Bồi dưỡng 2 môn tích hợp mới, Bộ để các trường tự bơi, giáo viên bỏ tiền ra học?
Hy vọng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có những chỉ đạo cụ thể sự việc này để đội ngũ nhà giáo dạy 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở yên tâm công tác.
Ngày 12/7/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết “ Trường sư phạm mở lớp chứng chỉ 2 môn tích hợp, phí 3-5,4 triệu đồng” của tác giả Thanh An và bài viết này đã nhận được sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo sẽ dạy 2 môn học này trong những năm tới đây.
Chính vì thế, bài viết đã được nhiều trang mạng xã hội của giáo viên chia sẻ lại và có một số ý kiến lo lắng về việc bồi dưỡng 2 môn học tích hợp mà 2 trường sư phạm đã thông báo chiêu sinh để bồi dưỡng. Sự lo lắng là điều khó tránh khỏi bởi tới đây liệu các trường sư phạm khác có làm điều tương tự hay không?
Và, nếu Bộ không có hướng dẫn cụ thể về lộ trình bồi dưỡng 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở thì giáo viên đi học sẽ phải bỏ tiền cá nhân ra để đóng học phí và việc bố trí thời gian đi học sẽ thực hiện như thế nào?
Nhưng, nếu không đi học bồi dưỡng thì liệu chủ trương của Bộ là tiến tới giáo viên sẽ dạy cả môn học tích hợp thì đội ngũ nhà giáo có thực hiện được hay không?
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: pgdhongngu.edu.vn.
Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH chưa cụ thể hóa việc bồi dưỡng giáo viên dạy 2 môn tích hợp như thế nào
Để chuẩn bị cho việc giảng dạy 2 môn tích hợp ở lớp 6 từ năm học 2021-2022 tới đây thì ngày 23/6 vừa qua, Bộ Giáo dục đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH và có hướng dẫn các nhà trường về việc bố trí giáo viên giảng dạy và chủ động lên kế hoạch bồi dưỡng giáo viên để tiến tới làm chủ cả môn học tích hợp.
Cụ thể, Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: ” Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học “…
Tuy nhiên, cho dù nhà trường ” chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học ” nhưng ai bồi dưỡng cho giáo viên và kinh phí bồi dưỡng này ai chịu thì Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH không đề cập và Bộ cũng chưa có hướng dẫn cụ thể việc này ở các văn bản khác.
Trong khi đó, 2 trường sư phạm đã thông báo chiêu sinh lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí trên website của nhà trường…
Hình thức học tập; chương trình bồi dưỡng; kinh phí bồi dưỡng đã được đơn vị này cụ thể hóa trong thông báo. Số tiền mà học viên phải đóng cũng là một số tiền tương đối lớn so với đồng lương hàng tháng của giáo viên và thời gian học tập cũng không hề ít.
Có lớp 20 tín chỉ, có lớp 36 tín chỉ mà theo cách tính thông thường thì 1 tín chỉ bằng 15 tiết học lý thuyết…thì quả là thời gian học tập sẽ không hề ít. Vì thế, dù là học trực tiếp hay trực tuyến thì các học viên cũng phải bố trí thời gian mới có thể học được.
Đặc biệt, nếu giáo viên đăng ký học tự phát không chỉ là phải bỏ tiền cá nhân mà việc bố trí thời gian học tập cũng không hề dễ dàng trong quá trình học, nhất là lớp có tới 36 tín chỉ sẽ kéo dài thời gian học tập trong nhiều tháng.
Trong khi, giáo viên còn công việc chính là phải giảng dạy trên lớp theo số tiết quy định đã được nhà trường phân công.
Nhà trường sẽ bị động nếu thực hiện theo Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH
Ai cũng có thể nhìn thấy việc giảng dạy 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở từ năm học 2021-2022 ở cấp Trung học cơ sở sẽ gặp nhiều khó khăn đối với cả nhà trường và những giáo viên đảm nhận 2 môn học mới này.
Video đang HOT
Bởi, với cách giao nhân sự và khoán kinh phí hàng năm như hiện nay thì Ban giám hiệu mà đặc biệt là hiệu trưởng các nhà trường phải tính toán rất kĩ lưỡng để cân đối nhân lực và số tiền ngân sách cấp về hàng năm.
Cho dù là Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: ” Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên ” nhưng thực tế khi thực hiện sẽ khó hơn rất nhiều.
Nếu như hiệu trưởng phân công giáo viên ” phù hợp với năng lực chuyên môn ” mà dẫn đến việc người này thiếu tiết, người kia thừa tiết thì giải quyết bài toán này cũng không hề đơn giản. Người thiếu tiết có thể vui nhưng người thừa tiết theo quy định họ sẽ phải có ý kiến về số tiền thừa giờ mà họ đã dạy.
Đặc biệt, nếu Bộ, Sở chưa có hướng dẫn cụ thể về việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên thì cũng không có hiệu trưởng nào dám lên kế hoạch cho giáo viên đi bồi dưỡng, học tập. Bởi, lên kế hoạch đưa giáo viên đi học cũng đồng nghĩa là phải tính toán đến phương án chi trả kinh phí đào tạo.
Nếu hiệu trưởng nhà trường cho giáo viên đi học mà chưa có chủ trương không chỉ không được chi kinh phí, chế độ cho đồng nghiệp mà rất dễ bị kỷ luật.
Trong khi, nếu giáo viên không được bồi dưỡng về chuyên môn thì việc giảng dạy trên lớp sẽ gặp nhiều khó khăn. Thôi thì lớp 6, lớp 7 còn dễ, giáo viên có thể cáng đáng được nhưng khi học sinh học lớp 9, các em phải thi chuyển cấp thì việc giáo viên “ôm” cả môn tích hợp để ôn thi là điều không hề đơn giản chút nào.
Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, Bộ cần có hướng dẫn cụ thể về lộ trình, kinh phí đào tạo (nếu có) giống như lộ trình nâng chuẩn của giáo viên để các nhà trường, giáo viên chủ động trong mọi kế hoạch của mình.
Việc thực hiện giảng dạy 2 môn tích hợp có liên quan trực tiếp tới tất cả các trường Trung học cơ sở và hàng trăm ngàn giáo viên trên cả nước, nếu Bộ không có hướng dẫn cụ thể về việc bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên rất dễ dẫn đến tình trạng tự phát như việc học các chứng chỉ trong những năm vừa qua.
Hy vọng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có những chỉ đạo cụ thể sự việc này để đội ngũ nhà giáo dạy 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở yên tâm công tác.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
"Quả bóng" tích hợp 2, 3 môn vào 1 sách Bộ đá xuống, các trường sẽ đỡ thế nào?
Chủ trương tích hợp của Bộ và những người viết chương trình, sách giáo khoa về cơ bản đã xong nhưng có lẽ những khó khăn thì nhà trường và giáo viên sẽ bắt đầu.
Đến thời điểm này, số phận 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở gần như đã an bài bởi chương trình môn học đã ban hành, sách giáo khoa đã xuất bản và Bộ đang triển khai việc tập huấn đến đội ngũ nhà giáo trên cả nước trong những tháng gần đây.
Đặc biệt, ngày 23/6 vừa qua thì Bộ Giáo dục đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học cho năm học 2021-2022 và hướng dẫn việc thực hiện 2 môn học này đối với lớp 6 trong năm học tới đây.
Chủ trương "tích hợp" của Bộ và những người viết chương trình, biên soạn sách giáo khoa về cơ bản đã xong nhưng có lẽ những khó khăn thì giáo viên ở các nhà trường từ năm học tới đây phải đối mặt thì sẽ gặp rất nhiều.
Khó khăn, đó là điều mà nhiều người có thể nhìn thấy khi thực hiện các môn học mới này như: việc bố trí, sắp xếp giáo viên giảng dạy; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; tuyển sinh vào các lớp 10 chuyên tới đây.
Từ năm học tới đây thì 2 môn tích hợp sẽ được giảng dạy (Ảnh minh họa: VTV.vn)
Hai môn tích hợp được bắt đầu triển khai từ con số 0
Năm học 2021-2022 thì 2 môn tích hợp được triển khai thực hiện ở lớp 6, Bộ cũng đã chỉ đạo việc thực hiện này khá cụ thể qua Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH được ban hành ngày 23/6 vừa qua.
Nhưng, nhìn lại nhân lực của ngành sẽ đảm nhận dạy 2 môn học này thì chúng ta thấy hiện nay chẳng có giáo viên nào là giáo viên tích hợp đúng nghĩa. Ngay cả những tác giả chương trình môn học và sách giáo khoa cũng phần ai người đó thực hiện, cũng không có người nào là tác giả "tích hợp".
Vì vậy, Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH đã hướng dẫn các nhà trường: " Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên " trong năm học tới đây.
Có thể trước mắt là vậy, phân môn của ai người đó dạy thì nó sẽ: " phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viê n" nhưng còn về lâu dài thì sao?
Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn rất nhẹ nhàng: " Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học "...
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học cho biết: " Với đội ngũ giáo viên hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao quyền chủ động cho các nhà trường và sẽ có hướng dẫn để các trường tự tin trong việc bố trí phân phối chương trình và phân công giáo viên dạy học.
Nếu đủ điều kiện thuận lợi , nhà trường phân công giáo viên phụ trách từng mạch kiến thức và cố gắng tuân thủ trình tự thời gian đã được thiết kế trong chương trình. Như vậy sẽ thuận lợi cho học sinh vì các nội dung chương trình trước sẽ giúp học sinh có được sự phát triển năng lực để thuận lợi cho việc tiếp nhận và thực hiện các nhiệm vụ học tập của các phần sau.
Nếu việc phân công như vậy gặp khó khăn thì nhà trường có thể bố trí sắp xếp lại nội dung kiến thức để phù hợp với điều kiện thực tiễn về cơ sở vật chất và con người ở đơn vị mình ".
Như vậy, dù có suy nghĩ lạc quan đến đâu thì nhiều người cũng đã nhìn thấy những khó khăn sẽ hiện hữu từ năm học tới đây, cho dù Bộ đã " giao quyền chủ động cho các nhà trường " thì đây vẫn là bài toán khó không dễ giải chút nào.
Khó khăn không chỉ là việc phân công, thực hiện giảng dạy, tổ chức các chuyên đề của môn học, chia tỉ lệ phần trăm trong các bài kiểm tra định kỳ ở từng phân môn mà cái khó là việc đào tạo, bồi dưỡng ra sao để giáo viên có thể đảm nhận được toàn bộ các môn học theo hướng dẫn của Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH vừa qua.
Các trường Sư phạm đã và đang đào tạo giáo viên tích hợp
Trong các cấp học phổ thông hiện nay thì giáo viên các cấp học đang thừa thiếu cục bộ. Có những môn học thiếu nhưng cũng có những môn học đang thừa, nhất là ở cấp Trung học cơ sở. Hiện ở cấp học này thì giáo viên các môn Lí, Hóa, Sinh, Sử, Địa đang thừa rất nhiều, nhất là những trường loại II, loại III.
Khi 5 môn học này được "tích hợp" thành 2 môn trong những năm học tới đây là Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí thì số tiết càng dư hơn- nếu như giáo viên " đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học ".
Trong khi đó, những năm qua thì một số trường Sư phạm đã đang đào tạo nguồn nhân lực cho 2 môn học này. Chẳng hạn: " Mùa tuyển sinh năm 2019, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh mở ngành đào tạo sư phạm Khoa học Tự nhiên ngay với 50 chỉ tiêu.
Năm 2020, trường tuyển 300 chỉ tiêu (ngành Lịch sử-Địa lý là 43 chỉ tiêu). Năm 2021, chỉ tiêu tuyển mới với ngành Khoa học Tự nhiên là 160 sinh viên, ngành Lịch sử- Địa lý là 190 chỉ tiêu.
Tương tự, Đại học Sư phạm Đà Nẵng cũng mở ngành sư phạm Khoa học Tự nhiên và Sư phạm Lịch sử- Địa lý ngay năm 2019 với 50 chỉ tiêu mỗi ngành. Năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành này tăng gấp đôi. Năm 2021 tiếp tục tăng lên 120 chỉ tiêu.
Đại học Sư phạm Huế cũng bắt đầu tuyển sinh ngành sư phạm Khoa học Tự nhiên và Sư phạm Lịch sử-Địa lý năm 2019 với 60 chỉ tiêu mỗi ngành....
...Đại học Sư phạm Thái Nguyên là một trong số ít các trường sư phạm phía Bắc đã mở ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên từ rất sớm, ngay năm 2018" . [2]
Nếu nhìn vào sự chuẩn bị nhân lực mà các trường sư phạm đang đào tạo thì chỉ 1-2 năm tới, những lớp giáo sinh sư phạm "tích hợp" đầu tiên trên cả nước sẽ ra trường để bổ sung nhân lực cho các nhà trường trung học cơ sở.
Thế nhưng, cho dù khi có đội ngũ giáo viên tích hợp được đào tạo cơ bản, đúng nghĩa thì cũng không dễ thay thế cho đội ngũ giáo viên "đơn môn" như hiện nay khi họ đã được tuyển dụng thành viên chức từ nhiều năm nay.
Bởi, việc tuyển dụng viên chức những năm gần đây được các địa phương quản lý, phân bổ rất chặt chẽ. Hàng năm, các trường học phải báo cáo nhân sự, Phòng Giáo dục sẽ cân đối, điều tiết giữa các nhà trường nên việc tuyển dụng mới thường rất ít, nhiều môn học không tuyển mới giáo viên.
Vì thế, nếu tuyển mới, chắc chắn những giáo sinh tích hợp có thể sẽ làm chủ toàn bộ môn học nhưng đội ngũ giáo viên hiện nay sẽ dư thừa nhưng thừa chẳng lẽ lại tinh giản biên chế của họ mà không tuyển mới thì những giáo sinh tích hợp khi ra trường sẽ thất nghiệp...
Giải bài toán nhân lực đối với 2 môn tích hợp của cấp Trung học cơ sở trong những năm tới đây không hề dễ dàng chút nào đối với các địa phương.
Trường chuyên sẽ tuyển sinh ra sao?
Hiện nay, mỗi tỉnh có ít nhất là một trường Trung học phổ thông chuyên và hàng năm đều tuyển đầu vào lớp 10 theo từng môn học để đào tạo chuyên sâu. Vì thế, với việc giảng dạy, học tập đơn môn như hiện nay thì 5 môn học ở cấp Trung học cơ sở sẽ là 5 môn chuyên ở cấp Trung học phổ thông.
Nhưng, khi tích hợp thành 2 môn mới có nghĩa là 5 môn học hiện hành sẽ mất đi tên gọi và việc đào tạo tất nhiên cũng khác hoàn toàn.
Nếu như người nào đang dạy môn nào của chương trình năm 2000 sẽ dạy phân môn của chương trình năm 2018 thì đơn giản quá.
Nhưng, chủ trương của Bộ là " Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học " thì tiến tới sẽ là giáo viên sẽ dạy cả môn tích hợp, nhất là khi những lớp giáo sinh tích hợp ra trường.
Chẳng lẽ cả cấp học là chủ trương dạy "tích hợp" rồi đến khi học xong lớp 9 lại chủ trương xé ra từng phân môn để ôn thi vào lớp 10 chuyên hay sao, mà không xé ra như vậy thì làm sao học sinh có thể ôn tập để thi vào 1 môn chuyên của trường Trung học phổ thông chuyên?
Vậy, mấu chốt của việc tích hợp ở cấp Trung học cơ sở là gì?
Rõ ràng, việc xóa bỏ tên gọi 5 môn học hiện hành thành 2 môn "tích hợp" không hẳn là sự đổi mới, hay nói đúng hơn là "có đổi mà không mới" nhưng nó làm phức tạp hóa vấn đề. Giải bài toán này không chỉ là vài năm mà có thể hàng chục năm sau cũng chưa dễ xong.
Nhưng, nó bất cập và tốn kém vô cùng cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên 2 môn tích hợp và cũng chẳng ai dám đảm bảo chất lượng 2 môn tích hợp tới đây sẽ tốt hơn 5 môn học độc lập hiện nay nhưng nó rối rắm, phức tạp vô cùng.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.vietnamplus.vn/day-va-hoc-tich-hop-trao-quyen-chu-dong-cho-cac-nha-truong/723509.vnp
[2]https://www.vietnamplus.vn/day-va-hoc-tich-hop-truong-su-pham-chuyen-huong-dao-tao/723582.vnp
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Trường sư phạm nhanh chân mở lớp chứng chỉ 2 môn tích hợp, phí 3-5,4 triệu đồng Mỗi tín chỉ có kinh phí bồi dưỡng là 150.000 đồng thì chúng ta thấy lớp 20 tín chỉ sẽ có giá là 3.000.000 đồng và lớp 36 tín chỉ sẽ có giá là 5.400.000 đồng. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa 2 môn học tích hợp vào giảng dạy ở cấp Trung học cơ sở từ năm học 2021-2022 đối...