Boun Thatluang – Lễ hội Phật giáo lớn nhất trong năm của Lào
Hàng năm, cứ vào trung tuần tháng 12 Phật lịch (thường vào tháng 11 Dương lịch), tại Pha Thatluang ở thủ đô Viêng Chăn đều diễn ra một sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt tín ngưỡng, mà cả về mặt văn hóa và lịch sử, được người dân và du khách trong và ngoài nước cùng quan tâm hào hứng đón chờ.
Đó là Boun Thatluang, hay còn gọi là lễ hội Thatluang, lễ hội văn hóa Phật giáo lớn nhất trong năm của Lào.
Người dân xếp hàng trang nghiêm và thực hiện nghi lễ Xaybat (cúng dường). Ảnh: Đỗ Bá Thành/PV TTXVN tại Lào
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngay từ sáng sớm 27/11 (tức 15/12 Phật lịch Lào), hàng nghìn chư tăng ni, phật tử và người dân từ khắp nơi trên cả nước Lào đã cùng đổ về quảng trường Thatluang, kê bàn, trải chiếu ngồi dọc hai bên đường theo lối vào Pha Thatluang để cùng tham gia lễ nghi thức Xaybat (cúng dường).
Mỗi người khi tham gia nghi thức này đều cần cởi bỏ giày, dép và xếp theo hàng, hoặc ngồi xung quanh trên những chiếc chiếu, chiếc thảm, trên tay sẵn sàng với lễ vật dâng tặng gồm tiền, bánh kẹo, xôi… cho các nhà sư về tham dự Boun Thatluang.
Người dân tham gia nghi lễ Xaybat (cúng dường) tại Boun Thatluang. Ảnh: Đỗ Bá Thành/PV TTXVN tại Lào
Năm nào cũng vậy, lễ hội sẽ được tổ chức tại khuôn viên Pha Thatluang, biểu tượng với lối kiến trúc mang đậm nét văn hóa và bản sắc dân tộc của Lào. Pha Thatluang được xây dựng trên một ngôi đền với khu đất cao rộng và bằng phẳng ở phía Đông thủ đô Viêng Chăn từ thế kỷ XVI khi Vương quốc Lanexang (Triệu Voi) dời đô từ Luang Prabang về Viêng Chăn.
Đây là một ngôi bảo tháp linh thiêng và đẹp nhất của đất nước “Triệu Voi”, tòa tháp có bệ hình vuông, phía Bắc và Nam mỗi bề rộng 68 m, phía Đông và Tây mỗi bề rộng 69 m, xung quanh trang trí 332 hình lá bồ đề cách điệu và đây được xem là biểu tượng văn hoá tiêu biểu cho sự sáng tạo của người Lào qua nhiều thế hệ.
Ngoài tháp chính cao 45 m vươn cao giữa trời xanh mang dáng vẻ uy nghi còn có 30 tháp nhỏ biểu tượng cho Đức Phật Thích ca với 30 năm tu hành gian khổ của người để trở thành Phật. Trên các tháp nhỏ này có đắp những hàng chữ Bali nổi ghi các lời răn của đức Phật.
Video đang HOT
Tương truyền, Pha Thatluang là một trong số ít những chùa chiền đạo Phật trên thế giới được lưu giữ xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mầu Ni khi người nhập Niết Bàn. Khi đạo Phật trở thành quốc đạo và Viêng Chăn thành kinh đô mới, cùng với việc xây dựng thành quách, lâu đài, cung điện, chùa chiền, Vua Setthathilath đã cho tu bổ lại Thatluang bằng cách xây bọc lên ngôi tháp cũ bằng một tháp mới to, đẹp hơn và kiến trúc ấy giữ nguyên cho đến ngày nay.
Trong quan niệm của người Lào, Pha Thatluang không chỉ là ngôi chùa tháp lớn và đẹp nhất, là nơi hội tụ tình đoàn kết của người dân các dân tộc Lào, mà còn là nơi mà người Lào, dù là dân thường hay nhà sư đều cần phải đến, nếu trong cuộc đời mà chưa dự Boun Thatluang thì chưa phải là người Lào.
Các thiếu niên tham gia nghi lễ Xaybat tại Boun Thatluang. Ảnh: Đỗ Bá Thành/PV TTXVN tại Lào
Theo ban tổ chức, Boun Thatluang diễn ra khoảng một tuần, nhưng các nghi lễ Phật giáo chính được tổ chức trong 2 ngày từ ngày 26 – 27/11 tức ngày 14 – 15/12 theo Phật lịch Lào.
Từ chiều hôm trước (26/11) là lễ rước Phasatphueng từ chùa Simueng tới chùa Thatluang, đây được xem là một trong những nét chính của phần lễ hội. Phasatphueng là một mô hình kiến trúc đền thờ được làm bằng chất liệu xốp, xung quanh gắn hoa làm bằng sáp ong màu vàng rực rỡ. Trên chóp cắm 9 bông hoa sen trắng, xung quanh tháp có các tua dây kết hoa hoặc tiền bạc có ý nghĩa giống như tập tục đốt vàng mã cho người đã khuất ở Việt Nam.
Theo tục lệ, mỗi gia đình, mỗi bản hoặc một cơ quan, đơn vị… đều có thể chung nhau cúng một Phasatphueng. Khi đến Thatluang, những người rước sẽ khiêng Phasatphueng đi vòng quanh chùa 3 vòng trước khi dừng lại ở hậu sảnh dâng lễ và được sư thầy tiếp nhận lễ vật với hình thức trang trọng, nghiêm cẩn, thành kính.
Không chỉ thu hút hàng trăm nghìn nhà sư và phật tử trên khắp cả nước, các nét đẹp văn hóa truyền thống của Boun Thatluang cũng thu hút sự quan tâm của người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Lào cũng như du khách nước ngoài muốn khám phá các phong tục văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Lào.
Lễ hội Thatluang năm nay, ngoài phần lễ theo tín ngưỡng tôn giáo của Lào, còn có Hội chợ triển lãm trưng bày và mua bán hàng hoá trong ngoài nước, diễn ra từ ngày 23 – 27/11, với hàng nghìn gian hàng triển lãm, gồm nhiều sản phẩm, hàng hóa khác nhau của các tổ chức, đơn vị, địa phương trên toàn đất nước Lào và có cả các gian hàng của các nước láng giềng, trong đó có gian hàng của thành phố Hà Nội với sự tham gia của 16 doanh nghiệp, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm, nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, dệt may, thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm, sản phẩm thuộc chương trình OCOP, doanh nghiệp kinh doanh hệ thống phân phối và các lĩnh vực kinh doanh khác…
Trong những ngày hội này còn có rất nhiều trò chơi giải trí mang tính hấp dẫn cũng như các chương trình biểu diễn văn nghệ cùng các làn điệu dân ca, dân vũ mang đậm nét văn hóa truyền thống của Lào đã tạo nên một không khí vui nhộn đầy phấn khích…
Và một trong những trò chơi truyền thống không thể không kể tới diễn ra tại lễ hội này đó là môn Tikhy. Tikhy là trò chơi đánh cù trên sân cỏ, có cách chơi na ná như như môn Polo rất thịnh hành tại Ấn Độ và Anh, có điều ở môn Polo người chơi ngồi trên lưng ngựa, còn ở Tikhy người chơi phải di chuyển với… cặp giò gần giống như khúc côn cầu (hockey).
Nghi lễ khai gậy (loukkhi) trước khi bắt đầu trận đấu. Ảnh: Bá Thành/PV TTXVN tại Lào
Người tham gia cuộc chơi được chia làm hai phe, phe áo đỏ hoặc áo xanh tượng trưng cho quan chức, cán bộ cao cấp, phe áo trắng hoặc cởi trần tượng trưng cho nông dân. Một trận đấu sẽ gồm 3 hiệp, mỗi hiệp 20 – 30 phút. Để ghi được điểm, mỗi bên phải dùng gậy đánh banh gỗ (loukkhi), làm sao cho banh vượt quá lằn ranh nửa phần sân bên đối phương. Sau 3 hiệp, bên nào có điểm cao hơn sẽ được công nhận chiến thắng. Theo tín ngưỡng dân gian, nếu năm nào phe áo đỏ hoặc áo xanh (quan chức) thắng phe áo trắng (nông dân) thì đất nước sẽ khó có yên bình, người dân sẽ lâm cơn đói khổ. Vì vậy, kết quả trận đấu chỉ mang tính ước lệ và dường như năm nào phe nông dân cũng đều thắng cả.
Đặc biệt các cuộc tỷ thí này luôn có sự dự khán chứng kiến của một quan chức cao cấp, trước 1975 là Quốc vương Lào và ngày nay là Chủ tịch nước.
Trận đấu Tikhy tại lễ hội Boun Thatluang của Lào. Ảnh: Bá Thành/PV TTXVN tại Lào
Thời điểm diễn ra Boun Thatluang cũng là lúc việc nông trang, đồng áng đã xong, do vậy việc diễn trò Tikhy trong dịp này cũng mang ý nghĩa của việc cầu mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi, trên dưới một lòng, đoàn kết cùng xây dựng đất nước thanh bình để người dân, bản làng được ấm no, hạnh phúc…
Boun Thatluang 2023 diễn ra từ ngày 23 – 27/11, với đầy đủ các nghi thức theo phong tục tập quán của Lào và được tổ chức tại Pha Thatluang, ngôi chùa lớn và đẹp nhất ở Lào. Trong những ngày lễ hội, các ngả đường vào Pha Thatluang đều lung linh ánh nến, ánh đèn và ngay chính Pha Thatluang cũng được thắp thêm đèn, kết thêm hoa trên các đài tháp, hòa cùng ánh trăng mờ ảo tạo thành một không gian huyền diệu, linh thiêng…
Trận đấu Tikhy tại lễ hội Boun Thatluang của Lào. Ảnh: Bá Thành/PV TTXVN tại Lào
Vào tối 27/11 sẽ diễn ra lễ rước nến tôn vinh Đức Phật. Hàng nghìn Phật tử cầm trên tay ngọn nến đã được thắp sáng sẽ đi vòng 3 lần quanh thảm cỏ bên trong khuôn viên Pha Thatluang, biến một khu vực vốn ẩn chứa nhiều huyền bí linh thiêng của đất nước “Triệu Voi” thành một không gian lung linh huyền ảo.
Màn trình diễn pháo hoa tại Pha Thatluang. Ảnh: Đỗ Bá Thành/PV TTXVN tại Lào.
Để khép lại Boun Thatluang, ban tổ chức sẽ có cuộc thi pháo hoa đầy màu sắc với màn trình diễn hoành tránh kết thúc, đánh dấu sự thành công của lễ hội Thatluang 2023, cũng như thay cho lời giã biệt và hẹn tái ngộ tại Boun That Luang trong năm tiếp theo.
Lào tin tưởng nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2024 sẽ thành công
Ngày 21/11, Bộ Ngoại giao Lào ra thông cáo báo chí nêu bật những cơ hội và thách thức khi Lào đảm đương vai trò Chủ tịch ASEAN luân phiên kể từ ngày 1/1/2024 tới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith. Ảnh: Phạm Kiên/Pv TTXVN tại Lào
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, thông báo cho biết trong năm làm Chủ tịch ASEAN, Lào dự kiến sẽ thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng và tăng cường hợp tác về kết nối và tự cường của ASEAN.
Thông cáo cũng cho biết việc giữ cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2024 sẽ giúp Lào quảng bá các chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Lào, cũng như chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế xã hội giữa Lào với các nước trên thế giới.
Đây cũng là cơ hội tốt để Lào quảng bá về đất nước và thu hút du khách đến với đất nước nhiều hơn, bởi năm 2024 cũng là Năm Du lịch Lào...
Thông cáo cũng nêu bật những thách thức mà Lào phải đối mặt khi làm Chủ tịch ASEAN trong năm 2024, nhấn mạnh tình hình thế giới hiện nay và năm 2024 sẽ khác xa so với năm 2016 - thời điểm Lào cũng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN; nhấn mạnh nhân loại đang sống trong kỷ nguyên cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế và ASEAN cũng không ngoại lệ, do khu vực này cũng bị ảnh hưởng bởi các tình hình trên toàn thế giới.
Thông cáo dẫn lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào, ông Saleumxay Kommasith, bày tỏ tin tưởng rằng với sự đoàn kết, hỗ trợ của tất cả các nước thành viên ASEAN, các đối tác đối thoại và các đối tác bên ngoài khác, nhiệm kỳ Chủ tịch của Lào sẽ thành công và toàn thể các nước ASEAN sẽ vượt qua mọi thách thức.
Hình ảnh binh sĩ Việt Nam cùng nhiều nước Đông Nam Á diễn tập ở Trung Quốc Theo truyền thông Trung Quốc, binh lính nước này và một số quốc gia Đông Nam Á gần đây đã tham gia diễn tập liên hợp "Hòa bình hữu nghị - 2023" ở Trạm Giang, Quảng Đông. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho hay, cuộc diễn tập liên hợp lần này có sự tham gia của binh sĩ tới từ...