Bộ không cấm mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi
Sáng nay (29/6), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ra thông tư bỏ phần máy ghi âm, ghi hình trong các vật cấm. Bộ cũng công bố địa chỉ tiếp nhận phản ánh, khuyến khích tố cáo gian lận nếu có trong kỳ thi tới.
Thí sinh làm thủ tục nhận phòng tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra vào đầu tháng 6. (Ảnh Mai Châm).
Sang tuần sau (ngày 4-5/7), thí sinh đã chính thức bước vào kỳ thi đại học, cao đẳng 2012, với khối A và A1. Vào sáng nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012 theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục.
Điều quan trọng đầu tiên trong thông tư này là sự thay đổi về những vật không được mang vào phòng thi. Theo đó điểm d, Khoản 3, Điều 25 được sửa đổi: Không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, giấy than, bút xoá, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi Không được hút thuốc trong phòng thi”.
Như vậy, theo điều khoản này, Bộ bỏ phần ghi âm, ghi hình…. so với điều khoản cũ (Không được mang vào khu vực thi và phòng thi giấy than, bút xoá, các tài liệu, vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi và các vật dụng khác. Không được hút thuốc trong phòng thi).
Sau vụ phanh phui gian lận thi tốt nghiệp ở Bắc Giang, Bộ GD-ĐT khuyến khích thí sinh, quần chúng nhân dân… phản ánh tiêu cực ở thi ĐH, CĐ.
Một trong những điểm Bộ GD-ĐT bổ sung trong Quy chế tuyển sinh năm nay là tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kỳ thi.
Nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm qui chế tuyển sinh sẽ là ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo hội đồng tuyển sinh các trường ĐH, CĐ thanh tra tuyển sinh và thanh tra giáo dục các cấp.
Video đang HOT
Bộ cho biết, các bằng chứng vi phạm quy chế sau khi đã được xác minh về tính xác thực là cơ sở để xử lý đối tượng vi phạm.
Cụ thể về việc cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh như sau:
Khuyến khích thí sinh, những người tham gia công tác tuyển sinh, quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm qui chế tuyển sinh.
Người phát hiện những hành vi vi phạm qui chế tuyển sinh cần kịp thời báo cho nơi tiếp nhận để có biện pháp xử lý.
Người có bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận qui định trong vòng 7 ngày từ khi kết thúc ngày thi để xử lý.
Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi.
Đối với tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh: Tổ chức việc tiếp nhận thông tin, bằng chứng theo quy định bảo vệ nguyên trạng bằng chứng xác minh tính xác thực của thông tin và bằng chứng triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn tiêu cực, vi phạm qui chế tuyển sinh theo thông tin đã được cung cấp.
Các cấp có trách nhiệm này cần xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý và công bố công khai kết quả xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm qui chế tuyển sinh. Ngoài ra, cần bảo mật thông tin và danh tính người cung cấp thông tin.
Bộ Giáo dục cũng bổ sung thêm một điểm về đề nghị khen thưởng những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, người có nhiều thành tích đóng góp cho kỳ thi”.
THỦY NGUYÊN
Theo Infonet
Nữ sinh chạy bộ 15km đến trường thi
Khi chúng tôi tìm đến nhà Võ Thị Thanh Trúc (thôn 7, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, Phú Yên) là lúc Trúc đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học cận kề, khi nhận được tin mình được xét đặc cách tốt nghiệp THPT.
Nhớ lại hôm thi tốt nghiệp đó, cô học trò nhỏ đã phải chạy bộ 15km đến trường thi vì xe đạp bị hư...
Con đường từ Chí Thạnh chạy dọc bờ sông Ngân Sơn về hướng thắng cảnh Gành Đá Đĩa là một trong những con đường quê đẹp nhất ở vùng đồng bằng duyên hải Nam Trung bộ. Nhưng nó bỗng trở thành nỗi ám ảnh suốt mấy tuần qua với cô học trò nhỏ Võ Thị Thanh Trúc (Trường cấp II-III Võ Thị Sáu, huyện Tuy An), khi em chạy trên con đường này hụt hơi mà vẫn trễ giờ thi 30 phút vì xe đạp hư.
Chiếc xe đạp giở chứng
Ngày thi tốt nghiệp THPT đầu tiên, buổi sáng thi môn văn, buổi chiều thi môn hóa, trong khi nhiều thí sinh khác có cha mẹ, người thân đón đưa, ăn nghỉ tại những nơi gần trường thì Thanh Trúc phải nôn nóng đạp xe về nhà cách nơi thi gần 15km. Ở đó, ba đứa em nhỏ cùng mấy con heo và đàn gà đang chờ chị Hai Trúc, vì ba mẹ đã đi làm xa. Nấu cơm xong và cho heo gà ăn, em đạp xe quay lại nơi thi là Trường THPT Trần Phú, giữa đường đến đồng lúa Diên Điền thì chiếc xe nổ lốp.
Giữa trưa nắng như đổ lửa, nhưng Trúc cứ cắm cổ chạy. Con đường trước mắt bỗng dài vô tận. "Em như thấy có một cánh cửa bỗng đóng sầm trước mặt. Em khóc. Nhưng vẫn cố chạy vì không thể dừng lại - Trúc kể tiếp - Gặp một người đi xe máy chạy qua, Trúc vẫy lại nhưng người đó chỉ tay lên đầu, em mới nhớ mình không có mũ bảo hiểm. Vậy là hết. Em biết không bao giờ kịp vào phòng thi nữa, nhưng vẫn chạy trong vô vọng bởi quay lại thì còn vô vọng hơn".Trúc phải dắt xe chạy khoảng một cây số đến tiệm sửa xe nhưng tiệm sửa xe đóng cửa. Trúc dắt xe chạy tiếp thì xích xe tuột ra bị kẹt không dắt được nữa, đành gửi xe tại một đại lý bán vật liệu xây dựng gần đó, rồi vào mấy nhà gần đó hỏi mượn xe đạp. "Quýnh quáng quá, em hỏi đại vậy, chứ ai cho mượn xe người mới gặp lần đầu" - Trúc kể.
Một tình cảnh xảy ra chưa từng gặp với các thầy giám thị, khi trước mặt là một thí sinh đầm đìa nước mắt, tay chân lẩy bẩy, nói ngắt quãng về lý do mình đến trễ hơn 30 phút. Được các thầy đưa vào phòng hội đồng để viết đơn tường trình và đơn xin cứu xét, cô học trò vẫn rất hoang mang. Khi nghe các thầy khuyên nên thi tiếp, Trúc vẫn sợ kết quả thi không được chấp nhận. "Đã học 12 năm trời rồi, giờ không lẽ bỏ ngang. Đã chạy đến đây rồi thì phải chạy tiếp thôi. Em nghĩ vậy nên tự động viên mình phải làm những bài thi còn lại cho thật tốt"- Trúc kể.
Thanh Trúc với chiếc xe đạp đã bị hư vào đúng ngày thi, trên đường đi học về
Chỉ sợ không được học
Khi đến nhà của Trúc, vật mà chúng tôi muốn thấy đầu tiên là chiếc xe đạp đã gây khổ cho em. Đó là chiếc xe đạp mà không thể biết nó là hiệu gì bởi nước sơn còn lại sau nhiều lần thay đổi đã bong tróc loang lổ. Sườn xe có vết hàn lớn như tố cáo nó đã gãy vì bị chủ nhân "bóc lột" quá mức. "Tôi mua chiếc xe đạp này cho con bé hồi nó học lớp 7 với giá hơn 200.000 đồng vì là xe cũ" - ba Trúc, ông Võ Văn Sâm, nói.
Nói vậy thôi chứ Trúc rất yêu chiếc xe đạp này. Ngày ngày, nó đưa Trúc vượt gần 20km đến trường và về lại bất kể nắng mưa. Nếu trừ đi những ngày bị bệnh thì Trúc chưa một ngày bỏ học.
Hàng xóm ai cũng khen vợ chồng ông Sâm có số nhờ con gái đầu lòng. Gia đình đông con, chỉ mỗi mình ông là lao động chính, vợ thì đau yếu triền miên. Vậy là chị Hai Trúc phải phụ mẹ cáng đáng việc nhà, lo cho bốn đứa em, từ cô em kề 16 tuổi đến cậu em út 7 tuổi. Rau cháo cho heo gà, cơm nước giặt giũ, Trúc luôn tay tất tả. Vì vậy cô bé sớm quen với nếp thức khuya dậy sớm để ôn bài. "Em ráng ôn bài thật kỹ, làm bài tập thật nhiều vì ba mẹ không có tiền cho học thêm như bạn bè. Em sợ nhất là một ngày nào đó gia đình quá khó khăn, phải lo cho các em, em không được đi học nữa" - Trúc thổ lộ.
Bốn năm cấp II Trúc đều xếp loại giỏi, năm lớp 9 là học sinh giỏi cấp huyện. Ba năm cấp III em đều đạt học sinh tiên tiến, năm lớp 11 đoạt giải ba học sinh giỏi văn cấp tỉnh, năm lớp 12 đoạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh trên Internet. Trong kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi em cũng đạt kết quả tốt với 41 điểm cho năm môn: toán 10, văn 7,5, Anh 8,5, sử 8, địa 7, hóa (không thi).
"Em Trúc có hoàn cảnh khó khăn nhưng học rất chăm. Ở vùng giáp biển An Ninh Đông, học sinh thường học đến cấp II thì bỏ học, trai đi biển, gái đi bóc vỏ hột đào. Có một học sinh có sức học tốt như thế lại được vào lớp chọn của nhà trường, chúng tôi rất quý" - thầy Nguyễn Trung Bình, hiệu trưởng Trường cấp II-III Võ Thị Sáu, phấn khởi kể.
Mơ làm thông dịch viên
Những ngày sau khi thi tốt nghiệp, trong khi bạn bè nô nức rủ nhau về thành phố ở luyện thi đại học thì Trúc mất ăn mất ngủ với nỗi lo không biết mình có được đi tiếp như các bạn không. "Nếu không được xét đặc cách tốt nghiệp lần này thì em sẽ đi lột vỏ hạt đào. Rồi em sẽ ôn tập để thi tốt nghiệp vào năm sau, để được tiếp tục học đại học, tiếp tục thực hiện ước mơ của mình" - Trúc xác định.
"Hồi nhỏ em thấy nhà mình khổ quá - Trúc kể - thấy bà con xung quanh cũng khổ, nên ước mơ làm cô giáo cho bớt khổ". Rồi dần dà, Trúc phát hiện mình thích học tiếng Anh nên bắt đầu vạch kế hoạch chọn nghề gắn với yêu thích này. Trúc biết mình là học sinh ở nông thôn không được trau dồi kỹ năng nghe nói như các bạn ở thành thị nên càng phải gắng học nhiều hơn. Ước mơ trở thành thông dịch viên tiếng Anh của cô học trò miền biển lớn dần theo năm tháng.
Trúc đăng ký thi vào ngành tiếng Anh ở ĐH Nha Trang vì nhà nghèo không có điều kiện đi học xa hơn nữa. "Có lần em ra biển, bỗng dưng tự hỏi phía sau khơi xa kia là gì. Là một nơi có giống xứ mình không? Em nghĩ mình là thông dịch viên được giao tiếp với người nước ngoài, em sẽ hiểu thêm về những vùng đất mới với những con người mà mình chưa được gặp" - Trúc nói.
Theo tuổi trẻ
Đà Nẵng: Hội nghị giao ban ngành GD-ĐT 5 TP trực thuộc TW Sáng qua26/6, tại Đà Nẵng, cụm thi đua vùng 7, gồm ngành GD-ĐT 5 thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị giao ban lần thứ 3 năm học 2011 - 2012. Hội nghị vừa diễn ra tại Đà Nẵng sáng nay 26/6. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ...