Bluezone giúp tìm ra hơn 51.000 trường hợp F1
Cơ quan y tế đã tìm ra thêm hơn 51.000 trường hợp F1 trong đợt dịch thứ tư nhờ truy vết bằng công nghệ.
Số liệu tính đến ngày 2/8, vừa được ông Đỗ Lập Hiển – đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19, chia sẻ tại Hội nghị phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng chống dịch. Theo ông Hiển, khi có một ca nhiễm hoặc nghi nhiễm, cơ quan y tế sẽ khai thác lịch sử tiếp xúc thông qua điện thoại cài Bluezone của bệnh nhân. Hệ thống sẽ tìm ra danh sách các số điện thoại đã tiếp xúc gần với ca nhiễm này, đưa vào danh sách truy vết của cơ quan y tế.
Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát cuối tháng 4, qua khai thác từ 4.500 ca nhiễm và nghi nhiễm có sử dụng Bluezone, cơ quan y tế đã tìm ra được hơn 51.000 người tiếp xúc gần, bổ sung thêm vào danh sách truy vết bằng các phương pháp truyền thống.
Nhiều F1 được tìm ra nhờ ứng dụng công nghệ truy vết. Đến ngày 28/7, Bluezone đã có 41,84 triệu lượt tải
Ngoài việc giúp phát hiện tiếp xúc gần, tính năng khai báo y tế trên Bluezone cũng giúp rút ngắn thời gian lấy mẫu xét nghiệm. Thực tế này được ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT&TT Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ tại hội nghị.
Ông Tuấn cho biết khi triển khai xét nghiệm cho người dân, một số nơi trong tỉnh đã thử nghiệm chia thành hai luồng, gồm luồng cho những người cài và chưa cài Bluezone. Kết quả cho thấy, với nhóm người dân sử dụng Bluezone, công tác lấy mẫu xét nghiệm đã giảm khoảng 50% về thời gian, trong khi nhân lực nhập liệu từ 2 người được rút xuống 1 người do chỉ cần quét mã QR. Thời gian của một lượt lấy mẫu xét nghiệm còn chưa đến một phút.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra một thực tế là có những người điền thông tin trên Bluezone chưa chính xác. Tỷ lệ nhập sai (tên tuổi, địa chỉ) được ghi nhận tại Bà Rịa – Vũng Tàu vào khoảng 15 – 16%. Điều này dẫn tới việc có những nơi vẫn phải yêu cầu người dân điền thông tin ra giấy, sau đó có nhân viên đối chiếu, chỉnh sửa giúp trên ứng dụng.
Tại hội nghị, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 cũng chia sẻ về hai công cụ công nghệ đang được sử dụng trong việc phòng chống dịch: Công cụ giúp xác định các mốc dịch tễ và Công cụ lập bản đồ di chuyển của ca nhiễm.
Mốc dịch tễ là các địa điểm, sự kiện mà ca bệnh đã đi đến hoặc đã tham gia trong khoảng 3 ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi được cách ly y tế. Thời gian qua, các địa điểm công cộng đã được triển khai dán mã QR, đồng thời tính năng quét mã có sẵn trên Bluezone, VHD hoặc Ncovi. Theo ông Hiển, khi có ca nhiễm, cơ quan y tế sẽ nhập số điện thoại của họ vào, từ đó xác định được nơi mà người bệnh đã quét mã QR, kèm theo thời gian tương ứng. Từ đây, cơ quan y tế tìm ra những người xuất hiện cùng lúc với ca nhiễm tại các mốc dịch tễ đó.
Bản đồ di chuyển của ca nhiễm là một công cụ mới, được đánh giá là có tính đột phá, và là sản phẩm phối hợp từ nhiều giải pháp khác nhau.
“Một số ca nhiễm hoặc nghi nhiễm có lịch sử di chuyển phức tạp do đặc thù công việc, chẳng hạn như các tài xế. Đôi khi những người này không nhớ hết, dẫn đến bỏ xót các mốc dịch tễ quan trọng, ngoài ra còn có những trường hợp khai báo không trung thực hoặc bỏ trốn. Khi đó, trung tâm công nghệ sẽ phối hợp liên hoàn các giải pháp để lập bản đồ di chuyển của ca nhiễm”, ông Hiển chia sẻ.
Thời gian qua, đã có 597 bản đồ di chuyển của ca bệnh được xây dựng, giúp phát hiện nhiều trường hợp tiếp xúc gần. Đặc biệt, giải pháp này cũng giúp tìm ra 22 F0 bỏ trốn. Cần Thơ là một trong những tỉnh thành áp dụng hiệu quả công cụ này. Theo ông Hiển, bản đồ di chuyển đã giúp Cần Thơ tìm ra thêm nhiều F1, trong đó có những F1 đã trở thành F0.
Thời gian qua, nhiều giải pháp công nghệ đã được triển khai trong cả nước, phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cũng đưa ra ba nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung trên cả nước, gồm nền tảng khai báo y tế, xét nghiệm, quản lý tiêm chủng.
Theo Thứ trưởng TT&TT Nguyễn Huy Dũng, với sức lây lan nhanh của chủng Delta, chắc chắn công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu chúng ta muốn chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, công nghệ phải kết hợp với các biện pháp quản lý hành chính, biện pháp nghiệp vụ khác mới trở thành một giải pháp trọn vẹn.
Tại sao không gộp các ứng dụng chống dịch thành một 'super app'
Mỗi ứng dụng phục vụ cho một mục đích khác nhau, vì vậy thay vì gộp thành một, giải pháp phù hợp hơn là liên thông dữ liệu.
Hiện tại, để phục vụ việc phòng, chống Covid-19, người dùng được khuyến nghị cài các ứng dụng gồm: Ncovi phục vụ việc khai báo sức khỏe hàng ngày, Bluezone giúp phát hiện tiếp xúc gần với người dương tính, Vietnam Health Declaration (VHD) giúp khai báo y tế với người nhập cảnh. Để đăng ký và quản lý tiêm chủng, người dùng cần cài thêm ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.
Trong bài viết của PV về các ứng dụng phòng chống dịch, nhiều độc giả đưa ý kiến nên gộp các ứng dụng làm một. Việc này được cho là sẽ giúp người dân tiện theo dõi và khai báo tình hình sức khỏe, hạn chế đăng ký nhiều tài khoản, cũng như tiết kiệm tài nguyên trên điện thoại.
"Tại sao không nâng cấp VssID hoặc Bluezone mà phải cài ba app. Vừa tốn pin, tốn RAM, mất thời gian, thậm chí có ứng dụng ít dùng nhưng vẫn phải cài", độc giả Lại Văn Tư bình luận. Độc giả có tên Konan cũng thắc mắc: "Không biết có hạn chế gì về công nghệ mà sao chúng ta không thể làm một ứng dụng all-in-one nhỉ? Càng nhiều ứng dụng càng khó phổ cập".
Nhiều ứng dụng được sinh ra nhằm phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia và những người làm trong công tác phòng chống dịch, giải pháp phù hợp hơn là liên thông dữ liệu, thay vì gộp các ứng dụng vào một.
"Mỗi ứng dụng giúp giải quyết một bài toán khác nhau. Việc gộp tất cả vào một super app sẽ mâu thuẫn về nguyên tắc thiết kế", ông Nguyễn Thế Trung - Tổ phó Tổ thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch Covid-19 - chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến hôm 16/7.
Theo ông Trung, có nhiều bài toán được đưa ra trong công tác phòng chống dịch và mỗi ứng dụng, giải pháp có một nguyên tắc riêng. Chẳng hạn, người nước ngoài nhập cảnh và người Việt Nam sẽ có nhu cầu khai báo dữ liệu khác nhau; ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần phải đảm bảo quyền riêng tư của người dùng. Vì vậy, không thể tích hợp các ứng dụng làm một.
Trước đó, trong chia sẻ với báo chí, ông Lưu Thế Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế số tại Viettel Solutions, đơn vị phát triển app VHD - cũng cho biết, "việc tích hợp là tích hợp dữ liệu chứ không tích hợp ứng dụng". Người dùng vẫn cần cài 2 - 3 ứng dụng để phục vụ các nhu cầu hiện nay.
Mỗi người dân sẽ có một mã QR
Việc liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng đã bắt đầu được triển khai từ cuối tháng 5, hiện vẫn được trong quá trình phát triển để phục vụ các phát sinh trong quá trình phòng chống dịch tại Việt Nam. Nhờ sự liên thông này, thay vì một "super app", người dùng chỉ cần một mã QR. Mã này sẽ liên thông với toàn bộ dữ liệu của các ứng dụng phòng chống dịch, từ check-in, khai báo y tế, xét nghiệm, tiêm chủng và tiến tới là công tác khám chữa bệnh.
Trong tọa đàm của PVmới đây, ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cũng cho biết, người dân sẽ chỉ cần cài một ứng dụng bất kỳ trong số các ứng dụng được khuyến nghị và chúng sẽ sinh ra một mã QR, mã này có thể liên thông với các ứng dụng còn lại về mặt dữ liệu. Giải pháp này, theo ông Nam, đang trong quá trình hoàn thiện và đánh giá trước khi công bố chính thức.
Đại diện Cục CNTT, Bộ Y Tế, cũng cho biết thêm, các đơn vị liên quan đang thí điểm kết nối dữ liệu xét nghiệm Covid tại TP HCM với Trung tâm công nghệ phòng chống dịch quốc gia. Khi người dân đi xét nghiệm, chỉ cần cài một ứng dụng như Bluezone, cũng có thể biết được kết quả của mình. Việc này sẽ được mở rộng triển khai tại các địa phương khác trong thời gian tới.
Về thách thức khi phát triển các ứng dụng trong phòng chống dịch, ông Nam cho biết, ban đầu, để đáp ứng nhanh nhu cầu chống dịch, mỗi đơn vị sẽ đảm nhận phát triển một ứng dụng cho những nhiệm vụ đặc thù. Vì vậy, sinh ra nhiều app. Sau đó, thực tế chống dịch đưa ra yêu cầu phải mở rộng chức năng, điều chỉnh thay đổi cho phù hợp với thực tế. Từ 1, 2 bài toán ban đầu, ứng dụng phải giải quyết thêm 1, 2 chùm bài toán khác. Do đó, nhà phát triển phải điều chỉnh lại hệ thống hạ tầng, nền tảng rất nhiều.
Ứng dụng công nghệ hỗ trợ truy vết, khoanh vùng dập dịch nhanh Theo đại diện Sở TT&TT Bắc Ninh, nhờ sự tham gia tích cực của người dân trong khai báo y tế, phát hiện tiếp xúc gần qua ứng dụng di động, ngành y tế đã có nhiều dữ liệu quan trọng để phân tích, truy vết, khoang vùng dịch nhanh. Người dân tự bảo vệ mình bằng các app hỗ trợ phòng chống...