Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cần đưa việc học tiếng Anh trở thành phong trào xã hội học tập
Ngày 8/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì tọa đàm về “Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ – đặc biệt là tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: TTXVN
Tham gia tọa đàm có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia và đại diện các tổ chức có uy tín trong lĩnh vực dạy và học ngoại ngữ.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đến từ các tổ chức như IIG Việt Nam, Công ty giáo dục Việt Úc, EMG, Apollo, Egroup… đã đề xuất, tham mưu nhiều giải pháp liên quan đến chương trình, học liệu, phương pháp tổ chức dạy học; nâng cao chất lượng công tác khảo thí và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.
Theo đó, giáo viên đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ nên việc xây dựng đội ngũ giáo viên đạt yêu cầu về chất lượng và đảm bảo đủ số lượng là cần thiết.
Không chỉ vậy, để cải tiến chương trình học hiện nay, cần gắn việc dạy ngoại ngữ với các môn học khác để tạo hứng thú cho học sinh.
Một điểm đáng lưu ý, Việt Nam hiện là một trong những nước có số lượng trung tâm dạy ngoại ngữ ngoài nhà trường tương đối lớn. Vì vậy, việc kiểm định chất lượng đào tạo và chương trình giảng dạy của các trung tâm này là rất quan trọng.
Bà Cao Phương Hà, Giám đốc Tổ chức Giáo dục quốc tế EF (Education First) tại Việt Nam cho biết: Trong Bảng xếp hạng chỉ số thông thạo Anh ngữ của 88 quốc gia trên thế giới do EF thực hiện, năm 2018, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 7 ở châu Á. So với năm đầu tiên tham gia đánh giá (năm 2011), Việt Nam có chỉ số rất thấp, những năm gần đây, Việt Nam liên tục vượt hạng về chỉ số thông thạo Anh ngữ. Điều này chứng minh việc dạy và học tiếng Anh ở nước ta đã có bước cải thiện đáng kể, cần tiếp tục được duy trì và phát huy hơn nữa.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Trong quá trình tham khảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và của xã hội để xây dựng các chính sách, đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được nhiều ý kiến tư vấn với nhiều quan điểm khác nhau. Điều quan trọng là cần tiếp thu những quan điểm đó như thế nào nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cần thiết, mang lại hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho người học.
Theo Bộ trưởng, một trong những giải pháp quan trọng là phải chuẩn hóa chương trình. Hiện nay, các chương trình, học liệu học tiếng Anh tại Việt Nam rất đa dạng, nhưng cần có một chương trình chuẩn hóa, thiết thực, tránh hàn lâm để học sinh dễ tiếp cận, trước hết đạt được mục đích dùng tiếng Anh để giao tiếp. Chương trình này phải tương đối phổ biến và cố gắng số hóa để các trường khu vực vùng sâu, vùng xa, thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ đạt chuẩn vẫn có thể tiếp cận được.
Bộ trưởng cho rằng: Chúng ta cần đặt ra mục tiêu dạy học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng, coi ngoại ngữ là công cụ để giao tiếp, học thực chất, không nhất thiết đặt nặng vấn đề bằng cấp, chứng chỉ. Đã đến lúc, chúng ta cần xem xét việc dạy học tiếng Anh theo tinh thần xã hội học tập, học để “xóa mù”, tạo thành phong trào sâu rộng, người biết nhiều dạy cho người biết ít, không chỉ với học sinh, sinh viên mà với cả người trưởng thành, toàn dân đều có thể học ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, mục tiêu học ngoại ngữ của mỗi người khác nhau nên cần đa dạng hóa các mô hình giảng dạy theo hướng, các trường phổ thông dạy nội dung cơ bản, mang tính ứng dụng thực tiễn cao. Những học sinh có nhu cầu sử dụng ngoại ngữ trong học tập, nghiên cứu hoặc đi du học có thể tìm đến các trung tâm đào tạo chuyên sâu ngoài nhà trường.
Ngoài ra, có thể đưa một số môn học như Toán, Khoa học Tự nhiên vào giảng dạy bằng tiếng Anh trong nhà trường; thông qua đó, tăng tính hiệu quả của việc học ngoại ngữ.
Video đang HOT
Về vấn đề khảo thí, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Bộ sẽ xem xét việc xây dựng trung tâm khảo thí độc lập, uy tín, có thể mời các tổ chức kiểm định quốc tế có kinh nghiệm để đánh giá chất lượng của các trung tâm giảng dạy ngoại ngữ tại Việt Nam hiện nay, đảm bảo khách quan, không để thả nổi, buông lỏng chất lượng. Các trung tâm đều phải kiểm định và được xếp hạng khi tham gia hoạt động giảng dạy.
Đối với giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xem xét các giải pháp đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nghiên cứu để có văn bản hướng dẫn riêng về chuẩn giáo viên dạy ngoại ngữ. Tất cả các giải pháp đặt ra đều hướng đến mục đích cuối cùng là tạo môi trường tốt nhất cho việc dạy và học ngoại ngữ đạt hiệu quả.
Việt Hà
Theo TTXVN
Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, khó nhất là... trình độ giáo viên
Sự thất bại của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 trước đó là bài học nhãn tiền để các nhà quản lý cần có một "lời giải" thiết thực nhất cho đề xuất công nhận Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam
Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018 với chủ đề "Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Gia Đình Mới đã trao đổi với thầy giáo Vũ Văn Duy, Giảng viên tiếng Anh - Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tiếng Anh đã trở thành cầu nối quan trọng gắn kết Việt Nam với quốc tế.
Tiếng Anh là một công cụ đắc lực hỗ trợ cho việc học tập, nghiên cứu, mở mang và cập nhật kiến thức hiện đại. Việc thành thạo tiếng Anh có thể giúp tiếp cận được những kiến thức cập nhật mới nhất từ những nghiên cứu khoa học trên thế giới để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Việc cập nhật này vô cùng quan trọng nếu chúng ta không muốn bị thế giới văn minh bỏ lại cách xa.
Trình độ tiếng Anh yếu kém sẽ là một bất lợi lớn trong thế giới đang vận hành theo xu hướng hội nhập, kết nối như hiện nay, nhất là với các bạn trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.
Bởi những lý do đó nên đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp 2018 là một đề xuất hay. Nếu đề xuất được thông qua thì có thể sẽ có những tác động tích cực lên việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam.
Thầy giáo Vũ Văn Duy - Giảng viên tiếng Anh - Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tuy nhiên, theo thầy giáo Vũ Văn Duy, hiện nay nhiều bạn trẻ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh dẫn đến không có động lực đúng đắn để học và tinh thần chủ động, tự học không cao, dẫn đến việc học tiếng Anh chưa thực sự hiệu quả.
Nhiều bạn còn băn khoăn về phương pháp học, chưa tìm được hướng đi đúng đắn trong học ngoại ngữ nên dễ nảy sinh tâm lý chán nản, nhanh chóng bỏ cuộc ngay từ khi chưa bắt đầu. Hay nhiều bạn học tiếng Anh xong nhưng không có môi trường hay cơ hội để sử dụng tiếng Anh nên theo thời gian trình độ tiếng Anh cũng sẽ mai một dần.
Về giáo viên, có một thực tế đáng buồn là không phải tất cả các giáo viên tiếng Anh các cấp hiện nay đã đạt chuẩn về trình độ tiếng Anh cũng như phương pháp giảng dạy, nhất là những địa phương không phải là thành phố lớn.
"Bản thân giáo viên chưa chuẩn trình độ dạy học sinh rất nguy hiểm, có thể dạy sai kiến thức và ảnh hưởng đến kiến thức các học sinh được học", thầy giáo Vũ Văn Duy cho biết.
Còn về phương pháp giảng dạy nếu không phù hợp thì không tạo được động lực cho học sinh và không giúp học sinh đạt hiệu quả tốt nhất.
Từ góc độ nhà trường thì mức độ hỗ trợ cho việc dạy và học ngoại ngữ còn là một câu hỏi lớn. Nhiều nơi trang thiết bị dạy học vô cùng nghèo nàn, thiếu thốn, hay những nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động phát triển chuyên môn của giáo viên còn hạn chế, thậm chí là không có.
"Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ sau 8 năm thực không đạt được những kết quả như mong đợi là một trong những minh chứng cho những nan giải ở trên.
Những điều đó khiến cho đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trở thành một bài toán khó mà muốn tìm lời giải sẽ cần phải đi qua nhiều công đoạn, gỡ được nhiều nút thắt hiện tại", vị chuyên gia cho biết.
Thầy giáo Vũ Văn Duy chia sẻ, để tiếng Anh thực sự trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực từ nhiều phía mà đơn thuần nếu chỉ một chính sách nằm trên giấy sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề.
Về môi trường để sử dụng tiếng Anh thì thực tế có thể thấy tiếng Anh vẫn chỉ là một ngoại ngữ ở Việt Nam, có thể xuất hiện nhưng không thường trực trong cuộc sống hàng ngày.
"Muốn tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai thì phải biến tiếng Anh thành một ngôn ngữ được sử dụng thực sự phổ biến, được sử dụng rộng rãi trên cả nước, từ các trường học đến các cơ quan, doanh nghiệp.
Đặc biệt ở các cơ sở giáo dục nếu đẩy mạnh được những chương trình giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh thì cũng sẽ góp phần giúp tiến gần hơn đến mục tiêu biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.
Về việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam cần nhiều thay đổi tích cực. Cần chuẩn hoá chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp, yêu cầu chặt chẽ về trình độ tiếng Anh và cả phương pháp giảng dạy.
Giáo viên sẽ là một trong những yếu tố nòng cốt, vậy nên bên cạnh đó cũng cần có những chính sách hỗ trợ, đãi ngộ phù hợp để giáo viên tâm huyết với nghề và tập trung phát triển chuyên môn", thầy Vũ Văn Duy chia sẻ.
Các cơ sở giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho việc dạy và học tiếng Anh, cần tạo những điều kiện tốt nhất cho cả người dạy và người học để việc dạy và học có hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, theo chuyên gia, những chương trình phát triển chuyên môn, trau dồi kiến thức kĩ năng giảng dạy là vô cùng thiết yếu. Rất nhiều giáo viên được đào tạo sư phạm đã lâu, những kiến thức họ được học đã lỗi thời, có thể không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại nên họ cần tham gia những chương trình như vậy để làm mới kiến thức của mình, cải thiện phương pháp giảng dạy của mình.
Đối với người học thì cần có những tác động tích cực lên tâm lý người học, tạo động lực cho người học, nâng cao tinh thần tự chủ trong học tiếng Anh và có cả những định hướng đúng đắn, khoa học về việc học tiếng Anh.
Có thể sẽ là một lộ trình dài và nhiều khó khăn, nhưng cân nhắc những mặt lợi của việc tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai thì hoàn toàn xứng đáng để tất cả cùng chung sức đồng lòng.
Thầy giáo Vũ Văn Duy:
- Nghiên cứu sinh Ngôn ngữ học - Đại học KU Leuven (Bỉ)
- Thạc sỹ Ngôn ngữ học Ứng dụng và Giảng dạy tiếng Anh (loại Giỏi) - Đại học Lancaster (Anh Quốc)
- Giảng viên tiếng Anh - Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành viên của Hiệp hội Ngôn ngữ học Ứng dụng Anh Quốc
Thành tích:
- Học bổng Tiến sỹ toàn phần - Đại học KU Leuven (Bỉ)
- Học bổng Thạc sỹ 100% - Đại học Lancaster (Anh Quốc) (suất học bổng duy nhất của Khoa dành cho sinh viên quốc tế)
- Từng thuyết trình tại những hội thảo về ngôn ngữ và giảng dạy của Hiệp hội Ngôn ngữ học Ứng dụng Anh Quốc và tại Đại học Cambridge (Anh).
Theo giadinhmoi
Dạy thí điểm chương trình đổi mới các môn Lý luận chính trị vào học kỳ hai năm 2018 Ngày 30/7, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT tổ chức tọa đàm nội dung chương trình, giáo trình các môn Lý luận Chính trị (chuyên và không chuyên) với sự tham gia của đại diện 23 trường đại học, học viện ở khu vực phía Nam. Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết thực...