Bố nhập ngũ, con có được ưu tiên?
Hồ sơ ĐKDT có hợp lệ? Em bị nhiễm chất độc da cam thì có được ưu tiên tuyển sinh? Em ghi hồ sơ đã đúng chưa? Hệ CĐ của Trường ĐH Bách khoa HN? Em có được hưởng khu vực ưu tiên KV1? Ngành Quản lý đất đai học và làm gì?…
Hỏi: Em hiện là sinh viên một trường ĐH, năm nay em muốn thi lại ĐH mà không xin phép Hiệu trưởng. Vậy trong hồ sơ ĐKDT của em có hợp lệ không? Em muốn nếu thi đỗ thì mới xin nghỉ học sau?
*Trả lời:
Về vấn đề hồ sơ thì em chỉ cần làm và nộp theo đúng thời gian quy định. Việc xin phép hay không xin phép cũng không ảnh hưởng đến việc nộp hồ sơ ĐKDT của em.
Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý với em: Sinh viên muốn thi lại thì phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường. Nếu cố tình đi thi mà bị phát hiện thì nhà trường có thể can thiệp để em không được phép nhập học vào trường mới (nếu trúng tuyển) và sẽ bị xử lý theo quy định.
Bố em tham gia khang chiến em bị nhiễm chất độc da cam. Vậy em có được cộng điểm ưu tiên không. Và bố em lại chưa có quyết định thì phải làm thế nào?
Theo quy định: “Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học là người được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hoá học” thì sẽ thuộc đối tượng ưu tiên 04 nhóm ưu tiên 1.
Như vậy em hoàn toàn được hưởng điểm ưu tiên đối tượng 04. Để được hưởng mức ưu tiên này em phải có giấy chứng nhận của UBND cấp tỉnh công nhận về việc em bị nhiễm chất độc hóa học.
Ba của em đã nhập ngũ từ 8/1984 và phục vụ trong quân đội được 2 năm 11 tháng thì em có được thuộc diện ưu tiên nào không?
Việc em có được hưởng ưu tiên hay không còn phụ thuộc vào ba em có phải là thương bình, bệnh binh hay không. Nếu ba em chỉ đơn thuần nhập ngũ làm nghĩa vụ sau đó ra quân thì em không được hưởng mức ưu tiên nào.
Video đang HOT
Em có muốn học NV1 hệ cao đẳng của Trường ĐH Tôn Đức Thắng ngành Xây Dựng Dân Dụng, thì ở Mục 2: em điền ĐH Tôn Đức Thắng, kí hiệu: DTT, Khối: A. Mục 3: ĐH Tôn Đức Thắng, kí hiệu: DTT, khối: A, Mã ngành: C67. Viết như vậy thi có đúng không?
Cách viết của em là hoàn toàn chính xác. Em chỉ cần lưu ý là ở mục 2 bỏ trống phần mã ngành nhé.
Xin chương trình cho tôi hỏi có những trường nào ở miền Bắc thi khối D: Văn, Toán, Ngoại ngữ? Nếu có thể xin vui lòng chỉ rõ những trường nào, có điểm chuẩn trong vài năm gần đây là bao nhiêu, bình quân hàng năm có bao nhiêu chỉ tiêu?
Hiện nay rất nhiều trường phía Bắc tuyển sinh khối D. Đa số các trường này thuộc khối kinh tế hoặc xã hội. Để biết phía bắc có những trường nào và chỉ tiêu ra sao thì bạn nên tham khảo quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010″ hoặc có thể tham khảo tại website tuyển sinh của Bộ GD-ĐT có địa chỉ: http://ts.moet.gov.vn/.
Em xin hỏi, năm nay em muốn thi vào Đại học Công Nghiệp Hà Nội – hệ đại học, nếu như em không đủ điểm để vào đại học, em có thể xin xuống học hệ cao đẳng của trường không?
Ở đây không có khái niệm xin xuống hệ CĐ để học. Nếu em trượt NV1 hệ ĐH thì có thể làm đơn xin xét tuyển NV2 vào hệ CĐ. Tuy nhiên để làm được điều này em phải có điểm thi đạt từ mức điểm sàn xét tuyển NV2 mà trường đưa ra trở lên.
Em đã nộp 2 hồ sơ ĐKDT: 1 bộ vào ngành Khoa học máy tính, 1 bộ vào ngành Kỹ thuật phần mềm đều của trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội. Vậy xin ban tư vấn cho em hỏi: em nộp hồ sơ như vậy có sao không? Và trong mỗi bộ hồ sơ của em gồm có: 1 túi đựng hồ sơ, 2 phiếu: số 1 và số 2, 2 ảnh 4×6 có ghi tên, ngày sinh, mã ĐV ĐKDT như vậy có thiếu gì nữa không?
Khi em đến nộp hồ sơ mà cán bộ tuyển sinh đã thu và xác nhận thì đồng nghĩa với việc hồ sơ ĐKDT đó đã hợp lệ. Chính vì thế em không cần phải lo lắng về khâu này nữa.
Về cơ bản hồ sơ ĐKDT của em không thiếu so với yêu cầu. Tuy nhiên nếu em là đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh thì cần phải nộp những giấy tờ liên quan cùng với hồ sơ. Trong trường hợp chưa nộp thì em có thể nộp bổ sung trong ngày đến làm thủ tục ĐKDT.
Năm nay em dự thi ĐH, em muốn NV1 thi vào Học viên công nghệ bưu chính viễn thông, nếu trượt NV1 muốn xét tuyển vào hệ CĐ của trường vì trường không tổ chức thi thì em phải viết hồ sơ dự thi như nào?
Nếu em đã xác định học NV1 vào hệ ĐH thì đừng bận tâm đến việc xét vào CĐ vào thời điểm này. Sau khi có kết quả thi mà em trượt NV1 hệ ĐH thì có thể làm đơn xét tuyển NV2 vào hệ CĐ của trường.
Em nên nhớ: Trường HV Bưu chính không tự động chuyển thí sinh trượt hệ ĐH xuống hệ CĐ. Thí sinh muốn học hệ CĐ thì có thể đăng ký NV1 bằng cách dự thi nhờ hoặc xét tuyển NV2.
Em thi ở khu vực KV1 và nhà em cũng ở KV1. Vậy em có được cộng 1.5 điểm ưu tiên của KV1 không?
Xin nhắc lại với em: Điểm ưu tiên khu vực tính theo nơi cư trú của trường THPT em học trước đó, không tính theo hộ khẩu thường trú.
Việc em có được cộng 1,5 điểm hay không phụ thuộc trước kia em có học THPT đóng ở nơi cư trú là KV1 hay không.
Em muốn đăng kí vào hệ cao đẳng của trường Đại học bách khoa hà nội thi ở mục 2 và mục 3 của hồ sơ ĐKDT em phải ghi như thế nào?
Đối với trường ĐH Bách khoa thì có quy định riêng một chút: Hệ CĐ của trường không thi tuyển mà xét tuyển từ những thí sinh tham dự kì thi ĐH khối A vào ĐH Bách khoa HN nhưng chưa trúng tuyển hệ ĐH.
Chính vì thế khi làm hồ sơ ĐKDT thì em cứ đăng ký NV1 vào hệ ĐH (bỏ trống hoàn toàn mục 3). Nếu em trượt NV1 mà có điểm thi đủ để vào hệ CĐ thì nhà trường sẽ tự động gửi giấy báo trúng tuyển cho em.
Sắp đến hạn nộp hồ sơ nhưng em vẫn còn do dự giữa 2 trường đại học đó là ĐH Nông lâm Huế và ĐH Kinh tế Huế 2 ngành em phân vân đó là ngành quản trị kinh doanh khối D1 của ĐH Kinh tế Huế và ngành quản lí đất đai cũng khối D1của ĐH Nông Lâm Huế và em không biết tỉ lệ chọi của 2 trường như thế nào? và em còn thắc mắc là khi học ngành quản lí đất đai ĐH Nông Lâm Huế, sau khi ra trường sẽ làm nghề gì?
Nếu em muốn hỏi tỷ lệ chọi năm 2010 thì vào thời điểm hiện tại không thể biết được vì chưa hết hạn nộp và bàn giao hồ sơ ĐKDT.
Theo Ban tư vấn thì em không nên chú ý đến tỷ lệ chọi làm gì cả. Qua số liệu thống kê thì có thể khẳng định tỷ lệ chọi không quyết định đến điểm chuẩn. Chính vì thế em nên chọn ngành phù hợp với sức học và sở thích của mình. Em có thể tham khảo điểm chuẩn các năm trước để đưa ra lựa chọn dự thi ngành học nào.
- Ngành Quản lý đất đai của ĐH Nông Lâm Huế đào tạo sinh viên các kỹ năng về đo đạc và xây dựng các loại bản đồ thông qua qui trình khép kín, đo đạc hiện đại và ứng dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý GIS, đặc biệt là bản đồ liên quân đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường như bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng, bản đồ quy hoạch sử dụng đất, bản đồ địa hình, bản đồ tài nguyên,…
Phân tích và vận dụng đúng các các văn bản pháp quy và chính sách của nhà nước về lĩnh vực quản lý đất đai như Luật đất đai, đánh giá, định giá, qui hoạch, phân hạng, quản lý nhà nước, thanh tra,… để thực hiện các công việc trong hệ thống quản lý đất đai của nhà nước.
Có khả năng quản lý, điều hành các công việc liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai ở các cấp khác nhau. Quản trị nhân sự và nghệ thuật lãnh đạo, điều hành công tác quản lý nhà nước về đất đai;
Có khả năng làm việc theo nhóm, quản lý nhóm; giao tiếp cộng đồng, truyền đạt thông tin; soạn thảo văn bản, đàm phán, diễn thuyết và ứng xử giao tiếp về lĩnh vực quản lý đất đai; có khả năng hoạt động và cộng tác trong một tập thể đa ngành, đa lĩnh vực.
Có khả năng phân tích và đề xuất các chính sách, biện pháp phục vụ cho việc giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, kỹ thuật thuộc lĩnh vực đất đai có hiệu quả.
Sau khi ra trường sinh viên có khả năng làm việc tại: Các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện, cấp xã về lĩnh vực Quản lý đất đai, như: Bộ Tài nguyên – Môi trường, Sở Tài nguyên – Môi trường các tỉnh, Phòng Tài nguyên – Môi trường các huyện, Cán bộ Địa chính xã-phường.
Các Viện nghiên cứu như: Viện nghiên cứu Địa chính, Viện Tài nguyên – Môi trường, Viện
Quy hoạch – Thiết kế, Cục đo đạc bản đồ, Cục Quản lý đất đai, Chi cục Quản lý đất đai các tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT. Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp;
Các công ty như: Công ty đo đạc, Công ty môi giới và định giá bất động sản; các dự án liên quan đến đất đai và bất động sản; Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên đất và Môi trường; Trung tâm khai thác và kinh doanh bất động sản; các Khu Công nghiệp; Khu Kinh tế;…
Theo Dân Trí