Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức đối thoại nếu các tác giả sách giáo khoa có nhu cầu
Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại với các tác giả sách giáo khoa nếu có đề nghị. Đồng thời, trước lo lắng về vấn đề lợi ích nhóm đang khiến dư luận băn khoăn, Bộ GD&ĐT khẳng định các địa phương sẽ phải đảm bảo sự minh bạch trong việc lựa chọn sách giáo khoa.
Ảnh minh họa
Trong quá trình thẩm định đã có đối thoại
Trả lời về việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD&ĐT sẽ phải rà soát, thẩm định lại sách giáo khoa nói chung, đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm” và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng và đúng pháp luật, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ về “một chương trình nhiều bộ sách”, trong đó có sách Công nghệ giáo dục, ngày 15/11, Văn phòng Chính phủ cũng có công văn 10474 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về nội dung tâm thư của PGS TSKH Nguyễn Kế Hào. Cụ thể, PGS TSKH Nguyễn Kế Hào thay mặt một trung tâm thực nghiệm của Nhà xuất bản có tâm thư nói về băn khoăn, mong muốn của bộ sách Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên. Bộ GD&ĐT trân trọng những ý kiến này và đã có báo cáo với Văn phòng Chính phủ nói rõ về việc sách của GS Hồ Ngọc Đại tại sao bị đánh giá không đạt. Đồng thời, Bộ GD&ĐT thông báo cho PGS TSKH Nguyễn Kế Hào về nội dung này.
“Ngay trong chính quá trình thẩm định, Hội đồng thẩm định quốc gia đã đối thoại 2 lần với tác giả. Lần thứ nhất là tác giả lên trình bày bản thảo nội dung của mình. Sau 7 ngày trao đổi, phân tích, Hội đồng thẩm định tiếp tục mời tác giả lên và đặt câu hỏi: “Tác giả có ý kiến gì không?”. Đây chính là mong muốn đối thoại của Hội đồng thẩm định. Nhưng Bộ GD&ĐT chưa nhận được một ý kiến chính thức nào từ GS Hồ Ngọc Đại theo đúng quy định quyền lợi của tác giả. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với những người liên quan, nếu tác giả nào có nhu cầu đối thoại, Bộ trưởng sẽ tổ chức đối thoại với Hội đồng thẩm định”, TS Thái Văn Tài nói.
TS Thái Văn Tài cũng cho biết thêm, việc rà soát lại quy trình thẩm định sách giáo khoa cũng đã thực hiện theo quy định. Cụ thể, sau ngày 15/10, khi nhận lại toàn bộ kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ GD&ĐT đã tổ chức rà soát lại quy trình liên quan, tính pháp lý, có tham vấn nội dung của Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, báo cáo nội dung tới Ban Tuyên giáo Trung ương. Quá trình đó diễn ra cho đến ngày công bố các bản thảo sác giáo khoa chính thức.
Video đang HOT
Liên quan đến nội dung công bố các bản sách giáo khoa điện tử và công khai những phản biện của Hội đồng thẩm định quốc gia về sách giáo khoa mới, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc công khai bằng văn bản đã được công khai từng vòng thẩm định đối với các các giả và Nhà xuất bản. Đã có rất nhiều chi tiết được trao đổi, giải quyết thông qua biên bản, có những biên bản lên tới gần 40 trang. Vòng 1 xong, vòng 2 đều có bản giải trình từng nội dung được công khai đối với những người liên quan và khá minh bạch.
Tuy nhiên, theo TS Thái Văn Tài, về chế bản điện tử, bản PDF công khai trên mạng internet với những bản mẫu sách giáo khoa để người dân dân được tiếp cận thì sẽ cần có quy định cụ thể. “Bởi sách giáo khoa liên quan Luật Sở hữu Trí tuệ, trong đó có Luật Sở hữu bản quyền. Quyền lớn nhất là của tác giả, tiếp đó là Nhà Xuất bản, Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ. Đến nay, Bộ GD&ĐT công bố những sách giáo khoa được quy định đúng thẩm quyền. Còn về quy định công bố đối với bản sách điện tử, bản PDF sẽ được quy định trong thời gian tới.
Địa phương phải đảm bảo lựa chọn sách theo Luật định
Trước lo ngại về việc nếu để các tỉnh tự lựa chọn sách giáo khoa thì có khả năng xảy ra tinh trạng “lợi ích nhóm” hay không, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT trả lời: Luật Giáo dục quy định rõ, UBND tỉnh quyết định lựa chọn sách giáo khoa. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định tính chuyên môn, thành phần, quy định nguyên tắc, yêu cầu đối với Hội đồng thẩm định. UBND tỉnh phê duyệt chuyên môn, thành lập Hội đồng theo quy định. UBND tỉnh phải có trách nhiệm trong việc thực hiện lựa chọn khách quan, minh bạch.
“Trong hướng dẫn để các địa phương lựa chọn sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT đã tính đến việc này. Đó là giao cho các thành viên hội đồng xây dựng tiêu chí; ở cấp trường phải tham khảo ý kiến của giáo viên trong trường, phụ huynh, để khi lựa chọn có sự đồng ý đạt đến mức nhất định thì mới công bố sách giáo khoa được dùng. Tiếp đó mới công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa đang được Bộ GD&ĐT xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi theo quy định biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, Thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành, kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu năm học mới.
Theo Lê Vân/ Báo Tin tức
Chọn sách giáo khoa: Lo cạnh tranh không lành mạnh
Hôm nay, 22/11, Bộ GD&ĐT chính thức công bố kết quả thẩm định sách giáo khoa (SGK) mới. Thông tin được đưa ra "nháp" trước đó là có 5 bộ SGK được hội đồng thẩm định thông qua sau khi đánh giá 2 vòng. Nhiều người lo ngại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh sẽ xảy ra khi các địa phương lựa chọn SGK.
Làm thế nào để chống tình trạng "chỉ định thầu" trong chọn SGK mới? ảnh: Như Ý
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, từ đầu tháng 9, Nhà Xuất bản Giáo dục (NXB GD) Việt Nam đã có văn bản gửi các sở GD&ĐT về việc chuẩn bị SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong văn bản này, NXB GD Việt Nam cho hay đã hoàn thành biên soạn và trình Hội đồng quốc gia thẩm định 4 bộ SGK tuân thủ chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tuy nhiên, cũng tại văn bản này, NXB GD Việt Nam cho biết, hiện nay, ngoài NXB GD Việt Nam trực tiếp biên soạn và xuất bản SGK mới còn có Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) tổ chức biên soạn SGK.
"Đây là công ty có sự tham gia cổ phần của các cá nhân nguyên là cán bộ NXB GD Việt Nam đã nghỉ hưu; để tránh nhầm lẫn trong quá trình phối hợp triển khai công việc, chúng tôi xin được thông báo: Công ty VEPIC không phải là đơn vị thuộc hệ thống của NXB GD Việt Nam" - văn bản viết.
Nhiều ý kiến cho rằng, với văn bản này, NXB GD Việt Nam đang có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình, SGK mới, đến ngày 21/11, Bộ GD&ĐT chưa có bất kỳ quyết định nào về việc phê duyệt SGK lớp 1 được sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu Bộ GD&ĐT thấy NXB trực thuộc bộ "việt vị" thì bộ đã "thổi còi". Sau khi bộ phê duyệt, các NXB có quyền tổ chức giới thiệu SGK của mình nhưng tuyệt đối không được gièm pha các NXB khác hoặc có hành vi lôi kéo "khách hàng", vì điều đó vừa thiếu đạo đức, vừa vi phạm Luật Cạnh tranh.
Nếu thực tế đúng như thông tin NXB GD Việt Nam giới thiệu rằng 4 bản mẫu SGK của họ nằm trong số 5 bản mẫu SGK đã qua 2 vòng thẩm định của Hội đồng thẩm định SGK quốc gia, thì có nghĩa SGK mới vẫn chủ yếu do NXB GD Việt Nam nắm giữ thị phần. Tức là tính độc quyền xuất bản SGK trong lần thay sách này cơ bản vẫn chưa được phá bỏ.
Đó cũng chính là lo ngại của nhiều người khi tiếp nhận chủ trương 1 chương trình nhiều SGK, bởi với tiềm lực hùng hậu, hàng năm sản xuất gần 70% sản lượng của ngành xuất bản, cộng với kinh nghiệm lâu năm và bộ máy phát hành có chân rết khắp cả nước, NXB GD Việt Nam vẫn đủ sức đè bẹp các đối thủ khác và câu chuyện độc quyền vẫn diễn ra.
Tuy nhiên, theo những người trong cuộc, để tham gia xuất bản SGK, không phải nhà NXB nào cũng có thể làm được vì cần nguồn lực tài chính, con người rất lớn. Vấn đề là làm thế nào để kiểm soát được "chỉ định thầu" khi chọn SGK.
Công khai, minh bạch
Theo Luật Giáo dục, UBND các tỉnh, thành phố sẽ có trách nhiệm chọn SGK. Bộ GD&ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn nội dung này. Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, để các địa phương chọn được những SGK phù hợp nhất cho từng môn học, việc lựa sách cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ.
"Tôi được biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo công khai các ý kiến thẩm định SGK và công bố chế bản điện tử của SGK trên mạng Internet. Làm theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng thì người dân mới có điều kiện đánh giá và tham gia vào việc lựa chọn sách cho con em họ học. Như vậy thì việc lựa chọn sách sẽ không phụ thuộc vào quyết định của một số ít người và có thể hạn chế được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ví dụ tình trạng đi tắt, chạy cửa sau" - GS. Thuyết nói.
GS. Thuyết cho rằng, Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan phối hợp định giá SGK. Các bộ SGK mới do các NXB làm bằng vốn của mình. Vì vậy, giá sách phải bảo đảm cho họ thu hồi vốn. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có quy định hoặc hướng dẫn về hạch toán và lộ trình thu hồi vốn, một mặt không để giá sách tăng bất hợp lý, mặt khác không để một số đơn vị trường vốn sẵn sàng chịu lỗ nhất thời, dùng giá thấp để chèn ép các đơn vị khác.
Sau khi bộ phê duyệt, các NXB có quyền tổ chức giới thiệu SGK của mình nhưng tuyệt đối không được gièm pha các NXB khác hoặc có hành vi lôi kéo "khách hàng", vì điều đó vừa thiếu đạo đức, vừa vi phạm Luật Cạnh tranh.
Theo Tiền phong
Lựa chọn sách giáo khoa: Băn khoăn... ai lựa chọn? Dự thảo Thông tư lựa chọn SGK đang được Bộ GD&ĐT xây dựng và dự kiến ban hành kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn SGK đáp ứng yêu cầu năm học mới. Trong đó, không ít ý kiến còn băn khoăn về việc: Nên để thẩm quyền lựa chọn SGK cho ai, UBND cấp tỉnh, TP, hay giao...