Biến trường học thành kênh phân phối sữa
Đây là thực tế đang diễn ra tại các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Sữa được giao về bán ở các trường học với danh nghĩa thực hiện cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.
Bảng thông báo về việc bán sữa trước Trường tiểu học Sơn Phong (TP.Hội An) – Ảnh: Diệu Hiền
Một phụ huynh của Trường tiểu học Sơn Phong (TP.Hội An, Quảng Nam) cho biết giáo viên chủ nhiệm thông báo đến các học sinh, phụ huynh về việc trường thực hiện cuộc vận động này nên sẽ bán sữa đậu nành bột hiệu Vạn Xuân của Công ty Rồng Vàng, loại 800 gr với giá 90.000 đồng/hộp. Trao đổi với PV Thanh Niên sáng 27.9, bà Phan Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Phong, cho hay đây là chủ trương từ Ủy ban MTTQ VN và Phòng Giáo dục TP.
Theo tìm hiểu của PV, 37 trường học trên địa bàn TP.Hội An đều được phân bổ sữa về bán cho học sinh. Ông Nguyễn Sen, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Độ (TP.Hội An), cho biết nhà trường nhận 120 hộp, chia đều cho các giáo viên của trường mua ủng hộ bởi hầu hết học sinh của trường đều thuộc hộ khó khăn. “Do đây là cuộc vận động nên tất cả đều thực hiện, nhưng không phải ai mua cũng cảm thấy thoải mái”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Võ Đình Nam, Phó phòng Giáo dục TP.Hội An, cho hay mới đây Ủy ban MTTQ VN TP.Hội An và tỉnh Quảng Nam; UBND TP.Hội An phối hợp Công ty Rồng Vàng tổ chức một hội nghị lớn về cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt, có mời lãnh đạo Phòng Giáo dục cũng như đại diện các trường, các hội, đoàn thể. Tại cuộc họp đã thống nhất thực hiện triển khai vận động mọi người hưởng ứng dùng sản phẩm sữa đậu nành do Công ty Rồng Vàng tổ chức. “Ban đầu, Phòng Giáo dục được phân bổ 10.000 hộp, nhưng do thấy số lượng như vậy là quá lớn, chúng tôi đã đề nghị giảm còn khoảng 3.300 hộp và đã phân bổ về các trường”, ông Nam nói và nhìn nhận chính Bộ GD-ĐT lẫn UBND TP.Hội An cũng đã có quy định về việc nghiêm cấm cho các hãng sữa vào quảng cáo tại các trường học nên việc mang sữa vào trường bán là hoàn toàn không đúng, nhất là khi biến các thầy cô thành những người buôn bán đối với học sinh của mình. “Khi triển khai chúng tôi cũng rất suy nghĩ về vấn đề này, nhưng đây là chủ trương lớn, được phía lãnh đạo TP và Ủy ban MTTQ VN tỉnh cân nhắc đưa vào cuộc vận động nên chúng tôi không thể không thực hiện”, ông Nam nói.
Một số lãnh đạo các trường cho biết sau khi bán sữa, công ty có chi lại 10% hoa hồng, số tiền này sẽ được phân bổ cho MTTQ TP và các trường. Trong khi đó lãnh đạo Phòng Giáo dục TP.Hội An khẳng định ngành giáo dục và các trường học không hề nhận bất cứ tiền hoa hồng nào từ chương trình này.
Không chỉ ngành giáo dục mà các xã, phường của TP.Hội An cũng được phân bổ 5.000 hộp sữa để bán. Nhiều trường học ở các huyện của Quảng Nam như: Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Đại Lộc… cũng đang thực hiện cuộc vận động mua sữa này.
Video đang HOT
Theo TNO
Tiểu học: Rèn cảm xúc, đừng rèn điểm số
Học sinh tiểu học cần được bồi dưỡng cảm xúc, rèn luyện đạo đức, nhân cách hơn là học để luôn có điểm đẹp.
Trong đợt giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua tại TP.HCM về chất lượng chương trình, sách giáo khoa, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) đã nêu nhiều nội dung không phù hợp do chính các thầy cô trong trường tổng hợp lại. Đồng thời, nhà trường cũng kiến nghị bỏ chấm điểm với học sinh (HS) tiểu học, thay vào đó là nhận xét trên từng mặt tiến bộ của HS.
Còn thi, còn lấy điểm là còn áp lực
Xuất phát từ những lý do nào, bà lại có đề xuất bỏ chấm điểm đối với bậc tiểu học?
ThS Vũ Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường Lương Định Của: Trẻ mới vào tiểu học còn nhiều bỡ ngỡ, tâm sinh lý chưa vững vàng nhưng bị đánh giá bằng các con số cụ thể là quá khắt khe.
Các em vừa xa rời vòng tay cha mẹ, cần định hướng rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng cảm xúc, tình cảm với gia đình, thiên nhiên, loài vật là chính. Ngay cả cha mẹ, thầy cô hay xã hội cũng dựa vào điểm số để đánh giá đứa trẻ là không đúng. Con đi học về là hỏi "hôm nay được mấy điểm" chứ không để ý rằng con mình hôm nay có gì tiến bộ hơn hôm qua. Từ đó, trẻ phải luôn gồng mình để được điểm 9, 10 và được mọi người khen, nếu điểm thấp, trẻ sẽ hụt hẫng, lo sợ, dần dần hình thành tâm lý so sánh, bị tổn thương suốt năm năm học. Ở một số nước trên thế giới, người ta cũng không đặt nặng điểm số mà chỉ đánh giá bằng nhận xét để trẻ phát triển một cách tự nhiên.
Học sinh tiểu học rất cần những buổi học từ thực tế để cảm thụ cuộc sống hơn là đọc trong sách vở. Trong ảnh: HS Trường Tiểu học Lương Định Của, quận 3 đang học về an toàn giao thông tại công viên. (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Như vậy, phải chăng vấn đề điểm số đang bị coi trọng quá đáng ở bậc tiểu học? Hệ lụy xã hội từ vấn đề này là gì, thưa bà?
Thực ra áp lực điểm số ở tiểu học đã giảm nhiều so với trước đây. Hiện mỗi năm HS trải qua bốn kỳ kiểm tra chính thức nhưng chỉ lấy điểm kỳ cuối cùng, một số môn cũng không còn lấy điểm. Tuy nhiên, còn thi, còn lấy điểm là còn áp lực.
Điểm số cũng thể hiện quyền lực của giáo viên, điểm số càng nhiều, giáo viên càng quyền lực và trò chỉ biết học theo thầy cô mà không được học theo năng lực của mình. Kéo theo đó là tình trạng dạy thêm, học thêm, học chữ trước lớp 1, bệnh thành tích. Giáo viên, nhà trường cũng bị đánh giá thi đua dựa trên điểm số của trò, sợ trò bị điểm thấp nên thầy cô phải dạy theo đề mẫu, đoán đề, có khi trò xứng đáng bị điểm thấp hoặc ở lại lớp nhưng thầy cô cũng phải nhắm mắt cho qua.
Nặng kiến thức hàn lâm
Bà cũng cho rằng chương trình tiểu học hiện nay nặng lý thuyết, vô bổ, không phù hợp thực tế. Bà có thể phân tích cụ thể thêm về vấn đề này?
Ví dụ, trong môn Kỹ thuật lớp 5 có bài kỹ thuật nuôi gà, làm sao các em hình dung ra bằng lý thuyết. Ở môn Khoa học lớp 5 có nội dung "Cần làm gì để mẹ và bé đều khỏe; phụ nữ có thai cần làm gì và không làm gì; một đứa bé sinh ra, dựa vào cơ quan nào để biết đó là bé trai hay gái..." trong khi lý thuyết không rõ ràng làm sao các em hiểu được. Môn Địa lý dạy về sông nước của châu Phi. Môn Lịch sử lại quá chi tiết, nặng chính trị, dày đặc các cuộc chiến từ thời Cổ đại đến kháng chiến chống Pháp... vượt quá tầm suy nghĩ và ghi nhận của đứa trẻ. Hay như trong phần Tập làm văn ở lớp 4 có yêu cầu kể về các lễ hội như đua ghe, đánh đu... HS không hình dung được vì không thấy. Phần Tập đọc có nhiều bài văn nước ngoài với các tên tuổi nhân vật khó đọc và khó cảm thụ....
Những năm gần đây, ngành giáo dục đã giảm tải mạnh đối với chương trình tiểu học, phương pháp giảng dạy liên tục đổi mới nhưng theo đánh giá của bà là chưa hiệu quả...
Đúng là có đổi mới, có giảm tải, thậm chí còn tích hợp nhưng chỉ là hình thức. Giảm nhưng một tuần HS phải ngồi ù lì trong lớp học 22 tiết, không có thời gian chạy nhảy, rèn luyện thể chất và kỹ năng sống. Thời gian dạy bị khống chế, mỗi tiết cũng chỉ được 35-40 phút, một mình cô giáo nói cũng không hết thì làm sao lồng ghép nội dung kỹ năng khác, làm sao học nhóm để gần 50 đứa trẻ cùng có ý kiến được? Không lẽ chỉ khi nào dạy biểu diễn, làm thao giảng, thầy cô mới đổi mới thì làm sao hiệu quả. Như học về giao thông, về môi trường... HS phải có thời gian đi ra đường, thực hành, quan sát mới hiểu được chứ không thể ngồi trong lớp đọc một vài câu là biết được.
Tăng thời gian học thực tế
Ngành giáo dục đang có kế hoạch sẽ đổi mới toàn bộ chương trình, sách giáo khoa. Theo bà, ở bậc tiểu học cần thay đổi như thế nào để có hiệu quả?
Tôi nghĩ những người soạn thảo phải mạnh dạn cắt những phần không cần thiết và tăng thời gian học thực tế để bồi dưỡng cảm xúc cho HS nhiều hơn. Nội dung phải là những hình ảnh, câu chuyện gần gũi, dễ hiểu và không nên giới hạn thời gian dạy. Trẻ không học được theo cách của người lớn thì người lớn phải dạy theo cách học của trẻ thôi.
Về đánh giá, cần bỏ hẳn việc cho điểm số, thay bằng cách nhận xét sự tiến bộ từng mặt của HS. Bằng cách này, đòi hỏi giáo viên phải theo dõi, quan tâm HS nhiều hơn mới đánh giá được, khi học cao dần, các em sẽ được đánh giá khắt khe hơn bằng thang điểm. Có như thế mọi đứa trẻ mới được học một cách công bằng, được phát triển năng lực theo từng khả năng riêng.
Xin cảm ơn bà.
Theo Phạm Anh (Pháp luật TP.HCM)
Tạo lập tương lai tại trường trung cấp nghề Việt Giao "Học và làm nghề gì cũng cần mài giũa bằng thực hành và cọ xác qua thực tế. Vì vậy, nghề dạy nghề là rất cần thiết. Nhưng nên có một nền tảng lý luận sâu sắc, thì bạn mới có thể tiến xa hơn, sáng tạo hơn, đủ sức cạnh tranh, càng không bao giờ bị đào thải" (Fullbright). Trường trung cấp...