Bộ ảnh áp lực của học sinh cuối cấp
Áp lực học tập, nỗi sợ khi đối mặt với những kỳ thi và những quyết định mang tính bước ngoặt của học sinh cuối cấp cần được lắng nghe, động viên để vượt qua.
Phải đối mặt và vượt qua áp lực học tập, sự kỳ vọng của cha mẹ hàng ngày, một nhóm học sinh lớp 12E, trường THPT Bình Giang ( Hải Dương) chọn cách thực hiện bộ ảnh với chủ đề “làm ơn hãy lắng nghe” để mong thầy cô, cha mẹ lắng nghe và hiểu mình nhiều hơn. Họ không muốn trở thành “người câm” nghe theo sự sắp xếp, lập trình của người lớn.
Những cô cậu học trò ra khỏi nhà từ sáng sớm, trở về lúc đêm muộn và phải thức đến giữa đêm. Guồng quay học hành, ôn luyện để chuẩn bị cho thi cử đè nặng lên đôi vai học sinh lớp 12.
Đỗ Thị Kim Huệ, lớp 12E, cho biết bộ ảnh do các bạn trong lớp cùng lên ý tưởng và tự thực hiện trong 3 ngày, không tốn chi phí. “Chúng em tận dụng giờ ra chơi để chụp sau đó về chỉnh sửa màu sắc cho như ý. Bộ ảnh là những lời mà chúng em muốn nói với cha mẹ, thầy cô nhưng khó thốt thành lời”, Huệ nói.
“Vấn đề chung mà học sinh nói chung đang gặp phải đó chính là áp lực, đến từ vấn đề học tập, khi bản thân các em không được chấp nhận được là chính mình, không được tự lựa chọn đường đi. Chúng em muốn nhận được lời động viên từ người lớn hơn là những lời nói làm nhụt chí”, Kim Huệ tâm sự.
Video đang HOT
Ngoài áp lực từ việc học hành căng thẳng, học thêm, ôn luyện, việc lựa chọn ngành nghề, sự so sánh của các bậc cha mẹ cũng là vấn đề khiến các cô cậu học trò cuối cấp mệt mỏi, nản chí.
Sau khi bộ ảnh được chia sẻ, Huệ và nhiều bạn trong lớp đã nhận thấy thầy cô và cha mẹ dường như lắng nghe và thấu hiểu các em hơn. Một số bạn đã có thể ngồi lại nói chuyện, tâm sự với cha mẹ những ước mơ, nguyện vọng.
“Chúng con sẽ là ca sĩ, nhà văn, doanh nhân, nhiếp ảnh gia… Chúng con là những thiên tài, theo cách của riêng mình”, thông điệp của những cô cậu học trò cuối cấp.
Giải tỏa áp lực mùa thi từ gia đình: Kỳ thi của con, nỗi lo của mẹ
LTS: Áp lực là con dao hai lưỡi. Biết cách tạo ra áp lực sẽ mang lại hiệu quả hoặc ngược lại.
Ảnh minh họa.
Vào mùa thi, áp lực đè nặng lên cả sức khỏe tâm lý lẫn tinh thần con trẻ. Bậc làm cha mẹ, đừng vì kỳ vọng của bản thân mà bắt con trẻ phải gánh thêm áp lực "công danh". Muốn thành công, hãy dạy con kỹ năng giải tỏa áp lực, chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý cho con về vượt mùa thi viên mãn.
Mùa thi của con cũng là mùa lo của cha mẹ. Tuy nhiên, thay vì lo lắng, các bậc phụ huynh hãy tham khảo lời khuyên của chuyên gia tâm lý để giúp con có một mùa thi thành công.
Thấu hiểu tâm lý thí sinh
Mùa thi là khoảng thời gian học sinh có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Đặc biệt là đối với học sinh cuối cấp. Tâm lý ôn thi được ví như "một ly nước sinh tố thập cẩm". Háo hức với việc mình sắp trưởng thành dù ở bất kỳ lớp, cấp học nào nhưng lại rối bời với chia xa và hình dung môi trường mới.
Đối với học sinh hết cấp, vừa lưu luyến với bạn bè và thầy cô vốn thân thuộc bấy nay vừa tập trung cao độ để kết thúc các môn học phục vụ kỳ thi.
Nhiều học sinh ăn không ngon, ngủ không yên. Kéo theo đó là việc học dù dành nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả thấp.
Có trường hợp không giải được các bài tập vốn bình thường trong khả năng. Đôi khi là suy nghĩ về điểm chuẩn năm nay cao hay thấp? Đề bài ra có "trúng tủ" không? Khi bắt đầu bước vào đường đua nước rút, hầu hết các sĩ tử đều lo lắng, bồn chồn, thậm chí sợ hãi. Học sinh rơi vào trạng thái thờ ơ, bất cần với cha mẹ.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình (Trung tâm Giáo dục trẻ em Hà Đông) cho rằng, nguyên nhân phổ biến của áp lực tâm lý thi cử nằm ở chính bản thân các em hoặc áp lực ấy xuất phát từ kỳ vọng quá lớn của gia đình. Khi càng nhận được sự quan tâm của cha mẹ, các em càng cảm thấy nặng nề hơn.
Thêm vào đó, tâm lý tuổi đang trưởng thành thường không muốn bị kiểm soát bởi người lớn. Các em muốn được tự do, được tự thể hiện và tự quyết định với các vấn đề của bản thân. Cộng với sự căng thẳng, mệt mỏi trí óc do cường độ học hành, ôn tập tăng lên, các em có những phản ứng và cách cảm nhận không tích cực về sự chăm sóc của cha mẹ.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình.
Giảm áp lực cho con
Để giảm bớt áp lực cho con, trước hết, cha mẹ cần nắm bắt được trạng thái tâm lý cũng như tạo cho con những khoảng trống tinh thần cần thiết. Đặc biệt là không gây thêm sức ép với con.
Cha mẹ hãy là nhà tâm lý thực sự, tìm cách thấu hiểu và cảm thông với những lo lắng chính đáng của con. Không nên áp đặt kết quả thi cử hay nêu một mục tiêu quá cụ thể, chẳng hạn như: "Con phải thi đạt loại giỏi, phải thi đỗ..." mà chỉ nên khuyến khích con làm thế nào để đạt kết quả cao nhất trong khả năng tối đa của mình. Cha mẹ cần hiểu và chấp nhận thực tế thông qua lực học của con.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình cho rằng, gia đình là điểm tựa vô cùng quan trọng với các con. Nhất định phải là một điểm tựa chắc chắn để trẻ luôn cảm thấy được an tâm, an toàn. Bản thân cha mẹ thấy lạc quan, vui vẻ, tin tưởng vào con thì dễ tạo ra bầu không khí thoải mái cho việc học tập.
Khi cha mẹ thấy con còn rất nhiều bài tập chưa giải quyết được thì cũng nên bình tĩnh động viên. Ngay cả con ngồi chơi game khi đang ôn thi thì cũng để con giải trí chút xíu rồi khéo léo nhắc con ôn luyện tiếp. Thấy con lo lắng nhiều, cha mẹ có thể cùng con đi ăn uống hay cà phê giúp con thư giãn.
Sự quan tâm của cha mẹ ở giai đoạn này cần rất khéo léo và tế nhị đi kèm với sự đồng cảm trạng thái tâm lý "nhiều biến động" của con. Cha mẹ nên động viên con nhẹ nhàng thay vì hỏi con trực tiếp và sau đó lại có phản ứng tiêu cực lại với những chia sẻ của con.
Cha mẹ hãy trò chuyện, tâm sự và dành cho con những cái ôm dịu dàng. Hãy cho con biết cho dù kết quả thế nào, cha mẹ vẫn hài lòng nếu con có cố gắng hết sức mình.
Hiệu quả hơn, cha mẹ hãy dùng hành động thay cho lời nói. Con có thể quan sát và cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ cha mẹ qua các hành động hằng ngày. Nhất là việc chăm sóc tinh thần, sức khỏe cho con, trong đó, một phần không thể thiếu là việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho con. Vì trong thời gian ôn thi, học tập với cường độ cao, cơ thể các em tiêu hao nhiều năng lượng.
Mùa thi của con chắc chắn sẽ bớt áp lực nhờ sự đồng hành và thấu hiểu của cha mẹ. Để chăm sóc tốt nhất về tâm lý và tinh thần cho con chuẩn bị "vượt vũ môn", cách tốt nhất phụ huynh hãy đóng vai sĩ tử, nghĩ về mong muốn và ước vọng của mình năm xưa, luôn cần được tin tưởng, khích lệ và đặt trọn niềm tin.
"Cha mẹ cần giúp con tìm thấy ý nghĩa của việc học tập suốt đời, đặc biệt là trước mỗi kỳ "vượt vũ môn" để đạt kết quả tốt trong kỳ thi và sẵn sàng vượt qua những thử thách của cuộc sống.
Không đặt quá nhiều kỳ vọng vào con mình, tạo thêm áp lực lên con về việc phải đạt bằng được thành tích này hay điểm số kia trong kỳ thi chính là cách khôn khéo nhất để đạt được kết quả như ý.
Cho con sự yên tâm rằng bố mẹ sẽ luôn yêu thương con, ở bên cạnh con bất kể hành trình ôn luyện, kết quả thi của con ra sao là thông điệp cần được cha mẹ thường xuyên nhắc đến" - Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình.
"Khi học sinh tự tử, nhà trường phải chịu trách nhiệm đầu tiên" GS Lee Sang Min thuộc Korea University nói với Zing rằng nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ để giúp học sinh thoát khỏi khủng hoảng, từ đó tránh những sự việc đáng tiếc. Trầm cảm và tự tử học đường là vấn đề trầm kha của xã hội Hàn Quốc suốt nhiều thập kỷ qua. Không ít chính sách...