Bộ Giáo dục im lặng việc 2, 3 thầy cô cùng dạy 1 môn, giáo viên lo lắng
Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét và hướng dẫn cụ thể về dạy học tích hợp để các địa phương, các trường triển khai thực hiện đồng bộ, khoa học, hợp lý.
Hiện nay các trường trung học cơ sở khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 6 gặp vô vàn phức tạp, rắc rối, bất cập khi triển khai thực hiện việc 2, 3 thầy dạy một môn đó là các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Nghệ thuật với những hướng dẫn chưa cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiếp theo loạt bài viết bàn về những bất cập, rắc rối phát sinh khi thực hiện chương trình mới ở các môn tích hợp, bài viết này sẽ liệt kê lại các rắc rối, bất hợp lý của việc 2, 3 thầy vào một môn, 1 đầu điểm chung, 1 đánh giá và đề xuất của bản thân người viết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét và hướng dẫn cụ thể để các địa phương, các trường triển khai thực hiện đồng bộ, khoa học, hợp lý.
Hàng loạt bất cập khi 2, 3 thầy dạy chung 1 môn
Có thể thấy nếu hướng dẫn và phương án mà các trường đang thực hiện hiện nay 2, 3 thầy cùng dạy một môn, một quyển sách giáo khoa, một đầu điểm đánh giá, nhận xét,… sẽ có hàng loạt bất cập dưới dây.
Thứ nhất, ai chịu trách nhiệm chính cho môn tích hợp?
Đối với các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 6 sẽ dạy theo hình thức 2, 3 thầy cô cùng dạy một môn học, mỗi giáo viên dạy một phân môn theo đào tạo.
Vấn đề đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm chính về chất lượng của môn học tích hợp này? Hoạt động kiểm tra, dự giờ các môn tích hợp được triển khai ra sao? Việc các giáo viên khi dự giờ những “phân môn” không thuộc chuyên môn đào tạo của mình thì gần như không góp ý được nhiều.
Thứ hai, tồn tại các “phân môn” độc lập trong 1 môn học có ổn?
Đây cũng là điều bất cập, làm gì có khái niệm nào gọi là “phân môn” trong môn học, việc 3 giáo viên dạy 3 phân môn trong 1 môn theo một giáo viên dạy Vật lý như tôi thấy rất khiên cưỡng, vô lý.
Giáo viên Hóa học 6 thì là giáo viên phân môn Hóa học hay là giáo viên Khoa học tự nhiên 6?
Thứ ba, các trường việc bố trí dạy song song có phù hợp?
Chương trình môn Khoa học tự nhiên của các lớp 6, 7, 8, 9 đều có 3 phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực Vật lý, Sinh học, Hóa học được sắp xếp theo trình tự thời gian như sau:
Ở lớp 6: Hóa học (20%) – Sinh học (38%) – Vật lý (32%).
Người viết không hiểu là vì sao và lý do gì hiện nay nhiều trường khi dạy song song ở lớp thì chia ra Hóa học (1 tiết/ tuần – 25%), Sinh học (2 tiết/ tuần – 50%), Vật lý (1 tiết/ tuần – 25%), trái với cấu trúc được thiết kế của chương trình Khoa học tự nhiên.
Ảnh minh hoạ, nguồn: http://rgep.moet.gov.vn
Bên cạnh đó, kiến thức các môn được thiết kế theo mạch logic chung đi theo tuần tự mạch kiến thức tương hỗ lẫn nhau giúp học sinh nắm chắc vấn đề, tuy nhiên khi dạy song song 3 giáo viên dạy 1 môn trong 1 sách thì lại phá vỡ mạch logic chung của kiến thức, phá vỡ yêu cầu chung của môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Thứ tư, giáo viên soạn kế hoạch, giáo án ra sao?
Video đang HOT
Khi phân công 3 giáo viên cùng dạy một môn Khoa học tự nhiên thì mỗi học kỳ có 140 tiết chia cho 3 môn, như vậy có thể môn Vật lý 35 tiết, Hóa học 35 tiết, Sinh học 70 tiết.
Như đã trình bày ở trên nó không phù hợp với phân bố % của các phân môn của môn Khoa học tự nhiên, nên nó sẽ không giống với chương trình môn Khoa học tự nhiên 6, nên giáo viên sẽ khá lúng túng trong việc phân chia số tiết, soạn bài, kế hoạch mỗi nơi mỗi kiểu.
Thứ năm, ghi sổ điểm cá nhân, nhận xét, đánh giá ra sao?
Chúng ta thử tưởng tượng cả 2, 3 giáo viên cùng dạy một môn, có chung 1 đầu điểm đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ, tổng hợp, nhận xét,… mà mỗi người lại có một sổ điểm cá nhân khác nhau, thì hướng dẫn ghi sổ điểm như thế nào? Rất bất hợp lý.
Rồi việc tổng hợp, nhận xét, đánh giá,… khi 2, 3 thầy cùng đánh giá học sinh sẽ ra sao?
Thứ sáu, việc ra đề, chấm bài sẽ ra sao?
2, 3 giáo viên dạy 1 phân môn, cùng 1 đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ như vậy việc 2, 3 giáo viên phải ra chung 1 đề kiểm tra có phức tạp? Rồi việc chấm bài kiểm tra sẽ như thế nào?
Chúng ta thử nghĩ một trường có 10 lớp 6 với 450 học sinh, việc 3 giáo viên chuyền tay nhau chấm từng bài kiểm tra của học sinh, liệu có hợp lý. Đến khi nào thì chấm xong được 450 bài của học sinh, mỗi người chấm xong một phần, rồi lại phải cử một người tổng hợp cộng điểm 3 phần lại ra một cột điểm tổng hợp thì quá vô lý, phức tạp.
Thứ bảy, việc kiểm tra lại của học sinh sẽ ra sao?
Trong quá trình dạy thì gặp rắc rối, mâu thuẫn, phức tạp, bất cập. Đến cuối năm khi học sinh không đạt phải kiểm tra lại thì lại tiếp tục là những mâu thuẫn, khó khăn khi phân công 3 giáo viên cùng ôn tập, cùng ra đề, cùng chấm, tổng hợp,…
Một học sinh học khá 2 phân môn, học yếu 1 phân môn có thể phải thi lại cả 3 phân môn là bất hợp lý.
Thứ tám, giáo viên dạy song song thì thời gian nào cho giáo viên bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp?
Việc bồi dưỡng chứng chỉ các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đang từng bước được tiến hành, tuy nhiên giáo viên trung học cơ sở dạy từ thứ Hai đến thứ Bảy, hầu hết dạy cả ngày thì thời gian nào để giáo viên bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp trên.
Khi giáo viên nghỉ đi bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp thì ai sẽ dạy?
Giáo viên cũng là người làm việc có giới hạn, không thể vừa dạy, vừa soạn bài, tập huấn,… rồi chủ nhật đi học bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp thì sẽ không phù hợp, không hiệu quả, giáo viên không còn sức khỏe, trí não cũng không tiếp thu được.
Kiến nghị năm học này các phân môn được cho điểm, đánh giá, nhận xét riêng
Như tôi đã phân tích ở trên, cùng với ý kiến của nhiều tác giả thì tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa lường hết những khó khăn, phức tạp khi hướng dẫn phân công 2, 3 giáo viên dạy một môn nếu cứ tiếp tục thì các trường sẽ rất rối, càng sửa càng rối, phức tạp, bất hợp lý.
Do đó, theo quan điểm người viết giải pháp tình thế hợp lý nhất hiện nay là phần của giáo viên nào thì giáo viên đó dạy, phân môn nào thì giáo viên dạy đánh giá, việc cho điểm theo đúng Thông tư đánh giá hiện hành (Thông tư 22/2021 đối với lớp 6, Thông tư 26/2020 sửa đổi thông tư 58 đối với các lớp còn lại).
Giáo viên dạy phân môn nào sẽ có điểm thường xuyên, giữa kỳ, cuối kỳ, nhận xét của phân môn đó. Có thể thêm một cột tổng hợp kết quả của các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật (việc này do phần mềm tổng hợp).
Có thể sau khi giáo viên được bồi dưỡng có chứng chỉ tích hợp thì sẽ có thể tính đến phương án khác còn hiện nay người viết thấy không còn cách nào khả thi hơn việc để cho mỗi giáo viên được tự đánh giá, nhận xét học sinh một phân môn của mình giảng dạy, khi đó học sinh có kiểm tra lại cũng sẽ đơn giản hơn.
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án nào hay hơn, khả thi hơn thì xin sớm ban hành hướng dẫn để giáo viên thực hiện, giáo viên rất mong chờ xin Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng im lặng làm giáo viên lo lắng, hoang mang.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
"Tích hợp" 2-3 môn vào 1 sách như ván đã đóng thuyền, tổ trưởng sẽ rất vất vả
Những thầy cô được phân công làm tổ trưởng chuyên môn ở 2 môn tích hợp trong năm học tới sẽ vất vả nhiều hơn các tổ khác, nhất là tổ trưởng môn Khoa học tự nhiên.
Đối với các trường học phổ thông, Ban giám hiệu nhà trường là những người chịu trách nhiệm chung trong việc quản lý, giám sát về các hoạt động của nhà trường. Sau họ, là những tổ trưởng chuyên môn- những người đóng vai trò thiết kế, phối hợp, làm cầu nối giữa Ban giám hiệu và các giáo viên trong tổ để thực hiện các nhiệm vụ của năm học.
Người tổ trưởng giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề sẽ giúp cho tổ của mình hoàn thành tốt các kế hoạch, tham gia tốt các phong trào của trường và tạo được sự đoàn kết để cùng nhau phấn đấu, công tác.
Đặc biệt, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở cấp Trung học cơ sở thì các tổ trưởng chuyên môn lại càng phải phát huy năng lực của mình để giúp giáo viên trong tổ tiếp cận tốt những nội dung mới, nội dung khó...
Trong đó, vai trò của tổ trưởng 2 môn tích hợp là Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí càng nặng nề hơn, nhất là tổ trưởng môn Khoa học tự nhiên trong những năm tới đây.
Các tổ trưởng của 2 môn tích hợp tới đây sẽ vất vả nhiều hơn (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
6 môn học hiện hành sẽ về chung 2 tổ
Ở cấp Trung học cơ sở hiện nay nếu trừ đi các môn năng khiếu, nghệ thuật thì sẽ còn 10 môn học, đó là các môn: Toán, Tin, Lí, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, Công nghệ.
Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học tới đây thì chắc chắn các môn Lí, Hóa, Sinh sẽ phải thành một tổ chuyên môn. Các môn Sử và Địa cũng phải gộp thành một tổ.
Trong khi đó, môn Công nghệ 7 hiện nay đang được đưa về tổ Hóa - Sinh và giáo viên Sinh học sẽ dạy môn Công nghệ 7 (nông nghiệp). Môn Công nghệ lớp 8 và lớp 9 (công nghiệp) được nhập vào tổ Vật lí và do giáo viên môn Lí dạy.
Như vậy, từ năm học 2021-2022 tới đây, khi mà môn Lí, Hóa, Sinh nhập tổ với nhau thì môn Công nghệ của 3 khối lớp 7,8,9 cũng sẽ nhập vào tổ này.
Chính vì vậy, đối với 2 môn tích hợp là Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí ở cấp Trung học cơ sở sẽ vất vả nhiều hơn. Đặc biệt là vai trò của người tổ trưởng chuyên môn của 2 tổ này.
Chẳng hạn đối với tổ Khoa học tự nhiên thì người tổ trưởng phải phụ trách chuyên môn đến 4 môn học hiện nay là các môn: Lí, Hóa, Sinh, Công nghệ.
Chọn giáo viên nào làm tổ trưởng chuyên môn cũng rất khó khăn bởi lâu nay họ chỉ có thể là chuyên môn Hóa- Sinh hoặc Lí- Công nghệ nhưng bây giờ phải bao quát được cả 4 môn học.
Trong khi đó, theo hướng dẫn của Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT thì tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau:
" a) Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.
b) Đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
c) Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt.
d) Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
đ) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ chuyên môn và của nhà trường.
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công... ".
Với những hướng dẫn như vậy và thực tế hoạt động của các nhà trường thì những thầy cô được phân công làm tổ trưởng chuyên môn ở 2 môn tích hợp sẽ có thêm nhiều công việc hơn các tổ khác.
Cho dù trên họ là Ban giám hiệu nhà trường nhưng các thành viên trong Ban giám hiệu thì họ chỉ là những người phụ trách chung chứ không thể sâu sát với các tổ chuyên môn như các tổ trưởng.
Vì thế, tổ trưởng chuyên môn là người xây dựng kế hoạch chuyên môn cho tổ của mình. Và, tất nhiên trong những năm đầu đổi mới chương trình thì họ phải là người tiên phong trong đổi mới. Những khó khăn trong tổ thì tổ trưởng phải là người chịu trách nhiệm và gỡ rối cho anh em đầu tiên.
Phát huy tính tiên phong của tổ trưởng chuyên môn
Đến thời điểm này, mọi góp ý, phân tích những bất cập về 2 môn tích hợp có lẽ không còn nhiều ý nghĩa bởi chương trình môn học đã được thông qua, sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt thì tất nhiên nó đã là cơ sở pháp lý để các nhà trường, giáo viên thực hiện.
Một khi "gạo đã nấu thành cơm" thì còn nói năng chi nữa nên vấn đề bây giờ là hội đồng bộ môn ở các địa phương, các nhà trường sẽ phải bàn bạc kĩ lưỡng và đưa ra những giải pháp tối ưu nhất để thực hiện nhiệm vụ trong năm học tới đây.
Nói gì thì nói, khó khăn là chắc chắn các nhà trường và giáo viên phải đối mặt bởi từ 5 môn học hiện nay- chiếm 50% số môn học cơ bản sẽ được "tích hợp" thành 2 môn học mới và chúng ta thấy rất rõ là trong năm học tới đây thì người được bố trí đảm nhận tổ trưởng môn Khoa học tự nhiên sẽ là người vất vả nhất.
Sự vất vả không chỉ là phải quản lý nhiều con người ở nhiều môn học hiện nay mà cái khó khăn nhất là phải có cái nhìn bao quát đối với tất cả các môn, phân môn trong tổ của mình phụ trách để điều hành một cách linh hoạt, nhịp nhàng.
Bên cạnh sự cố gắng của bản thân tổ trưởng chuyên môn các môn tích hợp thì phải có sự đồng thuận, phối hợp từ các tổ viên trong tổ. Những khó khăn cần phải được đưa ra bàn luận, tháo gỡ khó khăn.
Đặc biệt, các Ban giám hiệu nhà trường phải lựa chọn được những thầy cô ưu tú nhất mà mình đang có để bổ nhiệm tổ trưởng chuyên môn và một điều quan trọng nữa là phải động viên anh em các môn học mới cùng cố gắng.
Đồng thời, những áp lực về hồ sơ, sổ sách cùng cần thiết phải giảm theo.
Bởi, nếu như mà vẫn thực hiện một cách máy móc như hiện nay, chỉ riêng làm đúng như tinh thần của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn 2 môn tích hợp cũng đã rất đuối, khó đầu tư cho chuyên môn của mình.
Hy vọng, lãnh đạo Bộ, Sở, Phòng Giáo dục, Hội đồng bộ môn và Ban giám hiệu các nhà trường sẽ có những chỉ đạo, định hướng kịp thời để 2 môn tích hợp ở năm học tới đây vơi bớt đi những khó khăn cho giáo viên các môn học này, đặc biệt là khích lệ được các tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường phát huy các thế mạnh của mình.
3 thầy dạy 1 môn nhưng chẳng biết ai sẽ chịu trách nhiệm đánh giá chính Giáo viên nào sẽ vào điểm sổ cá nhân, học bạ và chịu trách nhiệm chính trong đánh giá học sinh cho môn tích hợp là câu hỏi chưa có lời giải. Ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ...