Các cô giáo mầm non bận rộn giữ ấm cho trẻ
Trong những ngày rét đậm, rét hại, khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10oC, mặc dù theo công văn của Sở GDĐT Hà Nội, học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ nhưng vẫn có rất nhiều trường mầm non hoạt động bình thường. Trong những ngày này, nhiệm vụ quan trọng nhất được các trường đặt lên hàng đầu là giữ ấm cho trẻ.
Đóng kín cửa, không ra ngoài
Tại các trường mầm non nội thành, việc đảm bảo giữ ấm cho trẻ khá thuận lợi. Với những trường dân lập hoặc bán công, có sự đóng góp của phụ huynh học sinh, nhiều trường đã bật điều hòa mức ấm trong các phòng học.
Còn tại những trường công lập, các lớp đều đóng kín cửa sổ, phòng học có trải thảm hoặc trải xốp, nhiều trường còn chuẩn bị sẵn dép lê cho trẻ đi trong phòng, hạn chế thấp nhất việc trẻ tiếp xúc với nền đá hoa lạnh.
Hiệu trưởng các trường cho biết, trong những ngày rét, trường vẫn tiếp nhận học sinh vì thông cảm với nhiều phụ huynh nếu con nghỉ thì không biết gửi con ở đâu để đi làm. Vì thế, dù nhiệt độ dưới 10oC, giáo viên của trường vẫn đến lớp và nếu có trẻ gửi, vẫn nhận trẻ như bình thường.
Cô Hoàng Ngọc, giáo viên một trường mầm non của quận Đống Đa cho biết, khó khăn nhất là việc giữ ấm bữa ăn của trẻ. Trẻ mầm non trong độ tuổi từ 3-6 tuổi đang tập xúc ăn nên dễ rơi vãi, bữa ăn kéo dài, vì thế, các cô phải luôn chú ý động viên trẻ ăn nhanh, thậm chí phải xúc hộ để đảm bảo bữa ăn của các cháu còn ấm cho đến lúc hết bữa.
Trong những ngày rét, các trường đều đảm bảo không cho trẻ ra ngoài trời, mọi hoạt động như tập thể dục, vận động, chơi các trò chơi… đều diễn ra trong lớp.
Video đang HOT
Các lớp học đều chú ý giữ ấm cho trẻ
Ủ ấm nước uống, pha nước ấm làm vệ sinh cho trẻ
Tại các huyện ngoại thành, việc giữ ấm cho trẻ gặp nhiều khó khăn hơn nhưng các trường luôn cố gắng ở mức tối đa.
Hiệu trưởng Trường mầm non Hát Môn (huyện Phúc Thọ) Viết Thị Bình cho biết, hôm nào nhiệt độ dưới 9oC, trường mới thông báo nghỉ. Để đảm bảo giữ ấm cho trẻ, các lớp đều được trang bị đầy đủ chăn, gối, tuy nhiên do điều kiện có hạn nên trường không thể mua được đệm cho các cháu ngủ trưa, chỉ có thể trải xốp thay cho đệm.
Cô Đào Thu An, Hiệu phó Trường mầm non Bắc Phú (huyện Sóc Sơn) cho biết, ngoài việc nhắc nhở phụ huynh mặc đủ ấm cho con khi đến trường, để giữ ấm cho trẻ trong giờ ngủ trưa, trường đã tăng cường thêm chăn để vừa trải bên dưới, vừa đắp bên trên thay cho đệm.
Không có điều kiện có cây nước uống nóng lạnh như các trường khác, Trường mầm non TTNC bò và đồng cỏ (huyện Ba Vì) phải dùng các bình ủ để giữ nước ấm cho trẻ uống. Cô Cù Minh Hương, Hiệu phó nhà trường phân trần: Do phần lớn phụ huynh không có kinh tế khá giả, điều kiện nhà trường chưa thể trang bị được cây nước uống nóng lạnh, nên trong những ngày rét, trường chỉ có thể dùng bình ủ nước nóng cho các cháu uống. Những hôm nhiệt độ xuống dưới 10oC như vừa qua, trường vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên chỉ có khoảng 30% số trẻ đến lớp.
Một khó khăn chung của rất nhiều trường mầm non hiện nay là không có bình nóng lạnh trong nhà vệ sinh. Vì thế, các trường đều phải thực hiện công đoạn pha nước ấm cho trẻ rửa tay hoặc đi vệ sinh.
Các cô giáo mầm non cho biết, trông – dạy trẻ ngày thường đã vất vả, trông trẻ trong những ngày rét mướt còn vất vả và bận rộn hơn nhiều lần.
Theo lao động
Nhiệt độ Hà Nội xuống dưới 10 độ C: Nhiều trường đóng cửa
Sáng 5/1, nhiệt độ ngoài trời của Hà Nội xuống 8độC. Theo quy định, ở nhiệt độ thấp này, học sinh cấp mầm non và tiểu học sẽ được nghỉ, tuy nhiên nhiều phụ huynh do chưa nắm được thông tin vẫn cho con đi học trong mưa phùn lạnh giá.
Trời lạnh, nhiều trường ở Hà Nội phải cho học sinh nghỉ học.
Ảnh: Q.Huy
Đội rét đến trường
6h20 sáng 5/1, bản tin Dự báo thời tiết kênh VTV1 thông báo nhiệt độ ngoài trời khu vực Hà Nội là 8độC, đồng thời nêu rõ quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn đưa con đi học. 7h15 tại cổng Trường tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân), nhiều phụ huynh đưa con em mình đến trường trong tình trạng áo mưa, quần áo bao bọc kín mít nhưng tất cả đều thất vọng, thở dài trước tấm biển thông báo của nhà trường cho phép học sinh được nghỉ học vì nhiệt độ thấp.
Không chỉ riêng Trường tiểu học Phan Đình Giót, trên địa bàn quận Thanh Xuân nhiều trường tiểu học như: Kim Giang, Thanh Xuân Trung, Hạ Đình, Khương Mai... đều diễn ra tình trạng tương tự. Mặc dù các trường vẫn tiếp nhận học sinh, tuy nhiên phần lớn phụ huynh đưa con đến trường rồi đưa ngay về nhà hoặc gọi điện thoại nhờ gửi khắp nơi. Ở các trường mầm non Sơn Ca, Ánh Sao, Hoa Sen, Thanh Xuân Trung... phụ huynh vẫn mang con đến gửi, tuy nhiên sĩ số của các lớp cũng chỉ bằng một phần tư ngày thường.
Ở vùng ngoại thành Hà Nội, công tác phòng tránh rét còn gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn cơ sở vật chất. Trong ngày đầu nghỉ học, do thông báo kịp thời tới từng thôn nên Trường mầm non Minh Quang, huyện Ba Vì có rất ít học sinh đi học. Nhưng bà Nguyễn Thị Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường không khỏi lo lắng: "Trường có 614 trẻ học tại 6 điểm trường, nhưng có tới 4 điểm trường không tổ chức bán trú, buổi trưa các cháu về nhà. Tại các điểm lẻ này chỉ là các phòng học nhờ ở phòng họp, hội trường của thôn nên điều kiện không đảm bảo cho việc tránh rét. Ngay cả điểm học bán trú cũng chỉ có phòng kín, có miếng lót nền, chiếu và chăn ấm, có nước nóng thường xuyên, cô nuôi chăm sóc... Trong điều kiện như vậy, để đảm bảo sức khỏe cho các em là rất khó khăn".
Đảm bảo sức khỏe học sinh
Trước tình hình thời tiết có diễn biến bất thường, mưa rét kéo dài, khả năng trong những ngày sắp tới Hà Nội sẽ có rét đậm, rét hại. Để đảm bảo sức khoẻ, phòng chống rét cho học sinh, từ ngày 4/1, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản khẩn cấp yêu cầu các đơn vị, trường học, đặc biệt là các trường học vùng nông thôn, miền núi và các lớp điểm lẻ, địa bàn khó khăn cần chú ý thực hiện các quy định về nghỉ học, đảm bảo sức khỏe và phòng chống rét cho học sinh. Theo đó, các phòng GD&ĐT, trường học, phụ huynh cần theo dõi bản tin thời tiết hàng ngày, căn cứ vào nhiệt độ ngoài trời để đưa ra quyết định cho học sinh nghỉ học, hoặc phụ huynh tự cho con nghỉ ở nhà.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: "Căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường có thể điều chỉnh thời gian học, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết cần thu xếp để học sinh vẫn được vào lớp học. Khi có rét đậm, nhà trường không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời, cần đảm bảo sức khoẻ cho học sinh khi tổ chức các giờ học thể dục ngoài trời. Đối với những trường có tổ chức bán trú, cần đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh cho học sinh như: đảm bảo đủ suất ăn, chế độ ăn hợp lý, cơm, thức ăn, nước uống nóng sốt, chỗ nghỉ trưa ấm áp. Đặc biệt, chuẩn bị các loại thuốc men phục vụ công tác y tế học đường. Các trường mầm non cần đảm bảo có nước ấm để chăm sóc và phục vụ các cháu...".
"Phụ huynh học sinh cần theo dõi thông tin về nhiệt độ ngoài trời của khu vực Hà Nội được phát tại Bản tin Dự báo thời tiết VTV1 vào khoảng 6h hàng ngày. Căn cứ vào thông tin này, Phòng GD&ĐT và các trường được phép chủ động quyết định cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ từ 10C trở xuống; Cho học sinh THCS nghỉ học khi nhiệt độ từ 7C trở xuống".
Ông Nguyễn Hiệp Thống,
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Theo Giadinh.net
Trường đại học 'khát' giảng viên Số lượng trường và sinh viên tăng không ngừng nhưng đội ngũ giảng viên lại thiếu trầm trọng. Thực trạng cử nhân dạy cử nhân sẽ khiến ngành giáo dục còn tiếp tục xuống cấp. Hiện nay chỉ có một số trường đại học công lập thuộc top trên là có nguồn giảng viên chính thức đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy....