Bộ giáo dục ra quy định cứng rắn
Bộ GD-ĐT vừa ra quy định “cứng” về xét tuyển ĐH, CĐ, theo đó không cho phép các trường xét tuyển nguyện vọng (NV) 1B, 1C… Trong khi nhiều trường đã áp dụng hình thức này nhiều năm qua và năm nay đã thông báo đến thí sinh tiếp tục cách làm trên.
Việc này khiến cả các trường và thí sinh đều bối rối, khi mùa tuyển sinh đang đến gần. Theo công văn mới nhất hướng dẫn xét tuyển các NV kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012 của Bộ GD-ĐT gửi các trường ĐH, CĐ: “Tất cả thí sinh đều được xét tuyển bình đẳng như nhau, trên nguyên tắc lấy điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu cần tuyển, không phân biệt thí sinh đó đã dự thi tại trường nào”.
“Đuổi theo những thay đổi”
Trước đó, ĐHQG TP.HCM đã công bố: “Thí sinh không trúng tuyển vào ngành đăng ký dự thi (NV1), nếu có NV, được chuyển vào ngành cùng khối thi còn chỉ tiêu và có điểm trúng tuyển thấp hơn tại các đơn vị đào tạo trong ĐHQG TP.HCM”.
Thực chất đây là hình thức xét tuyển NV1B mà đại học này thực hiện trong những mùa tuyển sinh trước. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa – phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, đây là cách để giảm ảo, tạo thêm điều kiện cho thí sinh có điểm cao và thật sự muốn học tại trường.
Theo TS Nguyễn Văn Nhã – trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội, đại học này nhiều năm qua đều áp dụng phương thức tuyển sinh theo “điểm sàn” riêng của trường. Thí sinh đạt “điểm sàn” của trường sẽ được xét tuyển theo nhóm ngành. Những thí sinh trượt NV1 vào một ngành nào đó, nếu có kết quả đạt “điểm sàn” của trường sẽ được chuyển NV sang ngành khác cùng nhóm ngành, có thể gọi NV đó là 1B (nếu chuyển NV lần 1) hoặc 1C (chuyển NV lần 2). “Phương thức trên thuận lợi cho cả trường và thí sinh, không bị bỏ sót những thí sinh có điểm cao, tha thiết muốn vào trường”- ông Nhã chia sẻ.
Tương tự, nhiều trường ở Hà Nội những năm gần đây chuyển sang tuyển theo “sàn” riêng, sau đó xét tuyển tiếp theo điểm chuẩn từng ngành. Có thể kể Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính…
Video đang HOT
Với cách này, các trường “cứu” được nhiều thí sinh điểm cao mà rớt NV1, khi ưu tiên tuyển thí sinh theo NV1B.
GS.TS Nguyễn Quang Dong- trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân – phân tích: “Nhiều năm qua, trường tôi không tuyển NV2. Thay vào đó, cho phép thí sinh chuyển NV giữa các ngành. Việc đề nghị các trường phải công bằng trong xét tuyển với thí sinh có NV2 ở cả trong và ngoài trường, xét về lý thuyết thì hợp lý. Nhưng trên thực tế tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, việc chờ để xét một cách công bằng với tất cả thí sinh có NV2 vào trường là không cần thiết. Vì thí sinh đã trượt NV1 trường khác khó có khả năng trúng tuyển NV2 vào trường tôi, càng khó cạnh tranh với những thí sinh trượt NV1 vào một số ngành lấy điểm cao của trường. Vì thế, việc chuyển NV trong phạm vi trường là việc nên làm hơn”.
Theo lãnh đạo của nhiều trường ĐH, những thông tin trên nhiều trường công bố trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 nhưng nay lại cấm bất ngờ khiến các trường lúng túng.
“Sắp thi rồi mà cứ đuổi theo những thay đổi trong quy định thế thì khó khăn quá. Những quy định phải công bố rõ ràng trước khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi, việc đến nay bộ mới đưa ra thông báo này khiến thí sinh hoang mang” – đại diện nhiều trường phàn nàn.
Nhiều trường thông báo xét tuyển NV1B, NV1C, xét tuyển linh hoạt… trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012
Chỉ áp dụng với trường có điểm chuẩn theo ngành
Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga giải thích: Quy định trên chỉ áp dụng với những trường có phương án xây dựng điểm chuẩn theo ngành. Các trường có “điểm sàn” vào trường, thực chất là điểm chuẩn chung của trường. Như vậy, với những thí sinh đạt điểm chuẩn vào trường, các trường có quyền linh hoạt điều chỉnh NV vào ngành của các em mà không vi phạm quy định trên của bộ.
“Các trường xây dựng điểm chuẩn theo ngành riêng rẽ, không có điểm chuẩn chung vào trường sẽ phải chấp hành nghiêm chỉnh việc xét tuyển NV2 công bằng với mọi thí sinh, cả thí sinh dự thi vào trường và dự thi trường ngoài”- ông Ga nhấn mạnh. Cũng theo ông Ga, với quy định trên, các trường cần phải cân nhắc kỹ việc xác định điểm chuẩn theo trường hay theo ngành, đây là việc các trường có thể chủ động mà bộ không can thiệp.
Tuy Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nằm trong số trường có điểm chuẩn theo trường, nhưng PGS.TS Hoàng Minh Sơn – trưởng phòng đào tạo trường này – vẫn cho rằng: “Không nên cấm ưu tiên NV1B và 1C” bởi việc linh hoạt trong xét tuyển để nhận những thí sinh đăng ký NV1 vào trường có mức điểm cận chuẩn là cách để khuyến khích những thí sinh có sự say mê, yêu thích và lựa chọn trường và ngành học.
“Tuyển một thí sinh có NV1 vào khối ngành kinh tế nhưng có NV2 vào ngành kỹ thuật sẽ không hay bằng tuyển thí sinh trước sau chỉ có lựa chọn vào khối ngành kỹ thuật của trường. Vì đào tạo có chất lượng cũng phải tính đến sở trường, đam mê của thí sinh”- ông Sơn nhận định.
Theo TT
Tuyệt đối không để mất, nhầm lẫn hồ sơ ĐKDT của thí sinh
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa có công văn chỉ đạo các Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ thực hiện kế hoạch bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012.
Theo đó, Bộ yêu cầu các Sở GD-ĐT quản lý và bảo vệ hồ sơ ĐKDT, có phương án đề phòng và xử lý kịp thời các sự cố hoả hoạn, thiên tai và các tình huống bất trắc có thể xảy ra thực hiện đúng qui trình nhập dữ liệu, đúng cấu trúc của chương trình phần mềm máy tính tuyển sinh 2012 và kiểm dò kỹ trước khi sao đĩa dữ liệu ĐKDT bàn giao cho các trường.
Hồ sơ ĐKDT sắp xếp theo mã đơn vị ĐKDT, ngành học, khối thi đúng thứ tự trong máy tính, đĩa ghi số liệu tương ứng với số lượng hồ sơ ĐKDT.
Khi bàn giao hồ sơ ĐKDT tuyệt đối không để mất mát, thất lạc, nhầm lẫn, sai lệch. Những sở GD-ĐT không đến bàn giao hồ sơ trực tiếp thì gửi hồ sơ ĐKDT, đĩa ghi số liệu và lệ phí theo đường bưu điện chuyển phát nhanh cho các trường.
Các sở bàn giao trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện chuyển phát nhanh cho các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi bản photocopy mặt trước phiếu ĐKDT số 1 của thí sinh có nguyện vọng học tại các trường đó.
Đối với các đại học, học viện, các trường ĐH và CĐ, Bộ yêu cầu cử cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh và máy tính đến nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí tuyển sinh do các sở GD-ĐT bàn giao ngay trong buổi sáng ngày giao nhận hồ sơ và lệ phí tuyển sinh, không để nhầm lẫn hoặc mất mát hồ sơ.
Các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi cần cử cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh đến nhận bản photocopy mặt trước phiếu ĐKDT số 1 của thí sinh có nguyện vọng học tại trường mình do các sở GD-ĐT bàn giao. Trong trường hợp các trường không đến nhận trực tiếp, cần có công văn đề nghị các sở GD-ĐT gửi qua đường bưu điện chuyển phát nhanh.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Các trường có thể điều chỉnh giờ học để tránh nắng nóng Trước tình trạng nắng nóng như những ngày vừa qua, Sở GD-ĐT Nghệ An vừa có công văn hướng dẫn các trường thực hiện các biện pháp chống nóng và say nắng cho học sinh. Theo đó, giờ vào học có thể điều chỉnh sớm hoặc muộn 30 phút, tùy theo từng buổi học. Các em học sinh cần phải đội mũ, nón...