Biết “tạm dừng” yếu tố quan trọng của trường học hạnh phúc
Theo cô giáo Phạm Ngọc Anh – giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội): Hình thành thói quen hay khả năng tạm dừng (pause) là điều vô cùng hữu ích để có lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc.
Cô Phạm Ngọc Anh luôn thân thiện, gần gũi các học trò (Ảnh: NVCC)
Ý nghĩa của những “khoảng lặng”
Cô Ngọc Anh kể: Cuối học kỳ I vừa qua là buổi gặp mặt chính thức đầu tiên qua Zoom của tôi và phụ huynh lớp. Mở màn, tôi có hỏi phụ huynh một số câu hỏi như:
Khi các anh chị biết năm nay tôi chủ nhiệm con mình, các anh chị có biết phương pháp, cách thức tôi sẽ hướng dẫn bọn trẻ là gì không?
Các anh chị có mong muốn gì khi con các anh chị học tôi?
Tôi sẽ “làm gì” với lũ trẻ, hướng chúng tới đâu? Các anh chị đã bao giờ hỏi?
Vì sao, mỗi sáng tôi thường hay “soi” vào giường lũ trẻ để nhắc chúng gấp chăn màn đi rồi mới vào học? Tại sao tôi mất công làm thế, để làm gì cho mệt?
Các anh chị gửi gắm con cái – thứ quý gi á cho tôi thì cũng nên biết “tôi sẽ làm gì với chúng” chứ nhỉ? Hay đôi khi cũng chẳng quan tâm, chỉ quan tâm đến điểm tốt, học bạ đẹp?
- …
Cô Phạm Ngọc Anh – giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội) đảm đương nhiều vai trò: Chủ nhiệm CLB Yoga – Dưỡng sinh cho trẻ em; Chủ nhiệm CLB đọc sách online, Kid Yoga online; Hơn 10 năm tìm hiểu về giáo dục nền tảng, trường học hạnh phúc và lớp học tỉnh thức; Trực tiếp thực nghiệm một số phương pháp trong và ngoài nhà trường nhằm phát triển kỹ năng, lối sống lành mạnh cho học sinh. Từng tham gia giảng dạy trong chương trình “Dạy học xuyên biên giới” do Unesco và Bộ GD Hàn Quốc tổ chức; Là giáo viên có nhiều hoạt động giáo dục sáng tạo và nhân văn trong nhà trường.
Theo cô Ngọc Anh: Thực ra, không ít phụ huynh bây giờ đưa con đi học như một công thức, chẳng chút suy tư. Đưa con đến trường để mà rảnh tay lo việc khác, để đi làm kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình. Giáo viên muốn làm gì thì làm, trăm sự nhờ thầy/cô. Nhưng nếu mà cô “đụng’ vào con tôi thì… sao thì ai cũng biết cả rồi.
Đấy là chuyện của họ. Còn chuyện của tôi – một nhà giáo, dù có bị hỏi hay không thì tôi cũng tự hỏi mình những câu hỏi kiểu vậy. Chúng tôi – những người làm giáo dục luôn cần đặt những câu hỏi phản tư như vậy để mà tu sửa chính mình thì việc dạy dỗ ấy mới có đà mà tốt lên được.
Những câu hỏi tự vấn đó cần cho tất cả, cho phụ huynh, cho các thầy cô giáo và cả những đứa trẻ… Nếu thường trực trong tâm là những câu hỏi về mình, về người, về đời,… thì sẽ giảm thiểu nhiều sai lầm trong mọi sự, trong đó có giáo dục.
Video đang HOT
Trong cuốn “Trường xanh” (Đề cương sáng lập trường học hạnh phúc của Buthan) rất coi trọng “khoảng lặng cần thiết” trong ngày, coi đây là việc làm bức thiết. Tác giả có nói, đại ý “sẽ không có trường xanh, trường học hạnh phúc nếu không có những khoảng lặng mỗi ngày cho cả thầy và trò”
Bạn có sẵn sàng “đợi” một đứa trẻ đang mải mê ngắm chiếc lá qua ô cửa nhỏ mà quên béng đi bài giảng của bạn, quên cả sự hiện diện của bạn trước chúng?
Bạn có sẵn sàng “đợi” không nếu chúng nán lại dưới sân trường nhặt rác, xếp ghế cùng bác lao công nhễ nhại mồ hôi mà tiếng trống vào lớp đã dứt?
Bạn có sẵn sàng “đợi” không khi mà sự tiếp thu bài tốt là hiển nhiên với đa số học sinh nhưng là sự chật vật đối với một số trẻ khác?
Những lúc ấy, thiết nghĩ, thầy cô phải bấm nút “tạm dừng”
Cô Phạm Ngọc Anh. (Ảnh: NVCC)
Xây dựng khả năng sống hạnh phúc cho trẻ
Với cô Ngọc Anh, những khoảnh khắc “đợi” trẻ, cần cho tất cả mọi lực lượng tham gia giáo dục trong trường, cùng ngồi lắng xuống mà “gạn đục khơi trong”. Khoảng thời gian ấy nên “bất khả xâm phạm”.
Nếu “chạy thục mạng”, “chạy suốt” đã là một thói quen của xã hội này, ngay trẻ con đã biết lao đi rầm rầm mà chẳng thèm ngoái đầu lại, thì giờ đây, người lớn phải thiết lập song song thói quen “chạy” và “dừng lại” cho chính mình và cho trẻ.
Chẳng cần nói ra thì ai ai cũng đều biết sự nguy hiểm của việc “không thể dừng lại” trong bất cứ việc gì. Vậy mà chúng ta vẫn chấp nhận sự nguy hiểm ấy? Thậm chí, có người đại dịch Covid – 19 “bắt buộc” dừng lại một số thói quen mà chẳng dừng nổi?
Chúng ta mất kiểm soát với bản thân thì những thứ bên ngoài sẽ nắm quyền kiểm soát ta, kiểm soát con cái, học sinh của chúng ta?
Giáo viên/ bố mẹ là những người gần gũi trẻ nên nếu muốn trẻ biết “pause” thì trước hết, chính bố mẹ, thầy cô phải dành thời gian cho mình “lắng” xuống, sống “từ từ” lại để thấu hiểu chính mình.
Khoảng thời gian đó tuy ngắn nhưng rất có giá trị. Nó giúp người lớn không bị cuốn đi hay bị ngụp lặn trong vô vàn những mong cầu chẳng bao giờ ngừng nếu không biết chủ động dừng.
Mỗi buổi sáng, không gì đẹp hơn khi học sinh thấy hình ảnh thầy/cô giáo điềm tĩnh, sống từ hòa, khoan thai lên lớp mà không bị giục giã bởi những yếu tố “hình thức bên ngoài”. Để có được diều này, đòi hỏi người giáo viên phải coi trọng việc sửa mình là chính yếu. Chính thông qua quá trình dạy học, không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng phải trở nên tốt đẹp hơn. Việc tự giáo dục ở giáo viên là điều kiện tiên quyết.
“Mỗi lớp học hạnh phúc là tế bào của trường học hạnh phúc, mỗi trường học hạnh phúc là tế bào của xã hội hạnh phúc, một quốc gia hạnh phúc. Tôi tin rằng, mọi việc làm thật tâm, thật lòng đều cho kết quả xứng đáng” – cô Ngọc Anh nhấn mạnh.
“Hình thành thói quen hay khả năng tạm dừng là điều vô cùng hữu ích để có lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, quốc gia hạnh phúc,… Nhưng hình thành và nuôi dưỡng được nó là điều rất khó cả với người lớn thì trẻ em khó nhường nào. Nhưng đó là việc quan trọng cần làm nếu chúng ta quan tâm đến việc xây dựng khả năng sống hạnh phúc cho trẻ. Ban đầu, học sinh chưa có thói quen đó, giáo viên có thể động viên, khuyến khích thường xuyên, đều đặn hơn với trẻ” – cô giáo Phạm Ngọc Anh.
Lan toả hạnh phúc theo cấp số nhân
Hiệu trưởng hạnh phúc sẽ lan tỏa đến giáo viên. Giáo viên hạnh phúc sẽ lan tỏa cấp số nhân đến học sinh hạnh phúc. Khi đó chúng ta sẽ có trường học hạnh phúc và lớp học hạnh phúc.
Xây dựng Trường học hạnh phúc không phải một sớm một chiều. Ảnh minh hoạ/TG
Xoay quanh 3 chữ P
Chia sẻ về tiêu chí xây dựng Trường học hạnh phúc, TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội - trao đổi:Lấy cảm hứng từ mô hình "Happy School" của UNESCO. Mô hình "Trường học hạnh phúc" bắt đầu triển khai thí điểm ở nước ta vào tháng 4/2018 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục đào tạo các cấp.
UNESCO xác định 22 tiêu chí để tạo ra những gì họ xem là Trường học hạnh phúc. Các tiêu chí này xoay quanh 3 chữ P: Đầu tiên là People (con người), gồm các tiêu chí: tình bạn và các mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường, thái độ tích cực của giáo viên, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt của các cá nhân, sự tích cực và hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường, điều kiện làm việc của giáo viên, kỹ năng và năng lực của giáo viên.
Để có một Trường học hạnh phúc, cần chú trọng xây dựng những giá trị nhân văn và những chuẩn mực hành xử tích cực giữa người với người. Cụ thể là giữa giáo viên với học sinh, giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với ban giám hiệu nhà trường, giữa giáo viên với phụ huynh.
TS Ngô Xuân Hiếu
Thứ hai là Process (Hệ thống). Tức là các quy trình, chính sách, hoạt động... được thiết kế để vận hành ngôi trường ấy có hợp lý hay không. Thật khó để học trò hạnh phúc khi mà ngày ngày các em phải đối mặt với khối lượng bài vở khổng lồ, thời gian chơi đùa gần như không có.
Cũng như thật khó để giáo viên kiến tạo Lớp học hạnh phúc cho học trò của mình, với một chương trình quá tải, áp lực thành tích đè nặng trên vai, các công cụ hỗ trợ ít ỏi, đồng lương lại thấp.
Thứ ba là Place (Môi trường). Tức là những không gian vật chất lẫn không gian văn hóa giúp cho trường học là một môi trường an toàn, thân thiện với học sinh. Trong đó sẽ không có nhà vệ sinh bẩn, bạo lực học đường...
"Với những tiêu chí của UNESCO, với thực thế của Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 3 yếu tố (tiêu chí) cốt lõi trong xây dựng Trường học hạnh phúc đó là: Yêu thương, an toàn và tôn trọng" - TS Ngô Xuân Hiếu nhấn mạnh, đồng thời cho rằng:
Để thực hiện được một nhiệm vụ nào đó một cách thành công thì cần phải có sự đồng bộ. Tuy có những thứ ưu tiên hơn, nhưng không có nghĩa là có thể thực hiện độc lập. Do vậy, có thể nói 3 tiêu chí trên là quan trọng và cần phải cùng thực hiện song song để xây dựng trường học hạnh phúc.
Xây dựng Trường học hạnh phúc không thể nóng vội
TS Ngô Xuân Hiếu viện dẫn, GS Peck Cho - chuyên gia Hàn Quốc, người thiết kế chương trình "Thầy cô chúng ta đã thay đổi" phân tích: nhiều trường học Việt Nam đang "tạo ra sự giận dữ" bằng cách chơi chữ: MAD (Giận dữ) được tạo thành từ ba yếu tố: Memorizing (Ghi nhớ), Anlyzing (Phân tích) và Data processing (Xử lý dữ liệu).
"GS Peck Cho muốn nói, cách dạy học nhồi nhét kiến thức khiến học sinh áp lực, không hạnh phúc khi đến trường. Trong tương lai các hiệu trưởng cần xác định, môi trường giáo dục chứa đựng sự giận dữ không được chấp nhận. Thầy cô nếu muốn tạo ra Trường học hạnh phúc, cần tập trung giáo dục cảm xúc cho học sinh, thay vì chỉ dạy kiến thức như trước đây" - TS Ngô Xuân Hiếu nói.
Theo TS Ngô Xuân Hiếu, hiệu trưởng có vai trò đặc biệt, đó là tạo ra môi trường hạnh phúc, gợi mở cho học sinh, với những cảm xúc tích cực, giáo viên, học sinh được sáng tạo và tôn trọng. Chỉ khi các hiệu trưởng hạnh phúc, mới có sự cảm thông, chia sẻ, vị tha, tạo được môi trường để mọi người thương yêu nhau.
TS Ngô Xuân Hiếu trong chương trình tập huấn về Trường học hạnh phúc
Ngoài ra, nhà quản lý giáo dục (lãnh đạo sở, phòng và các nhà trường) cần nhận thức rõ tầm quan trọng của Trường học hạnh phúc đối với xã hội. "Chúng ta vẫn biết rằng, trường học không chỉ dạy cho học sinh kiến thức, mà còn giúp học sinh có những cảm nhận, cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước, con người và những giá trị tốt đẹp..." - TS Ngô Xuân Hiếu trao đổi, đồng thời nhấn mạnh:
Mỗi giáo viên và học sinh có những giây phút hạnh phúc tại trường là điều vô cùng quan trọng, là cấp số nhân sau các giờ lên lớp tới các gia đình Việt Nam. Hiệu trưởng hạnh phúc sẽ lan tỏa đến giáo viên. Giáo viên hạnh phúc sẽ lan tỏa cấp số nhân đến học sinh hạnh phúc.
Chính cá nhân mỗi hiệu trưởng là người phải tự nhận thức, tự "chuyển hóa" để thay đổi tích cực, hướng tới xây dựng và lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong mỗi nhà trường.
Tuy nhiên, mọi cuộc cách mạng hay sự thay đổi điều cần sự đồng lòng và quyết tâm của cả tập thể cán bộ, giáo viên (ở tất cả các vị trí). Mỗi người có một vai trò và chức năng khác nhau, nhưng đều hướng về một mục tiêu chung của tổ chức.
Ví dụ: Lãnh đạo nhà trường có vai trò là người truyền cảm hứng, thu hút và động viên mọi người tham gia, đồng hành và trợ giúp.... Còn giáo viên là trực tiếp và gián tiếp thực thi nhiệm vụ..., học sinh vừa là người thụ hưởng nhưng cũng là người cộng hưởng...
Qua đó cho thấy, xây dựng Trường học hạnh phúc, khó nhất là sự đồng lòng, quyết tâm. Quyết tâm ở đây không phải là áp lực, mà là quyết tâm trong tâm thế cởi mở và thấy cần phải làm của tất cả các thành viên trong nhà trường.
Sau đó là xây dựng các tiêu chí phù hợp, kiên trì và từng bước thực hiện các tiêu chí để xây dựng Trường học hạnh phúc. "Phải khẳng định rằng, xây dựng Trường học hạnh phúc không thể một sớm một chiều và cố gắng làm cho xong, mà là một quá trình, từng bước và không nóng vội" - TS Ngô Xuân Hiếu trao đổi.
Hiện, đã có các văn bản và quy định cụ thể của Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam về xây dựng Trường học hạnh phúc. Căn cứ vào những văn bản này, UBND các tỉnh, thành phố đã có các văn bản chỉ đạo Sở, phòng GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường xây dựng Trường học hạnh phúc. Đây được coi là các tiêu chí đánh giá thi đua của các nhà trường theo năm học.
Ngành Giáo dục Thủ đô: Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học Trước thực trạng dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, trong khi chỉ còn thời gian ngắn nữa là năm học 2021-2022 sẽ kết thúc, ngành Giáo dục Thủ đô đã và đang cùng với cả nước quyết liệt triển khai nhiều giải pháp trong tổ chức dạy học nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả. Kết quả thực hiện...