Bộ Tư pháp nói gì về vụ công khai điểm thi THPT Quốc gia?
Ông Nguyễn Hồng Hải – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp – khuyến nghị Bộ GDĐT nên cân nhắc cách thức công khai điểm thi như hiện nay để tránh gây lộ thông tin cá nhân của học sinh.
Ngày 20.7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Hồng Hải – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế – cho biết, Bộ luật Dân sự 2005 đã nêu ra những quy định nguyên tắc về bảo vệ đời sống riêng tư và thông tin cá nhân. Tuy nhiên, thế nào là đời sống riêng tư thì còn liên quan đến quy định tại các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn luật.
Ông Nguyễn Hồng Hải cho rằng: Đối với việc Bộ GDĐT công bố công khai kết quả thi, theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016 và Nghị định Chính phủ hướng dẫn thì kết quả học tập đối với học sinh 16 tuổi trở xuống là thông tin đời sống riêng tư và phải được bảo vệ. Còn đối với học sinh dự thi THPT quốc gia thì các em đã 16 tuổi nên chưa có quy định cụ thể của luật nào nói rằng đây là thông tin đời sống riêng tư cần phải bảo vệ.
Tuy nhiên, theo ông Hải, qua tham khảo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, điểm thi vẫn được công bố công khai nhưng thông qua một trang web điện tử trực tuyến mà các cá nhân có thể thông qua tài khoản của mình để tra cứu, cách làm này khác với việc công khai đến mức ai cũng có thể xem như cách của Bộ GDĐT và báo chí đang làm hiện nay.
Để tránh những rủi ro không cần thiết, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế cho rằng Bộ GDĐT nên nghiên cứu để hoàn thiện thêm về cách công khai điểm thi, tránh gây lộ thông tin của các thí sinh.
Trước đó, đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều về việc Bộ GDĐT cho công bố công khai điểm thi trên báo chí, các trang tra cứu là vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Dư luận lo ngại, công khai thông tin thí sinh có thể bị lợi dụng để nhục mạ và gây sức ép công khai trên mạng xã hội. Nhiều em xấu hổ có thể dẫn đến các hành vi như không dám đi ra ngoài, bỏ nhà đi…, tệ hơn là tự tử.
Bàn về điều này, luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty Luật Bảo An, Đoàn Luật sư Hà Nội, khẳng định việc công khai điểm thi THPT Quốc gia như hiện nay không vi phạm quyền riêng tư. Ông Vinh nói rằng từ trước đến nay, bảng điểm vẫn được niêm yết ở cổng trường nên không có lý do gì cấm công khai điểm thi. Việc công bố như vậy giúp học sinh và người nhà tra cứu thuận lợi, nhà trường cũng dễ nắm bắt kết quả học tập của học sinh, cũng như hiệu quả công tác giảng dạy.
Video đang HOT
Ngược lại, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng, thông tin về trường lớp, kết quả học tập của trẻ em được xem là bí mật đời sống riêng tư, bí mật đời sống cá nhân.
Lí giải về việc công bố công khai điểm, Thứ trưởng GDĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Bộ GDĐT công khai điểm để thể hiện sự minh bạch. Điều này cũng không vi phạm luật lệ nào mà nằm trong thông tư, quy định của Bộ là sau khi có điểm thi thì công khai kết quả. Nếu cơ quan về pháp luật nói việc công khai điểm thi vi phạm pháp luật, Bộ GDĐT sẽ điều chỉnh”.
Theo laodong.com.vn
Đừng giết chúng con bằng việc công khai những điểm số vô tri!
Chúng con thường được nghe người lớn nói rằng: "Điểm số không quan trọng, kiến thức mới quan trọng" nhưng thực tế thì, dù ở trường hay ở nhà tụi con luôn luôn phải chịu những áp lực đến từ điểm số.
Mấy hôm nay, đi đâu con cũng thấy mọi người xôn xao bàn tán về điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, người thì vui mừng vì năm nay có nhiều thí sinh đạt điểm cao, lại có người tặc lưỡi bảo, chẳng qua là do đề năm nay dễ hơn mọi năm. Con nghe mà buồn lắm, bao nhiêu năm qua, từ khi con bắt đầu đi học cho đến hiện tại, khi con vừa hoàn thành xong 5 năm trong trường đại học, việc cha mẹ, thầy cô áp lên bọn trẻ tụi con áp lực về điểm số vẫn chưa thể thuyên giảm.
Chúng con thường được nghe người lớn nói rằng: "Điểm số không quan trọng, kiến thức mới quan trọng" nhưng thực tế thì, dù ở trường hay ở nhà tụi con luôn luôn phải chịu những áp lực đến từ điểm số.
Ba mẹ thì trung thành với điệp khúc: "Cố đạt điểm cao trong các kỳ thi, cuối năm kết quả tốt, ba mẹ mới thưởng", rồi: "Sao các bạn được điểm cao mà con thì không", "Học nhiều mà vẫn kém, điểm vẫn không bằng bạn X, bạn Y"...
Niềm khát khao điểm số không chỉ có ở bố mẹ mà còn cả giáo viên, thậm chí là lên đến cả nhà trường. Thầy cô giáo thì muốn mình là giáo viên xuất sắc, nhà trường thì muốn đạt trường điểm...
Và tất cả những mong muốn ấy các vị đổ dồn hết lên đôi vai của chúng con...
Mỗi khi tới mùa thi, điểm số đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với chúng con. (Ảnh minh họa).
Mỗi khi tới mùa thi, điểm số đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với chúng con. Chuyện thức khuya, dậy sớm để cày bài, để đối phó với áp lực thi cử, thầy cô và cả phụ huynh đã là chuyện "thường ngày ở huyện". Tâm lý ganh đua điểm số, áp lực học tập nặng nề khiến tụi con luôn rơi vào trạng thái căng thẳng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... thậm chí đột quỵ bất ngờ.
Vậy có phải người lớn đang nói một đằng và làm một nẻo không ạ?
Ba mẹ còn nhớ, ở khu phố nhà mình có một anh học rất giỏi, nhưng do học hành căng thẳng nên gần đến ngày thi bị suy nhược cơ thể, rồi nằm viện nhiều hơn ở nhà. Đến ngày thi, anh ấy cố gắng đến tham gia, nhưng kết quả thì không như kì vọng, anh ấy trượt đại học. Bố anh kêu xấu hổ vì con học không tới nơi tới chốn, mẹ anh kêu đi làm không dám nói chuyện với ai. Mỗi sáng đi tập thể dục, con hay nhìn thấy anh đứng bần thần ở lan can nhà. Rồi một đêm, cả phố nhốn nháo vì anh ấy nhảy từ lầu 3 nhà mình xuống đường. Anh ấy vì không chịu nổi đả kích mới làm vậy, cái chết của anh ấy đến giờ vẫn ám ảnh con.
Con cũng không thể quên được tâm trạng của mình khi thi trượt đại học năm đầu tiên. Thời của bọn con, muốn biết điểm thi sớm phải đến tận trường mà xem, việc xem điểm trên mạng không dễ dàng như bây giờ và thường là chậm hơn đến trực tiếp trường thi. Tại đó, người ta dán những bảng điểm của thí sinh vào những tấm bảng. Ai cũng đến xem với sự hồi hộp và cả lo lắng. Thái độ của mọi người sau khi biết kết quả cũng rất khác nhau. Và con là người nằm trong số những người mang tâm trạng nặng trĩu khi ra về. Con hoang mang, con lo sợ, con xấu hổ. Suốt đoạn đường, con loanh quanh với câu hỏi "sẽ trả lời thế nào về điểm số với ba mẹ?", "Sẽ đối mặt thế nào với bạn bè".
Con nhốt mình trong phòng và khóc như mưa, chỉ cần nghĩ đến việc phải bước chân ra khỏi phòng, đối diện với những câu hỏi về điểm số, đỗ hay trượt của mọi người là con chỉ muốn bỏ đi đến nơi nào đó không ai biết con là ai. Ba mẹ không la mắng, nhưng con thấy ba không còn đi chơi cờ mỗi khi chiều đến, mẹ lấy con ra làm gương cho em "không chịu học rồi sau học dốt giống chị". Và con biết, bố mẹ đang xấu hổ vì con. Mặc cảm khiến con chỉ muốn chui sâu vào chiếc kén do chính mình tạo ra. Nhưng không ai hiểu, trong lúc này, con cần lắm sự động viên của gia đình. Con cứ lầm lũi, tự lau nước mắt, tự đứng dậy sau sự thất bại đầu đời của bản thân, để tiếp tục ôn thi.
Rất may, năm thi thứ 2 con vừa đủ điểm đỗ đại học. Con hào hứng khoe với mẹ, mẹ bảo "Đỗ nhưng đỗ vớt thì có gì mà khoe, hàng xóm nó thi năm đầu mà điểm cao hơn mày bao nhiêu". Niềm vui của con lại lần nữa bị đánh cắp.
Mấy năm nay, việc công bố điểm thi được công khai trên mạng, năm nay cũng vậy, điểm thi THPT Quốc gia được công bố rộng rãi trên rất nhiều trang thông tin. Chỉ cần nhấp chuột vào đường link, dữ liệu điểm thi của từng địa phương lập tức hiện lên đầy đủ tất cả các thí sinh. Điều này khiến con thấy sợ, sự tiện lợi bỗng dưng trở thành con dao hai lưỡi. Với những thí sinh có điểm thi thấp, chắc các em sẽ không muốn người khác biết được điểm số của mình. Vậy là các em sẽ sống trong lo sợ, sợ bạn bè, hàng xóm, người thân hoặc những người vốn dĩ không ưa các em sẽ tự tra điểm thi của các em, rồi đem ra chế giễu, nhục mạ. Khi điểm thi chưa được công khai rộng rãi, đã có nhiều vụ tự tử, trầm cảm vì điểm thi thấp, nay, người ngoài dễ dàng tiếp cận được điểm thi của bất cứ ai họ muốn, con thực không dám nghĩ tiếp, chỉ hi vọng việc đưa công khai điểm thi này không góp phần tăng thêm số học sinh trầm cảm thậm chí tự tử sau mỗi kỳ thi.
Sao người lớn không chịu thấu hiểu cho cảm xúc của chúng con trước đi đưa ra một quyết định nào đó? Sao các vị cứ cho mình cái quyền được can thiệp thô bạo vào đời tư của lũ trẻ tụi con? Điểm số thuộc về thông tin cá nhân và bí mật đời tư của bọn con cơ mà, sao chưa được sự đồng ý của tụi con, các vị đã cho mình cái quyền được tung tất cả lên mạng Internet như thế?
Ba mẹ, thầy cô ơi! Người lớn ơi! Các vị còn muốn tạo thêm bao nhiêu thảm kịch từ việc công khai điểm số của học sinh chúng con nữa? Chúng con đã phải chịu quá nhiều áp lực từ điểm số rồi, đừng "tặng" thêm cho chúng con thêm áp lực nào nữa. Xin đừng giết chúng con bằng áp lực từ việc công khai những điểm số vô tri!
Theo nguoiduatin.vn
Công khai điểm thi THPT: Minh bạch hay xâm phạm quyền riêng tư? Để biết điểm thi vào lớp 10 cũng như điểm THPT quốc gia của học sinh, chỉ cần vào một số trang web, gõ họ tên đầy đủ hoặc nhập số báo danh của thí sinh là sẽ biết kết quả ngay lập tức. Cách làm này dù giúp minh bạch trong thi cử nhưng bị cho là xâm phạm quyền riêng tư,...