Bữa trưa giàu dinh dưỡng của học sinh Pháp
Khi đứa trẻ không thực sự thích ăn một loại thực phẩm nào đó, nhân viên nhà trường sẽ khuyến khích thử và bạn bè đồng thanh cổ vũ. Do vậy, những đứa trẻ ở Pháp sớm học được cách ăn uống lành mạnh.
Sam Goff, bà mẹ người Australia hiện sống tại Pháp chia sẻ trải nghiệm về bữa trưa của con gái ở trường trên The Local. Tháng 9/2016, con gái Sam vào tiểu học. Điều khiến cô ấn tượng là thực đơn bữa trưa vô cùng đa dạng với các nguyên liệu cân bằng dinh dưỡng. Đặc biệt nhất, họ phục vụ thức ăn kiểu người lớn thành từng khẩu phần nhỏ cho trẻ em.
Các món ăn phổ biến bao gồm rau diếp xoăn, cá ngừ nướng, salad, rau củ bỏ lò, bít tết, trứng ốp lết, thịt gà, bí xanh, cà rốt và cá hầm. Hương vị được cân bằng nhờ phô mai Pháp, sữa chua và trái cây tráng miệng. Trẻ em ở Pháp cũng được phục vụ bữa nhẹ vào buổi chiều với bánh mì, trái cây hoặc đôi khi là bánh quy.
Nuôi con tại Pháp, Sam đã có kinh nghiệm về bữa ăn tập thể ở nhà trẻ (creche). Thực đơn được dán ở lối vào, thay đổi ít nhất 3 lần mỗi tuần, chú trọng các loại rau, hoa quả và pho mát. Trẻ từ 1 đến 3 tuổi ở Pháp đã bắt đầu làm quen với các loại pho mát mềm như brie và camembert. Nhân viên nhà trẻ tự hào giải thích, đầu bếp riêng của trường đã chọn thực phẩm hữu cơ, đa số nguyên liệu là tự nuôi trồng. “Thật không thể tin được tôi chỉ phải trả ít hơn 10 euro cho thực phẩm lành mạnh và công chăm sóc một đứa bé tại nhà trẻ do nhà nước quản lý”, Sam viết.
Video đang HOT
Con gái Sam thích những bữa trưa ở trường và ăn hết mọi thứ trong suất của mình. Cô ngạc nhiên khi con đòi mua bông cải xanh khi đi chợ.
Một bữa ăn của học sinh Pháp với salad cà chua và dưa chuột, bánh mì cắt lát ăn kèm pho mát, thịt bê và bông cải xanh, món tráng miệng là bánh táo.
Theo cô, tất cả học sinh ở Pháp ngồi cùng nhau trong giờ ăn và được dạy về cách sắp xếp bàn ăn, các thói quen, quy tắc ăn uống phù hợp từ rất sớm.
“Điều tuyệt nhất là họ dạy những đứa trẻ cách đánh giá thực phẩm, cách ngồi xuống bàn để ăn uống một cách lịch sự và văn minh. Những đứa trẻ 3 tuổi tự dọn bàn của mình, đổ nước vào cốc, ăn bằng dao và nĩa. Chúng khai vị bằng salad và rau sống, sau đó dùng món chính và kết thúc bằng món tráng miệng. Trẻ sẽ cho người lớn biết chúng ăn rất ngon miệng và loại thực phẩm nào chúng không thực sự thích”, Sam chia sẻ.
Đứa trẻ nào cũng có thể kén ăn, nhưng sự khích lệ của trường học Pháp đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen ăn uống. Khi một học sinh không thích một loại thức ăn cụ thể nào đó, nhân viên nhà trường sẽ khuyến khích ăn thử, bạn bè xung quanh cũng sẽ đồng thanh cổ vũ. Đó là một loại “áp lực tích cực”. Rất nhiều người khi lớn lên vẫn không thể ăn được những thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau chân vịt, nhưng không phải những đứa trẻ ở Pháp.
Sam phát hiện ra nhiều gia đình Pháp cũng rất ít đưa con đi ăn ở ngoài. Trong một kỳ nghỉ, gia đình cô vào tiệm McDonald và con gái tỏ ra không thích thú với các món đồ ăn nhanh. Khi trở về nhà, cô bé hỏi: “Mẹ ơi, cho con ăn bông cải xanh và couscous (một loại hạt thường dùng làm salad) nhé?”.
Niềm vui của bà mẹ này chỉ đơn giản là con đã phát triển vị giác theo hướng tích cực nhờ sống ở thủ đô ẩm thực của thế giới. Không chỉ nổi tiếng với những công thức món ăn như bò hầm rượu vang đỏ (beef Bourginon) và thịt bê hầm, người Pháp coi trọng thời gian thưởng thức ẩm thực, quy tắc ăn uống đúng cách và đánh giá những bữa ăn cân bằng.
Trẻ em ở Pháp được dạy phép lịch sự ngay từ cách ăn uống ở trường.
“Một số bà mẹ Pháp vẫn phàn nàn về hương vị bữa trưa ở trường. Tuy nhiên, tôi nghĩ họ đang so sánh với tài nấu nướng của mình. Họ không biết rằng nhiều quốc gia khác rất khó đạt được chất lượng dinh dưỡng như ở trường học Pháp”, Sam cho biết.
Theo cô, học sinh ở Australia quen thuộc với món bánh sandwich phết bơ Vegemite suốt thời thơ ấu, thường tự chuẩn bị hộp cơm từ nhà với thực đơn ít đa dạng. Chồng Sam là người Mỹ, anh kể rằng ở xứ sở cờ hoa, mọi người đều dùng đồ ăn nhanh và nước có ga mỗi ngày.
“Những đứa trẻ Pháp không nhận ra mình may mắn thế nào khi được cung cấp những bữa trưa từ thực phẩm tươi”, bà mẹ Australia chia sẻ.
Theo VNE