Bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình phổ thông mới không có “F1, F2″
So với lớp 1 thì việc triển khai chương trình – sách giáo khoa mới lớp 6 có những khó khăn, thách thức hơn đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết, am hiểu chương trình.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Độ – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại “Hội nghị sơ kết bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông năm 2020 và kế hoạch năm 2021″ do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đà Nẵng ngày 23/4.
Bồi dưỡng giáo viên không có F1, F2
Theo Thứ trưởng Độ thì việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi phải có sự đổi mới trong giảng dạy, trong đó có vai trò giáo viên.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao hiệu quả việc bồi dưỡng giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới thời gian qua. Ảnh: AN
“Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng giáo dục – đào tạo, quyết định sự thành công của việc đổi mới giáo dục phổ thông.
Do đó, Bộ rất coi trọng việc bồi dưỡng năng lực đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông”.
Ông Độ cũng đánh giá, các đợt tập huấn, bồi dưỡng giáo viên vừa qua tại các địa phương cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu qua việc triển khai với chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1.
“Sau một thời gian triển khai, chúng tôi thấy giáo viên có sự chủ động hơn trong nắm bắt chương trình, đổi mới phương pháp dạy học, giúp cho học sinh tự tin hơn trong học tập.
Kết quả đi kiểm tra tại các trường tiểu học cho thấy học sinh đọc tiếng Việt nhanh hơn, tư duy ngôn ngữ tốt thì các em học các môn khác như Toán, khoa học tự nhiên cũng thuận lợi hơn”, ông Độ nói.
Video đang HOT
Thứ trưởng phân tích thêm, điểm mới trong bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là không có F1, F2.
“Trước đây bồi dưỡng cán bộ là giáo viên ở cấp trung ương rồi chuyển giao cho giáo viên cấp tỉnh rồi đến cấp quận huyện.
Cứ mỗi một lần chuyển giao lại rơi mất đi một ít. Ở đây, dù là giáo viên cốt cán hay giáo viên đại trà đều được nghiên cứu một tài liệu như nhau.
Sau khi cùng nghiên cứu thì có sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán cùng đội ngũ giảng viên sư phạm ở các tỉnh sẽ giúp đỡ.
Giáo viên cốt cán hỗ trợ đồng nghiệp thông qua buổi sinh hoạt chuyên môn. Bên cạnh giáo viên cốt cán sẽ có một giảng viên sư phạm chủ chốt hỗ trợ thêm để giáo viên được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Trước kia là bồi dưỡng theo đợt, giờ là bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ, có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, kết hợp trực tuyến và trực tiếp, đặc biệt là có sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt”.
Nhiều thách thức khi thực hiện chương trình - sách giáo khoa lớp 6
“Năm 2020 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sau sáu năm chờ đợi. Lẽ ra, học sinh đã hưởng lợi sớm một vài năm. Thời gian đầu triển khai thực hiện, chúng ta gặp không ít khó khăn.
Nhưng đến nay, những phản hồi từ các trường học, từ xã hội, từ các sở Giáo dục về việc thực hiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 là rất tích cực.
Học sinh dễ học được bài hơn, đọc trơn tiếng Việt nhanh, vốn từ phong phú đã hỗ trợ cho các em học những môn khác rất tốt. Học sinh và giáo viên tự tin, chủ động khi thực hiện chương trình mới”, Thứ trưởng Độ chia sẻ.
Hội nghị có sự tham dự của các Sở Giáo dục và Đào tạo và các Trường đào tạo Sư phạm trên cả nước. Ảnh: AN
Cũng theo Thứ trưởng thì việc xây dựng chương trình bồi dưỡng vì vậy phải rõ ràng, minh bạch, giúp giáo viên triển khai thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới.
Những khó khăn, vướng mắc về mặt kỹ thuật, tài chính sẽ sớm được tháo gỡ. Tuy nhiên, có những vấn đề, địa phương phải có sự linh động trong vận dụng.
Đơn cử như việc các trường có thể tăng số lượng giáo viên cốt cán tham gia tập huấn thì có thể chủ động thêm từ kinh phí địa phương. Bộ đã làm việc với Bộ Tài chính để sớm có thông tư về hỗ trợ bồi dưỡng trực tuyến.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý, trong năm học 2021 – 2022 sẽ bắt đầu triển khai chương trình – sách giáo khoa mới với lớp 6.
So với lớp 1 thì việc triển khai ở lớp 6 có những khó khăn, thách thức hơn. Ngoài các môn học mới, như không còn môn Lý, Hóa, Sinh nữa mà là môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử, Địa lý không còn là môn riêng mà là môn tích hợp cộng thêm những yêu cầu khác.
Đầu vào của học sinh lớp 6 năm tới không học được trọn chương trình của Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 của Tiểu học.
Vì vậy, Bộ đã xây dựng chương trình và kế hoạch bổ sung cho lớp 5. Điều này nhằm giúp học sinh tiểu học được bổ trợ các kiến thức để đảm bảo yêu cầu đầy đủ kiến thức để sẵn sàng đón nhận chương trình lớp 6. Tuy nhiên, thách thức khi triển khai chương trình – sách giáo khoa ở lớp 6 là rất lớn.
“Giáo viên giảng dạy lớp 6 năm học tới phải rất tâm huyết, hiểu về chương trình, làm chủ chương trình và dạy học bằng cả tâm huyết của mình thì mới vượt qua những khó khăn vướng mắc”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chú trọng tập huấn sách giáo khoa mới
Theo kế hoạch, ngày 10/4, các Sở GDĐT phải hoàn thành việc báo cáo danh mục lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 2, lớp 6 mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để giảng dạy từ năm học 2021-2022.
Một trong những vấn đề quan trọng được các giáo viên đề xuất là công tác tập huấn SGK mới.
Tại Hà Nội, thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội cho biết, công tác tổ chức lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 đã được thực hiện đúng quy trình, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Trước đó, từ đầu tháng 3/2021, Sở GDĐT Hà Nội đã phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội nghị giới thiệu SGK lớp 2, lớp 6 tới cán bộ quản lý và tất cả giáo viên dự kiến được phân công dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022. Riêng giáo viên dự kiến dạy lớp 6 năm học 2021-2022 của 640 trường THCS trên toàn thành phố là hơn 16.000 giáo viên đã nghe giới thiệu trực tuyến SGK lớp 6.
Việc chọn SGK lớp 2 và lớp 6 cho năm học tới được thực hiện theo quy định của Thông tư 25. Như vậy, sẽ có tình trạng là TP chọn SGK không giống với SGK mà cơ sở giáo dục đã lựa chọn. PGS. TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ GDĐT đã có quy định cấu trúc bài học trong SGK mới, bao gồm 4 thành phần cơ bản: Mở đầu, kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Các SGK đều phải đáp ứng yêu cầu này. Do đó, khi học sách này, sau đó có chuyển sang sách khác, giáo viên và học sinh sẽ không gặp khó khăn.
Sau đó, giáo viên dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đề xuất lựa chọn các SGK dựa trên các tiêu chí lựa chọn SGK đã được UBND thành phố ban hành. Hai nhóm tiêu chí chính trong việc tổ chức lựa chọn SGK được UBND TP Hà Nội quy định gồm: tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; tiêu chí phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Dành thời gian nghiên cứu SGK mới, cô Nguyễn Đoan Trang- Trường THCS Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội cho rằng bản thân cô mặc dù mới bước đầu tiếp cận nhưng đã cảm nhận rất rõ ràng về tinh thần đổi mới của các bộ SGK. Cô Trang tin tưởng học sinh sẽ rất thích thú khi được học SGK mới, không chỉ có hình thức đẹp mà nội dung đã tinh giản nhiều, đang hướng đến nội dung thực tế. Những điều này cũng đã được cô đề cập tại bản nhận xét về SGK mới theo quy định của Bộ GDĐT.
Trên cơ sở danh mục SGK mới lớp 2, lớp 6 do giáo viên các nhà trường đề xuất lựa chọn, Phòng GDĐT các quận, huyện đã tổng hợp, sắp xếp theo thứ tự SGK có số trường đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp, báo cáo Sở GDĐT Hà Nội để hội đồng lựa chọn sách của TP phê duyệt.
Để chuẩn bị triển khai chương trình, SGK mới, ngay từ đầu năm học các phòng GDĐT quận, huyện, thị xã, các nhà trường đã, đang tích cực chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện dạy, học tốt nhất. Một trong những vấn đề quan trọng được các giáo viên đề xuất là công tác tập huấn SGK mới. Trưởng phòng GDĐT huyện Gia Lâm Hoàng Việt Cường thông tin, dự kiến ngay sau khi TP công bố danh mục SGK sử dụng trong năm học tới, Phòng sẽ mời các chủ biên, tác giả, cộng tác viên của các bộ SGK tập huấn cho 100% giáo viên dự kiến dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022.
Việc tập huấn, bồi dưỡng tập trung cho giáo viên lớp 2 và lớp 6 thông qua hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Đồng thời, ông Cường khẳng định phòng sẽ luôn hỗ trợ các nhà trường, tạo điều kiện về mọi mặt để giáo viên phát huy tối đa năng lực, nhiệt huyết.
Một vấn đề đặt ra đó là bắt đầu từ năm học 2021-2022, chương trình lớp 6 sẽ tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên và hai môn Lịch sử, Địa lý gộp thành môn Lịch sử và Địa lý. Nhiều giáo viên vốn chỉ dạy đơn môn lâu nay vướng băn khoăn khi chuyển sang dạy tích hợp.
Lãnh đạo Sở GDĐT TP Hà Nội cho rằng các giáo viên sẽ được tham gia tập huấn đầy đủ, nội dung tập huấn theo phương pháp giúp giáo viên đủ khả năng, phương pháp dạy các chủ đề chung của môn học, không phải theo kiểu bổ sung kiến thức vật lý cho giáo viên dạy môn sinh học.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết Sở cũng đã yêu cầu cán bộ quản lý các phòng GDĐT quận, huyện, thị xã, các nhà trường cùng vào cuộc, chung sức với giáo viên về cả nhận thức và hành động trong việc đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá, quyết tâm khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp ở một số nơi cao...
NXB Giáo dục Việt Nam đã chính thức công bố giá SGK lớp 2, lớp 6 năm học 2020-2021. Theo đó, lớp 2 có bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" gồm 10 cuốn, giá 186.000 đồng; bộ "Chân trời sáng tạo" gồm 10 cuốn, giá 179.000 đồng. SGK Tiếng Anh gồm: Tiếng Anh 2 giá 52.000 đồng; Tiếng Anh 2 Family and Friends giá 79.000 đồng. Đối với SGK lớp 6, bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" gồm 13 cuốn, giá 245.000 đồng. Bộ "Chân trời sáng tạo" có 12 cuốn giá 234.000 đồng. SGK Tiếng Anh gồm: Tiếng Anh 6 tập 1 giá 38.000 đồng; Tiếng Anh 6 tập 2 giá 38.000 đồng; Tiếng Anh 6 Friends Plus giá 89.000 đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: "Tạo cơ hội, điều kiện tốt nhất cho học sinh" Chiều 8/4, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo tỉnh, cán bộ chủ chốt ngành Giáo dục Thanh Hóa. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm việc với lãnh đạo tỉnh và ngành Giáo dục Thanh Hóa. Tham dự buổi làm việc, có ông Đầu Thanh Tùng -...