Bộ GD&ĐT không gọi bổ sung thí sinh trượt oan vì gây xáo trộn lớn
Bộ GD&ĐT cho rằng nếu tuyển thay thế cho 82 sinh viên vừa bị đuổi học vì liên quan gian lận, sẽ tạo ra hiệu ứng domino với tất cả nguyện vọng của thí sinh khác, gây xáo trộn lớn.
Trao đổi với báo chí ngày 11/5, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT – cho biết kỳ thi THPT quốc gia 2018 có 82 thí sinh bị huỷ kết quả học tập tại trường đại học, cao đẳng vì liên quan gian lận điểm thi.
Dư luận cho rằng kỳ thi THPT quốc gia 2018 quá bất công khi những người được nâng điểm đã chiếm mất chỗ của thí sinh khác. Tuy nhiên, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng con số này quá nhỏ so với những thí sinh trúng tuyển mà không nhập học.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Q.Q.
Cụ thể, Bà Phụng nói hàng năm, khoảng 22.000 thí sinh trúng tuyển do đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng không nhập học vào các trường, cũng là chiếm chỗ thí sinh khác. Điều đó cho thấy 82 em được nâng điểm vừa bị buộc thôi học là con số nhỏ.
Nếu giải quyết theo hướng cho 82 thí sinh có điểm tiệm cận vào thế chỗ thì sẽ phải làm gì để giải quyết cho 82 thí sinh ở các nguyện vọng thấp hơn. Vì vậy, tuyển bổ sung sẽ tạo ra hiệu ứng domino với tất cả nguyện vọng của thí sinh.
Video đang HOT
Tương tự việc 22.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, nếu cho 22.000 em khác bổ sung, trong bối cảnh có em đăng ký tới 48 nguyện vọng, bà Phụng khẳng định sẽ gây xáo trộn lớn trong toàn bộ hệ thống.
“Ở góc độ nào đó, câu hỏi đặt ra về quyền lợi của thí sinh mất chỗ oan vì gian lận thi cử là có lý, nhưng đó là việc không thể giải quyết được đến cùng một cách hợp lý cho tất cả thí sinh liên quan”, bà Phụng nói.
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT – cho hay việc xử lý sai phạm liên quan kết quả thi THPT của thí sinh không chỉ áp dụng bởi quy chế, mà còn căn cứ một số văn bản pháp luật khác và đề án tuyển sinh của trường đại học.
Cụ thể, tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học nên việc xử lý thí sinh bị hạ điểm trước hết thuộc thẩm quyền của trường. Các cơ sở giáo dục đại học có quyền và trách nhiệm xử lý, không thụ động ngồi đợi chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Ví dụ, các trường thuộc khối công an đã chủ động xử lý theo quyền và trách nhiệm của họ.
Hiện, những thí sinh xét tuyển bằng học bạ, tổ hợp không liên quan hoặc có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển, đang trong quá trình điều tra, các trường tạm thời cho học tiếp. Khi có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, thí sinh nào bị xác định có tham gia gian lận, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Vụ án nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 được cho là gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay. 222 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang (114), Sơn La (44), Hòa Bình (64). Trong đó, những thí sinh ở Hà Giang được trả lại điểm thật trước khi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can về các tội danh khác nhau. Trong đó, Sơn La 8 người, Hòa Bình 3 và Hà Giang 5.
Với 108 thí sinh liên quan gian lận ở Sơn La, Hòa Bình, Bộ GD&ĐT công bố kết quả chấm thẩm định khi các em đã trúng tuyển vào nhiều trường đại học công an, quân đội, sư phạm, y, kinh tế… Thậm chí, một số em còn đỗ thủ khoa các trường đại học lớn ở Hà Nội.
Sau khi rà soát, nhiều trường đã cho thôi học sinh viên liên quan gian lận thi cử. Bộ Công an đã trả 53 sinh viên về Sơn La, Hòa Bình. Các trường quân đội cũng trả về địa phương 7 trường hợp. Một số sinh viên khác vẫn được học, dù được nâng điểm, vì không có căn cứ xử lý.
Theo Zing
Bộ GD&ĐT: Không để Chánh thanh tra Sở Giáo dục Sơn La tham gia hoạt động thi năm 2019
Trước thông tin báo chí phản ánh, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Sơn La có con được sửa, nâng điểm thi tham gia tập huấn thanh tra thi 2019, Bộ GD&ĐT cho biết, đã yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La thay người không để Chánh thanh tra sở này tham gia chỉ đạo thanh tra thi.
Ảnh minh họa
Trong đợt tập huấn thanh tra thi toàn quốc 2019 do Bộ GD&ĐT tổ chức, ông Phan Ngọc Sơn, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, người có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vẫn tham gia buổi tập huấn khiến nhiều ý kiến không đồng tình.
Ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh thanh tra Bộ GD& ĐT cho biết, để tổ chức tập huấn thi, Bộ GD&ĐT yêu cầu mỗi Sở GD&ĐT cử một lãnh đạo sở và một lãnh đạo thanh tra sở tham dự hội nghị. Các sở chủ động cử cán bộ dự hội nghị theo thành phần triệu tập, Bộ không yêu cầu đăng ký đại biểu trước.
Theo danh sách tổng hợp đại biểu dự hội nghị, Sở GD&ĐT Sơn La có hai người là ông Phan Ngọc Sơn Chánh Thanh tra và một thanh tra viên.
Được biết, sau vụ gian lận điểm thi, lãnh đạo Sở GD&ĐT Sơn La thiếu hụt nhiều. Tại thời điểm này, giám đốc sở đang nghỉ phép, một phó giám đốc sở vừa nghỉ hưu, một phó giám đốc sở bị khởi tố còn 1 phó giám đốc được ủy quyền trực và điều hành cơ quan sở nên không có lãnh đạo sở tham dự.
Đối với nhân sự Sơn La, ngoài chánh thanh tra có con được nâng điểm năm 2018, một phó chánh thanh tra nghỉ hưu vào tháng 3/2019, thì chỉ còn 1 thanh tra viên.
Ông Hiến cho hay, không thể vì thiếu người mà cố bố trí không phù hợp, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo trực tiếp Sở GD&ĐT Sơn La không để ông Sơn tham gia tập huấn thi, không tham gia chỉ đạo, và cũng không trực tiếp thanh tra thi năm 2019. Đồng thời, Bộ cũng rà soát, quán triệt không để những ai liên quan đến vụ sửa, nâng điểm thi được tham gia công tác thanh tra thi năm 2019 để đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Phải hủy kết quả bài thi ngay khi phát hiện gian lận thi cử Sau khi nghe Bộ GD&ĐT báo cáo về việc xử lý vi phạm kỳ thi THPT quốc gia 2018 và công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2019 vào chiều 23/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTTN&NĐ) của Quốc hội cho biết sẽ có kiến nghị gửi Bộ GD&ĐT về vấn đề này....