Bộ Giáo dục đưa giải pháp lập lại trật tự thi cử trong năm 2019
Khắc phục những tiêu cực gian lận điểm thi năm 2018, Bộ GD&ĐT đã đưa ra hàng loạt giải pháp quyết liệt lập lại trật tự thi cử từ kỹ thuật tới con người nhằm đảm bảo kỳ thi trong sạch.
Bộ GD&ĐT tăng cường hàng loạt giải pháp nhằm đảm bảo kỳ thi THPT quốc gia 2019 không có gian lận
Đảm bảo sự công bằng
Giải pháp quyết liệt để xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, gian lận trong thi cử, tuyển sinh trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, qua 4 năm thực hiện ổn định với một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật theo từng năm, kỳ thi THPT quốc gia đã đáp ứng yêu cầu thi cử gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh và xã hội; công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng diễn ra thuận lợi, phát huy ngày càng cao tính tự chủ của các cơ sở đào tạo, mở ra nhiều hơn cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cho thí sinh.
Bên cạnh đó, đã cung cấp thông tin phản hồi tin cậy về chất lượng giáo dục phổ thông để điều chỉnh quá trình dạy, học từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông; điều đó cho thấy đổi mới thi đã tác động đến tích cực đến đổi mới dạy và học.
Việc ra đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi, xét tuyển đại học, cao đẳng hằng năm vẫn còn một số bất cập, cần rút kinh nghiệm, hoàn thiện để kết quả thi đảm bảo tính khách quan, trung thực.
Đặc biệt, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi ở một số địa phương (như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La), gây bức xúc trong dư luận.
Bộ GD&ĐT cho hay, đã tiếp nhận các thông tin phản ánh trong dư luận xã hội khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát, xác minh ở các địa phương có nghi vấn; đồng thời, tổ chức chấm thẩm định bài thi tại một số địa phương khác theo quy định của quy chế.
Kết quả của quá trình tổ chức thực hiện tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre đã được thông tin rộng rãi cho toàn xã hội; kịp thời báo cáo Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thủ tướng Chính phủ.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT tích cực điều tra, xử lý các gian lận thi cử tại Hội đồng thi các tỉnh Sơn La, Hòa Bình để đảm bảo công bằng của kỳ thi cũng như sự nghiêm minh của pháp luật.
Video đang HOT
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ Công an vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh để xử ký các tiêu cực gian lận xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT không chấp nhận những cán bộ, viên chức có gian lận trong thi cử được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành.
5 giải pháp quan trọng
Nhằm tiếp tục hoàn thiện và ổn định Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng; khắc phục tình trạng tiêu cực, gian lận trong thi cử, tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia để thực hiện những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để tổ chức tốt hơn Kỳ thi THPT quốc gia 2019 và những năm tiếp theo.
Theo đó, Bộ GD&ĐT điều chỉnh, bổ sung 5 điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Cụ thể:
Thứ nhất, Quy định rõ nội dung đề thi năm 2019 nằm trong chương trình THPT chủ yếu là lớp 12 và đồng thời tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT (70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT; 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh; thay vì tỷ lệ 50: 50 như trước đây) để đảm bảo đúng mục tiêu, ý nghĩa, tính chất của Kỳ thi THPT quốc gia.
Thứ hai, Điều động các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ thức thi theo nguyên tắc trường ĐH,CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.
Thứ ba, Quy định chặt chẽ về việc sắp xếp phòng thi, các thí sinh tự do, thí sinh là học viên GDTX phải thi chung điểm với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT ( tỉ lệ ít nhất là 60% trong tổng số thí sinh của điểm thi); thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi, lưu giữ, bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi và hội đồng thi.
Thứ tư, Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm trắc nghiệm theo hướng mã hóa dữ liệu toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặc chẽ người dùng. Đồng thời có thể phát hiện truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.
Đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ văn) do Sở GD&ĐT chủ trì, quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.
Thứ năm, Tăng cường chỉ đạo các cơ sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng thực hiện nghiêm túc công tác lựa chọn, phân công cán bộ thực hiện các khâu của kỳ thi theo quy định của quy chế; phối hợp với các cơ quan nhất là cơ quan công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Xử lý "cái hậu" của gian lận thi cử
Có lẽ chưa từng có trong tiền lệ, câu chuyện về xử lý "cái hậu" của gian lận thi cử ở nước ta lại trở nên nóng và bức xúc đến vậy.
Ảnh minh họa
Việc xử lý gian lận thi cử giờ đây không còn là câu chuyện của riêng ngành Giáo dục nữa, mà nó đã trở thành một "cuộc chiến" đòi lại công bằng trong xã hội.
Theo một cuộc khảo sát của báo VietNamNet cho thấy, có hơn 70% những người được khảo sát muốn công khai danh tính của phụ huynh, học sinh, 21,63% muốn công khai danh tính của phụ huynh, trong khi đó, chỉ có 7,78% muốn công khai danh tính thí sinh.
Với hơn 70% muốn công khai danh tính của phụ huynh, học sinh, có thể hình dung thái độ xã hội đối với việc gian lận thi cử vừa qua là như thế nào. Bên cạnh sự trừng trị của pháp luật, người ta còn mong muốn những ai tiếp tay cho gian lận còn phải chịu một bản án thật nghiêm khắc từ xã hội. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được.
Ai đó cho rằng việc, công khai danh tính của phụ huynh mà không công khai danh tính học sinh sẽ có thể làm giảm tác động tiêu cực cho đối tượng này. Nhưng chưa chắc đã là như vậy. Dưới tác động của mạng xã hội, tôi đồ rằng, ngay lập tức, cư dân mạng sẽ truy lùng ra con của những người này là ai, đang học trường nào, thực chất được mấy điểm trong kỳ thi đại học vừa qua.
Vậy nên, đừng mong chờ những học sinh gian lận thi cử sẽ tránh khỏi sự xấu hổ hay những tổn thương nào đó bằng việc chỉ cần công khai danh tính của bố mẹ các em.
Tuy vậy, câu chuyện ở đây dường như không phải là công khai phụ huynh hay học sinh, mà liệu người ta có muốn công khai hay không.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), việc công bố danh tính thí sinh gian lận điểm thi sẽ phải tuân thủ một số quy định của luật pháp và thực tiễn điều tra của cơ quan chức năng.
Rõ ràng là giữa các cơ quan quản lý nhà nước và dư luận xã hội đang có một khoảng cách đáng kể khi nêu quan điểm về vấn đề này.
Đối với dư luận xã hội, ngoài việc đòi lại sự công bằng thì một câu hỏi đặt ra là, đằng sau vụ chạy điểm, liệu có dính dáng gì đến những phụ huynh là cán bộ, quan chức hay không? Bởi họ là đối tượng có điều kiện thực hiện hành vi chạy chọt..
Liệu có phải với lý do không công khai tránh sự tổn thương cho những học sinh thì đồng thời có thể bao che việc làm phần nào việc làm sai trái của những vị cán bộ, quan chức?
Suy luận của xã hội không phải không có cơ sở. Và nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là giải đáp nghi vấn đó. Nếu như suy đoán là đúng, thì có lẽ câu chuyện về gian lận thi cử năm 2018 sẽ còn mở ra những câu chuyện dài khác.
Việt Nam chúng ta là một đất nước trọng bằng cấp. Bởi vậy nên việc gian dối, nhất là gian dối trong thi cử là một điều rất khó được chấp nhận. Nếu công khai, cả phụ huynh và học sinh sẽ phải đối diện với những chỉ trích, đàm tiếu rất lớn từ với bạn bè, gia đình, người thân và xã hội.
Nhưng cho dù có là như vậy, thì âu cũng là cái giá rất đắt mà họ phải trả.
Còn đối với các cơ quan chức năng, hãy cho dư luận xã hội một câu trả lời thật sự minh bạch và nghiêm khắc về vụ việc gian lận thi cử vừa qua để không còn ai có bất cứ sự hồ nghi nào nữa.
Nguyễn Thảo
Theo Dân trí
Thay đổi trong công nhận trình độ của của giáo viên, chủ nhiệm giỏi Dự kiến, việc công nhận trình độ của giáo viên, chủ nhiệm giỏi sẽ theo hướng chuyển từ việc thi sang xét thông qua tiêu chí quy chuẩn... Sáng 26/3, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo định kỳ Quý I năm 2019. Một trong những câu hỏi đang thu hút sự quan tâm của giáo viên hiện nay liên quan đến các cuộc...