‘Các nhà khoa học cống hiến không vì mục đích xếp hạng’
Theo GS Nguyễn Đình Đức, để đo sức ảnh hưởng của nhà khoa học trong một lĩnh vực nhất định cần dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, chỉ số trích dẫn được xem là khách quan, đôi khi là chỉ số quan trọng nhất khi đánh giá.
Ảnh minh họa
Mới đây, tạp chí PLoS Biology đã công bố danh sách 100.000 nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học hàng đầu thế giới theo cơ sở dữ liệu Scopus. Tác giả của bảng xếp hạng này là các giáo sư Jeroen Baas, Kevin Boyack và John P.A. Ioannidis thuộc ĐH Stanford (Mỹ).
Các tiêu chí dùng để xếp hạng các nhà khoa học gồm có: chỉ số ảnh hưởng của nhà khoa học trong lĩnh vực và cộng đồng khoa học, tổng số trích dẫn, chỉ số H (H-index), chỉ số đồng tác giả (HM-index), số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất; số trích dẫn cho các bài báo là tác giả chính và tác giả cuối cùng.
Tuy nhiên, có nhiều quan điểm cho rằng, việc xem xét các nhà nghiên cứu chỉ dựa trên trích dẫn là chưa đủ để đánh giá đẳng cấp của một nhà khoa học.
Các nhà khoa học Việt đang công tác tại Việt Nam lọt vào danh sách 10.000 nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học hàng đầu thế giới (theo tạp chí PLoS Biology)
Là người có mặt trong danh sách nói trên, GS Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chỉ số trích dẫn không phải là chỉ số duy nhất để đánh giá sự ảnh hưởng của nhà khoa học, nhưng đây lại là chỉ số rất quan trọng, đôi khi là quan trọng nhất.
Video đang HOT
“Các tiêu chí đánh giá ở bảng xếp hạng này được xem xét khá toàn diện dựa trên nhiều thông số, không chỉ dựa vào tổng số trích dẫn khoa học mà một nhà nghiên cứu có đươc.
Tôi cho rằng, với một nhà nghiên cứu, nếu các kết quả nghiên cứu của họ không được trích dẫn thì không thể nói nhà nghiên cứu đó có ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học được. Tất nhiên, bảng xếp hạng nào cũng sẽ có những tiêu chí đánh giá riêng và có thể còn những khiếm khuyết.
Giống như các bảng xếp hạng đại học THE, QS hay ARWU,… đưa ra những tiêu chí đánh giá không giống nhau tuyệt đối, song mỗi bảng đều có ý nghĩa và giá trị, giúp cho các trường đại học biết mình đang đứng ở đâu trên trường quốc tế”, GS Đức nói.
Việc nhiều nhà khoa học “đình đám” trong nước và thế giới không có mặt trong top 100.000 theo năm (single year, kết quả trích dẫn khoa học của một năm gần nhất), theo GS Đức, không phải do họ không đủ uy tín, mà có thể do năng suất công bố trong năm khảo sát thấp hơn so với các nhà khoa học khác.
“Nhiều giáo sư nước ngoài mà tôi biết, hoặc những giáo sư Việt kiều có tên trong danh sách, đều là các giáo sư hàng đầu, rất xuất sắc. Tôi cho rằng, nhờ việc xếp hạng, các nhà khoa học mới biết mình đang đứng ở đâu và cũng là động lực để họ phát triển; đặc biệt là giúp những nhà khoa học trẻ, có năng lực xuất sắc tự tin dấn thân vào con đường nghiên cứu.
Tôi cũng tin rằng, các nhà khoa học cống hiến không phải vì mục đích để xếp vào hạng. Nhưng dẫu sao, đây cũng là một sự ghi nhận và đánh giá khách quan, công bằng của cộng đồng quốc tế nên là sự động viên có ý nghĩa. Hãy tưởng tượng, nếu như ở Việt Nam không có ai được xướng danh trong xếp hạng này thì quả thực đáng buồn”, ông Đức nói.
“Đáng động viên và chúc mừng”
TS. Lê Văn Út, Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng khẳng định, “việc so sánh hay xếp hạng lúc nào cũng dễ tranh cãi”. Tuy nhiên, theo ông Út, cần nhìn vào điểm tích cực rằng những kết quả trên đã cho thấy cho thấy sự bứt phá của các đại học Việt Nam trong nghiên cứu khoa học và đặc biệt là trích dẫn khoa học.
“Về phương diện xếp hạng đại học quốc tế, trích dẫn khoa học là một tiêu chí rất quan trọng, có khi mang tính quyết định để các đại học Việt Nam được các tổ chức xếp hạng đại học thế giới ghi nhận”, ông Út nói.
Theo ông Út, thành tựu trích dẫn cao rất đáng được trân trọng do số lượng trích dẫn khoa học khó đến một cách tự nhiên. Tất nhiên, việc tăng trích dẫn khoa học đến từ những kỹ thuật thì không nên được ủng hộ.
Còn theo TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, bất kỳ bảng xếp hạng nào đưa ra cũng sẽ có những nhược điểm nhất định và có thể còn những sai số khi đo lường.
Nhưng những tiêu chí trong các phương pháp đánh giá đều cho ra những con số cụ thể thay vì những nhận định cảm tính, do đó vẫn đem lại ý nghĩa.
“Theo tôi, ý nghĩa quan trọng nhất của bảng xếp hạng này là thông qua đó, chúng ta nhìn nhận về số lượng nhà khoa học Việt Nam đang công tác ở trong nước có tên trong danh sách này vẫn còn rất thấp, chưa tới 30 người trong số 100.000 người. Từ các chỉ số ấy có thể nói lên phần nào bức tranh khoa học của Việt Nam hiện nay,
Còn với những nhà khoa học lọt vào danh sách này, tôi nghĩ cũng là một điều đáng động viên và chúc mừng. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa, những người nằm ngoài danh sách này có năng lực không tốt.
Nhưng tôi tin rằng, những người lọt vào danh sách này đều là những người đã làm việc phi thường và vượt qua rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, với những người có kết quả tương tự ở nước ngoài, họ đã được đầu tư cả về cơ sở vật chất, nguồn lực làm việc cũng như thu nhập cao hơn.
Cho nên, Việt Nam có những đại diện lọt vào danh sách này, tôi nghĩ là điều đáng mừng. Hãy để những người có tên trong danh sách hưởng một niềm vui nho nhỏ trong hành trình làm khoa học vốn đầy vất vả của họ”, TS Phạm Hiệp nói.
10 đại học đào tạo ngành Kinh tế tốt nhất thế giới
Mỹ chiếm đa số vị trí trong top 10 trường đào tạo nhóm ngành Kinh tế và Kinh doanh, trong đó đồng hạng một là Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Stanford.
Times Higher Education (THE) đánh giá và xếp hạng các trường dựa vào hoạt động đào tạo, nghiên cứu trong các lĩnh vực gồm: kinh doanh và quản lý, kế toán và tài chính, kinh tế và kinh tế lượng.
Từ những ngành này, THE tính toán điểm số dựa trên 13 chỉ số riêng biệt, chia thành 5 nhóm với trọng số khác nhau. Nhóm tiêu chí về giảng dạy (môi trường học tập) có trọng số tính điểm xếp hạng là 30,9%; nghiên cứu (khối lượng, thu nhập, danh tiếng) 32,6%; các trích dẫn khoa học (tầm ảnh hưởng của nghiên cứu) 25%; triển vọng quốc tế (của nhân viên, sinh viên và nghiên cứu) 9% và thu nhập ngành (chuyển giao kiến thức) 2,5%.
Với cách tính điểm này, top 10 đại học hàng đầu trong đào tạo và nghiên cứu nhóm ngành Kinh tế và Kinh doanh như sau:
Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Stanford của Mỹ chia nhau vị trí dẫn đầu với điểm đánh giá đạt 92/100. Kế đến là hai trường nổi tiếng của Vương quốc Anh - Đại học Stanford và Cambridge với lần lượt 89 và 88,2. Đây đều là những trường nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, không chỉ kinh tế và kinh doanh.
Một góc quen thuộc trong khuôn viên MIT. Ảnh: FB/Massachusetts Institute of Technology (MIT)
Các vị trí còn lại trong top 10 cũng thuộc Mỹ và Vương quốc Anh, trong đó Anh có thêm một đại diện là Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, xếp hạng 9. Còn lại là các trường của Mỹ, gồm Đại học Harvard (hạng 5), UC Berkeley (6), Chicago (7), Yale (8) và Duke (10).
Nếu tính rộng ra top 20, Mỹ và Vương quốc Anh vẫn chiếm nhiều vị trí nhưng đã có sự xuất hiện của hai đại diện ở châu Á là Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc xếp hạng 11, Đại học Quốc gia Singapore hạng 15.
Năm nay, THE xếp hạng 795 trường ở nhóm ngành Kinh tế và Kinh doanh, tăng 66 so với năm ngoái. Các trường được xếp hạng đến từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam có hai trường góp mặt, gồm Đại học Tôn Đức Thắng (nhóm 201-250) và Đại học Quốc gia TP HCM (nhóm 601 ).
5 đại học đào tạo ngành Luật tốt nhất thế giới năm 2022 Đại học Stanford năm thứ hai liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng thế giới về đào tạo ngành Luật, theo công bố ngày 13/10 của Times Higher Education (THE). Xét trên toàn bảng xếp hạng đại học đào tạo ngành Luật năm 2022 với 200 trường, 1/4 số trường thuộc Mỹ, 42 trường thuộc Vương quốc Anh. Dưới đây là tốp 5...