Bóc mẽ các chiêu bán đồ trang sức giả
Các chiêu thức làm giả thường hay sử dụng là dùng dung dịch hóa chất để si, mạ vào kim loại không có giá trị, hoặc giá trị thấp hơn nhiều so với đồ thật.
Công nghệ giả trang đồ trang sức
Cách thức cũng tùy vào con mồi mà các đối tượng nhắm đến. Nếu là người ít kinh nghiệm trong nghề hay cửa hàng mới, các đối tượng sẽ sử dụng “đồ si” để bán. Các cửa hàng buôn bán lâu năm khó qua mắt hơn, phải dùng phương pháp mạ. Mạ cũng phải dày hơn.
Là thợ kim hoàn lâu năm đã va vấp rất nhiều về đồ trang sức giả sử dụng công nghệ si – mạ, anh Hoàng (ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, sử dụng si vàng, si bạc sẽ dễ phát hiện. Vì lớp si mỏng nên dễ nhận biết, những người ít kinh nghiệm đôi khi bất cẩn vẫn “dính” như thường.
Vỏ đạn được si bạc không khác gì bạc thật.
Còn vàng, bạc mạ mà dày, không kiểm tra kỹ cũng khó phát hiện là đồ trang sức đó sử dụng nguyên liệu thật để mạ lên đồ giả. Mạ có thể làm theo nhiều cách, vàng vẫn thường được sử dụng nhiều hơn, vì có giá trị cao hơn. Mạ vàng lên kim loại không có giá trị, mạ vàng lên bạc, mạ vàng thấp tuổi thành vàng cao tuổi, mạ giả vàng trắng.
Theo tham khảo của phóng viên tại một số cơ sở chuyên si, mạ trên phố hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội, giá một lần si cũng rất “mềm”. Si một lần lên 5 chỉ, dù bạc hay vàng, cũng chỉ mất vài chục nghìn đồng là có thể lấy ngay sau vài phút. Mạ thì giá “cứng” hơn, tùy theo chất liệu. Giá một lần mạ vàng 5 chỉ khoảng 250.000 đồng, thời gian lâu hơn, khoảng 30 phút đến 1 tiếng.
Ngoài ra, các cơ sở này cũng bán hóa chất si, giá một lít dung dịch hóa chất để si là 1.800.000 đồng, si vàng hay si bạc đều có cùng giá này. Tuy nhiên, với hóa chất để mạ thì lại khác.
Khi PV thăm dò hỏi giá để mua thì tất cả các cơ sở này đều từ chối cho biết giá, thẳng thừng không bán. Tìm hiểu ra mới biết, hiện nay công đoạn mạ chỉ có ở các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trang sức lớn. Số ít cơ sở nhỏ do ăn cắp nghề mới làm được, vì vậy họ muốn độc quyền, không để lộ ra ngoài.
Cũng theo anh Hoàng, đồ mạ giả mà người mua vẫn gặp phải là người biết nghề tự làm. Vì giá thành mạ khá cao, họ có công thức trong tay sẽ kín hơn, chi phí nhỏ hơn. Si thì có thể tự làm được, hóa chất si rất dễ mua, một lít dung dịch có thể sử dụng cho cả hàng nghìn sản phẩm đồ trang sức thông thường.
Cách si cũng rất đơn giản, kể cả người không có nghề, chưa làm bao giờ, chỉ cần nhìn qua 1-2 lần cũng làm được. Đồ nghề chỉ cần một bộ điều chỉnh dòng điện loại nhỏ, hai cốc thủy tinh để đựng dung dịch hóa chất.
Khó hơn hai cách làm giả trên là làm sai trọng lượng thực. Các loại kiềng bày bán trên thị trường hiện nay là đều do các công ty lớn làm ra. Ở khu vực phía bắc, kiềng làm bằng vàng và rỗng bên trong.
Phương pháp đúc rỗng bên trong rất khó, phải làm bằng máy, nếu làm thủ công rất dễ hỏng, mất rất nhiều thời gian, thợ lành nghề vẫn có thể làm được nhưng rất ít. Kiềng vàng được làm từ vàng ta, có độ dẻo, dễ dát mỏng, bên trong kiềng được nhồi si để giúp kiềng cứng không bị méo móp.
Nếu là hàng của công ty, các cơ sở có uy tín lâu năm sẽ có kí hiệu riêng. Người có nghề thường cố tình làm sai trọng lượng, làm giả kí hiệu, chủ yếu là làm tăng trọng lượng để bán trục lợi. Nhưng những sản phẩm này cũng dễ kiểm tra, chỉ cần nấu chảy ra và cân lại là biết trọng lượng thật của nó ngay.
Không chỉ riêng các chiêu trò làm giả, làm sai, mà những đối tượng này còn có cả sự tính toán kỹ lưỡng về các hình thức mua bán. Từ những kinh nghiệm đúc rút qua mấy chục năm trong nghề, bác Thịnh, chủ cửa hàng vàng bạc ở thị trấn Trúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội, chia sẻ hàng tá vụ lừa đảo đã va phải. Khi thì chúng bán rẻ hơn so với thị trường, chủ yếu nhằm đánh vào lợi nhuận; về thời gian thường là vào buổi trưa, buổi tối nhá nhem, để lợi dụng sơ suất của người mua.
Video đang HOT
Đã có lần, các đối tượng mang vài chỉ vàng thật đến bán rẻ hơn khoảng vài trăm nghìn, để tạo lòng tin với bác Thịnh. Lần sau đó, chúng lại mang sợi dây chuyền gần một cây vàng mạ đến bán. Nhưng nhờ có kinh nghiệm, bác đã lật tẩy được trò bịp này, khi yêu cầu nấu một một mắt lên để kiểm tra thì kẻ bán bỏ đi ngay.
Để qua mắt người mua, các “lái” đồ trang sức giả đang dùng đủ các chiêu trò. Nhưng “vỏ quýt dày có mong tay nhọn”, dù cách này hay cách khác cũng không qua mắt được những người dày dặn kinh nghiệm trong nghề, buôn bán lâu năm.
Cốc dung dịch axít bên trái dùng si vàng trắng, cốc dung dịch bên phải dùng si vàng ta.
Không khó lật tẩy đồ giả thật
Thông thường, đồ trang sức giả đem bán vẫn dựa trên một số cách làm cơ bản, nó được lặp đi lặp lại nhiều lần tùy vào “con mồi”. Và những phương pháp này vẫn có thể kiểm tra theo cách thông thường mà những người làm nghề kim hoàn lâu năm đều biết.
Khi các cửa hàng mua vàng, bạc, muốn “chắc ăn”, sau khi kiểm bằng mắt, bằng tay, phải kiểm tra bằng các dụng cụ và các phương pháp trong nghề, kiểm tra bằng axít chuyên dụng, khò bằng lửa nấu chảy ra, đo bằng máy quang phổ.
Kết quả phân tích bạc dựa trên Quang phổ. (ảnh: Bactot.com)
Kiểm tra căn bản bằng axít đối với vàng do dựa vào yếu tố là vàng và bạch kim không phản ứng với axít nitric (HNO3) tinh chất, nhưng lại phản ứng với dung dịch cường toan (agua regina), là một hợp chất của HNO3 và axít clohydric (HCl).
Kiểm tra bằng axít tin cậy hơn các phương pháp trên. Chi phí kiểm tra bằng axít lại rẻ, người mua có thể phân biệt vàng giả với vàng 14K và vàng cao tuổi hơn, chỉ với sự trợ giúp của một lọ dung dịch thử 14K (khoảng vài chục ngàn đồng, lọ bằng plastic chịu được axít, nắp chặt kín khí, không trào, không thể bị vỡ).
Nhỏ một giọt nhỏ axít lên một điểm trên món đồ muốn thử. Nếu giọt axít sủi bọt và kêu xì xì thì vật thử không phải là vàng hay bạch kim. Nếu mẫu thử là vàng 10K hoặc thấp hơn, thì giọt axít để lại vết ố màu nâu.
Dùng giấy thấm trắng để lau vật thử và quan sát vết ố, màu lục hay nâu trên giấy đôi khi lại dễ thấy hơn. Cần phải nhớ, màu ố của các kim loại là khác nhau. Nếu là vàng, cách tốt nhất vẫn là thử bằng lửa, dùng khò đốt đến khi vàng chảy ra, vừa kiểm tra được trọng lượng thực vừa kiểm tra được độ tuổi của vàng.
Nạn đồ trang sức giả sẽ không dừng lại vì nó phát triển theo quy luật tất yếu trong cuộc sống. Có rất nhiều phương pháp để thử, nhưng chủ yếu người mua phải thực sự tỉnh táo để phòng ngừa, chớ để tiền mất một cách hớ hênh, mang ấm ức vào người.
Theo thatgia.com
Những quy tắc đàn ông cần biết khi dùng đồ trang sức
Trang sức nam như con dao hai lưỡi, nếu không được sử dụng đúng cách, chúng sẽ tạo nên ấn tượng rất tệ hại với người xung quanh.
Nói đến đồ trang sức, mọi người thường mặc định đó là thứ dành riêng cho phụ nữ. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều trang sức nam hay ho bạn có thể sử dụng để nâng tầm phong cách. Theo tạp chí đàn ông Art of Manliness, nhìn chung có bốn quy tắc bất di bất dịch nam giới cần tuân thủ khi sử dụng đồ trang sức.
Hãy luôn đơn giản
Trừ khi bạn là Johny Depp, hãy hướng đến sự đơn giản bất cứ khi nào muốn đeo đồ trang sức. Bạn có thể bắt đầu với chiếc đồng hồ đeo tay bằng da kiểu cổ điển. Nếu túi tiền rủng rỉnh, bạn có thể cân nhắc kiểu đồng hồ thợ lặn dáng thể thao với quai đeo làm từ thép không gỉ.
Với trang sức nam, bạn hãy luôn nhớ đến quy tắc "less is more" (ít là nhiều).
Cà vạt, khuy măng sét hay ghim cà vạt cũng tương tự như thế: đơn giản luôn là đỉnh cao của tinh tế. Một khi đã cảm thấy thoải mái khi mang trên người những món trang sức thông dụng này, bạn có thể tìm tới bước tiếp theo là nhẫn, vòng tay hay dây chuyền.
Biết cách kết hợp kim loại
Hầu hết đồ trang sức của nam giới đều làm từ kim loại, như vàng và bạc. Tuy nhiên, trong một bộ trang phục, bạn chỉ nên dùng một loại kim loại nhất định. Ví dụ như đừng đeo dây chuyền vàng cùng với đồng hồ bạc. Trang sức vàng thuộc tông màu nóng, dễ phối cùng màu nâu và các tông màu đất, cũng như xanh lục đậm và lam đậm.
Trong khi đó, trang sức bạc và tông bạc như thép không gỉ hay crôm lại trung tính, có vai trò gần giống như màu xám. Điều này có nghĩa là chúng không tương phản quá mạnh với bất cứ màu sắc nào, nhưng cũng không mang đến hiệu ứng bắt mắt như vàng. Bạn có thể phối trang sức bạc cùng trang phục đen hay xám đậm, hoặc là các tông màu nhạt như pastel.
Trang sức vàng rất phù hợp khi đi cùng xanh lục đậm hay lam đậm.
Đồng có thể được xem như một món đồ sắc cam. Chúng mạnh hơn vàng, bạc, và cần được sử dụng với sự tiết chế nhất định cùng trang phục đơn giản.
Vì quá nữ tính nên đá quý chỉ nên được sử dụng ở mức tối thiểu. Một viên đá màu sắc trên nhẫn hay khuyên tai là đã đủ cho mỗi người đàn ông.
So với các đồ trang sức khác, trang sức làm từ da rất dễ mua. Chỉ cần đảm bảo chúng có tông màu đất tự nhiên, không nhuộm đen và không đính kim loại phô trương.
Gỗ và xương khá phổ biến trong thế giới trang sức nam. Bạn cần cân nhắc sử dụng chúng sao cho phù hợp từng set đồ, vì không có quy tắc chung nào áp dụng được cho trang sức loại này. Nhưng nếu đã tìm đến kiểu chất liệu độc đáo như thế này, bạn có thể mạnh tay lựa chọn các kiểu dáng khác thường để thực sự nổi bật.
Hiểu rõ ý nghĩa đồ trang sức
Đồ trang sức luôn có ý nghĩa riêng, nhất là trang sức của đàn ông, mà đôi khi mỗi người lại có quan điểm khác nhau về ý nghĩa đó. Để đảm bảo an toàn, bạn nên tránh các loại trang sức mang ý nghĩa tâm linh của những tôn giáo hay các dân tộc khác, và tìm đến những món đồ có ý nghĩa thống nhất, như nhẫn cưới hay trang sức gia bảo.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần làm rõ khi nào cần đeo trang sức, khi nào không. Việc mang trên người những món đồ đặc biệt ở sự kiện đặc biệt cho thấy bạn thật sự trân trọng sự kiện ấy cũng như người tham dự.
Mang trang sức tiết chế, có ý nghĩa khi đến buổi phỏng vấn, họp mặt hay trình diễn nghệ thuật sẽ có tác dụng gợi mở chuyện trò với những người xa lạ, đồng thời cho thấy bạn là người có gu nhất định.
Nếu như đến các buổi tiệc hay đi du lịch, bạn có thể mang theo những món đồ có ít ý nghĩa biểu tượng hơn, và trông tiệc tùng hơn.
Quy tắc ăn mặc với trang sức
Có rất nhiều quy tắc ăn mặc mà bạn cần biết đến, tuỳ theo mỗi môi trường làm việc hay sinh sống. Ví dụ, trong thế giới kinh doanh hay chính trị, thường người ta sẽ hạn chế tối đa đồ trang sức.
Đôi khi, chiếc khuy măng sét trên bộ đồng phục công sở đã đủ để tạo nên điểm nhấn.
Trong khi đó, ở lĩnh vực nghệ thuật hay sáng tạo nói chung, mọi hình thức thể hiện bản thân đều dễ được chấp nhận. Để lựa đồ trang sức cho phù hợp, bạn cần suy xét kỹ môi trường sinh sống và làm việc bạn hướng tới. Có một số món đồ trang sức nam bạn cần biết.
Nhẫn: Nhẫn cưới rất phổ biến với hầu hết đàn ông, thường được làm từ vàng, bạc và bạch kim, đơn giản trong thiết kế. Các loại nhẫn khác nên được sử dụng tùy theo phong cách mà bạn đang theo đuổi.
Đồng hồ: Là món đồ trang sức có chức năng rõ ràng, rất được cánh đàn ông ưa chuộng, với mức độ phổ biến còn cao hơn nhẫn cưới.
Nút áo blazer: Áo blazer khi mua về thường đi kèm với các nút đồng thau đơn giản. Bạn có thể nâng cấp chúng lên bằng các nút vàng hoặc bạc. Sừng hay khảm trai cũng là lựa chọn khá thú vị.
Khuy măng sét: Có chức năng giữ cố định cổ tay áo sơ mi, song khuy măng sét cũng có thể được xem như món đồ trang sức đầy tinh tế. Để thể hiện sự trang trọng, bạn có thể sử dụng khuy măng sét làm từ kim loại quý có thiết kế đơn giản.
Khuy cài áo có kiểu dáng đa dạng, phù hợp với mọi phong cách.
Kẹp cà vạt: Có chức năng giữ cà vạt khỏi bị bay phấp phới, song kẹp cà vạt cũng có vai trò nhất định trong việc thể hiện gu thẩm mỹ cá nhân.
Khuy cài áo: Thường được sử dụng trong các bộ trang phục trang trọng, ở sự kiện đặc biệt. Vì thế, nếu đã quyết định dùng khuy cài, hãy sẵn sàng bỏ ra số tiền tương xứng để sở hữu thứ thật sự có giá trị.
Vòng tay: Với đàn ông nói chung, vòng tay không thật sự phổ biến. Ở các nước phương Tây, vòng tay thường có chức năng y tế, như loại vòng để phân loại bệnh nhân hay dấu hiệu nhận biết một người mất ý thức. Chính vì thế, nếu bạn muốn sử dụng vòng tay, hãy cân nhắc và tìm hiểu kỹ lưỡng về ấn tượng nó có thể mang lại.
Dây chuyền: Là một loại trang sức dễ mang, vì có thể được giấu dưới quần áo. Với dây chuyền, bạn có thể khơi gợi cảm giác tò mò nơi người đối diện, vì họ không thấy được phần dây còn lại, hay mặt dây bạn giấu dưới cúc áo sơ mi.
Khuyên tai: So với vài chục năm trước đây, khuyên tai của nam giới đã phổ biến và dễ được chấp nhận hơn nhiều. Ưu điểm lớn của khuyên tai là có thể dễ dàng được tháo ra tuỳ đặc thù công việc.
Trang sức cần tránh: Trang sức đính răng, vòng chân, nhẫn ngón chân, khuyên bụng, vòng bắp tay... là điều không cần thiết và không nên sử dụng, vì tạo nên ấn tượng phô trương, gây mất cảm tình, khiến bạn mất điểm đi rất nhiều dù ở nơi làm việc hay cuộc sống thường ngày.
Theo zing.vn
6 bước Làm Vòng tay cá tính từ nắp Lon Từ những chiếc nắp lon chúng mình hãy cùng làm thành chiếc vòng cực kỳ cá tính này nhé. Món đồ handmade độc đáo này rất dễ làm, chúng mình cùng bắt tay vào làm nhé. Nguyên liệu cần chuẩn bị : - Nắp lon, số lượng tùy theo độ rộng của vòng và chúng mình thống nhất dùng 1 loại nắp lon...