Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, giáo viên khổ sở tìm minh chứng “hạng II”
Hiện các địa phương đang tiến hành rà soát, lập danh sách và đề nghị các cấp có thẩm quyền thẩm định, ra quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.
Theo hướng dẫn 971/BGDĐT-CNGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ngày 12 tháng 3 năm 2021 thì các tỉnh sẽ hoàn thành bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên trước ngày 31/12/2021.
Đến nay phần lớn các địa phương đang tiến hành rà soát, lập danh sách và đề nghị các cấp có thẩm quyền thẩm định, ra quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.
Qua việc lập hồ sơ bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo Thông tư 03/2021, người viết nhận được nhiều phản ánh của các bạn đồng nghiệp là giáo viên đang đứng lớp về những bất hợp lý trong việc bổ nhiệm ở một số đơn vị trường học, địa phương họ công tác.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến
Nơi căn cứ vào tiêu chuẩn, nơi coi trọng nhiệm vụ
Nguyên tắc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên trung học cơ sở quy định tại Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT là phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt các tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7 Thông tư này (Khoản 1, Điều 6).
Đồng thời tại Khoản 1, Điều 7 của Thông tư này cũng nêu rõ:
Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDDT-BNV đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở như sau:
a) Giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32);
b) Giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31);
c) Giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30).
Theo đó, nếu giáo viên có đủ tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thì sẽ được bổ nhiệm vào hạng tương ứng.
Tuy nhiên tại một số đơn vị khi bổ nhiệm, ngoài tiêu chuẩn về hạng chức danh nghề nghiệp còn yêu cầu giáo viên phải bổ sung những minh chứng về nhiệm vụ của hạng chức danh đó, nếu ai thiếu một trong những nhiệm vụ của hạng chức danh nghề nghiệp, xem như chưa đủ điều kiện giữ hạng, nghĩa là sẽ được bổ nhiệm ở hạng thấp hơn.
Một cô giáo xin không nêu tên công tác tại một trường trung học cơ sở ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết ở trường cô có rất nhiều giáo viên đang giữ hạng II (mã số V.07.04.11) bị đề xuất xuống hạng III (mã số V.07.04.32) do thiếu một trong các nhiệm vụ như chưa tham gia đoàn đánh giá, tham gia xây dựng học liệu điện tử….
Cũng theo cô giáo này, nhiệm vụ đánh giá ngoài lâu nay chỉ dành cho cán bộ công chức cấp phòng, sở và một số cán bộ quản lý trường học có nhiều kinh nghiệm trong công tác. Do đó ngay cả hiệu trưởng cũng khó mà đạt được nhiệm vụ vụ này.
Cùng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhưng nhiều giáo viên tại trường trung học cơ sở X. (huyện Hòa Vang) lại khá vui mừng khi nhà trường không chú trọng nhiều vào nhiệm vụ của hạng chức danh nghề nghiệp, chủ yếu xem xét đối chiếu với các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Do đó có thể thấy việc đề xuất bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên phụ thuộc vào ý kiến, quan điểm chủ quan của người đứng đầu nhà trường. Điều này vô tình tạo ra sự không công bằng và gây nhiều thiệt thòi cho các giáo viên cùng công tác trong một huyện, tỉnh khi được bổ nhiệm sang một hạng chức danh nghề nghiệp mới.
Video đang HOT
Có thể xảy ra tình trạng đổ xô đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Câu chuyện về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bắt đầu nóng lên sau khi chùm thông tư ngày 02/02/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời. Trước nhiều ý kiến của dư luận xã hội, Chính phủ đã đồng ý về những vấn đề có liên quan đến đề nghị của Bộ Nội vụ về các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.
Hiện nay, Bộ Nội vụ và các bộ liên quan, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa thông tư quy định về giảm các loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hướng tích hợp.
Theo công bố của Bộ Nội vụ, sắp tới giáo viên ở các cấp học mầm non, phổ thông công lập sẽ được giảm 2 loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, nghĩa là giáo viên mỗi cấp học chỉ còn 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Đây thực sự là thông tin đáng mừng của những người công tác trong ngành giáo dục.
Trong khi đang chờ các cơ quan chức năng xây dựng và ban hành văn bản chính thức về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, thì việc các địa phương căn cứ vào các tiêu chuẩn của chùm thông tư ngày 02/02/2021 để bổ nhiệm giáo viên vào hạng chức danh nghề nghiệp mới sẽ vô tình làm cho tình trạng giáo viên đổ xô đi học chứng chỉ như trước đây.
Thầy Ngô Thanh S. (Quảng Nam) tâm sự, năm 2018 thầy đã được học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng I để tham gia kỳ thi thăng hạng từ hạng II lên hạng I do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhưng không đạt.
Kể từ khi nghe thông tin Chính phủ yêu cầu giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, thầy hi vọng mình không phải học thêm loại chứng chỉ nào. Nếu sắp tới tỉnh thực hiện theo thông tư 03/2021 thì thầy và những đồng nghiệp ở trường sẽ tiếp tục theo học chứng chỉ chức danh hạng II mới đủ điều kiện giữ hạng.
Còn thầy Hữu Th. (Đà Nẵng) lại bức xúc: “Tôi là giáo viên trung học cơ sở hạng II cũng đã học chứng chỉ chức danh hạng I (năm 2019) để chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi thăng hạng.
Cách đây hai tháng, tôi đã tham gia và hoàn thành chương trình học chứng chỉ chức danh hạng II nhưng do cơ sở đào tạo chưa cấp chứng chỉ nên tôi được cấp giấy chứng nhận để kịp thời bổ sung hồ sơ đề nghị bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhà trường đã không đồng ý giấy chứng nhận này mà yêu cầu phải có chứng chỉ”.
Chùm thông tư ngày 02/02/2021 ra đời ngoài những ưu điểm về việc miễn chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên đã bộc lộ không ít hạn chế, đặc biệt là những bất cập về việc xuống hạng của giáo viên trung học cơ sở hạng I không có bằng thạc sĩ, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, quyền lợi khi bổ nhiệm sang mã số mới của giáo viên trung học phổ thông…
Để các thông tư này đi vào thực tiễn, trong lúc này chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có chỉ đạo cụ thể để tránh trường hợp cùng làm một nhiệm vụ, trình độ, tiêu chuẩn nhưng khi được bổ nhiệm sang mã số mới, địa phương này tiến hành quá khắt khe, còn nơi khác lại quá dễ dàng.
3 việc thầy Phùng Xuân Nhạ, thầy Nguyễn Kim Sơn đã, đang gỡ khó cho nhà giáo
Tuy công việc của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vô cùng vất vả nhưng những vấn đề giáo viên quan tâm, những bất cập về giáo dục đã được chỉ đạo kịp thời
Trong 2 năm qua, cùng với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Luật Giáo dục mới, các vấn đề xếp lương giáo viên,... tuy các công việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải triển khai khá bộn bề, nhưng những vấn đề giáo viên quan tâm, những bất cập về giáo dục mà thầy cô phản ánh trên truyền thông đã được Bộ trưởng lắng nghe và luôn có chỉ đạo kịp thời.
Nhiệm kỳ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tiếng nói của nhà giáo phản ánh bất cập qua truyền thông đã được Bộ trưởng lắng nghe và có phương án giải quyết. Sang nhiệm kỳ mới, tinh thần cầu thị và sát sao với thực tiễn được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp tục duy trì và phát triển.
Những văn bản mới ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua được dư luận đồng tình hoan nghênh. Những vấn đề nhận được ý kiến chưa đồng tình được Bộ Giáo dục và Đào tạo cầu thị, tiếp thu, đã, đang và sẽ có những điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn làm việc với tỉnh Lào Cai, ảnh minh họa: moet.gov.vn.
Với những chỉ đạo sát sao, cụ thể, kịp thời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từ khi nhậm chức đến nay, cá nhân người viết tin rằng trong thời gian tới Bộ sẽ có những đổi thay mạnh mẽ, đúng hướng và sẽ được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Những vấn đề bức xúc của giáo viên đều được lắng nghe và giải quyết hợp tình, hợp lý.
Trong bài viết này xin được nêu lại những chỉ đạo, những văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và được giáo viên đồng tình, hoan nghênh trong thời gian gần đây.
Bỏ chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học và giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Việc các chứng chỉ "hành" giáo viên đã được phản ánh về bất cập của nó trong một thời gian rất dài thì đến thời điểm này mới gần như chính thức được bãi bỏ đối với chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học ở các chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.
Đó là điều rất đáng mừng của việc chạy theo các chứng chỉ, bằng cấp, giáo viên không phải bằng mọi giá để có chứng chỉ làm đẹp hồ sơ, cũng như dẹp nạn "chợ" chứng chỉ,...
Tuy nhiên, khi đánh giá chuẩn nghề nghiệp, làm hồ sơ chuyển xếp lương hiện nay các cơ sở vẫn còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học để làm minh chứng cho việc các tiêu chí biết sử dụng ngoại ngữ, tin học. Rất mong Bộ có công văn nêu rõ điều này.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tham mưu để Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn 2499/BNV-CCVC, theo đó, Bộ Nội vụ có đề xuất việc cắt giảm một số chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức trong đó có giảng viên, giáo viên.[1]
Trong nhiệm kỳ trước Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã rất nỗ lực giảm tải hồ sơ sổ sách cho giáo viên, đồng thời kiến nghị bãi bỏ các giấy phép con giúp nhà giáo. Công việc này đang được người kế nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp tục theo đuổi. Ảnh minh họa: moet.gov.vn.
Theo đó, dự kiến mỗi cấp học, bậc học chỉ còn 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp duy nhất (hiện nay mỗi giáo viên muốn lên hạng I có thể phải có đến 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp).
Từ Công văn 2499 của Bộ Nội vụ trên, sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên.
Đây là một nỗ lực trường kỳ và liên tục, kéo dài từ nhiệm kỳ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sang nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và công việc bỏ các giấy phép con hành giáo viên vẫn đang tiếp tục. Lực cản của "nồi cơm chứng chỉ" càng lớn, Bộ trưởng càng vất vả, nhưng không vì thế mà Bộ trưởng bỏ cuộc.
Vấn đề chia hạng giáo viên, chia hạng đạo đức giáo viên đã nhận rất nhiều ý kiến trái chiều, đa số đều không đồng tình với việc chia hạng, chia hạng đạo đức giáo viên.
Ở lần sửa đổi này, rất mong Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ nghiên cứu và dừng việc chia hạng giáo viên quá bất cập như hiện nay.
Dừng việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp từ năm học 2020-2021
Vấn đề tiếp theo dù có chậm nhưng vẫn được giáo viên vô cùng hoan nghênh, ủng hộ đó chính là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2440/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 11/6/2021 về việc hướng dẫn tạm thời việc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Chuẩn năm học 2020-2021.
Trong công văn trên yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tạm dừng việc đánh giá và báo cáo kết quả đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo chuẩn cho tới khi có quy định mới được ban hành, nhằm đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.
Đã có nhiều ý kiến phản ánh về bất cập của việc mỗi năm xếp chuẩn giáo viên một lần, đánh giá xong phải kèm từ trên 15 minh chứng cho 15 tiêu chí, sau đó phải đánh giá và tải lên phần mềm Temis vô cùng phức tạp và quan trọng là không mang ý nghĩa gì về việc nâng cao chất lượng giảng dạy.
Có giáo viên là tổ trưởng chuyên môn ở tiểu học, có bằng cao đẳng sư phạm (trước 01/7/2020 là trên chuẩn), nhưng đánh giá ở năm 2021 là chưa đạt chuẩn, vô cùng bất cập.
Và quan trọng và việc đánh giá rất nhiều tiêu chí lại không đúng ý nghĩa của việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp, chuẩn thì chỉ cần loại đạt hoặc chưa đạt, không cần phải rắc rối và thêm nhiều minh chứng như trên.
"Không một văn bằng, chứng chỉ, minh chứng,... nào bằng vị trí người thầy trong mắt đồng nghiệp, trong trái tim người học".
Nên văn bản tạm dừng việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên từ năm 2020 - 2021 là vô cùng phù hợp, hợp lý.
Năm học 2020 - 2021 đã đánh giá rồi thì cũng phải được hủy bỏ, không có tình trạng giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục mới mà phải bị xếp loại không đạt chuẩn (vì họ còn trong lộ trình học nâng chuẩn).
Rõ ràng văn bản Bộ ban hành tuy có chậm nhưng rất hợp lý, coi như kịp thời, giải tỏa bớt ấm ức, áp lực cho giáo viên năm học này và những năm tiếp theo.
Xin được kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tạm dừng việc đánh giá đến thời điểm 31/12/2030 (thời điểm hết lộ trình chuẩn giáo viên theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở).
Khi đó việc đánh giá chỉ nên đánh giá đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn, tránh hình thức, vì giáo viên thực hiện nhiệm vụ đã được đánh giá phân loại viên chức hàng năm, còn về thi đua thì đã thực hiện theo Luật Thi đua, khen thưởng.
Giải thích rõ cho các địa phương: mẫu giáo án 5512 tham khảo cho lớp 6, không áp dụng cho các lớp 7-12
Đây là điều giáo viên vui và chờ đợi nhất sau khi có một loạt bài phản ánh về những bất cập của Công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mới nhất ngày ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 2613 /BGDDT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022. [2]
Văn bản mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành nêu rõ: "Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án)".
Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12, khi vẫn thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo: "Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên (hoàn thiện kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) đã được xây dựng và thực hiện từ các năm học trước)".
Như vậy, với hướng dẫn trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công văn 5512 chỉ áp dụng với chương trình giáo dục phổ thông mới, cụ thể là với lớp 6 từ năm học 2021-2022. Từ lớp 7 đến lớp 12 theo "chương trình cũ" vẫn thực hiện theo các văn bản ban hành trước đó.
Như vậy với quy định trên thì kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên dạy các lớp từ lớp 7 đến lớp 12 được thực hiện theo chương trình hiện hành.
Đây là thông tin rất vui đối với giáo viên từ các lớp 7 đến lớp 12, giáo viên có thể sử dụng mẫu giáo án hiện hành hoặc được phép sử dụng lại giáo án cũ của năm học 2020 - 2021 hoặc các năm trước (có thể có chỉnh sửa, bổ sung) để sử dụng.
Điều này cũng tránh lãng phí khi giáo viên phải soạn giáo án theo chương trình cũ mà giáo án theo mẫu mới, ví dụ năm học 2021 - 2022 giáo án lớp 7, 10 nếu soạn lại mới hoàn toàn, thì năm học 2022 - 2023 cũng phải bỏ vì phải soạn lại theo sách giáo khoa và chương trình mới.
Cũng rất mong trong thời gian tới, Bộ sẽ có chỉ đạo rõ hơn về việc soạn giáo án theo công văn 5512 trên theo hướng tinh hơn, gọn hơn để các giáo viên tập trung vào nghiên cứu bài mà không tốn quá nhiều thời gian phải soạn và in giáo án tốn thời gian, chi phí.
Xin cảm ơn nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã rất cầu thị và lắng nghe ý kiến của nhiều giáo viên về Công văn 5512, về các chứng chỉ và về việc tạm dừng đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
Tài liệu tham khảo:
[1] Công văn 2499/BNV-CCVC
[2] Văn bản Số 2613 /BGDDT-GDTrH
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Tốt nghiệp cử nhân có thể học nghiệp vụ sư phạm để làm giáo viên Ngày 22-5, các thông tư về việc ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên tiểu học (Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT), giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông (Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT) bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo đó, đối tượng tham gia và thời lượng, khối lượng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm...