Các em yên tâm, ngày mai dù ít dù nhiều cô vẫn xin sách vở về cho các em
Các em yên tâm, cô sẽ không để các em bị thiệt thòi, các em hãy tự tin dù hôm nay các em thiếu vở, thiếu bút… ngày mai dù ít dù nhiều cô sẽ mang về cho các em
Những lời động viên của cô Nguyễn Thị Thanh Tình – Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Giang (Đông Giang, Đông Hà, Quảng Trị) dành cho các em học sinh trong mùa lũ đã giúp các em ấm lòng.
Những ngày cuối tháng 10/2020, trường Tiểu học Đông Giang liên tiếp 5 lần gặp nước lũ.
Theo chia sẻ của cô Tình, trường nằm ngay cạnh sông Thạch Hãn, trong đợt lũ có thời điểm nước cao ngập trường đến gần 2m nước.
Nước lũ đã khiến 22 cán bộ, giáo viên, nhân viên với 343 học sinh của trường bị ảnh hưởng nặng nề.
Trường Tiểu học Đông Giang ngập chìm trong nước lũ. Ảnh: Trường Đông Giang
Ngay từ những ngày đầu lũ về, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Tình cùng các anh chị em cán bộ giáo viên công nhân viên nhà trường đã tích cực phòng chống lũ.
Dù nước lên nhanh nhưng trường cũng đã chủ động cắt cử giáo viên, cán bộ thầy giáo ở lại trực trường, dọn dẹp sách vở, cơ sở vật chất của trường lên cao.
Nhờ vậy, các tài liệu, sổ sách và tài liêu học tập sách vở của các em học sinh tại trường được cứu đến 90%.
Sự năng nổ, nhiệt tình của người đứng đầu trường Tiểu học Đông Giang trở thành nguồn động lực lớn cho các giáo viên trẻ khác noi theo, tất cả không ai nề hà chuyện lũ lụt, cùng nhau tình nguyện ở lại trường ứng trực phòng ngừa nước lũ.
Trong bão lũ, các thầy vẫn tình nguyện mang cơm, bơi qua dòng nước lũ đến tiếp ứng cho đồng nghiệp tại trường.
Tất cả cán bộ, giáo viên tại Đông Giang thống nhất thành một khối đoàn kết cùng nhau đưa ngồi trường đi qua nước lũ.
Sau những ngày giữ trường, lũ rút, cô Tình cùng các cán bộ công nhân viên nhà trường, chính quyền địa phương tập trung dọn dẹp, vệ sinh trường chuẩn bị đón học sinh trở lại.
Người cầm chổi, người cầm xô, người cào bùn…mọi người chung tay giúp nhau trong khó khăn.
Video đang HOT
Sau lũ là hành trình don dẹp đầy vất vả của cô thầy. Ảnh: Trường Đông Giang
Song song với việc khắc phục hậu quả sau lũ lụt để kịp thời đón học sinh trở lại học theo đúng kế hoạch, bản thân cô cũng đi đầu trong việc kết nối với các “Mạnh thường quân” trên mọi miền đất nước để có thể gieo duyên đưa những cuốn sách, cuốn vở hay ngòi bút, món quà … đến tận tay học sinh để phần nào bù đắp cho các em và động viên phụ huynh.
Nói về việc kết nối với các “Mạnh Thường quân” giúp đỡ các em, cô Tình kể, ngày trở lại trường của các em học sinh Đông Giang sau lũ khác hẳn không khí của ngày tựu trường.
Bởi nhà các em cũng gặp lũ, trôi tất cả… các em đến trường bằng tất cả những gì còn lại sau lũ.
“Thấy các em buồn, sau buổi học đầu tiên tôi ngồi nói chuyện với các em, hỏi về tình cảnh của các em trong lũ và nguyện vọng sau khi lũ rút”, cô giáo Thanh Tình kể.
Sau những nhút nhát ban đầu các em mạnh dạn bày tỏ với cô Hiệu trưởng của mình: “Cô ơi em bị ướt hết sách, em bị trôi hết vở, áo quần cũng bị trôi theo nước lũ… cô ơi nhà em không còn gì…. Cô ơi….! Cô ơi…!”, các em thi nhau nói.
Trước tình cảnh của các em, cô Hiệu trưởng đã hứa: “Các em yên tâm, cô sẽ không để các em bị thiệt thòi, các em hãy tự tin dù hôm nay các em thiếu vở, thiếu bút… nhưng ngày mai dù ít dù nhiều cô sẽ mang về cho các em!”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tình (người áo nâu) đã kết nối yêu thương của các nhà hảo tâm gửi đến Đông Giang. Ảnh: Trường Đông Giang
Thực hiện lời hứa với các em, cô Tình đã đứng lên vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ sách vở, áo quần, đồ dùng học tập cho các em.
Những người đầu tiên mà cô Tình vận động chính là những người thân, chị em ruột của mình.
Mỗi người một ít, người cho sách người cho vở… đến nay, từ lời kêu gọi của cô Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Giang, các em học sinh của 2 điểm trường của trường Tiểu học Đông Giang đã có đầy đủ sách vở học tập.
Tổng giá trị mà các nhà hảo tâm tặng quà cho trường Tiểu học Đông Giang đã lên đến cả trăm triệu đồng, những số tiền, phần quà đã góp phần giúp thầy và trò nhà trường vượt qua khó khăn sau bao lũ.
Hạnh phúc của các em học sinh vùng lũ khi nhận được sự sẻ chia. Ảnh: Trường Đông Giang
Tất cả các món quà của các nhà hảo tâm mà cô Tình kết nối đã được Cán bộ giáo viên của trường đưa đến tận tay học sinh, cán bộ giáo viên gặp khó khăn trong những ngày lũ hoành hành.
Các cô giáo trong trường cũng vô cùng ấn tượng với người lãnh đạo của mình đã bao nhiêu lần, bát cơm ăn vội rồi để đó, khoác cái áo, xỏ vội đôi dép lên đường đưa quà về cho các em.
Không chỉ với trường Tiểu học Đông Giang, lũ hoành hành, càn quét khắp Quảng Trị, nhiều trường học khác cũng bị tàn phá, hư hỏng nặng nề.
Nhờ những tấm lòng hảo tâm, việc học ở Đông Giang có thể quay trở lại. Ảnh: Trường Đông Giang
Cô Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Giang cũng đã san sẻ yêu thương của các nhà hảo tâm đến các trường khác thiệt thòi hơn trên địa bàn như trường Mầm non Đông Giang, các em học sinh mầm non…
Chia sẻ về dự định của mình, cô Tình cho biết, cô rất cảm ơn những tấm lòng của các nhà hảo tâm đã mở lòng giúp đỡ trong những lúc khó khăn, sắp tới, trường Đông Giang sẽ san sẻ yêu thương đối với các trường trên vùng núi khó khăn trên vùng Hướng Hóa, Đakrông…
Xúc động bức thư gửi trò vùng lũ ngày trở lại trường của "thầy giáo làng"
Ngày mai đi học, nếu cũng không còn cặp sách để đựng đồ cũng không sao, các em có thể bỏ tất cả vào một bao ni lông, cột thật chặt...
Đó là những dòng chia sẻ của thầy giáo Hà Văn Quý - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Quảng Ninh (Quảng Bình) gửi các em học sinh sau trận lũ lịch sử.
Thầy Quý (ngoài cùng bên phải) đi cùng đoàn công tác trong đợt lũ. Ảnh: NVCC
Nằm ở vùng thấp trũng, ngôi trường trung học phổ thông Quảng Ninh là nơi gánh chịu nhiều thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua.
Ngôi trường bị nước ngập nhiều ngày, gây hư hỏng nặng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Sau lũ, thầy trò đã cùng nhau bắt tay dọn dẹp, vệ sinh lại trường lớp để sớm trở lại với chương trình học.
Cảm thông với sự mất mát của học trò vùng lũ, "thầy giáo làng" đã viết bức thư chia sẻ tình cảm với học trò, trong đó chứa đựng nhiều góc nhìn nhân văn.
"Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc đồng phục, không nhất thiết phải áo trắng, áo dài và nếu có ố vàng một chút cũng không sao, đừng quá tự ti, đừng quá lo lắng, miễn là áo quần đủ khô, đủ ấm em nhé!
Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc dép có quai hậu (như quy định của Đoàn trường), chỉ cần có cái để xỏ vào chân, bùn lấm một tí cũng được, sứt mẻ một tí cũng được, miễn là đủ để ngăn rác bẩn hay cây gai đâm vào chân, em nhé!
Ngày mai đi học, các em nhớ dậy sớm một tí, đề phòng chiếc xe yêu thích ngày nào bỗng dưng "dở chứng", mình có thể làm một cuốc "bộ hành" giữa trời thu xanh mát, hoặc có thể ra đường ngóng chúng bạn "hốt-dùm-tui-đi";
Và nếu trễ một chút cũng không sao, miễn là đi đủ chậm và an toàn, thấy ai trách thì nhớ mỉm cười và cúi đầu xin được thông cảm, em nhé!
Ngày mai đi học, nếu chưa có đủ sách vở hoặc bút viết, xin các em đừng quá lo lắng, thầy cô còn có nhiều bài học làm người, bài học cho tinh thần tương thân tương ái, bài học về giá trị cốt lõi của học trò trường Quảng Ninh mà đôi khi các em chỉ cần dùng trái tim để "learn by heart" mà không phải ghi chép gì nhiều, em nhé!
Ngày mai đi học, nếu cũng không còn cặp sách để đựng đồ cũng không sao, các em có thể bỏ tất cả vào một bao ni lông, cột thật chặt, và nhớ ghi rõ tên và trường để bà con gửi trả về nếu lỡ nước có cuốn trôi, em nhé!
Ngày mai đi học, khoan hãy học bài cũ, các em có thể dành thời gian hỏi han bạn bè, thầy cô sau đợt lụt vừa rồi, và nhớ đừng chê cười nếu như #crush của mình mặc đồ không được đẹp, đi dép không được "mốt" hay thấy một bao ni lông lăn lốc trong góc bàn cuối lớp, em nhé".
Trường trung học phổ thông Quảng Ninh bị ngập sâu trong đợt lũ vừa qua. Ảnh: HQ
Và thầy Hà Quý cũng căn dặn các học trò của mình rằng: "C ác nhà hảo tâm cũng sẽ đến với các em (như họ đã hứa với thầy cô), thầy mong các em biết trân quý những đồ dùng mà mình nhận được.
Nếu có hơi cũ, hơi rách tí thì cũng mong các em hiểu, đó không chỉ là cuốn vở, tấm áo mà còn cả tấm lòng tương thân tương ái của các bác, các o, các chú, các anh/chị/em;
Và đặc biệt từ các bạn học sinh cùng trang lứa từ mọi miền khắp cả nước, các bạn học sinh ấy, dù còn nhiều nghèo khó nhưng vẫn đóng góp ủng hộ một vài cuốn vở hay 10k, 20k...
Họ đã dành cho đồng bào miền Trung nói chung và Trường chúng ta không chỉ tiền của, sức lực, thời gian, không chỉ sự cho-nhận thông thường, mà còn cả tấm lòng yêu thương đến nghẹn lòng, em ạ".
Cuối thư, thầy Quý mong rằng khi học sinh trở lại trường sẽ tự tin, mỉm cười. "... còn người là còn của, đừng quá lo lắng, đừng quá bi quan, thua keo này ta bày keo khác.
Chỉ cần cố gắng từng tí một, vượt qua những trở ngại trước mắt, không ngừng học tập, và thầy tin, tươi sáng sẽ sớm đến với chúng ta", thầy Quý viết.
Đợt lũ lịch sử vừa qua đã khiến hàng ngàn ngôi trường ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế ngập chìm sâu trong nước. Hàng trăm ngàn học sinh bị nước lũ cuốn trôi sách vở, cặp, áo quần. Con đường trở lại trường của các em còn rất gian nan, vất vả.
Trường học sập tường, bung cửa vì lũ lụt Công tác lâu năm ở vùng thường xuyên bị ngập lụt, thầy Nguyễn Hữu Sơn (Lệ Thủy, Quảng Bình) không ngờ thiên tai năm nay lại tàn phá trường đến thế. Ngày 24/10, dù nước lũ chưa rút hết, giáo viên, học sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Lệ Thủy, Quảng Bình) đã đến trường để dọn dẹp. Một số phụ huynh, thanh...