyết định lùi các kỳ thi THPT Quốc gia nhưng các gia đình có con em đang học lớp 12 thì vẫn có sự lo xa. Câu hỏi đặt ra là: Nếu cứ phải lùi năm học thêm 1-2 tháng không có học kỳ 2 thì học sinh lớp 12 sẽ ôn luyện, tốt nghiệp phổ thông và được tuyển vào đại học theo cách nào? Đây là vấn đề nóng đang thu hút sự quan tâm của giáo viên, lãnh đạo các trường THPT, các trường đại học, cao đẳng.
Bởi thế, mới đây lại có ý kiến đề xuất xét tốt nghiệp THPT thay vì tổ chức một kỳ thi THPT Quốc gia căng thẳng, tốn kém, trong khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nào cũng cao ngất ngưởng. Thầy Minh Long (Hà Nội) đề xuất: Trường hợp có dịch bệnh như năm nay thì không cần phải tổ chức thi tốt nghiệp nữa, chỉ cần lấy số liệu thống kê tỷ lệ tốt nghiệp mấy năm gần đây của các trường THPT làm chuẩn, trường nào tốt nghiệp 99,5 - 100% thì năm nay cho tốt nghiệp luôn khỏi phải thi, lấy điểm thi học bạ của cả năm lớp 10 - 11 và HK1 năm 12 chia trung bình là xong (trên 5,0 là tốt nghiệp).
Số còn lại thì cho hiệu trưởng các trường THPT tự ôn tập 1 tháng, tự cho kiểm tra rồi quyết định. Về vấn đề tuyển sinh là việc của các trường đại học, quyền tự chủ của các trường. Đừng lo tuyển như vậy không có chất lượng vì chất lượng của trường đại học đã có các tổ chức kiểm định và thị trường lao động đánh giá bằng trả lương. "Mở cửa" đầu vào và duy trì chất lượng đầu ra bằng kiểm tra đánh giá của trường đại học quan trọng hơn nhiều và chính xác hơn là dùng một kỳ thi của lớp 12.
Phụ huynh Thu Hồng (Hà Nội) cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng, việc xét tốt nghiệp sẽ giảm căng thẳng, tốn kém và rất phù hợp trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, việc xét tốt nghiệp các trường cần làm nghiêm túc, công bằng, tránh "làm đẹp học bạ".
"Giáo dục đang thay đổi, học sinh đang ngày càng trở thành trung tâm, quá trình học tập cần diễn ra suốt đời và bằng cấp không phải là quá quan trọng, chính vì thế mà 1-2-3 tháng hay là cả một học kỳ chả là gì so với việc học cả một đời, quyết định cho tốt nghiệp hay xét tuyển ĐH theo quá trình học sẽ là một cải cách lớn của giáo dục Việt Nam..." -Thầy Nguyễn Minh Long- (Hà Nội)
Về ý kiến có nên xét tốt nghiệp THPT, TS Khuyến cho rằng, như thời kỳ chống Mỹ những vùng bị ném bom nhiều quá phải bỏ tốt nghiệp, nếu chúng ta cứ nghĩ tràn lan hết tuần này sang tuần khác mà không có phương án "sống chung với dịch" thì thậm chí có khi phải chấp nhận nghỉ học 1 năm. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hiện được giải pháp dạy học trên truyền hình thì việc tổ chức thi vẫn có thể thực hiện. Chỉ cần quyết tâm cao của các bộ, ngành thì có thể triển khai ngay được giải pháp này./.
Theo VOV
Tiếp tục đề xuất cho học sinh, sinh viên nghỉ đến tháng 4 mới đi học! 'Thà chậm một chút còn hơn ân hận. Thi tốt nghiệp chậm một chút cũng không sao cả' - giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, ông Huỳnh Thành Đạt nói. Chiều 29/2, UBND TP.HCM đã làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ĐH Quốc gia để...