Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Việc bù đắp kiến thức cho học sinh không chỉ trong một năm mà nhiều năm
Học kỳ 1 năm học 2021-2022 đã kết thúc trong điều kiện đa số các địa phương dạy học trực tuyến hoàn toàn.
Mặc dù, các thầy, cô giáo trên cả nước đã và đang cố gắng khắc phục khó khăn để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn nhưng chất lượng giáo dục vẫn là điều đáng bàn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: TTXVN phát
Ngày 25/1, trao đổi với phóng viên TTXVN về việc bù đắp kiến thức cho học sinh khi quay trở lại trường học trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, cùng với việc mở cửa trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh sau khi trở lại học trực tiếp, trong đó, rà soát, đánh giá và phân định từng nhóm học sinh cụ thể để lên kế hoạch dạy bù trong ngắn hạn và dài hạn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Việc bù đắp kiến thức được ngành giáo dục xác định không chỉ thực hiện trong một năm mà còn kéo dài trong nhiều năm. Bên cạnh việc bù đắp kiến thức, nhà trường cũng cần nhận diện được những vấn đề tâm lý của học sinh, để có tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho các em trong đại dịch COVID-19 và sau khi quay lại trường học.
Mong mỏi được đến trường học tập trực tiếp của học sinh, giáo viên là rất chính đáng. Đối với ngành Giáo dục, việc chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, dần mở cửa trường học là nhiệm vụ rất quan trọng để các hoạt động giáo dục sớm quay trở lại trạng thái bình thường. Thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn tới từng cơ sở giáo dục về các phương án đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Video đang HOT
Đánh giá về việc triển khai học trực tuyến thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Không chỉ trong học kỳ I năm học 2021-2022 mà trong suốt hai năm qua, hoạt động dạy học trực tuyến đã được ngành giáo dục triển khai trên diện rộng bởi yêu cầu ứng phó bắt buộc với dịch bệnh. Cũng vì ứng phó bắt buộc nên việc triển khai nhìn chung còn bị động, thiếu đồng bộ và thiếu nhiều điều kiện cần thiết. Sự khác nhau về hạ tầng truyền thông, điều kiện kinh tế giữa các vùng, miền đã tạo nên khoảng cách lớn trong tiếp cận giáo dục. Trong đó, các học sinh, đặc biệt ở các cấp học mầm non, tiểu học thuộc các khu vực khó khăn, miền núi, hải đảo… phải chịu thiệt thòi hơn cả.
Rất nhiều giải pháp từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục đã được đưa ra; rất nhiều sự nỗ lực từ cán bộ quản lý, giáo viên, đến học sinh, phụ huynh đã được thể hiện. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động, các bộ, ngành triển khai thực hiện, các địa phương hưởng ứng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đồng hành… để cùng góp thiết bị học tập, góp sóng internet cho dạy và học là một ví dụ. Đến thời điểm này, đã có hàng chục nghìn máy tính, điện thoại được gửi tới học sinh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, dạy học trực tuyến, nhất là ở bậc phổ thông không thể có chất lượng như dạy học trực tiếp, ngay cả đối với nhiều nước có điều kiện tốt hơn Việt Nam cũng cùng chung chia sẻ này. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể, chúng ta phải cân nhắc và lựa chọn giải pháp dạy học linh hoạt và phù hợp nhất. Bộ sẽ tiến hành rà soát tình hình dạy học trực tuyến, qua đó có những đánh giá cụ thể và đưa ra các giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới. Có thể nói, 2 năm qua, hình thức dạy học này đã giúp các hoạt động giáo dục không những không gián đoạn, mà còn được tiếp nối theo cách phù hợp và hiệu quả nhất có thể.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Nhìn theo hướng tích cực, dịch bệnh đã là một cú hích thúc đẩy ngành Giáo dục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là trong công tác dạy học trực tuyến, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Về lâu dài, đây là động lực của quá trình chuyển đổi số trong toàn ngành.
Hiện nay, sau một thời gian dài nhiều địa phương do dịch bệnh chuyển sang dạy học trực tuyến đã phần nào duy trì nhịp độ học tập và bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, nếu kéo dài hơn việc dạy học gián tiếp với các hình thức qua internet, trên truyền hình, thì tác động tiêu cực sẽ lớn dần, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học và các đối tượng liên quan. Đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng cao, trong đó có đối tượng học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi; kinh nghiệm phòng, chống dịch, điều kiện y tế dự phòng, thuốc chữa đã được tăng cường. Chúng ta có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học, mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.
Kiên trì bảo đảm chất lượng
Thời điểm này, các trường học thuộc thành phố Hà Nội đã hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ 1 năm học 2021-2022 theo đúng kế hoạch thời gian năm học.
Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, hầu hết học sinh phải học trực tuyến từ đầu năm học đến nay, song với sự chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự đồng hành của phụ huynh, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã khắc phục khó khăn, triển khai nhiều giải pháp, kiên trì mục tiêu bảo đảm chất lượng.
Một tiết học của học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang
Hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch
Hiện các trường học thuộc thành phố Hà Nội đã hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ 1 năm học 2021-2022 theo đúng kế hoạch thời gian năm học do UBND thành phố Hà Nội ban hành. Dù tổ chức dạy học trực tiếp hay trực tuyến, việc bảo đảm an toàn cho học sinh được toàn ngành xác định là mục tiêu hàng đầu.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Lê Trung Kiên, với kinh nghiệm từ năm học trước, thầy và trò nhà trường luôn trong trạng thái sẵn sàng chuyển đổi hình thức dạy - học từ trực tuyến sang trực tiếp và ngược lại, tùy thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19. Vì vậy, tiến độ thực hiện chương trình học kỳ 1 không bị ảnh hưởng. Kết quả này còn có sự hỗ trợ rất lớn từ phụ huynh học sinh và cơ quan y tế.
Tương tự, các trường học ở huyện Mê Linh cũng đã linh hoạt tổ chức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến theo cấp độ của dịch Covid-19 tại từng thời điểm. "Với tinh thần không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, từ đầu năm học tới nay, gần 300 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của huyện đã được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến, giúp cho công tác dạy học bảo đảm chất lượng hơn", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu thông tin.
Bà Nguyễn Mai Lan, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Bát Tràng (huyện Gia Lâm) chia sẻ: "Mối lo lớn nhất là học sinh lớp 1 khó có thể học trực tuyến đã được giải tỏa. Các con đã biết đọc, viết một đoạn ngắn và làm tính trong phạm vi 10". Còn em Nguyễn Thái An, học sinh lớp 9A4, Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) bày tỏ: "Em đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và mong muốn sớm được trở lại trường; được giảm áp lực bằng việc giảm số môn thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10".
Học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Liên Ninh (huyện Thanh Trì) sát khuẩn tay trước khi vào lớp học. Ảnh: Đỗ Tâm
Giảm thiểu tác động của dịch bệnh
Nhằm hoàn thành "nhiệm vụ kép", các đơn vị thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu những khó khăn, tác động của dịch bệnh đến chất lượng giáo dục.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) Phương Thị Thìn cho biết, đây là năm đầu tiên học sinh lớp 2 học theo chương trình, sách giáo khoa mới. Xác định dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, nhà trường kiên trì đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng và bổ sung kho học liệu, rèn học sinh kỹ năng trình bày suy nghĩ. Với các khối lớp còn lại, việc duy trì ý thức, nền nếp học tập vẫn là giải pháp được coi trọng.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình Nguyễn Công Dương, hầu hết học viên có điểm "đầu vào" thấp, nên đơn vị tập trung dạy học kiến thức trọng tâm, chắt lọc những nội dung cơ bản nhất để các em đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài ra, việc giám sát mức độ chuyên cần của học viên trong từng buổi học được tăng cường, đồng thời tiếp tục quan tâm, hỗ trợ học viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em không bị gián đoạn việc học tập.
Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa thông tin, các nhà trường luôn ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho học sinh lớp 9, bảo đảm 100% học sinh đáp ứng tốt với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Với 13 trường đang dạy học trực tiếp, Phòng chỉ đạo tận dụng tối đa thời gian học sinh học tại trường để rà soát, bổ sung kiến thức cần thiết. Các trường còn lại tập trung hỗ trợ học sinh về mọi mặt, dạy học bám sát nội dung trọng tâm, chú trọng dạy học đồng đều các môn học.
Về tình hình tổ chức dạy học trong học kỳ 1 năm học 2021-2022, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, dù dạy học trực tuyến hay trực tiếp, các nhà trường đều có nhiều giải pháp để bảo đảm chất lượng; tổ chức kiểm tra, đánh giá bảo đảm công bằng, thực chất. Việc tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 ở địa bàn đủ điều kiện an toàn trở lại trường học trực tiếp nhận được sự đồng thuận cao, giúp các em tự tin trước các kỳ thi.
Với ý kiến đề xuất công bố sớm môn thi thứ tư của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023, ông Phạm Xuân Tiến cho biết, ngoài ba môn thi bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là ngữ văn, toán, ngoại ngữ, học sinh sẽ biết môn thi thứ tư vào tháng 3 hằng năm. Đây là quy định đã được duy trì nhiều năm nay, nhằm bảo đảm học sinh được học đầy đủ các môn học trong chương trình, tránh hiện tượng học lệch. Sở yêu cầu các trường dạy học bảo đảm yêu cầu tối thiểu cần đạt, không thực hiện các nội dung học tập nâng cao, trùng lặp; đồng thời tổ chức dạy học linh hoạt theo cấp độ dịch để vừa bảo đảm an toàn, vừa giữ vững chất lượng. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của chuyên gia và căn cứ tình hình dịch bệnh, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố Hà Nội quyết định về phương án thi cụ thể, với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho học sinh.
Bộ trưởng GD&ĐT: 'Hạn chế tối thiểu tác động của dịch lên giáo dục' Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một trong những nhiệm vụ lớn của năm 2022 là chống dịch Covid-19, hạn chế đến mức tối thiểu tác động của dịch bệnh lên giáo dục, đào tạo. Thông tin này được Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022...