Bỏ qua thời lượng pin thì đây là 2 điểm Galaxy S10 tại Việt Nam đang làm tốt hơn hẳn bản Mỹ
Ở xứ nóng như Việt Nam, việc sử dụng một chiếc smartphone có nhiệt độ không cao sẽ dễ chịu hơn.
Một trong những lợi thế lớn nhất của các bộ xử lý Snapdragon so với những đối thủ khác nằm ở GPU. Qualcomm từ lâu đã dẫn đầu trong các bảng benchmark về đồ họa nhờ vào kiến trúc của GPU Adreno do họ tự phát triển. Với Galaxy S10, chúng ta có dịp chứng kiến tận mắt màn đọ sức về đồ họa giữa Adreno của Qualcomm và Mali của ARM.
Đối với GPU Adreno 640 trên Snapdragon 855, Qualcomm đưa ra các mục tiêu hiệu năng tương đối thận trọng. Trong khi GPU này số lượng đơn vị thực thi nhiều hơn 50% so với thế hệ cũ, Qualcomm chỉ hứa hẹn cải thiện 20% về hiệu năng.
Quả thật, Qualcomm đã giảm xung của GPU từ 710MHz xuống còn 585MHz, điều này đóng vai trò lớn nhất trong việc giảm hiệu năng lý thuyết của Adreno 640. Có lẽ, Qualcomm làm vậy để Galaxy S10 có thời lượng pin tốt hơn, dù sẽ chậm hơn một chút.
Trong khi đó, ở phía Exynos, bộ xử lý này sử dụng GPU mới Mali G76MP12 có xung nhịp lên tới 702MHz. GPU này cũng đã từng xuất hiện trên Kirin 980, tuy nhiên như đã thấy trong nhiều thế hệ trước đây, Samsung đã luôn tìm ra cách nào đó để có được hiệu năng tốt hơn so với con chip của Huawei. Vì vậy, hãy xem đến thế hệ hiện tại, sự khác biệt đó có còn được duy trì nữa hay không.
Các bài test với 3DMark
Đầu tiên là bài test 3Dmark Sling Shot Extreme Unlimited. Đây là bài test chủ yếu về giới hạn CPU trong kịch bản GPU được sử dụng ở mức tối đa hiệu năng.
Phần màu nhạt để chỉ hiệu năng đỉnh, phần màu đậm để chỉ hiệu năng duy trì.
Thật bất ngờ khi Exynos 9820 lại có hiệu năng trội hơn so với phiên bản Snapdragon. Kết quả này là một sự thay đổi lớn so với các thế hệ Exynos trước đây. Cả mức hiệu năng đỉnh và hiệu năng duy trì liên tục của Exynos đều rất tốt.
Nhưng đến bài test 3DMark Sling Shot 3.1 Extreme về điểm số đồ họa, Qualcomm quay lại vị trí thống trị về GPU. Tuy nhiên, điều thú vị là cả hai phiên bản Galaxy S10 đều cho điểm số hiệu năng liên tục kém hơn so với Galaxy Note9 với chipset của năm ngoái. Nhiều khả năng là do các giới hạn nhiệt độ khác nhau giữa hai loại thiết bị Samsung.
Video đang HOT
Các bài test trong GFXBench
Trong bài test GFXBench Aztec Ruins về so sánh hiệu năng giữa các thiết bị khi chạy trên nhiều API cấp thấp, Galaxy S10 phiên bản Exynos lại dẫn trước về hiệu năng duy trì trong bài test với High Tier.
Nhưng đến bài test với Normal Tier, phiên bản Snapdragon 855 lại quay về vị trí cao hơn. Khi so sánh về hiệu năng duy trì, Exynos 9820 trên Galaxy S10 vượt xa thế hệ tiền nhiệm của năm ngoái, còn phiên bản Snapdragon 855 chỉ nhỉnh hơn một chút so với các thiết bị Snapdragon 845 của năm ngoái.
Exynos 9820 có hiệu năng duy trì và hiệu năng đỉnh vượt trội hơn hẳn Exynos 9810 của năm ngoái.
So sánh hiệu quả năng lượng giữa các bộ xử lý
Dưới đây là bảng so sánh mức độ hiệu quả năng lượng trong bài test Manhattan 3.1. Chúng ta có thể thấy, cả hai phiên bản Galaxy S10 đều có các chỉ số tương tự nhau, cả về hiệu năng và mức tiêu thụ năng lượng trong khoảng 220mW mỗi phiên bản. Điều thú vị là cả bộ xử lý của Qualcomm và Samsung đều không thể thu hẹp khoảng cách với các iPhone mới nhất của Apple và chip A12, cả về hiệu năng và hiệu quả năng lượng.
Tuy nhiên, đến bài test GFXBench T-Rex 2.7 Off-screen, sự khác biệt giữa hai phiên bản bộ xử lý mới trở nên rõ rệt hơn. Trong khi cả hai bộ xử lý đều có các thông số hiệu năng duy trì tương tự nhau, bộ xử lý của Qualcomm có mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn và hiệu quả cao hơn Exynos.
Bản Galaxy S10 tại Việt Nam sẽ không gặp vấn đề nhiệt độ cao như bản chạy Snapdragon 855 (bán tại Mỹ)
Một điều đáng chú ý khác trong các bài test này là Galaxy S10 phiên bản Snapdragon ban đầu sẽ đạt nhiệt độ cao hơn nhiều so với Exynos. Nhiệt độ bề mặt của vùng màn hình gần bộ xử lý có thể đạt tới gần 49 độ C với Snapdragon 855, trong khi của Exynos 9820 chỉ ở quanh mức 43 độ C. Mức hiệu năng và nhiệt độ này sẽ duy trì trong khoảng 20 phút, sau đó sẽ tụt xuống để duy trì quanh mức 42-43 độ C. Đây cũng có thể là lý do vì sao Samsung lại chọn Exynos 9820 trang bị cho các máy ở Việt Nam.
Xét một cách tổng thể, phiên bản bộ xử lý Snapdragon 855 năm nay vẫn dẫn trước Exynos 9820 về hiệu năng và hiệu quả năng lượng, tuy nhiên khoảng cách giữa hai bộ xử lý này đã được thu hẹp đáng kể so với các năm trước. GPU Mali G76 đã có các cải thiện vững chắc, đặc biệt với các bộ tải nặng ALU đã có bước tiến vượt bậc so với Exynos 9810.
Các cải thiện về hiệu năng và hiệu quả năng lượng của Exynos 9820 càng có ý nghĩa hơn khi Snapdragon 855 là chip 7nm còn Exynos 9820 là chip 8nm. Điều này còn cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ chế tạo và thiết kế chip của Samsung.
Tham khảo bài đánh giá của AnandTech
Đọ thời lượng pin giữa Exynos và Snapdragon trên Galaxy S10+: Chọn Exynos nếu bạn là con nghiện web
Đối với các cư dân mạng, Galaxy S10 phiên bản Exynos 9820 thực sự đáng giá khi có thời lượng pin dài hơn đáng kể so với Snapdragon 855.
Khi nhìn vào một chiếc smartphone flagship, mọi người thường quan tâm đầu tiên đến cầu hình và kích thước thiết bị. Tuy nhiên, không phải ai cũng là game thủ với nhu cầu CPU và GPU mạnh nhất cùng màn hình to nhất. Trải nghiệm người dùng của một chiếc flagship cần cân bằng giữa hiệu năng và thời lượng sử dụng của nó.
Thời lượng pin của Galaxy S10 vẫn được xem như nằm trong top đầu so với các thiết bị flagship khác. Với viên pin lớn hơn, màn hình hiệu quả hơn cũng như bộ xử lý SoC thế hệ mới chắc chắn sẽ mang lại các cải thiện đáng kể về thời lượng pin so với Galaxy S9 của năm ngoái. Tuy nhiên, Galaxy S10 có đến hai phiên bản bộ xử lý khác nhau, Snapdragon 855 và Exynos 9820, vậy phiên bản nào sẽ mang lại thời lượng pin tốt hơn cho các tác vụ hàng ngày.
So sánh thời lượng giữa Exynos 9820 và Snapdragon 855 trên Galaxy S10
Trang AnandTech đã chạy thử cả hai phiên bản bộ xử lý của smartphone này với các điều kiện cao nhất để so sánh thời lượng pin của chúng. Điều này có nghĩa là độ phân giải màn hình được thiết lập ở độ phân giải 1440p và pin được thiết lập ở chế độ "Performance".
Kết quả thật đáng ngạc nhiên.
Kết quả thử nghiệm thời lượng pin khi lướt web bằng wifi đối với hai phiên bản Galaxy S10
Với thử nghiệm lướt web bằng Wifi, cả hai phiên bản của Galaxy S10 đều cho thấy thời lượng pin xuất sắc. Tuy nhiên, trong khi phiên bản Snapdragon kết thúc bài thử nghiệm với thời gian 12,75 giờ (12 tiếng 45 phút), phiên bản Exynos còn có thời lượng lâu hơn nữa, lên đến 13,08 giờ (13 tiếng 5 phút).
Đây là kết quả làm bất ngờ với chính phóng viên của AnandTech khi trong các bài test khác, họ từng nhận định rằng Exynos 9820 kém hiệu quả hơn Snapdragon 855 về hiệu suất hiệu năng. Do vậy, họ không nghĩ rằng Exynos có thể bắt kịp Snapdragon, chứ chưa tới chuyện đánh bại bộ xử lý này với khoảng cách đáng kể như vậy.
Tuy nhiên trong bài test tổng thể thời lượng pin của PCMark Work 2.0, Galaxy S10 lại không giữ được phong độ như trong bài test thời gian lướt web. Dù sao đi nữa, đây cũng là những con số rất ấn tượng và có thể thấy hai phiên bản của bộ xử lý có thời lượng pin gần tương tự nhau. Lần này, phiên bản sử dụng Snapdragon 855 có thời lượng pin nhỉnh hơn so với Exynos 9820.
Để giải thích cho các kết quả này, cần chú ý một điều rằng: phiên bản Exynos có hiệu năng thấp hơn so với Snapdragon, vì vậy, nó sẽ dành nhiều thời gian hơn cho các trạng thái tác vụ nặng hơn.
Trong khi đó, các lõi hiệu năng thấp Cortex-A55 của Exynos 9820 thực sự sử dụng ít năng lượng hơn Snapdragon 855 trong các tác vụ có mức tải công việc rất thấp. Mức chênh lệch này ở khoảng 20-30 mW, nhưng có thể tăng lên các giá trị cao hơn đối với các tải công việc trung bình nặng hơn.
Hơn nữa, một trong các cải thiện lớn nhất trên Galaxy S10 so với các thiết bị trước đây không hẳn nằm ở bộ xử lý SoC hay pin lớn hơn. Trên thực tế, đó chính là màn hình của thiết bị - cũng là bộ phận tiêu thụ nhiều năng lượng nhất. Trong chế độ máy bay, mức tiêu thụ năng lượng của Galaxy S10 thấp hơn gần 100 mW so với Galaxy S9 . Đây thực sự là một cải thiện tuyệt vời về thời lượng pin đặc biệt là khi S10 còn có màn hình lớn hơn cả S9 .
Thời lượng pin của phiên bản Exynos 9820 (trái) và Snapdragon 855 (phải) theo sử dụng thực tế của phóng viên AnandTech
Hiện tại, một số thiết bị Galaxy S10 phiên bản Exynos đang gặp vấn đề do chuyển nhầm sang trạng thái năng lượng thấp sau khi thực hiện một cuộc gọi thoại trong bất kỳ ứng dụng OTT nào. Vì vậy, chế độ chờ của thiết bị sẽ tiêu tốn nhiều điện năng hơn cho đến khi được khởi động lại.
Có lẽ bản cập nhật firmware trong tương lai của Samsung sẽ giải quyết được vấn đề này, khi đây không phải là một vấn đề phần cứng. Hiện tại khi không bị ảnh hưởng bởi lỗi trên, trạng thái chờ của cả hai phiên bản thiết bị đều cho thời lượng pin tương tự nhau và tốt hơn so với Galaxy S9 tiền nhiệm.
Tham khảo AnandTech
So sánh thời lượng pin của Galaxy S10, Galaxy S10+ và Galaxy S10e Nếu bạn đang quan tâm đến thời lượng pin của bộ ba Galaxy S10 mới, hãy tham khảo bài đánh giá thời lượng pin của Galaxy S10 (dung lượng pin 3.400 mAh), Galaxy S10 (4.100 mAh) và Galaxy S10e (3.100 mAh) vừa được trang PhoneArena thực hiện. PhoneArena đo thời lượng pin điện thoại bằng cách chạy tập lệnh web được thiết kế...