Cả nước có 7 tỉnh dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh mầm non, phổ thông
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình tổ chức dạy học tại các địa phương, tính đến ngày 15/1/2022, cả nước có 7 tỉnh dạy học trực tiếp cho học sinh tất cả các cấp học mầm non, phổ thông, gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Thái Bình và Hà Nam.
Tại các địa phương này, dịch đang ở cấp độ 1 (vùng xanh).
Các học sinh trường THCS Trần Phú (Phủ Lý) thực hiện nghi lễ chào cờ trong buổi khai giảng ngay tại lớp thông qua hệ thống trực tuyến của trường. Ảnh tư liệu: Đại Nghĩa/TTXVN
Đối với các địa phương còn lại, 19 tỉnh, thành phố dạy trực tuyến và qua truyền hình; 37 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình. Tổng số huyện/thị xã/thành phố dạy học trực tuyến, trên truyền hình là 366/713 (chiếm 51,3%).
Cả nước có 43 tỉnh, thành phố đã cho học sinh mầm non đi học trở lại; 46 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học đến trường, chiếm 57,38% học sinh tiểu học trên cả nước; 53 tỉnh, thành phố cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông (nhất là học sinh khối lớp 7 đến lớp 12) học trực tiếp, chiếm 69% học sinh của cả nước.
Ngày 18/1, Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngay Hội thảo trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương thống nhất có lộ trình cụ thể để mở cửa trở lại các cơ sở giáo dục, đào tạo, trường học trên toàn quốc, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết quả và đề xuất cụ thể để xem xét, quyết định.
Video đang HOT
Hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể, nhất là đối với các địa phương có tỷ lệ cao trong việc tiêm đủ liều vaccine cho đối tượng từ 12-17 tuổi.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để trẻ em, học sinh từ 5-11 tuổi đi học trực tiếp trở lại.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh tới lớp học trực tiếp, đảm bảo an toàn tại các cơ sở giáo dục, ưu tiên tiêm đủ liều vaccine cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên phục vụ.
Các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình) tổ chức dạy học trực tiếp; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao) tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp. Với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9 và 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): căn cứ vào tình hình thực tế và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học… Với cấp học mầm non và phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo các hình thức phù hợp; phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả, an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học qua truyền hình; có phương án chuyển tài liệu học tập đến những học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, học qua truyền hình.
Giúp học sinh vững tâm trước thi tuyển
Chỉ vài tháng nữa, cùng với học sinh cả nước, hơn 82.000 học sinh lớp 12 của các trường học thuộc thành phố Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các trường học đã và đang tận dụng tối đa khoảng "thời gian vàng" để tổ chức dạy học trực tiếp và sẵn sàng chuyển trạng thái dạy học theo cấp độ của dịch bệnh, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn, giúp các em vững tâm trước các kỳ thi và tuyển sinh.
Việc tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 12 đã dần ổn định khi các trường đều chủ động tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tế của dịch Covid-19. Trong ảnh: Một giờ dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên). Ảnh: Quang Thái
Dạy học linh hoạt
Từ ngày 6-12, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đáp ứng yêu cầu an toàn ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đón học sinh lớp 12 trở lại trường học. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, tinh thần chủ động, tích cực của nhà trường và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc tổ chức dạy học trực tiếp đã dần ổn định và đạt hiệu quả. Các nhà trường đều chủ động tổ chức dạy học linh hoạt, sẵn sàng chuyển trạng thái dạy học phù hợp với cấp độ dịch tại địa bàn.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Nguyễn Thị Minh Châu, xác định dịch bệnh có thể còn kéo dài, tháng 10-2021, nhà trường đã chuẩn bị cho việc dạy học cả trực tiếp và trực tuyến bằng việc lắp đặt hệ thống camera ở tất cả phòng học, đồng thời tăng thêm dung lượng đường truyền internet... Những ngày qua, một số lớp chỉ có ít học sinh học trực tiếp, nhưng các tiết học vẫn diễn ra theo thời khóa biểu và bảo đảm chất lượng giữa học sinh học tại lớp và học sinh học trực tuyến do đang là F1, F2 hoặc ở khu vực phong tỏa...
Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A Nguyễn Hồng Quang, trường có 15 lớp với gần 700 học sinh lớp 12 và tỷ lệ học sinh đến trường hằng ngày đạt gần 100%. Các lớp được bố trí học giãn cách theo phương án một tuần mỗi lớp có 3 buổi học trực tiếp, 3 buổi học trực tuyến. Nhà trường thường xuyên nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm quy định "5K" và chuẩn bị phương án dạy học trực tuyến hoàn toàn, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Bà Nguyễn Thị Khanh, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) chia sẻ: "Thật tiếc khi các con mới trở lại trường học trực tiếp được vài ngày thì phải chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn do trường ở địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Bố mẹ và con đều đã chuẩn bị cho tình huống này, cố gắng khắc phục khó khăn, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch".
Nhiều biện pháp hỗ trợ học sinh
Với quyết tâm hoàn thành "nhiệm vụ kép", giúp học sinh lớp 12 tự tin bước vào các kỳ thi và tuyển sinh năm 2022, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ học sinh.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) Vũ Đình Hà, nhà trường chia đôi số học sinh của một lớp và tổ chức cho 50% số học sinh học trực tiếp, số còn lại học trực tuyến trong cùng một giờ dạy; đồng thời, thực hiện phương án đổi ca theo từng tuần giữa các nhóm. Với cách thức này, số học sinh học trực tiếp không quá 23 học sinh/lớp, vừa bảo đảm giãn cách, vừa tạo điều kiện để giáo viên có thể hỗ trợ tốt nhất từng em.
Cùng với các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố, Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) đang tận dụng tối đa khoảng "thời gian vàng" để tổ chức dạy học trực tiếp hiệu quả. "Trường có 14 lớp với gần 650 học sinh lớp 12. Để giữ vững tỷ lệ 100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông như năm trước, cùng với việc dạy học theo chương trình, nhà trường tập trung rà soát, ôn tập nội dung kiến thức mà các em đã học trực tuyến và tăng cường bổ trợ một số môn học có trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, với thời lượng mỗi tuần từ 1 đến 2 tiết/môn. Sau khi tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ I, nhà trường sẽ phân loại học sinh theo từng nhóm để có giải pháp hỗ trợ tốt nhất", ông Tô Văn Nhân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo cho hay.
Em Lê Vân Hương, học sinh lớp 12D4, Trường Trung học phổ thông Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình) bày tỏ: "Dù học trực tiếp hay trực tuyến, em cũng cố gắng học thật tốt và thực hiện nghiêm quy định "5K" của Bộ Y tế".
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, để bảo đảm an toàn cho học sinh, thực hiện hiệu quả kế hoạch thời gian năm học, giúp học sinh lớp 12 vững tin trước các kỳ thi, các nhà trường cần chủ động tổ chức dạy học linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến, phù hợp với diễn biến thực tế của dịch Covid-19 tại địa bàn. "Dù học sinh học tập theo hình thức nào, các nhà trường cần quan tâm, hỗ trợ tối đa cho mọi đối tượng, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tuyệt đối không để em nào bị thiệt thòi...", ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.
Đắk Lắk nỗ lực vượt khó trong năm học mới Tỉnh Đắk Lắk bắt đầu năm học mới từ ngày 15/9 và triển khai các hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến theo phân vùng nguy cơ dịch COVID-19. Điều này tạo điều kiện cho các địa phương, nhà trường lựa chọn hình thức dạy học phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên cũng tạo nên nhiều khó khăn cho...