Bộ Giáo dục giải trình quy chế mới về đào tạo tiến sĩ
Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, đa chiều và trách nhiệm của các nhà khoa học và các nhà quản lý.
Ngày 30/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản báo cáo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm Thông tư 18/20211/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021.
Nhiều nhà khoa học đánh giá cao cách tiếp cận đổi mới và những quy định tiến bộ trong Quy chế 18
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, hầu hết lãnh đạo các cơ sở đào tạo và các nhà khoa học đều thống nhất, đánh giá cao cách tiếp cận đổi mới và những quy định tiến bộ trong Quy chế 18.
Cụ thể, Quy chế 18 thể hiện xuyên suốt tinh thần tự chủ đại học, trao quyền và trách nhiệm cho các cơ đào tạo và các nhà khoa học trong đảm bảo chất lượng đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo tiến sĩ nói riêng, theo đúng chủ trương của Đảng quy định của Luật số 34/2018 đồng thời phù hợp với xu thế phát triển giáo dục đại học trên thế giới. Quy chế quy định những nguyên tắc chung, những tối thiểu và trách nhiệm của các bên liên quan trong tổ chức và quản lý tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ. Mỗi cơ sở giáo dục đại học sẽ phải xây dựng quy chế riêng với những quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình để phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và đặc điểm của mình.
Quy chế 18 tiếp cận chất lượng đào tạo tiến sĩ theo tư duy hệ thống, coi quá trình đào tạo là một hệ thống mà chất lượng phụ thuộc từ yêu cầu đầu vào, các điều kiện bảo đảm chất lượng, quy trình tổ chức và quản lý đào tạo cho tới đánh giá chuẩn đầu ra, đánh giá và kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn tuyển dụng và sử dụng người tốt nghiệp. Vì vậy, trong khi Quy chế 18 tập trung vào các quy định liên quan tới tuyển sinh, tổ chức và quản lý quá trình đào tạo; Thông tư số 17/2021/ TT-BGDĐT được ban hành trước đó đã quy định về chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của giáo dục đại học. Thông tư 17/2021/ TT-BGDĐT là căn cứ để các hội đồng khối ngành xây dựng chuẩn chương trình đào tạo trong đó có chuẩn đầu ra phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của từng lĩnh vực, ngành đào tạo.
Quy chế 18 quy định quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học, thông qua các biện pháp quản lý chất lượng nội bộ và bảo đảm liêm chính học thuật; thực hiện chế độ báo cáo, cập nhật dữ liệu và công khai minh bạch trong tất cả các quy trình từ tuyển sinh tới tổ chức đào tạo và cấp bằng. Đây là những yêu cầu quan trọng để tăng cường giám sát từ người học, cộng đồng khoa học, cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội.
Quy chế 18 thể hiện nhất quán quan điểm đào tạo tiến sĩ gắn chặt với nghiên cứu khoa học, yêu cầu nghiên cứu sinh phải dành thời gian học tập, nghiên cứu và tham gia sinh hoạt chuyên môn như một giảng viên trợ giảng, nghiên cứu viên cơ hữu. Đây là một trong những yêu cầu cốt lõi trong tổ chức và quản lý đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển nghiên cứu và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ. Bên cạnh đó, trên cơ sở đánh giá việc thực hiện Quy chế 08, một số quy định cũng được điều chỉnh cho hợp lý và phù hợp hơn với thực tiễn.
Còn có những ý kiến khác nhau về việc Quy chế 18
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận, một số nhà khoa học, chuyên gia quản lý còn có những ý kiến khác nhau về việc Quy chế 18 không quy định công bố quốc tế là tiêu chuẩn bắt buộc đối với người hướng dẫn và đối với nghiên cứu sinh, cụ thể như sau:
Một số nhà khoa học (chủ yếu trong lĩnh vực toán và khoa học tự nhiên) phê phán việc Quy chế 18 không yêu cầu bắt buộc công bố quốc tế là hạ thấp tiêu chuẩn, không tiếp cận với các chuẩn mực thế giới, không thúc đẩy hội nhập quốc tế và dễ tạo kẽ hở cho đào tạo tiến sĩ tràn lan trên cơ sở lập luận:
Công bố quốc tế là chuẩn mực chung, nhiều trường đại học trên thế giới (có dẫn chứng 2 trường đại học Đông Nam Á) có yêu cầu bắt buộc này;
Số lượng công bố quốc tế trong các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science/Scopus (WoS/Scopus) của Việt Nam tăng mạnh từ khi có Quy chế 08 (từ năm 2017);
Chất lượng các tạp chí trong nước thấp, việc đánh giá, bình duyệt không nghiêm túc, dễ dãi; chỉ bài báo tạp chí nước ngoài mới đảm bảo khách quan, mới là tiêu chí chất lượng duy nhất.
Ảnh minh họa: nguồn Vietnamnet
Trong khi đó, cũng một số nhà khoa học (có cả trong cả lĩnh vực toán và khoa học tự nhiên) và nhà quản lý khác phản biện lại ý kiến trên và ủng hộ cách tiếp cận, quan điểm mới của Quy chế 18. Các lập luận được đưa ra là:
Video đang HOT
Mặc dù công bố quốc tế là yêu cầu thông dụng đối với người hướng dẫn và nghiên cứu sinh, nhưng gần như chưa có quốc gia nào có một văn bản quy phạm pháp luật do cấp tương đương Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định cứng về tiêu chuẩn công bố quốc tế trong đào tạo tiến sĩ; cũng như không có một hiệp hội các nhà khoa học nào trên thế giới đưa ra tiêu chuẩn này.
Hầu hết các trường đại học có uy tín trên thế giới cũng không quy định tiêu chuẩn cứng, mà để các khoa chuyên môn quyết định. Ngay trong ví dụ về Trường Đại học Malaya (được dẫn chứng trong những ý kiến phê phán) cũng đã thay đổi quy định từ năm học 2016-2017 và chấp nhận các tạp chí trong nước đối với lĩnh vực khoa học xã hội.
Yêu cầu công bố quốc tế và khả năng công bố quốc tế phụ thuộc nhiều vào các lĩnh vực, ngành đào tạo khác nhau, nếu áp dụng chung cho tất cả các ngành đào tạo sẽ rất khó khả thi ở một số lĩnh vực. Do vậy, việc quy định những tiêu chuẩn này vào chuẩn chương trình đào tạo của từng lĩnh vực và ngành đào tạo (theo quy định của Thông tư số 17/2001/TT-BGDĐT) là phù hợp hơn.
Hiện nay chưa có căn cứ khoa học lẫn thực tiễn về quan hệ trực tiếp giữa tác động của Quy chế 08 với tốc độ tăng mạnh số lượng công bố quốc tế của cả nước. Từ 2017 mới có 4 khóa tuyển sinh theo Quy chế 08, số lượng tốt nghiệp chưa được 100 tiến sĩ, đóng góp một tỉ lệ không đáng kể so với tổng số trên 20 ngàn bài báo khoa học của các tác giả Việt Nam đăng tải trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus.
Thực tế, tốc độ tăng số lượng công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua có được là nhờ những chính sách đầu tư, khuyến khích của nhà nước và của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, nhưng quan trọng hơn đó là sự đóng góp của đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, giảng viên đại học.
- Không thể phủ nhận và cho rằng tất cả tạp chí trong nước đều không có chất lượng, bởi rất nhiều tạp chí có giá trị đã đạt được nhiều thành công trong thời gian vừa qua; và cũng không thể vì những lỏng lẻo trong quá trình đánh giá, bình duyệt mà hạ thấp vai trò của các nhà khoa học trong nước. Nếu không tin tưởng vào các nhà khoa học trong nước thì ngay cả việc đặt ra tiêu chuẩn cao về công bố quốc tế cũng không đảm bảo được kỷ cương, chất lượng đào tạo khi mà hiện tượng thuê bài, mua bài báo quốc tế đã có trong thực tế.
Trên cơ sở nghiên cứu những ý kiến trao đổi rộng rãi theo các cách nhìn nhận khác nhau, Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy rằng Quy chế 18 được ban hành đã tiếp cận theo hướng đưa ra những quy định tối thiểu cho tất cả lĩnh vực và ngành đào tạo, kèm theo đó yêu cầu các cơ sở đào tạo phải tuân thủ chuẩn chương trình đào tạo của từng lĩnh vực và ngành đào tạo.Chất lượng đào tạo tiến sĩ phản ánh rõ nhất uy tín khoa học của cơ sở đào tạo, sẽ không có cơ sở đào tạo nào muốn đánh đổi chất lượng, thương hiệu và uy tín vì những lợi ích khác. Chất lượng luận án tiến sĩ cũng phản ánh rõ nhất uy tín khoa học của người hướng dẫn và các thành viên hội đồng đánh giá; những nhà khoa học chân chính và tự trọng không bao giờ muốn đánh đổi uy tín của mình bằng việc thỏa hiệp với sự xuề xòa, nể nang trong đào tạo tiến sĩ.
Trên quan điểm nhìn nhận chương trình đào tạo như một hệ thống, chuẩn chương trình đào tạo sẽ quy định các tiêu chuẩn chất lượng dựa trên mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra, cấu trúc và nội dung chương trình, các điều kiện bảo đảm chất lượng (đội ngũ giảng viên/người hướng dẫn, cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu…) cho từng lĩnh vực và ngành đào tạo. Công bố khoa học sẽ là một trong những yêu cầu đối với giảng viên giảng dạy, hướng dẫn và đối với nghiên cứu sinh, các hội đồng khối ngành sẽ phải thảo luận, thống nhất về số lượng, chất lượng và hình thức để phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thống nhất quan điểm việc đào tạo tiến sĩ không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà nghiên cứu trong tương lai, mà còn gắn với mục tiêu quan trọng khác là thúc đẩy phát triển nghiên cứu trong các trường đại học và viện nghiên cứu.
Trong khi quy mô đào tạo tiến sĩ của chúng ta hiện nay rất thấp so với khu vực và thế giới, cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích mạnh hơn, đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu, trong đó có chính sách học bổng đối với đào tạo tiến sĩ ở trong nước. Khi đó, các cơ sở đào tạo sẽ có điều kiện để tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, đồng thời gia tăng thành tích nghiên cứu khoa học bao gồm cả những công bố khoa học có giá trị cả ở trong và ngoài nước.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, để kiểm soát chất lượng đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo tiến sĩ nói riêng cần có những giải pháp tổng thể, mang tính hệ thống, trong đó việc ban hành và triển khai quy chế tuyển sinh, đào tạo và chuẩn chương trình đào tạo là một giải pháp. Trong phạm vi của Quy chế 18, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những quy định về trách nhiệm của cơ sở đào tạo, đơn vị chuyên môn và người hướng dẫn trong việc quản lý quá trình học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh; về công khai minh bạch các thông tin trong toàn bộ quá trình tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá luận án và cấp bằng.
Nếu cơ sở đào tạo, các tổ chức và cá nhân liên quan thực thi nghiêm túc những quy định này sẽ không có việc buông lỏng chất lượng, không có cơ hội cho những người theo học chỉ vì bằng cấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế 18 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác, thông qua ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và huy động sự tham gia giám sát, phản biện từ cộng đồng xã hội, nhất là cộng đồng các nhà khoa học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, đa chiều và trách nhiệm của các nhà khoa học và các nhà quản lý. Sự trao đổi, tranh biện trên một số diễn đàn vừa qua chắc chắn sẽ tác động tới nhận thức và hành động của cả giới khoa học và quản lý giáo dục đại học.
Trên tinh thần nghiêm túc, khách quan và cầu thị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổng hợp và phân tích những ý kiến đa chiều, đồng thời đã có trao đổi trực tiếp với một số nhà khoa học và nhà quản lý, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu tiếp thu theo một hình thức phù hợp, nhất là những giải pháp, sáng kiến hay để triển khai một cách hiệu quả Quy chế 18. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ nghiên cứu để đẩy nhanh kế hoạch tổ chức xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực, trước hết ở trình độ tiến sĩ.
Quy chế đào tạo tiến sĩ mới có "nới" nhưng không hẳn "lỏng"
Khi xác định đúng mục tiêu đào tạo tiến sĩ thì chắc chắn sẽ lựa chọn đúng xu hướng phát triển và chất lượng chứ không chạy theo là số lượng và tấm bằng.
LTS: Ngày 28/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thay thế Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề đào tạo tiến sĩ, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng.
Từ thực tiễn, theo ông, những yếu tố nào quyết định chất lượng đào tạo tiến sĩ ở các cơ sở giáo dục đại học?
Phó giáo sư Võ Văn Minh: Đào tạo Sau đại học có 2 bậc là thạc sĩ và tiến sĩ. Tuy nhiên cũng cần phải phân biệt sự khác nhau của 2 bậc này, chứ không phải đơn giản là tiến sĩ chỉ cao hơn thạc sĩ một bậc. Mục tiêu đào tạo tiến sĩ thực chất là đào tạo ra những người có khả năng nghiên cứu độc lập.
Do vậy có 2 vấn đề rất căn bản liên quan đến đào tạo tiến sĩ là đề tài luận án và sản phẩm công bố khoa học. Dù là nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng thì Luận án cũng phải có tính mới và có giá trị. Sản phẩm nghiên cứu phải được công bố trên các tạp chí uy tín, nghĩa là phải được giới chuyên môn phản biện, kiểm duyệt kĩ lưỡng để sản phẩm ấy trở thành tri thức.
Thực tế, để đào tạo tiến sĩ có chất lượng thì trước hết phải kể đến là thái độ của nghiên cứu sinh.
Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng (ảnh: NVCC)
Khi nghiên cứu sinh xác định rõ mục tiêu là rèn luyện để trở thành người nghiên cứu độc lập, thì việc chọn thầy hướng dẫn, chọn đề tài nghiên cứu sẽ phù hợp với năng lực, sở trường của mình; quá trình nghiên cứu suôn sẻ và chắc chắn sẽ thành công. Thứ hai, phải kể đến là người hướng dẫn. Người hướng dẫn nghiên cứu sinh là nhà khoa học uy tín, có trách nhiệm sẽ định hướng, cố vấn khoa học tốt cho nghiên cứu sinh. Thứ ba, cơ sở đào tạo có đủ tiềm lực và uy tín, việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và đánh giá nghiên cứu sinh khách quan, nghiêm túc.
Tóm lại, yếu tố mấu chốt quyết định đến chất lượng đào tạo tiến sĩ vẫn là con người, hay nói đúng hơn là ý thức trách nhiệm của các bên liên quan.
Các thảo luận thời gian gần đây nói nhiều về việc hướng tới các chuẩn mực quốc tế như một cách để bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước. Vậy qua nghiên cứu Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới nhất mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ông thấy chuẩn mực đó đã "đúng, trúng" chưa?
Phó giáo sư Võ Văn Minh: Thoạt đầu nhìn vào Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT người ta có cảm nhận chung là có sự "nới lỏng" so với Thông tư 08/2017/ TT-BGDĐT, tức là ở chỗ quy định về công bố quốc tế. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kĩ thì cũng có "nới" nhưng không hẳn "lỏng".
Theo Thông tư 08/2017 TT-BGDĐT, yêu cầu " công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện ". Vế thứ nhất, có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus, được xem là chuẩn; nhưng không quy định chặt đối với bài thứ 2. Vế thứ 2 thì không phải "chặt": " Công bố tối thiểu 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện" thì cũng "thượng vàng hạ cám" và chưa chắc có chất lượng.
Trong khi theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT, yêu cầu "là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả), có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án" .
Với Quy chế mới này, cơ bản đã lượng hoá về chất (tối thiểu 2,0 điểm chứ không phải tối thiểu 2,0 bài). Với quy định này, vừa đảm báo tính "mở", vừa tạo điều kiện cho các Tạp chí uy tín trong nước phát triển, nhưng đồng thời cũng gắn với bảo đảm chất lượng. Vì tối thiểu 2,0 điểm công trình và ở các Tạp chí được tính điểm 0,75 trở lên, cơ bản cũng đã hơn trước đây, nếu như nghiên cứu sinh không có bài trên WoS/ Scopus.
Có lẽ, quy định không ép buộc phải có công bố quốc tế như Thông tư 08/2017 sẽ khiến cho một số người lo ngại về tính "cả nể" khi đánh giá các bài báo trong nước. Tuy nhiên, theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, Thông tư 18/2021 quy định như vậy là phù hợp với Luật 34/2018/QH14. Nghĩa là đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình cho nhà trường. Yêu cầu về công khai thông tin cũng là cách để xã hội giám sát. Các trường đại học đến lúc phải có trách nhiệm quyết định về chất lượng đào tạo và uy tín học hiệu.
Hiện nay, dù không ép buộc phải công bố quốc tế nhưng rất nhiều khoa, ngành và thầy hướng dẫn vẫn hướng nghiên cứu sinh công bố ở các tạp chí quốc tế uy tín. Vì đã xác định đúng mục tiêu đào tạo tiến sĩ thì chắc chắn sẽ lựa chọn đúng xu hướng phát triển và chất lượng chứ không chạy theo là số lượng và tấm bằng.
Tuy nhiên, việc xã hội lo lắng về chất lượng đào tạo tiến sĩ khi bỏ yêu cầu về công bố quốc tế các bên liên quan cũng cần lưu tâm. Theo tôi, dù "nới" hay "thắt" ở quy định về công bố quốc tế, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách là cơ quan quản lí nhà nước của ngành cần phải thực hiện giám sát chặt chẽ và Chính phủ cũng cần quan tâm đầu tư phát triển các Tạp chí khoa học trong nước tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Như vậy mới thực sự "đúng và trúng"!
Trong bối cảnh như hiện nay, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ của trường Đại học sư phạm - Đại học Đà Nẵng đã và đang, sẽ chú trọng những vấn đề gì thưa ông?
Phó giáo sư Võ Văn Minh: Trong hơn 10 năm qua, Đại học Đà Nẵng nói chung và Trường Đại học Sư phạm nói riêng kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, xem đây là mục tiêu sống còn của trường đại học trong bối cảnh hội nhập. Giải pháp đột phá và then chốt vẫn là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cụ thể là duy trì chính sách cho giảng viên trẻ đi học tiến sĩ ở các nước phát triển. Đến nay, đội ngũ được đào tạo bài bản này đã trở thành nguồn nhân lực chính trong toàn Đại học Đà Nẵng. Do vậy, số lượng công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín tăng nhanh trong những năm gần đây.
Chất lượng đào tạo tiến sĩ là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó tiếp cận chuẩn quốc tế là mục tiêu trước mắt và lâu dài (ảnh: Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng)
Mặt khác, chủ trương phát triển các nhóm nghiên cứu giảng dạy (Teaching Research Team - TRT) cũng là chính sách đặc thù mà Đại học Đà Nẵng đã duy trì và phát triển. Đây là cách kết nối nguồn lực trong Đại học đa ngành nhằm nghiên cứu, đào tạo giải quyết những vấn đề liên ngành, trong đó có đào tạo tiến sĩ.
Riêng tại trường Đại học Sư phạm, hiện nay có 14 TRT phủ đều tất cả các lĩnh vực khoa học và nhất là đã liên kết được các lĩnh vực khoa học với nhau. Số lượng công bố khoa học trên các tạp chí WoS/ Scopus hằng năm tăng từ 1,5-2 lần.
Tạp chí Khoa học, Xã hội, Nhân văn và Giáo dục của Trường đã được đầu tư phát triển và gia nhập rất nhiều cơ sở dữ liệu quốc tế. Phòng thí nghiệm, phòng chuyên đề, Trung tâm học liệu được đầu tư hiện đại,... Đặc biệt, các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp của giảng viên, yêu cầu công bố quốc tế ở các tạp chí Q1, Q2 cũng như bắt buộc phải hỗ trợ NCS và thạc sĩ. Chúng tôi xác định đào tạo tiến sĩ là trách nhiệm và vinh dự của nhà trường. Chất lượng đào tạo tiến sĩ là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó tiếp cận chuẩn quốc tế là mục tiêu trước mắt và lâu dài.
Trân trọng cảm ơn ông.
Những điểm thay đổi đáng chú ý của Thông tư 18/2021 so với Thông tư 08/2017
Thứ nhất, theo Quy chế cũ, nghiên cứu sinh cần công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus, hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.
Theo Quy chế mới, các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục WoS/Scopus vẫn là yêu cầu để minh chứng cho kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, Quy chế mới bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo khung tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (0,75 điểm trở lên). Cách tính điểm sẽ căn cứ khung điểm tối đa của Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định, với tổng điểm đối với người đủ điều kiện hướng dẫn nghiên cứu sinh là 4,0 và đối với đầu ra của nghiên cứu sinh là 2,0.
Thứ hai, Quy chế mới bổ sung minh chứng về trình độ ngoại ngữ, theo đó minh chứng sử dụng các chứng chỉ quốc gia theo khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam bên cạnh những chứng chỉ được quốc tế công nhận như IELTS, TOEFL theo quy định trước đây.
Thứ ba, Quy chế mới điều chỉnh tăng số lượng nghiên cứu sinh được hướng dẫn trong cùng một thời gian cụ thể, giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 7 nghiên cứu sinh; phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học được hướng dẫn độc lập tối đa 5 nghiên cứu sinh; tiến sĩ được hướng dẫn độc lập tối đa 3 nghiên cứu sinh. Trường hợp đồng hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh được tính quy đổi tương đương hướng dẫn độc lập 0,5 nghiên cứu sinh. Theo quy định trước đây, số nghiên cứu sinh tối đa hướng dẫn tương ứng là 5, 4 và 3.
Thứ tư, thời gian đào tạo tiến sĩ cũng được thay đổi so với trước để đáp ứng yêu cầu đào tạo của thực tiễn. Theo đó, tổng thời gian đào tạo tiêu chuẩn là từ 3 - 4 năm. Tổng thời gian học tập nghiên cứu trước khi trình hồ sơ thực hiện quy trình phản biện độc lập và bảo vệ cấp cơ sở là 6 năm. Thời hạn để hoàn thiện các thủ tục bảo vệ luận án ở cơ sở sau thời gian này là từ 6 tháng đến 1 năm tùy tình hình thực tế do cơ sở đào tạo quyết định.
Theo Quy chế trước đây, nghiên cứu sinh không có khả năng hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn chỉ được xin gia hạn học tập không quá 24 tháng. Nếu hết thời gian gia hạn luận án của nghiên cứu sinh không được thông qua, kết quả học tập sẽ không được bảo lưu.
Thứ năm, phản biện độc lập đối với luận án có thể tiến hành 2 lần, tăng so với 1 lần so với quy định trước đây, nhằm đảm bảo nghiên cứu sinh và người đánh giá có cơ hội giải trình hoặc bảo lưu quan điểm trong nghiên cứu của mình.
Giảng viên 9x nhận học bổng toàn phần Tiến sĩ của Đại học RMIT * Xin chào Diễm Trang, được biết bạn vừa nhận học bổng toàn phần Tiến sĩ tại Đại học Quốc tế RMIT, bạn có thể chia sẻ thêm một chút về điều này được không? - Cảm ơn bạn đã cho Trang cơ hội chia sẻ về mình. Trang hiện là giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại Đại học Quốc tế...