Cá chuồn – món ăn đậm đà hồn quê
Bắt đầu từ khoảng đầu tháng hai, lúc thời tiết thuận lợi, trời yên biển lặng đến tháng tư, tháng năm hằng năm là mùa ngư dân miền Trung quê tôi đi biển trúng cá chuồn nhiều nhất.
Nghề đánh bắt cá chuồn là một nghề truyền thống có từ hàng trăm năm trước. So với các hình thức khai thác hải sản khác thì nghề đánh cá chuồn cũng thật gian nan. Ngư dân chuyên đánh bắt cá chuồn phải có kinh nghiệm trong việc xem sao để định phương hướng, xem gió, mầu ráng trời… để dự đoán thời tiết, biết cách tránh né mỗi khi có giông tố. Những chuyến đi dài ngày khi về khoang thuyền cá đầy ăm ắp. Chợ thời điểm này từ miền xuôi đến miền ngược dường như chỗ nào cũng tràn ngập cá chuồn.
Mít non nấu với cá chuồn.
Video đang HOT
Cá chuồn có hình dáng thuôn dài, lưng xanh, bụng trắng, điều dễ phân biệt nó với các loại cá biển khác là cặp cánh dài tận đuôi. Những loại cá biển thường ít tanh, nhưng riêng cá chuồn mùi vị đặc trưng là tanh và có nhiều xương dăm nhỏ. Vì vậy, chọn cá và chế biến cá chuồn cũng phải đặc biệt tinh tế.
Cá chuồn rất dễ ăn, dễ nấu, nhưng ngon nhất vẫn là nấu canh với mít non. Những quả mít vừa tượng hạt gọt hết vỏ, xắt thành từng lát mỏng, ngâm vào nước cho khỏi thâm đen. Cá chuồn đánh vảy, rửa sạch để ráo nước sau đó xắt thành từng khoanh nhỏ dài cỡ hai đốt tay. Loại cá này rất kén gia vị chúng chỉ hợp với sả, ớt, nén, tỏi, hành nên chế biến nó cũng phải đi kèm với những loại gia vị như thế, không thể khác được.
Cá chuồn gập lại chuẩn bị chiên hay nướng.
Ướp cá với các gia vị này chừng nữa giờ rồi bắc nồi nấu canh lên bếp, nước sôi bùng cho cá vào, cá sôi chừng ba phút cho mít non vào đảo đều, nêm một ít mắm cái vào nồi canh đang sôi, canh chừng đến khi những lát mít màu trắng trong chuyển sang màu đục là vừa chín tới. Nêm vừa ăn, nhắc xuống cho lá lốt xắt nhỏ vào. Dọn cơm ra mâm nhớ kèm một chén nước mắm dầm ớt xanh để ăn với cá. Canh mít non nấu cá chuồn có một mùi thơm rất khó tả. Cái vị chát của mít non như quyện với chất ngọt từ thịt của con cá chuồn tạo ra một vị ngọt lừ thấm đến tận chân răng.
Cá chuồn chiên hoặc nướng lại có mùi vị đặc trưng không thể lẫn vào với loại cá nào được. Cá tươi, mua về mổ bụng, làm sạch ruột, rồi xẻ dọc bụng từ đầu đến gần đuôi, phơi nhẹ ngoài nắng. Sau đó, cho tỏi, ớt, củ nén, ít hành và một củ sả băm nhuyễn vào giã nát với muối hạt. Dùng hỗn hợp gia vị này trải đều khắp bụng cá, gấp cá theo cách: chia cá ra làm 3 phần, bẻ đuôi vào trước, rồi ép phần đầu cá vào… Cuối cùng dùng dây buộc chặt cá không để gia vị rơi ra ngoài. Cá chiên hoặc nướng thường giòn, thịt thơm ngon, lại cay cay ăn nóng thì không biết bao nhiêu cơm mới no!
Theo Lao Động
Canh cá rô rau cải
Không khí oi bức ngày đầu hạ khiến mọi người cảm thấy chán ngán những món ăn vừa nóng vừa lắm dầu mỡ. Vì thế mà hương vị của bát canh với các nguyên liệu đồng quê chắc chắn sẽ mang lại cho bạn sự thoải mái và nhẹ nhàng. Và tôi tìm về với món canh cá rô rau cải - món ăn thanh mát, đậm ngọt, mang nhiều kỉ niệm của tuổi thơ tôi.
"Đầu mùa rô ron, cuối mùa rô trứng" là câu nói thể hiện kinh nghiệm của những người nông dân. Ở quê, mùa cá rô đồng bắt đầu vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch. Lúc đó thật dễ dàng để bắt được cả bầy rô ron dưới những kênh mương hay đám lúa đang "thời con gái". Khoảng tháng 5 tháng 6 trở đi, vào khoảng cuối mùa mưa hằng năm thật dễ dàng bắt được những chú cá rô trứng thịt thơm ngọt, béo chắc.
Cá rô được bắt về, dù là rô ron hay rô trứng đều có thể chế biến hàng chục món ăn khác nhau, vừa thơm ngon, nhẹ nhàng mà vị lại không ngán, rất hợp với thời tiết oi bức của mùa hạ. Từ các món đơn giản như cá rô rán, cá rô kho tương khế đến những món chế biến khá phức tạp như cháo cá rô, cá rô om củ chuối...
Người nhà quê vẫn ngâm nga: "Cá rô canh cải nấu gừng/ Không ăn thì chớ, xin đừng mỉa mai". Tôi vẫn cho rằng trong các món chế biến từ cá rô thì món canh cá rô nấu rau cải là món ăn dân dã, thanh mát hợp với cái nóng của mùa hạ miền Bắc nhất.
Canh cá rô rau cải được chế biến tương đối cầu kì với những công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu. Sau khi mổ cá, tróc vảy và rửa sạch cá rô, phải ướp cá với muối để thịt cũng như canh nấu xong được đậm đà. Tất cả nguyên liệu làm món này chỉ đơn giản có cá rô đồng, rau cải ngọt và điểm thêm chút gừng củ giã nhỏ.
Bước đầu tiên là tách thịt cá. Để lọc được thịt và lấy hết xương răm trên thân cá, người nội trợ nên khéo léo luộc cá trước. Phần xương sẽ được đem giã nhỏ, mịn và bỏ vào nước luộc để nấu kỹ. Nước luộc cá thường vị ngọt tự nhiên của thịt cá rô lẫn gia vị nêm vừa phải.
Thịt cá rô khi tách riêng cũng được đem giã vừa nhỏ để thêm ngọt cho phần nước dùng. Nhưng khi giã (xay) thịt cá cần tinh ý và khéo léo để thịt không nhỏ quá, không nát nhừ mà vẫn thấy từng thớ trắng vừa mỏng và nhỏ. Đối với tôi, việc giã thịt cá bao giờ cũng khó khăn nhất, nếu không dừng đúng lúc thịt sẽ nhuyễn quá và mất vị.
Cũng có nhiều người không chọn cách giã thịt cá mà thay vào đó họ dùng thìa dĩa tách vừa miếng để nấu. Nhưng người xưa vốn quan niệm thịt cá giã vừa sẽ khiến món canh ngọt thơm và đậm đà hơn.
Ngày trước, người ở quê tôi vẫn dùng cối đa để giã cá rô nấu canh cải. Những tiếng chày, tiếng cười nói ríu rít phần nào tạo nên chút ấm cúng, ngọt ngào cho hương vị món ăn.
Nước luộc cá lẫn những thớ thịt rô đồng thơm ngon được nấu sôi và nêm vừa gia vị. Khi nước sôi sẽ bỏ rau cải và gừng đã xay nhỏ vào và nấu chín đều là được món canh thơm ngon, dịu mát.
Nay, canh cá rô rau cải không chỉ là "món nhà quê" mà còn là món khoái khẩu của những người dân thành phố. Trong các nhà hàng, khách sạn, món canh này vẫn là một thực đơn hút khách nhất là trong cái oi bức đầu tháng 5 này.
Hơn thế, bát canh cá rô nấu rau cải ngọt dịu, bỗ dưỡng ấy còn mang hồn quê và tình cảm với miền quê xa xôi của những người con đất Việt.
MonngonHanoi.com