Bộ Giáo dục định xin 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ sư phạm
Dự thảo đề án nâng cao năng lực giảng viên, cán bộ quản lý đại học ước tính chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ phục vụ đổi mới giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030″.
Được biết, đề án được xây dựng bám sát thực tiễn và gắn với trách nhiệm của các bên liên quan.
Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học triển khai đề án. Các cơ sở giáo dục đại học triển khai đề án theo chiến lược phát triển và nguồn lực của mình.
Giáo viên và cán bộ quản lý tham gia đề án theo nhu cầu và được khuyến khích chia sẻ chi phí với Nhà nước.
Theo dự thảo, mục tiêu chung của đề án này là đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn 2030, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước.
Về các mục tiêu cụ thể, đề án sẽ đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9000 tiến sĩ) tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục đại học. Bao gồm:
Đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Từ 2017 đến 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 – 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài.
Đào tạo khoảng 500 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài. Từ năm 2017 đến năm 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng 60-70 người.
Sắp chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn)
Đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường đại học đã được kiểm định ở Việt Nam;
Thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các trường đại học tại Việt Nam.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, đề án cũng đặt mục tiêu bồi dưỡng cán bộ quản lý, đảm bảo 100% cán bộ quản lý là chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng/viện trưởng, hiệu phó/phó viện trưởng được bồi dưỡng về quản trị trường đại học.
Ngoài ra, 100% giảng viên được bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp, về năng lực phát triển chương trình đào tạo, năng lực giảng dạy theo phương pháp hiện đại, năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Cũng theo dự thảo, tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến là 12.000 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn kinh phí bao gồm: ngân sách nhà nước chiếm khoảng 94%; từ các dự án nước ngoài và nguồn xã hội hóa là 5%; các nguồn kinh phí khác như học phí, đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học chiếm 1%.
Thời gian thực hiện đề án từ năm 2018 đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Trước đó, để siết chặt đào tạo tiến sĩ sau khi nhiều luận án kém vẫn được cấp bằng, tháng 4/2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy chế mới về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ.
Theo đó, người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ.
2. Là tác giả 01 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
3. Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải có một trong những văn bằng, chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ sau:
a) Bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp cho người học toàn thời gian ở nước ngoài mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình học tập là tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài khác;
b) Bằng tốt nghiệp đại học các ngành ngôn ngữ nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp;
c) Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển;
d) Người dự tuyển đáp ứng quy định tại điểm a khoản này khi ngôn ngữ sử dụng trong thời gian học tập không phải là tiếng Anh;
Hoặc đáp ứng quy định tại điểm b khoản này khi có bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài không phải là tiếng Anh;
Hoặc có các chứng chỉ tiếng nước ngoài khác tiếng Anh ở trình độ tương đương theo quy định tại điểm c khoản này do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển thì phải có khả năng giao tiếp được bằng tiếng Anh trong chuyên môn (có thể diễn đạt những vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn cho người khác hiểu bằng tiếng Anh và hiểu được người khác trình bày những vấn đề chuyên môn bằng tiếng Anh).
đ) Người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ ngành ngôn ngữ Anh phải có chứng chỉ tiếng nước ngoài khác tiếng Anh ở trình độ tương đương theo quy định tại điểm c khoản này do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển;
Hoặc đáp ứng quy định tại điểm a khoản này khi ngôn ngữ sử dụng trong thời gian học tập không phải là tiếng Anh; hoặc đáp ứng quy định tại điểm b khoản này khi có bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài không phải là tiếng Anh.
4. Người dự tuyển là công dân nước ngoài phải có trình độ tiếng Việt tối thiểu từ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài hoặc đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ theo quy định cụ thể của cơ sở đào tạo.
5. Đạt đủ điều kiện về kinh nghiệm quản lý và thâm niên công tác theo yêu cầu cụ thể của từng ngành dự tuyển do thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định.
Theo GDVN
Học viện Khoa học Xã hội lý giải sai phạm trong đào tạo tiến sĩ
GS.TS Phạm Văn Đức cho hay Học viện Khoa học Xã hội đã bổ nhiệm, thay thế hàng loạt nhân sự trước khi thanh tra Bộ GD&ĐT có kết luận sai phạm về đào tạo tiến sĩ.
GS.TS Phạm Văn Đức, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, kiêm Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội, cho biết kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT về hàng loạt sai phạm của học viện là đúng sự thật.
Ông cho biết năm 2016, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam bổ nhiệm một phó chủ tịch viện kiêm giám đốc Học viện Khoa học Xã hội, thay thế giám đốc cũ.
Cũng trong năm này, Học viện Khoa học Xã hội bổ nhiệm một số trưởng khoa mới, thay đổi nhân sự phòng quản lý đào tạo, thuyên chuyển công tác các trợ lý đào tạo của các khoa để xảy ra sai phạm và báo cáo kịp thời cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Ngày 1/6/2016, giám đốc Học viện Khoa học Xã hội mới đã phát hiện, khắc phục, chấn chỉnh tình trạng trên và đã sửa chữa, khắc phục các nội dung trong kết luận của thanh tra.
Từ thời điểm này, Học viện Khoa học Xã hội đã không còn tình trạng giáo viên hướng dẫn không cùng ngành, phân công người hướng dẫn cùng lúc quá nhiều học viên, tuyển sinh tiến sĩ với học viên không đúng chuyên ngành.
Theo thanh tra Bộ GD&ĐT, Học viện Khoa học Xã hội có nhiều sai phạm trong đào tạo sau đại học.
GS.TS Phạm Văn Đức thừa nhận sau khi Thông tư 7/2015/BGDDT ngày 16/4/2015 của Bộ GD&ĐT được ban hành, Học viện Khoa học Xã hội chưa kịp thời bổ sung, cập nhật chương trình đào tạo.
Trước lo ngại kết luận của thanh tra Bộ GD&ĐT về việc học viện đào tạo thạc sĩ mà không có danh sách tên cán bộ chấm thi, luận án thiếu xác nhận của người hướng dẫn, phản biện... nên không đảm bảo chất lượng, GS.TS Phạm Văn Đức thông tin do những sơ suất về công tác lưu trữ, Phòng Quản lý Đào tạo đã không lưu trữ đầy đủ theo quy định.
Trong quá trình bảo vệ luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, các thầy cô thành viên đều phải nộp và trình bày bản nhận xét của mình trước hội đồng bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Song trên thực tế, một số thầy cô không ký hoặc không ghi thời gian vào các bản nhận xét.
Ông Đức khẳng định việc đó không ảnh hưởng chất lượng của luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Từ trước đến nay, các luận án tiến sĩ được Bộ GD&ĐT thẩm định về nội dung đều đáp ứng các yêu cầu.
Theo kết luận của thanh tra Bộ GD&ĐT, Học viện Khoa học Xã hội tuyển sinh trình độ tiến sĩ có nội dung về điều kiện dự tuyển không đúng quy định tại khoản 1 điều 8 Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ.
Cụ thể, người có bằng thạc sĩ các ngành Chính trị học, Hành chính học, Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, Quản lý Khoa học và Công nghệ được dự tuyển cả 4 chuyên ngành Luật (Luật hiến pháp và Luật hành chính, Luật hình sự và Tố tụng hình sự, Luật kinh tế, Tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm).
Thanh tra Bộ GD&ĐT đã kiểm tra một số hồ sơ quản lý đào tạo nghiên cứu sinh cho thấy nhiều hồ sơ không ghi ngày tháng, không ký tên, không có xác nhận đồng ý của người hướng dẫn, phản biện.
Từ 2015-2017, Học viện Khoa học Xã hội tuyển sinh hơn 1.100 tiến sĩ nhưng chương trình đào tạo không bảo đảm yêu cầu theo quy chế. Tất cả chương trình đào tạo đều chưa có đầy đủ nội dung các phần quy chế yêu cầu. Một số chương trình đào tạo được học viện thiết kế chung cho cả 4 đến 5 ngành đào tạo khác nhau, trong đó các học phần về kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành có nội dung giống nhau.
Theo Zing
Học viện Khoa học Xã hội tuyển sinh 'râu ông cắm cằm bà' Tại "lò đào tạo tiến sĩ", người có bằng thạc sĩ Chính trị học được dự tuyển ngành Luật hình sự. Tiến sĩ Kinh tế được phân công hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành Quản lý Giáo dục. Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa có kết luận việc xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, cấp phát văn bằng, chứng chỉ trình độ...