Bộ cần cấm nhà trường bán sách tham khảo, vở bài tập kèm sách giáo khoa
Nhà trường chỉ giúp đăng ký và mua sách giáo khoa theo đúng danh mục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt, cấm bán sách tham khảo, vở bài tập.
Câu chuyện bán sách giáo khoa cho học sinh chương trình mới (lớp 1 và lớp 6) hiện đang xảy ra tình trạng nhà sách ép mua theo ý người bán dù người mua không có nhu cầu dẫn đến tình trạng giá sách mới vốn đã cao hơn sách giáo khoa hiện hành lại tiếp tục tăng giá thêm gấp vài lần khiến không ít gia đình đã khó khăn lại càng thêm lao đao trước thềm năm học mới.
Sách bài tập được bán kèm trong bộ sách giáo khoa lớp 6 tại Đắk Lắk (Ảnh phụ huynh cung cấp)
Bán nguyên bộ không bán lẻ
Thầy giáo M.Th. tại Đắk Lắk cho biết: “Tôi đến một hiệu sách tư nhân của huyện định mua vài cuốn sách giáo khoa lớp 6 cho con để về cháu xem bài trước nhưng nhà sách nhất định không bán. Họ đã soạn sẵn một bộ sách giáo khoa gồm (sách Chân trời sáng tạo và một số cuốn Kết nối tri thức). Điều đáng nói là, bộ sách có tới 30 cuốn trong đó sách bài tập đã chiếm một nửa (15 cuốn)”.
Chị Hoa một công nhân lao động phổ thông nơi đây cũng có con vào lớp 6 năm học này cho biết: “Tôi chỉ muốn mua sách giáo khoa thôi nhưng nhà sách không chịu, họ bảo mua thì mua cả bộ nếu mua lẻ sẽ không bán. Mua cả bộ đồng nghĩa với việc phải mua tất cả sách bài tập mà có những cuốn sách bài tập chắc chắn sẽ không bao giờ dùng đến”.
1 bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo có giá 245 ngàn đồng nhưng mua luôn cả sách bài tập giá sách lên tới hơn 561 ngàn đồng. Vậy là, phụ huynh, học sinh phải mất thêm 316 ngàn đồng để mua sách bài tập.
Chị Hoa cũng cho biết nhà không chỉ có một con đi học, chỉ mua sách giáo khoa cho 2 con số tiền phải bỏ ra hơn cả triệu đồng.
Có người băn khoăn lo lắng nếu cứ buộc phải mua nguyên bộ sách thì trong quá trình học nếu có một cuốn sách nào đó bị rách, bị hư thì phải làm thế nào? Chẳng lẽ cần 1, 2 cuốn sách lại phải vác nguyên một bộ sách đem về?
Sách bài tập thuộc nhóm sách bổ trợ sao lại buộc phụ huynh phải mua?
Năm 2020, nhiều trường học trong cả nước đã xảy ra tình trạng mập mờ trong việc bán sách, cụ thể là việc trộn lẫn sách giáo khoa, vở bài tập và sách tham khảo để buộc phụ huynh, học sinh phải mua.
Và, trong số những cuốn sách mua về cả năm đôi khi không dùng đến một lần nhưng những năm học tới vẫn phải tiếp tục mua đem về để trống.
Video đang HOT
Trước sự mập mờ trong bán sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa sách bài tập, vở bài tập vào danh mục sách bổ trợ và đã được công bố riêng để các cơ sở giáo dục tự chủ lựa chọn sử dụng.
Theo Công văn số 1752 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2010, sách bổ trợ từ tiểu học đến trung học phổ thông có 165 tên sách. Đến năm học 2017-2018, số lượng này tăng lên 291. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định, những cuốn sách bổ trợ này đều đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định. [1]
Dù Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hay các cơ quan quản lý giáo dục đều đã khẳng định, sách bổ trợ chỉ có tính chất tham khảo, phụ huynh, học sinh có quyền quyết định chọn mua hay không nhưng việc một số hiệu sách tại Đắk Lắk chỉ bán nguyên bộ sách đã xếp sẵn mà không cho người mua có quyền lựa chọn chẳng khác gì một hình thức bắt ép, bắt buộc người tiêu dùng phải mua trong khi mình không có nhu cầu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo quyết liệt
Để tránh tình trạng nhà trường hoặc hiệu sách ép phụ huynh phải mua vở bài tập mới bán sách giáo khoa, người dân mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có các giải pháp chỉ đạo cụ thể: không đưa sách tham khảo, vở bài tập vào nhà trường (phụ huynh/học sinh nào có nhu cầu thì tự chọn và mua ngoài hiệu sách);
Nhà trường chỉ giúp đăng ký và mua sách giáo khoa theo đúng danh mục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt cũng như địa phương, nhà trường đã lựa chọn để phục vụ công tác giảng dạy.
Theo người viết, chỉ có như vậy mới ngăn được tình trạng móc ngoặc giữa đơn vị cung cấp với đại lý (ở đây có thể là nhà trường, có thể là hiệu sách) để bắt chẹt cha mẹ học sinh, bởi khi sách giáo khoa đã mua trong nhà trường thì chiêu “bán bia kèm lạc” của một số nhà sách sẽ hết đất sống.
Điều này, cũng sẽ giúp cho nhiều gia đình đông con đặc biệt những gia đình nghèo, khó khăn bớt đi gánh nặng về tiền sách vở đầu năm học mới.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://khoahocdoisong.vn/sach-bo-tro-nup-bong-sgk-ai-dung-tung-149367.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Văn mẫu, sách bài tập đang "di căn" sang chương trình mới
Không chỉ phải mua sách giáo khoa, sách tham khảo, phụ huynh học sinh còn phải mua một loại tài liệu khác mang tên "Vở bài tập".
Giá sách giáo khoa chương trình mới (chương trình 2018) ở các lớp 1, 2, 6 tăng gần gấp 4 lần so với sách giáo khoa cũ đã lên tận nghị trường Quốc hội, thế nhưng giá sách không hề giảm.
Theo Bộ Tài chính, về số học thì giá bộ sách giáo khoa mới (179.000 - 203.000 đồng/bộ sách lớp 2, 234.000 - 259.000 đồng/bộ sách lớp 6) cao hơn giá bộ sách cũ (53.000 đồng/bộ sách lớp 2; 99.000 đồng/bộ sách lớp 6).
Tuy nhiên, khổ sách, số cuốn, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn bộ sách cũ. Cùng với đó, số lượng cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới (từ 10 -13 cuốn) cao hơn số lượng cuốn sách trong bộ sách giáo khoa cũ (6 -11 cuốn), số lượng màu in nhiều hơn (sách cũ 2-4 màu, sách mới tất cả 4 màu), khổ sách rộng hơn (sách cũ 14cmx24cm, sách mới 19cmx26.5cm)...
"Đồng thời, do thực hiện xã hội hóa nên một số chi phí như chi phí bản thảo, chi phí nhuận bút lần đầu... không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Vì vậy việc so sánh giá sách cũ với sách mới chưa thực sự tương đồng" - Bộ Tài chính thông tin.[1]
Việc giá sách giáo khoa mới tăng, tác động đến hàng triệu hộ gia đình có con đi học, thế nhưng giá sách giáo khoa chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" trong chi phí đầu năm của phụ huynh học sinh.
Ngoài phải đóng tiền theo quy định của nhà nước như học phí, Bảo hiểm y tế, phụ huynh học sinh còn đóng các khoản khác mang tên "tự nguyện" nhưng hoàn toàn "bổ đầu" học trò của các trường quy định.
Bên cạnh đó, tiền mua sách "bổ trợ, tham khảo" cũng không phải nhỏ, số tiền này nhiều khi còn vượt hẳn số tiền mua sách giáo khoa.
Chưa dừng lại sách tham khảo, phụ huynh học sinh còn phải mua một loại tài liệu khác mang tên "Vở bài tập".
Sách tham khảo, vở bài tập các môn học được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)
Vở bài tập các môn học đã được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội, dù học trò chưa thấy mặt mũi sách giáo khoa như thế nào.
Anh D. (một chủ tiệm sách ở Vũng Tàu) chia sẻ: "Thật ra nhà sách chỉ sống nhờ vào mùa sách giáo khoa, còn sau đó chỉ sống cầm chừng thôi.
Bán sách giáo khoa chiết khấu hoa hồng thấp hơn các loại sách tham khảo, sách bổ trợ nhiều. Năm nay may còn có sách các lớp chưa thay (lớp 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12 - người viết) nên còn "sống" được, sách chương trình mới học sinh đăng ký mua theo ngành dọc rồi. Sách chương trình mới, bọn mình chỉ còn chút sách tham khảo, vở bài tập thôi".
Chương trình mới, học sinh vẫn cứ "ngụp lặn" trong sách tham khảo, vở bài tập là... thất bại.
Nền giáo dục chúng ta từ trước đến nay được đánh giá là học để thi, vì thế, cả người dạy và người học cùng một mục tiêu, làm sao giải được nhiều bài tập càng tốt.
Chính mục tiêu dạy và học để thành "thợ giải bài tập" nên sách tham khảo, sách bổ trợ, vở bài tập lên ngôi; dạy thêm, học thêm tràn lan từ đô thị đến nông thôn.
Người ta đua nhau viết sách tham khảo, sách bổ trợ, vở bài tập; đây là thị trường "béo bở" của các tác giả, nhà xuất bản, nhà sách, người thiệt thòi là học trò và xã hội.
Giáo viên muốn học sinh có sách tham khảo, vở bài tập để dạy cho "nhẹ nhàng", nội dung dạy đã có sẵn, có mẫu; ngoài ra khi học sinh mua sách tham khảo, vở bài tập, giáo viên cũng được hưởng... hoa hồng.
Vì thế, sách tham khảo, vở bài tập, bằng những con đường khác nhau đã âm thầm chui vào "giỏ" học sinh.
Với chương trình mới, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Phẩm chất, năng lực cho người học được phát triển, phát hiện nhờ các hoạt động dạy học của giáo viên và tự học của học trò.
Nếu sách tham khảo, vở bài tập lại "ngựa quen đường cũ", học sinh lại ngụp lặn trong đó để thành "thợ giải bài tập" học theo định hướng, làm bài theo mẫu thì hệ quả "văn mẫu" vẫn di căn sang chương trình mới.
Chương trình mới, học sinh vẫn cứ "ngụp lặn" trong sách tham khảo, vở bài tập là ... thất bại. Chính vì thế, người viết đề xuất các nhà xuất bản "bỏ" mảng sách tham khảo, vở bài tập, dù đó là "thị trường" béo bở.
Cần đổi mới các ra đề kiểm tra, đánh giá, nội dung đề phải nổi bật được mục đích kiểm tra, đánh giá năng lực, phẩm chất, kĩ năng học sinh, không mang tính đánh đố, hàn lâm.Về phía giáo viên và nhà trường, tuyệt đối không giới thiệu, ép buộc học trò mua sách tham khảo, vở bài tập cho học sinh đại trà. Hãy tiếp cận phương pháp dạy học tích cực, đảm bảo học sinh học qua làm, làm để học được kiến thức trên lớp.
Đổi mới chương trình giáo dục, nhưng vẫn coi sách giáo khoa, sách tham khảo, vở bài tập là một thị trường béo bở, như vậy đổi mới chương trình chỉ phục vụ nhóm lợi ích chứ không phải vì nền giáo dục nước nhà, không thể vì phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh thân yêu, vẫn còn đó "tượng đài" thợ giải bài tập trong chương trình mới, làm sao chương trình mới thành công?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://cand.com.vn/giao-duc/Vi-sao-gia-sach-giao-khoa-moi-cao-gap-3-4-lan-sach-cu-635723/
Gặp khó khi phát hành SGK lớp 2, 6 Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc in ấn và phát hành sách giáo khoa (SGK) lớp 2, lớp 6 của chương trình mới phải được hoàn thành trước ngày 31-7 Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ...