Bộ GDĐT chưa quan tâm đúng mực về chế độ chính sách cho giáo viên
Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra và chỉ ra những điểm thiếu sót, khuyết điểm của Bộ GDĐT trong giai đoạn 2013 – 2016. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc chậm tham mưu với Chính phủ về cơ chế chính sách, chế độ về lương cho nhà giáo, chậm thi nâng hạng cho GV, gây hoang mang.
Thanh tra Chính phủ cho rằng việc kiến nghị, đề xuất về chế độ, chính sách đối với nhà giáo chưa được Bộ GDĐT quan tâm đúng mức và kịp thời. Ảnh: Huyên Nguyễn
Còn nhiều bất cập về đội ngũ giáo viên
TTCP đã thực hiện thanh tra chuyên đề công tác QLNN về GDĐT với nội dung công tác QLNN về đội ngũ nhà giáo, hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, biên chế sự nghiệp thuộc lĩnh vực GDĐT; thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục.
Theo kết quả thanh tra tại Bộ GDĐT, TTCP đã ghi nhận một số thực hiện tốt trong giai đoạn từ năm 2013 – 2016, công tác QLNN về GDĐT với nội dung về đội ngũ nhà giáo, hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, biên chế sự nghiệp thuộc lĩnh vực GDĐT, thực hiện công khai được Bộ GDĐT triển khai thực hiện đồng bộ trên cơ sở bám sát văn bản quy phạm pháp luật.
Sự nghiệp GDĐT đạt được một số kết quả quan trọng như công tác đổi mới chương trình, phương pháp dạy học ở các cấp học theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Đổi mới công tác đánh giá, thi cử, xây dựng đội ngũ nhà giáo có trình độ ngày một nâng cao…
Bên cạnh đó, TTCP cũng chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm của Bộ GDĐT trong giai đoạn này. Cụ thể, công tác xây dựng và rà soát, điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật trong GDĐT còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập, cơ cấu không hợp lý, trình độ không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục; Chưa hoàn thành việc quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, đại học, trong đó có mạng lưới các trường sư phạm; việc tham mưu cho Chính phủ và ban hành bổ sung chính sách về lương, chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp khác theo tính chất, kết quả và chất lượng công việc, phù hợp với vùng miền; chế độ ưu đãi đối với giáo viên, giảng viên, nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục còn chậm.
Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; chưa bám sát thực tế phát triển kinh tế xã hội, sự phát triển dân số tự nhiên dẫn đến mạng lưới cơ sở giáo dục tuy có tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, vẫn còn thiếu, chưa đủ tiêu chuẩn.
Video đang HOT
Về biên chế sự nghiệp thuộc lĩnh vực GDĐT tại các địa phương tồn tại việc giao chỉ tiêu biên chế chưa đúng với quy định hiện hành của Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ, không đúng và đủ theo quy định về định mức số lượng người làm việc đối với từng cấp học. Bộ GDĐT chưa thực hiện đầy đủ, thường xuyên công tác thanh, kiểm tra việc giao biên chế sự nghiệp giáo dục để kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu các địa phương thực hiện đúng và đủ quy định pháp luật.
Chậm trong tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách, gây hoang mang
Về thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo, TTCP cho rằng, từ khi triển khai thực hiện các quy định của Luật viên chức và Nghị định số 29/2012/NĐ- CP về tuyển dụng và quản lý viên chức đến thời điểm kiểm tra là 5 năm, Bộ GDĐT chưa ban hành văn bản quy định điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức ngành giáo dục.
Việc không tổ chức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ngành giáo dục trong thời gian dài gây tâm tư, tâm lý không yên tâm công tác trong bộ phận không nhỏ viên chức ngành giáo dục.
Chưa ban hành quy định tiêu chuẩn các chức danh giảng viên làm căn cứ để tuyển dụng thực hiện chế độ làm việc, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ và các chế độ chính sách khác theo quy định của pháp luật, theo quy định tại khoản 2, điều 44, Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10.12.2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ trường đại học.
Việc thực hiện chế độ lương, phụ cấp đối với nhà giáo còn tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, tâm lý, chất lượng công tác của bộ phận không nhỏ viên chức giáo dục. Việc kiến nghị, đề xuất về chế độ, chính sách đối với nhà giáo chưa được Bộ GDĐT quan tâm đúng mức và kịp thời.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm nêu trên thuộc về lãnh đạo Bộ GDĐT và các cơ quan đơn vị trực thuộc có liên quan.
Từ các khuyết điểm, thiếu sót trên, TTCP đề nghị Bộ GDĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành bổ sung chính sách về tiền lương theo vị trí việc làm, trình độ đào tạo, chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp khác theo tính chất, kết quả và chất lượng công việc, phù hợp với vùng, miền; chế độ ưu đãi với GV, nhà giáo làm quản lý giáo dục. Nghiên cứu, sửa đổi văn bản liên quan đến định mức biên chế đối với cơ sở GDĐT công lập. Ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn các chức danh giảng viên làm căn cứ tuyển dụng, thực hiện chế độ làm việc, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và các chế độ chính sách khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, TTCP đề nghị cần hoàn thiện, trình Chính phủ nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị định về phân cấp, phân công trách nhiệm rõ ràng hơn giữa UBND tỉnh, Bộ GDĐT và Bộ, ngành chủ quản của các trường đại học, tránh chồng chéo, không rõ ràng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về giao chỉ tiêu biên chế ngành giáo dục đối với các địa phương nhằm kịp thời chấn chỉnh sai phạm, quy định không phù hợp, những sai phạm trong công tác cán bộ và việc thực hiện công khai.
TTCP yêu cầu các đơn vị, cá nhân trực thuộc Bộ GDĐT chấn chỉnh công tác quản lý, khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ ra sau thanh tra.
Theo Laodong.vn
Không còn "học thuộc lòng", học sinh phải biết cách tiêu tiền
Trên đây là những nội dung mới, nổi bật trong từng bộ môn của Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới sắp được Bộ GDĐT công bố.
Các môn học sẽ được đẩy mạnh theo hướng học ứng dụng. Trong ảnh: Các tiết học thực hành tại Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Tân Triều, Hà Nội).
Không phải học thuộc lòng, yêu cầu dạy ngoài sách giáo khoa
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình ngữ văn mới đặt ra yêu cầu dạy ngoài sách giáo khoa (SGK). Nhà trường cần có tài liệu tham khảo từ tác phẩm văn học đến văn bản thông tin. Cụ thể, môn ngữ văn mới sẽ chỉ còn dạy bắt buộc 6 tác phẩm văn học kinh điển của Văn học Việt Nam. Đó là bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập.
Chương trình tiếng Việt/ngữ văn mới được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chú trọng đến những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nghe và nói cho mỗi lớp. Các nhóm tác giả viết SGK có thể chủ động lựa chọn các tác phẩm khác nhau đưa vào sách, nhưng đều hướng đến việc thông qua các ngữ liệu để phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. GS Thuyết cho biết thêm, đề thi môn ngữ văn trước đây chỉ gói gọn trong một số tác phẩm văn học có trong SGK. Nhưng lần này, đề thi hướng đến kiểm tra năng lực, phẩm chất người học, chứ không kiểm tra nội dung kiến thức học thuộc, các em học sinh (HS) hoàn toàn có thể sử dụng các ngữ liệu khác nhau để đáp ứng yêu cầu của đề thi.
Theo PGS-TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên môn ngữ văn mới - về mục tiêu, điểm khác biệt lớn nhất của chương trình lần này chính là coi trọng năng lực giao tiếp (với 4 kỹ năng chính là đọc, viết, nói và nghe). Vì thế, sẽ chỉ có những kiến thức giúp cho việc phát triển năng lực có hiệu quả mới được lựa chọn vào. Chương trình cũng được xây dựng thống nhất từ lớp 1 cho tới lớp 12 chứ không tách làm 3 cấp như trước đây. Về nội dung, chương trình sẽ không tổ chức theo trục lịch sử văn học hay kiểu văn bản như chương trình (THCS và THPT) hiện hành.
PGS-TS Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh: Tất cả kiến thức được chọn đều nhằm hướng tới mục tiêu hình thành năng lực giao tiếp cho HS, trong đó đặc biệt chú trọng tới chủ thể người học và khả năng ứng dụng tri thức ngữ văn vào cuộc sống. Các kiến thức văn học, tiếng Việt sẽ tích hợp thông qua các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và phục vụ cho các kỹ năng này.
Tương tự với môn lịch sử. Ở tiểu học, môn lịch sử sẽ chủ yếu dạy những câu chuyện, có chủ đề gần gũi cuộc sống. Đến bậc THCS, phân môn lịch sử sẽ dạy thông sử theo tiến trình lịch sử. Nhưng điểm khác biệt so với trước là lịch sử Việt Nam sẽ được đặt trong lịch sử thế giới ở từng giai đoạn chứ không tách riêng. Bậc THPT, môn lịch sử sẽ dạy theo các chuyên đề sâu. Việc ghi nhớ, học thuộc lòng số liệu, sự kiện sẽ giảm bớt đáng kể, chỉ chú trọng các bài học, ý nghĩa lịch sử. Bên cạnh đó, có cả những chủ đề định hướng ứng dụng, như sử học với bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử, với phát triển du lịch.
GS Phạm Hồng Tung - Chủ biên chương trình môn lịch sử - cho hay, chương trình được xây dựng theo cấu trúc chính là tuyến tính, kết hợp với đồng tâm, thay cho cấu trúc đồng tâm hiện nay.
Một tiết học thực hành tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: HẢI NGUYỄN
Đẩy mạnh học ứng dụng
GS Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn toán - cho hay: Chương trình mới được ban soạn thảo xây dựng trên phương châm 10 chữ "Tinh giản, thiết thực, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo". Nội dung phải tinh giản, phản ánh những giá trị cốt lõi, nền tảng của văn hóa toán học. Đây là nội dung nhất thiết phải được đề cập trong nhà trường phổ thông, phản ánh nhu cầu hiểu biết thế giới cũng như hứng thú, sở thích của người học. Chương trình mới sẽ giải quyết việc "học vất vả song không để làm gì". Chương trình thống nhất từ lớp 1 đến 12, xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số và đại số; hình học và đo lường; thống kê và xác suất. Theo GS Thái, sẽ có 21% tổng thời lượng chương trình môn toán phổ thông dành cho nội dung ứng dụng. Các dạng bài tập lắt léo, phục vụ thi cử sẽ bị loại bỏ.
Môn nghệ thuật hiện nay gồm âm nhạc, mỹ thuật, thủ công nhưng tới đây cũng sẽ mở rộng hơn theo định hướng nghệ thuật ứng dụng. Đặc biệt, ở THPT sẽ chia nhánh dạy thiết kế thời trang, đồ họa, thiết kế trang web, chế tác thủ công. Các môn khoa học tự nhiên được thiết kế gắn với thực tiễn cuộc sống và bám sát bản chất môn học. Các kiến thức quá khó, hàn lâm sẽ được lược bỏ.
Môn đạo đức/giáo dục công dân sẽ được thay đổi mạnh mẽ. Ở bậc tiểu học, môn đạo đức hướng tới giáo dục hành vi, kỹ năng. Bậc THCS chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm công dân, giáo dục pháp luật. Bậc THPT chú trọng giáo dục pháp luật và kinh tế. Đặc biệt, học sinh sẽ được giáo dục tài chính như cách quản lý, cách tiêu tiền, ý thức tiết kiệm, sử dụng đồng tiền một cách hữu ích nhất.
Đây cũng phù hợp với định hướng đẩy mạnh tính thực nghiệm, nhóm nghề liên quan tới khối hành chính, pháp luật, kinh tế, công an, quân đội không có những môn học đặc thù để học sinh lựa chọn sâu như nhóm ngành khác. Vì thế bổ sung kiến thức kinh tế, pháp luật trong môn giáo dục công dân và các môn học khác rất cần cho học sinh muốn đi theo nhóm ngành này.
Cho tới thời điểm này, chỉ có duy nhất môn ngoại ngữ là chưa hoàn tất chương trình bộ môn và có thể sẽ được công bố vào đợt hai. Môn ngoại ngữ đang được xây dựng và hoàn thiện dựa trên cơ sở chương trình - SGK ngoại ngữ thí điểm của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Các môn khác hiện đã hoàn tất. Sau khi công bố, Bộ GDĐT sẽ chính thức có thông báo mời các cá nhân, đơn vị tham gia viết SGK cho chương trình mới.
"Các chương trình bộ môn sẽ công bố được biên soạn theo chương trình tổng thể nên đảm bảo tính nhất quán, liên thông, phù hợp với đối tượng HS các cấp và đảm bảo định hướng chung của chương trình. Tất cả đều nhằm mục đích phát triển năng lực, phẩm chất cho người học; tạo điều kiện cho các nhà trường, giáo viên chủ động, sáng tạo trong lựa chọn SGK, tài liệu và xây dựng kế hoạch dạy học" - GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình GDPTTT - cho hay.
Theo Laodong.vn
Nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn Các trường ĐH ngoài công lập chủ yếu chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, thậm chí có những trường chưa từng tài trợ hay đầu tư gì cho thực hiện các đề tài cấp trường - tương đương gần như không có NCKH. ảnh minh họa Giảng viên không hứng thú với NCKH Theo báo cáo về hệ thống các trường ĐH...