Cả 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 đều có sạn, trách nhiệm hội đồng thẩm định ở đâu?
Chỉ đến khi đưa vào giảng dạy thì dư luận xã hội mới lên tiếng mà phần lớn những người lên tiếng, phản biện không phải giáo viên lớp 1 và lãnh đạo nhà trường.
Đến thời điểm này, các đơn vị phát hành của cả 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 năm nay đều đã thừa nhận có “sạn” trong những sản phẩm của mình và đã đưa ra phương án chỉnh sửa, khắc phục.
Điều này cũng đồng nghĩa các nhà xuất bản đã thừa nhận những sai sót, hạn chế trong các bộ sách của mình đã viết, biên soạn, biên tập và phát hành.
Nhưng, vì sao những sản phẩm này lại đã vượt qua được nhiều vòng thẩm định của nhiều chuyên gia đầu ngành, những giảng viên, giáo viên cốt cán trong hội đồng thẩm định và được Bộ trưởng phê duyệt?
Thậm chí, khi các trường thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 cũng không phát hiện ra “sạn” trong các bộ sách giáo khoa.
Cả 5 bộ sách giáo khoa đều phát hiện ra “sạn” (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Cả 5 bộ sách đều có sạn nhưng qua được các vòng thẩm định quốc gia và sự lựa chọn của các nhà trường?
Lúc đầu, chúng tôi cứ tưởng chỉ mình sách Cánh Diều có “sạn” nhưng bây giờ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo kết quả rà soát 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới thì cả 4 bộ sách lớp 1 của đơn vị này đều có những nội dung, ngữ liệu cần phải điều chỉnh.
Cụ thể, kết quả rà soát bộ sách lớp 1 Kết nối tri thức với cuộc sống phải chỉnh sửa nhiều nhất, với hơn 37 trang, gồm sách giáo khoa tiếng Việt 1 (tập 1 và tập 2) và sách giáo khoa Giáo dục thể chất 1.
Video đang HOT
Bộ sách giáo khoa lớp 1 Chân trời sáng tạo phải sửa lỗi ở 7 trang sách giáo khoa môn tiếng Việt 1 (tập 1) và môn tiếng Anh.
Bộ sách lớp 1 Cùng học để phát triển năng lực sửa lỗi trong khoảng hơn 24 trang. Trong đó, sách giáo khoa tiếng Việt 1 (tập 1 và tập 2) sửa lại ở khoảng 9 trang…
Bộ sách lớp 1 Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục sửa lỗi ở một trang trong sách giáo khoa tiếng Việt 1 (tập 1) phải điều chỉnh nội dung văn bản do ngữ liệu không đúng trong thực tế.
Kết quả này dù không phải là điều bất ngờ với nhiều người nhưng nó khiến chúng ta phải suy nghĩ, băn khoăn nhiều điều.
Bởi, khi các tác giả sách giáo khoa viết, biên soạn xong thì được các nhà xuất bản đều phải biên tập lại. Khi ra bản mẫu thì được hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định qua nhiều vòng, sau đó mới được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Ngoài ra, theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì sách giáo khoa lớp 1 năm nay do các nhà trường lựa chọn. Có nghĩa các trường học, các hội đồng bộ môn huyện, tỉnh đều đã vào cuộc nhưng lại không phát hiện ra “sạn” ở các bộ sách giáo khoa!
Chỉ đến khi đưa vào giảng dạy thì dư luận xã hội mới lên tiếng mà phần lớn những người lên tiếng, phản biện là những người không phải giáo viên lớp 1 và lãnh đạo các trường tiểu học- đây rõ ràng là một dấu hỏi rất lớn!
Nhất là, ngay cả khi dư luận lên tiếng thì lúc đầu đã có một số tác giả viết sách giáo khoa và thành viên hội đồng thẩm định vẫn khẳng định sản phẩm của họ đúng.
Thầy và trò các nhà trường vẫn đang phải sử dụng nhiều cuốn sách giáo khoa đã phát hiện có “sạn”
Thực ra, chuyện viết sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một công việc tương đối khó khăn, không dễ dàng chút nào và ai cũng có thể nhận thấy được điều này.
Bởi một lý do giản đơn là bất kỳ một sản phẩm nào của ngành giáo dục cũng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Nhất là thời đại ngày nay, một sản phẩm như sách giáo khoa luôn hiện hữu trên mạng internet, ai quan tâm cũng có thể đọc được…
Hơn nữa, lần thay đổi chương trình này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương chuyển mục tiêu giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Vì thế, các mục tiêu giáo dục có nhiều điểm khác so với trước đây và nhiều môn học, hoạt động giáo dục mới được đưa vào nhà trường phổ thông lần đầu tiên nên ngay cả đội ngũ viết chương trình tổng thể, chương trình môn học và sách giáo khoa cũng còn bỡ ngỡ, lúng túng.
Điều này đã được một số thầy cô tham gia thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 thừa nhận trong thời gian qua.
Cũng chính vì thế, dù đội ngũ viết chương trình và sách giáo khoa cho chương trình mới lần này có những gương mặt gạo cội, quen thuộc của chương trình 2000 tham gia nhưng cuối cùng thì bộ sách nào cũng có “sạn”.
Đã là “sạn” thì tất nhiên xã hội không chấp nhận được bởi mỗi cuốn sách giáo khoa liên quan đến hàng trăm ngàn học sinh, phụ huynh cùng đội ngũ nhà giáo ở các nhà trường.
“Sạn” có nghĩa là phải lọc, phải bỏ những hạt sạn đó đi để thay đổi bằng một sản phẩm khác nhưng với cách làm của đơn vị phát hành sách giáo khoa Cánh Diều hay đề xuất của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới đây thì thầy và trò các nhà trường đã và vẫn tiếp tục phải sử dụng một số sản phẩm có “sạn”.
Bởi sách Cánh Diều thì đã biên soạn “Tài liệu điều chỉnh ngữ liệu sách Tiếng Việt 1″ nhưng các bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam thì đã đề xuất sẽ chỉnh sửa, bổ sung vào lần tái bản phục vụ cho năm học 2020-2021.
Điều này cũng đồng nghĩa là học sinh lớp 1 phải học những cuốn sách giáo khoa có “sạn” ít nhất là gần 1 học kỳ cho đến 1 năm học.
Liệu rồi sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 trong năm học tới và những bộ sách giáo khoa còn lại có xảy ra tình trạng tương tự như sách giáo khoa lớp 1 hay không? Dù ai cũng hy vọng vào một viễn cảnh tốt đẹp nhưng có lẽ những băn khoăn thì vẫn luôn luôn thường trực.
Chưa có sách tiếng Việt lớp Hai đạt, viễn cảnh nào cho năm học tới?
Làm sách giáo khoa hình thức cuốn chiếu như hiện nay khá hồi hộp, nhất là kết thúc thẩm định đợt một, chưa có mẫu sách tiếng Việt lớp Hai nào đạt.
Giữa tháng 8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khai mạc Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp Hai. Có bốn nhà xuất bản (NXB) đề nghị thẩm định sách gồm: NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM và NXB Đại học Quốc gia TP.HCM. Theo đó, có 33 bản mẫu SGK của đầy đủ chín môn học và hoạt động giáo dục lớp Hai được thẩm định. Môn toán có bốn bản mẫu SGK, môn tự chọn tiếng Anh có tám bản, môn tiếng Việt có ba bản.
Bản mẫu SGK tiếng Việt lớp Hai tham gia thẩm định gồm sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo của NXB Giáo dục Việt Nam; sách Cánh diều của NXB Đại học Sư phạm và NXB Đại học Sư phạm TP.HCM. Cả ba bản mẫu này có kết quả đánh giá "không đạt" hoặc "đạt nhưng cần sửa chữa" ở vòng một.
Việc làm sách giáo khoa theo hình thức cuốn chiếu rất hồi hộp
Sau đó, những bản mẫu thuộc diện "đạt nhưng cần sửa chữa" đã có một tháng chỉnh sửa để nộp thẩm định vòng hai. Kết quả, sau hai vòng thẩm định, không có sách tiếng Việt lớp Hai nào được đánh giá đạt.
Theo Thông tư 23 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 33, mỗi năm Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức thẩm định SGK nhiều nhất là hai đợt, mỗi đợt thẩm định không quá hai vòng. Như vậy, những bản mẫu không đạt sau vòng hai ở đợt một chỉ có thể tiếp tục nộp hồ sơ đề nghị thẩm định đợt hai cùng với các bản mẫu SGK của những môn học mà đợt một chưa có, các bản mẫu SGK mới. Thời gian nhận hồ sơ đề nghị thẩm định SGK đợt hai từ ngày 15/11 đến hết 30/11.
Trong trường hợp không có bản mẫu SGK nào tham gia thẩm định hoặc kết quả thẩm định không đạt ở cả hai đợt, Bộ GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm biên soạn để đảm bảo có SGK. Điều lo lắng là đến khi đó, Bộ GD-ĐT bắt tay vào làm thì liệu có còn đủ thời gian?
Theo Bộ GD-ĐT, SGK lớp Hai và lớp Sáu đang trong quá trình thẩm định sẽ tăng cường khâu thẩm định sơ bộ trước khi nộp về bộ thẩm định, tăng cường các kênh lấy ý kiến đóng góp và kiểm soát chặt chẽ quá trình thực nghiệm...
Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết quá trình thực nghiệm SGK phải được tổ chức hết sức cẩn trọng, đó là một quy trình khoa học, không thể làm vội vàng, chắp vá. Như chương trình giáo dục năm 2000, ban đầu nhóm tác giả SGK chọn thử nghiệm ở tất cả tỉnh, thành, mỗi địa phương chọn một số trường để dạy thử nghiệm. Riêng TP.HCM dạy thử nghiệm ở cả 24 quận, huyện. Sau đó, tổng kết ưu, khuyết điểm để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trước khi được ban hành để đưa vào sử dụng đại trà, theo một số nhà giáo dục, cần có ít nhất 6-8 tháng dạy thực nghiệm bài bản. Thế nhưng, hiện đã giữa tháng 11, vẫn chưa có SGK tiếng Việt lớp Hai nào đạt. Sự cố SGK tiếng Việt lớp Một của bộ sách Cánh diều đã là một bài học quá lớn.
Sau SGK lớp Một, còn đến 11 bộ SGK phải được hoàn thành trong vài năm tới - một thách thức lớn, chưa kể làm theo hình thức cuốn chiếu khá hồi hộp, nhất là khi các mốc thời gian cận kề như hiện nay. Lỡ như, sau thẩm định đợt hai vẫn không có SGK tiếng Việt nào đạt thì sẽ thế nào? Bộ GD-ĐT sẽ bắt tay vào làm, thì liệu có kịp khi kết quả thẩm định chắc chắn không thể có sớm hơn tháng 12/2020? Nếu Bộ GD-ĐT không làm kịp thì học sinh chương trình mới sẽ học SGK nào? Cũng không loại trừ tình huống "du di" trong khâu thẩm định để có SGK áp dụng vào năm tới.
Chỉnh sửa, bổ sung SGK tiếng Việt 1: NXB phải chịu toàn bộ chi phí Sau những ồn ào về "sạn" của bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 Cánh Diều, tới đây Bộ GDĐT sẽ yêu cầu rà soát cả 5 bộ SGK lớp 1 còn lại để kịp thời chỉnh sửa những bất hợp lý (nếu có). Đồng thời, Bộ GDĐT cho hay sẽ sớm bổ sung quy định về thẩm định và phản biện SGK,...