Bồi dưỡng giáo viên ở Nghệ An: Còn nhiều khó khăn ở huyện miền núi
Trong 3 năm qua, Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn ( Nghệ An) triển khai bồi dưỡng đại trà cho giáo viên tiểu học, THCS. Theo lãnh đạo phòng, đây vừa là một hoạt động chuyên môn mang tính chất thường xuyên của ngành, nhưng cũng là nhiệm vụ cấp thiết phải làm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An)
Trình độ chưa tương xứng với bằng cấp
Thầy Vừ Bá Xử có hơn 20 năm công tác tại Trường Tiểu học Huồi Tụ 1 (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn) nhưng chủ yếu chỉ dạy lớp 1 và tự nhận có nhiều hạn chế về kiến thức phổ thông nên không dám xin dạy ở lớp cao hơn. “Ngày xưa tôi học hết lớp 5 là người “nhiều chữ” trong xã nên được huyện chọn đi học thêm 3 năm ở trường trung cấp sư phạm rồi đi dạy học. Nhiệm vụ chính của chúng tôi thời điểm đó là xóa mù chữ cho bà con trong bản theo mô hình các lớp bình dân học vụ. Bây giờ giáo dục có nhiều đổi mới, tôi đã “lạc hậu” về kiến thức phổ thông nên không dám xin dạy ở lớp cao hơn”, thầy Xử chia sẻ.
Nói về thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên trên toàn huyện, ông Phan Văn Thiết – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn thừa nhận: Xét về bằng cấp chuyên môn theo vị trí việc làm, giáo viên của Kỳ Sơn đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhưng trình độ giáo viên trên thực tế chưa tương xứng với bằng cấp. Nguyên nhân trước hết do Kỳ Sơn là huyện miền núi cao, biên giới, trước đây nhiều giáo viên mới chỉ học xong lớp 5, 7, hoặc 9 được cử đi học sư phạm để về xóa bản trắng về giáo dục.
Đến thời điểm này, những giáo viên đó kiến thức phổ thông hạn chế không đáp ứng được chương trình giáo dục ngày càng đổi mới. Bên cạnh đó cũng có một số giáo viên còn tâm lý ỷ lại, đã vào biên chế và do phụ huynh vùng núi cao không quan tâm sát sao đến việc học của con cái nên hình thành sự chủ quan, dạy đối phó, không tự ý thức nâng cao trình độ.
Trước thực trạng đó, Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn chỉ đạo các nhà trường rà soát trình độ giáo viên và báo cáo lại. Quy trình đánh giá lại đội ngũ giáo viên được thực hiện từ năm học 2016 – 2017 với 2 hình thức gồm: Giáo viên tự đánh giá (đã có 186 người tự nguyện viết đơn không dạy được toàn cấp) và bài kiểm tra về trình độ năng lực.
Nội dung kiểm tra chủ yếu yêu cầu giáo viên giải những bài tập Toán và Tiếng Việt (tiểu học) và các bài tập thuộc từng bộ môn (THCS) trong sách giáo khoa và các kiến thức kỹ năng về sư phạm. Tuy nhiên kết quả “đáng báo động” khi toàn huyện có gần 400 GV không đạt yêu cầu. Trong đó bậc tiểu học có 275/769 giáo viên không đáp ứng được dạy toàn cấp (chiếm tỷ lệ 35,8%); bậc THCS có 119/448 giáo viên khi làm bài khảo sát có điểm dưới trung bình (chiếm tỷ lệ 26,5%).
Yêu cầu bồi dưỡng giáo viên đại trà
Khi đã phân loại được giáo viên, Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn chia nhóm theo từng mức độ khá – giỏi – trung bình – chưa đạt yêu cầu và tiến hành bồi dưỡng. “Chúng tôi bồi dưỡng kiến thức phổ thông cấp học, chứ không có gì nâng cao. Riêng đối với nhóm chưa đạt yêu cầu, hàng năm phòng bồi dưỡng tập trung 1 tháng tại huyện vào dịp hè và một tuần 4 ngày (trong năm học). Đứng lớp bồi dưỡng là ngũ giáo viên cốt cán của huyện. Toàn bộ kinh phí bồi dưỡng do huyện chi trả, giáo viên không phải đóng tiền”, ông Phan Văn Thiết cho biết.
Chương trình bồi dưỡng GV mang tính quyết liệt và đại trà đã tác động mạnh mẽ đến mỗi trường học trên toàn huyện. Đóng tại địa bàn xa xôi, khó khăn nhất huyện Kỳ Sơn. Trường PTDTBT THCS Keng Đu có 31 giáo viên, trong đó 30 người trình độ ĐH và 1 người trình độ CĐ. Nhưng theo thầy Phan Sỹ Trường, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thực tế chỉ có 26/31 giáo viên cơ bản đảm bảo năng lực giảng dạy môn học toàn cấp.
Thực hiện chỉ đạo của phòng, nhà trường đã đưa vào kế hoạch bồi dưỡng năng lực giáo viên. Trong đó, giao cho tổ chuyên môn hỗ trợ, giúp giáo viên trung bình, yếu giải đề, bài tập trong SGK hàng tháng. Bản thân giáo viên cũng cố gắng nỗ lực, thi đua, xác định được mục tiêu lâu dài là trang bị kiến thức đáp ứng yêu cầu mới trong dạy – học.
Thầy Phan Sỹ Trường cũng khẳng định: Chủ trương bồi dưỡng giáo viên của huyện là tốt, đặc biệt khi chuẩn bị thay sách giáo khoa và thực hiện chương trình mới. Qua đó tạo động lực cho giáo viên và phong trào thi đua giữa các trường.
Bên cạnh những giáo viên tích cực cố gắng cũng có một số giáo viên thấy khó khăn. Đặc biệt khi tham gia bồi dưỡng tập trung tại Phòng GD&ĐT do đường đi lại xa xôi, vất vả. Một số giáo viên công việc quá nhiều khi phải vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn trên trường, vừa phải tự học thêm vào buổi tối. Cũng có một số người do hổng kiến thức quá lâu, khó bổ sung nên cảm thấy áp lực và phản ứng trái chiều.
Sau 3 năm triển khai, kết thúc năm học 2018 – 2019, qua khảo sát, toàn huyện Kỳ Sơn chỉ còn 123/275 giáo viên tiểu học thuộc diện không dạy được toàn cấp, trong đó có 8 giáo viên không thể bố trí đứng lớp. Có 27 giáo viên xin nghỉ trước tuổi, 2 giáo viên tự giác xin chuyển sang phục vụ và 5 giáo viên xin chuyển xuống bậc mầm non. Ở bậc THCS, từ 119 giáo viên nay chỉ còn 19 giáo viên không đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn trong đó có 5 giáo viên xin nghỉ trước tuổi.
Còn nhiều thách thức
Ông Phan Văn Thiết cho biết: Năm học 2019 – 2020, phòng tiếp tục bồi dưỡng cho hơn 100 giáo viên chưa đạt yêu cầu. Nhưng quá trình thực hiện sẽ rất khó khăn và hiệu quả khó như mong đợi vì những người này hầu hết tuổi đã cao, năng lực hạn chế và ngại thay đổi.
Một điều đáng lo ngại là trong tình trạng thiếu giáo viên, các nhà trường vẫn phải bố trí chuyên môn bình thường cho những giáo viên không đạt yêu cầu. Thầy Phan Trọng Đạt – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Ải cho biết: Sau 2 năm thực hiện bồi dưỡng, trường còn 3 giáo viên hạn chế năng lực, không đáp ứng được yêu cầu.
Nhưng với 7 điểm lẻ và tỷ lệ 1,38 GV/lớp , nếu trường không bố trí đứng lớp, chuyển những GV hạn chế năng lực sang làm GV 2, hoặc nhân viên sẽ không đủ giáo viên dạy – học. Mặt khác, về “cái tình” trong một thời điểm lịch sử, những giáo viên này là người tiên phong cắm bản, có vai trò lớn trong xóa bản trắng giáo dục trước đây.
Về phương án cho GV không đạt yêu cầu sau nhiều năm bồi dưỡng, ông Nguyễn Văn Thiết – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho hay: Chúng tôi sẽ xem xét cho những giáo viên này chuyển sang vị trí công việc khác hoặc làm nhân viên. Tuy nhiên để thực hiện rất khó khăn và chưa có văn bản quy định cụ thể nào.
Đến thời điểm hiện tại, một số giáo viên gửi đơn xin chuyển đổi công tác, nhưng chúng tôi cũng chỉ giải quyết được một số trường hợp. Kỳ Sơn cũng đã kiến nghị lãnh đạo các cấp cần có chủ trương chỉ đạo thống nhất về công tác bồi dưỡng giáo viên, để các phòng GD&ĐT, nhà trường có căn cứ thực hiện.
Về chương trình bồi dưỡng GV của huyện Kỳ Sơn, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nêu quan điểm: Sở ủng hộ cách làm của huyện Kỳ Sơn và xem đây là cách thức quan trọng để đánh giá thực chất đội ngũ giáo viên địa phương, đặc biệt đối với các huyện miền núi cao.
Triết lý giáo dục đối với miền xuôi là lấy đổi mới làm động lực phát triển, còn đối với giáo dục miền núi thì lấy hiệu quả làm động lực phát triển. Ngành cũng sẽ căn cứ vào đó để xây kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên miền núi, trước hết nhằm đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới và thay sách giáo khoa.
Xét về bằng cấp, giáo viên của Kỳ Sơn (Nghệ An) đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhưng trình độ giáo viên trên thực tế chưa tương xứng với bằng cấp. Thậm chí, nhiều giáo viên không tự tin giải đúng các bài tập trong sách giáo khoa Toán lớp 3, 4, 5. Vì vậy, ngành Giáo dục huyện đã rà soát lại chất lượng giáo viên, tổ chức bồi dưỡng kiến thức phổ thông cấp học cho những người chưa đạt yêu cầu. – Ông Phan Văn Thiết
Hồ Lài
Theo giaoducthoidai
Gặp những nhà giáo tài năng và tâm huyết ở Nghệ An
Công tác ở những vùng miền khác nhau nhưng họ có chung niềm say mê và tâm huyết với sự nghiệp trồng người, có nhiều thành tích đóng góp để nâng cao chất lượng giáo dục. Những thầy, cô giáo này xứng đáng được vinh danh và nhận thưởng Quỹ "Phát triển tài năng giáo dục".
Luôn xem trường chính là nhà
Tính đến nay, cô giáo Phạm Thị Nga (SN 1967) - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Khê (Con Cuông) đã có 31 năm công tác, trong đó phần lớn làm nhiệm vụ ở địa bàn vùng sâu vùng xa. Xuất phát là Cô nuôi dạy trẻ của Nông trường Bãi Phủ (năm 1988), rồi chuyển lên Trường Mầm non Yên Khê.
Năm 2002, từ Yên Khê, cô Phạm Thị Nga vượt dốc Bù Ông vào Mường Quạ làm Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường Mầm non Lục Dạ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Môn Sơn 2. Đầu năm học này, cô được điều chuyển lại Yên Khê sau 17 năm với bao cuộc hành trình ở vùng biên giới.
Cô Phạm Thị Nga nhận Giấy khen tại Lễ nhận thưởng Quỹ "Phát triển tài năng giáo dục". Ảnh: Đức Anh
Làm công tác quản lý giáo dục ở địa bàn khó khăn, cô Phạm Thị Nga luôn tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của cá nhân trẻ, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và trong chăm sóc giáo dục trẻ để đưa chất lượng thực chất ngày càng đi lên.
Trong đó, đặc biệt chú trọng việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt đối, khám sức khỏe định kỳ, tỷ lệ suy dinh dưỡng luôn giảm từ 1-2% so với đầu năm. Hàng năm tổ chức tốt các hội thi Giáo viên dạy giỏi; Bé với môi trường tự nhiên; triển lãm tranh vẽ của bé; bé khỏe - thông minh - nhanh trí, thi làm đồ dùng đồ chơi để khích lệ, cổ vũ giáo viên phát huy tính sáng tạo và lòng yêu nghề, mến trẻ.
Bên cạnh công tác quản lý, cô Phạm Thị Nga còn say mê nghiên cứu và viết sáng kiến kinh nghiệm. Đến nay cô đã sở hữu nhiều sáng kiến kinh nghiệm bậc 3 và 2 đề tài sáng kiến kinh nghiệm bậc 4. Các sáng kiến kinh nghiệm của cô chủ yếu hướng tới vấn đề dạy học lấy trẻ làm trung tâm; nâng cao thể trạng và khả năng sáng tạo cho trẻ vùng khó khăn.
Cô Phạm Thị Nga. Ảnh: Đức Anh
Với cô Nga, quãng thời gian nhiều kỷ niệm nhất vẫn là những năm tháng gắn bó với Trường Mầm non Môn Sơn 2, một trong những địa bàn khó khăn nhất huyện với điểm trường lẻ bản Khe Búng, Cò Phạt ở đầu nguồn khe Khặng, cách xa hơn 20 km. Ở đó, cuộc sống của đồng bào Đan Lai còn nghèo, bà con chưa có điều kiện quan tâm việc học hành của con cái.
Nắm bắt tình hình thực tế, nhất là những khó khăn về hệ thống cơ sở vật chất, cô Phạm Thị Nga đã tham mưu cấp trên sáp nhập các điểm trường lẻ để tập trung nguồn kinh phí đầu tư xây dựng trường lớp. Ý tham mưu của cô được chỉ đạo thực hiện, ban đầu 12 bản với 12 điểm trường, về sau sáp nhập còn 5 điểm trường, giúp địa phương tập trung được nguồn lực, xây dựng hệ thống trường lớp kiên cố.
Từ bao khó khăn chồng chất, cô Nga đã góp phần từng bước đưa Trường Mầm non Môn Sơn 2 vươn lên và đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Để có được kết quả này, nữ hiệu trưởng ấy đã thực sự "lăn lộn", hàng ngày bám các điểm trường, dõi theo từng lớp học, luôn suy nghĩ để tìm cách đổi mới, nâng cao chất lượng.
"Bản thân xác định ngôi trường là ngôi nhà của mình, đưa hết trách nhiệm và năng lực để cống hiến cho ngành Giáo dục" - cô Nga nói.
Chia sẻ của cô Phạm Thị Nga. Clip: Đức Anh
Không ngừng đổi mới phương pháp
Sinh ra và lớn lên ở "quê lúa" Yên Thành, từ nhỏ thầy Hồ Văn Chiến (SN 1984) luôn mơ ước trở thành giáo viên Tin học để giúp các em nhỏ nơi đây có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, phát huy khả năng sáng tạo để vươn lên thoát nghèo. Niềm mơ ước đã thành hiện thực từ 12 năm trước, khi thầy Chiến được nhận công tác tại Trường THPT Phan Đăng Lưu - ngôi trường có bề dày truyền thống ở Yên Thành.
Thầy Hồ Văn Chiến nhận Giấy khen tại Lễ nhận thưởng Quỹ "Phát triển tài năng giáo dục". Ảnh: Đức Anh
Trở thành nhà giáo, thầy Chiến luôn có ý thức trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng tìm tòi, học hỏi để có những giờ dạy hiệu quả, chất lượng. Sự tận tụy và cầu tiến ấy đã tạo nên uy tín khi thầy được Ban giám hiệu lựa chọn tham gia bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội tuyển dự thi học sinh giỏi của trường.
Không phụ niềm tin, từ năm học 2014 - 2015 đến nay, thầy Hồ Văn Chiến đã góp công sức, trí tuệ cùng các đồng nghiệp bồi dưỡng 3 em học sinh đạt giải Ba và nhiều em đạt giải Khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cuộc thi Tin học trẻ Nghệ An. Đồng thời, hướng dẫn học sinh làm đề tài khoa học kỹ thuật đạt giải Nhì cấp tỉnh. "Tôi cùng các đồng nghiệp luôn đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh có hứng thú và nắm bắt kiến thức dễ dàng hơn" - thầy Chiến chia sẻ kinh nghiệm.
Thầy Hồ Văn Chiến . Ảnh: Đức Anh
Bản thân thầy Chiến cũng tích cực, hăng hái tham gia các kỳ thi dành cho giáo viên và đạt được những kết quả đáng tự hào. Tiêu biểu là Cuộc thi Giáo viên sáng tạo với công nghệ thông tin năm 2014, bài thi của thầy được chọn vào chung kết cuộc thi toàn quốc.
Những gì tích lũy được trong quá trình dạy học, thầy Chiến hệ thống hóa thành các sáng kiến kinh nghiệm để chia sẻ với đồng nghiệp về phương pháp, kỹ năng giảng dạy Tin học. Hiện thầy đã có trong tay hai sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh, nội dung tập trung vào vấn đề đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh dễ dàng, thuận lợi trong việc tiếp cận kiến thức, kỹ năng về khoa học công nghệ.
Khẳng định năng lực qua việc bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn thực hiện đề tài khoa học kỹ thuật và viết sáng kiến kinh nghiệm, thầy Chiến còn được mời làm giám khảo các cuộc thi về Tin học cấp tỉnh. Điển hình là cuộc thi Khoa học kỹ thuật và cuộc thi bài giảng E-Learning năm học 2016-2017; tham gia chấm SKKN cấp nghành năm 2018-2019...
Chia sẻ của thầy Hồ Văn Chiến. Clip: Đức Anh
Lịch sử không chỉ trong trang sách
Cô giáo Trương Thị Quỳnh (SN 1978), hiện là giáo viên bộ môn Lịch sử của Trường THCS Tường Sơn (Anh Sơn). Nói về cô, các đồng nghiệp đều có chung nhận xét là người tận tụy, tâm huyết với công việc, có năng lực sư phạm và phương pháp dạy học cuốn hút, giúp học sinh có hứng thú với môn học Lịch sử. Những giờ dạy của cô Quỳnh luôn được học sinh đón chờ, chăm chú lắng nghe và tích cực trao đổi, thảo luận.
Với năng lực và tâm huyết sẵn có, cô Trương Thị Quỳnh luôn được lựa chọn bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm học 2014-2015, cô là giáo viên có học sinh giỏi xếp thứ nhất toàn huyện với 3 học sinh đạt giải cấp tỉnh và 1 em đạt giải Ba toàn quốc cuộc thi "Em yêu lịch sử Việt Nam".
Cô Trương Thị Quỳnh nhận Giấy khen tại Lễ nhận thưởng Quỹ "Phát triển tài năng giáo dục". Ảnh: Đức Anh
Năm học 2018 - 2019, trực tiếp hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật và có 2 em đạt giải Ba cấp tỉnh, chất lượng đại trà cũng thuộc tốp đầu toàn huyện.
Không ngừng phấn đấu trong chuyên môn, nâng cao chất lượng và đổi mới phương pháp dạy học, trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2016 - 2017, cô Quỳnh đạt giải Ba. Đồng thời, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh như: " Kinh nghiệm tổ chức hoạt động ngoại khóa đạt kết quả cao ở trường THCS", giải Ba cấp tỉnh cuộc thi Giáo án liên môn với chủ đề " Khởi nghĩa Lam Sơn".
Cô Trương Thị Quỳnh. Ảnh: Đức Anh
Lâu nay, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện những ý kiến báo động về tình trạng học sinh không thích học Lịch sử, dẫn đến nguy cơ lãng quên cội nguồn do môn học này khô khan, xơ cứng. Cô Trương Thị Quỳnh không nguôi trăn trở, tìm cách tạo niềm hứng thú và giúp học sinh yêu thích, gắn bó với môn học Lịch sử.
Cô Quỳnh chia sẻ: "Ngoài các trang sách lịch sử, tôi còn đưa học sinh tham quan các di tích lịch sử để các em biết rõ hơn về cội nguồn tổ tiên, dân tộc, mang lại sự hứng thú và sinh động cho các giờ học".
Chia sẻ của cô Trương Thị Quỳnh. Clip: Đức Anh
Công Kiên
Theo baonghean
Hải Dương: Thành lập Trường THPT lớn nhất tỉnh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ là trường THPT đầu tiên của Hải Dương được thành lập từ việc sáp nhập từ 2 đơn vị trường học và cũng là đơn vị có quy mô lớp lớn nhất tỉnh. Trường THPT Nguyễn Văn Cừ được thành lập từ sáp nhập 2 trường THPT Hoàng Văn Thụ và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Chiều 18/1, Sở...