Bộ trưởng Nhạ: Quyết định cao nhất trong việc lựa chọn sách thuộc về giáo viên
Tư lệnh ngành giáo dục cho hay, đổi mới lần này không phải là tất cả mà có kế thừa tối đa, đổi mới phương pháp là chính, đòi hỏi sự sáng tạo của người thầy.
Ngày 8/2, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có buổi làm với ngành Giáo dục tỉnh Nam Định về việc triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và công tác chuẩn bị tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2020 dự kiến được tổ chức tại Nam Định vào tháng 8.
Cùng ngày, Bộ trưởng cũng kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó dịch bệnh nCoV tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Nam Định về việc triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội (Ảnh: moet.gov.vn)
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định cho biết, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và nhân dân của tỉnh Nam Định đã cơ bản hiểu được mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện, tạo sự đồng thuận, đồng thời phát huy hiệu quả sự tham gia đóng góp của xã hội.
Về các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định cho hay, ngành Giáo dục Nam Định đã tiến hành tổng rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu đội ngũ, trên cơ sở đó sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả; đồng thời, ưu tiên việc tuyển dụng giáo viên các môn học mới ở các cấp học.
Theo kế hoạch, Nam Định sẽ hoàn thành tập huấn toàn bộ giáo viên lớp 1 trước quý III/2020.
“Nam Định đã sẵn sàng tâm thế đổi mới và sẽ triển khai tốt nhất chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 ngay từ những ngày đầu tiên” – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định Cao Xuân Hùng khẳng định.
Đại diện lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện/thành phố trao đổi tại cuộc làm việc cũng cho biết, hiện nay, các địa phương đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, trong đó đã lựa chọn những giáo viên giỏi nhất để tham gia tập huấn bồi dưỡng chương trình.
Video đang HOT
Các cơ sở giáo dục hiện đang trong quá trình đọc, đánh giá các bộ sách giáo khoa trước khi đưa ra quyết định lựa chọn.
Đánh giá cao quá trình triển khai Nghị quyết 88 của tỉnh Nam Định, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, quan trọng nhất khi triển khai Nghị quyết này là làm sao nâng cao được nhận thức, từ đó thống nhất quan điểm hành động về đổi mới thì việc này Nam Định đã làm tốt.
Theo Bộ trưởng, việc triển khai Nghị quyết 88 đã được tỉnh Nam Định thực hiện nghiêm túc, chủ động, trách nhiệm, thậm chí có nhiều hoạt động đi trước lộ trình, tạo ra tâm thế sẵn sàng, quyết tâm trong đội ngũ giáo viên, tất cả vì sự thành công của phương pháp đổi mới, mang lại lợi ích cho người học, cho đất nước lâu dài.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng ghi nhận việc tập huấn giáo viên của tỉnh Nam Định, khi lấy tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới làm căn cốt.
“Giáo viên xưa nay có tâm lý tuân thủ sách giáo khoa nên chờ đợi sách giáo khoa để tập huấn nhưng lần này khác, giáo viên phải hiểu rất rõ chương trình, vì vậy, tập huấn giáo viên phải theo từng module chương trình. Việc đánh giá cũng thay đổi, theo phẩm chất và năng lực của người học” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lưu ý về việc lựa chọn sách giáo khoa, Bộ trưởng cho hay, Bộ đã có hướng dẫn, sở, phòng và các hiệu trưởng triển khai thật kỹ hướng dẫn này đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng. Quyết định cao nhất trong việc lựa chọn sách thuộc về giáo viên, Hội đồng là trọng tài để minh bạch việc lựa chọn.
Bên cạnh việc lựa chọn sách, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng kỳ vọng, Nam Định sẽ xây dựng được bộ tài liệu giáo dục địa phương đặc sắc, bởi Nam Định có đầy đủ điều kiện để làm tốt.
“Đổi mới lần này không phải là tất cả mà có kế thừa tối đa, đổi mới phương pháp là chính, đòi hỏi sự sáng tạo của người thầy. Nên trước tiên, giáo viên mới là tâm điểm của đổi mới. Phải làm sao để bước vào năm học đầu tiên đổi mới, tâm thế của giáo viên đã vững vàng, khi giáo viên vững vàng, có niềm tin, học sinh, phụ huynh và xã hội mới yên tâm được” – Bộ trưởng nêu rõ.
Tạo tâm lý yên tâm cho phụ huynh khi đưa học sinh trở lại trường học
Tới kiểm tra công tác phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh nCoV tại một số trường học trên địa bàn tỉnh Nam Định, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, kịp thời để các cơ sở giáo dục chủ động, tuyên truyền, hướng dẫn học sinh và giáo viên hiểu đúng về dịch bệnh viêm phổi cấp do nCoV gây ra.
Với những địa phương công bố dịch và thuộc phạm vi ảnh hưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố xem xét cho học sinh nghỉ học, bởi các cháu còn nhỏ chưa có khả năng tự bảo vệ trước diễn biến khó lường của dịch bệnh; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh cách phòng, chống.
Đến thời điểm này đã có 63/63 tỉnh/thành phố quyết định kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh để phòng chống dịch.
Bộ trưởng kiểm tra công tác vệ sinh, khử trùng phòng chống dịch bệnh nCoV tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, Thành phố Nam Định (Ảnh: moet.gov.vn)
Hiện nay, các cơ sở giáo dục đang tích cực triển khai công tác vệ sinh, tẩy trùng trường lớp, thiết bị dạy học, để đến khi có đủ điều kiện sẽ đưa học sinh trở lại trường học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc quản lý học sinh trong thời gian nghỉ, hướng dẫn việc tự học tại nhà và dạy học bù sau thời gian học sinh tạm nghỉ, trong đó khuyến khích dạy học trực tuyến với những cấp học phù hợp và những nơi đủ điều kiện.
“Một mặt thận trọng, chủ động phòng chống dịch bệnh nhưng cũng tránh gây hoang mang cho các bậc phụ huynh, phải chuẩn bị tốt nhất các điều kiện an toàn, tạo tâm lý yên tâm cho phụ huynh khi cho con em trở lại đi học” – Bộ trưởng lưu ý.
Thùy Linh
Theo giaoduc.net.vn
Chọn sách giáo khoa lớp 1 mới ra sao?
Bộ GD-ĐT vừa ra Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Theo đó, các cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK lớp 1 cho năm học 2020-2021 còn các năm sau do UBND tỉnh lựa chọn.
Ảnh minh họa
Sở dĩ có chuyện này là vì Luật Giáo dục 2019 quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Thế nhưng, ngày 1-7-2020, Luật Giáo dục 2019 mới có hiệu lực, trong khi SGK phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trước ngày 31-3-2020 để thực hiện đổi mới chương trình lớp 1 vào năm học 2020-2021. Vấn đề đặt ra là các cơ sở giáo dục chọn SGK lớp 1 mới ra sao? Đây là câu hỏi mà nhiều hiệu trưởng các trường tiểu học không dễ trả lời.
Quan điểm của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục khi xây dựng chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới, chương trình môn học là một chương trình nhiều bộ SGK. Việc này đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm trong việc lựa chọn bộ sách phù hợp với nhà trường. Mới đây, các bộ SGK lớp 1 được các nhóm tác giả giới thiệu đến các hiệu trưởng tiểu học. Không ít thầy cô tâm tư trước những bộ sách đã được Bộ GD-ĐT thẩm định.
Chỉ hơn 1 tháng nữa là thời điểm phải đưa ra quyết định lựa chọn nhưng xem ra việc khởi động còn khá chậm. Có khá nhiều giáo viên lớp 1 vẫn đang mơ hồ về chương trình giáo dục phổ thông mới chứ chưa nói đến việc tiếp cận SGK mới. Tâm lý của không ít cán bộ quản lý trường học là chờ hướng dẫn của Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT.
Hội đồng Thẩm định quốc gia đã thẩm định 5 bộ SGK với 32 cuốn sách. SGK mới có nhiều điểm sáng tạo, đổi mới. 5 bộ sách gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục; Cánh diều. Theo các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục thì việc chọn lựa bộ SGK cho chương trình giáo dục phổ thông mới cần phải đạt mục tiêu, quan điểm, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung của chương trình.
Về nội dung phải đảm bảo yêu cầu về phẩm chất và năng lực: giáo dục các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; các năng lực chung như: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Về hình thức, sách cần được thiết kế bắt mắt, trình bày hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, giữa nội dung thông tin và các hoạt động học tập của học sinh. Hình ảnh phải đẹp, sắc nét, tươi vui, ngộ nghĩnh và đặc biệt là phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh lớp 1.
Cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc lựa chọn bộ SGK lớp 1 mới là rất cần thiết. Một bộ SGK tối ưu, chất lượng sẽ góp phần trong việc thành công của lần cải cách đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này.
Hưng Nhân
Theo baodongnai
TP.HCM: Hướng dẫn chương trình học kỳ 2 sau những thay đổi do dịch bệnh Chiều 4.2, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi phòng GD-ĐT 24 quận huyện, hiệu trưởng các trường có nhiều cấp học về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hoạt động giáo dục học kỳ 2 năm học 2019-2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp coronavirus. Thời gian kiểm tra học kỳ 2 năm học 2019-2020...