Biên chế không đủ đáp ứng hết lượng công việc của Thanh tra Sở Giáo dục
Công tác phối hợp của các đơn vị trong công tác thanh tra hành chính còn hạn chế, lúng túng, thiếu hiệu quả; hệ thống các văn bản về GD còn có bất cập, chồng chéo.
Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra khối các Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022, những khó khăn, vướng mắc diễn ra ở cơ sở trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã phần nào được đội ngũ Thanh tra các Sở đề cập đến.
những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ thực tiễn đó, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng mong muốn được lắng nghe thêm giải pháp, đề xuất từ chính đội ngũ Thanh tra các Sở, để tháo gỡ những khó khăn.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã chia sẻ về thực tiễn công tác thanh tra tại Sở trong thời gian qua và những bất cập, khó khăn cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Về thực tiễn công tác thanh tra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An trong thời gian qua, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh và tình hình cụ thể của địa phương, Thanh tra Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra khá toàn diện về quy mô và nội dung.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An. (Ảnh: NVCC).
Chúng tôi quan tâm đến việc nắm bắt dư luận xã hội và dự báo tình hình để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, trên cơ sở đó kịp thời tư vấn, chấn chỉnh và ngăn chặn kịp thời các vi phạm có thể xảy ra tại các cơ sở giáo dục của tỉnh nhà.
Song song với thực hiện nhiệm vụ thanh tra, chúng tôi cũng chú trọng việc hướng dẫn và chỉ đạo các cơ sở giáo dục nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra nội bộ trường học, để gắn trách nhiệm của người đứng đầu và phát huy dân chủ tại cơ sở. Nhờ đó, hạn chế được những vụ việc tiêu cực trong các nhà trường.
Qua hoạt động thanh tra đã góp phần quan trọng trong việc ổn định và phát triển giáo dục của địa phương.
Hằng năm, Thanh tra Sở được lãnh đạo Sở, Thanh tra tỉnh ghi nhận và đánh giá cao.
Kết thúc năm học 2021-2022, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc. Đó là sự động viên rất lớn để đội ngũ Thanh tra Sở tiếp tục cố gắng hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao”.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mang đến kết quả tích cực, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cũng chỉ ra những bất cập, khó khăn cụ thể: “Nghệ An là một tỉnh có diện tích rộng, quy mô giáo dục lớn, nên đội ngũ thanh tra cũng gặp không ít khó khăn trong việc nắm bắt thông tin, khảo sát tình hình để xây dựng kế hoạch, lựa chọn đối tượng thanh tra.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, việc thanh tra hành chính đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở thuộc thẩm quyền của Thanh tra các huyện, thành phố, thị xã. Tuy nhiên, công tác phối hợp của các Phòng Giáo dục và Đào tạo với Thanh tra huyện trong công tác thanh tra hành chính các cơ sở giáo dục nói trên còn hạn chế, lúng túng, hiệu quả chưa cao.
Ngoài ra, hệ thống các văn bản về giáo dục nhiều, còn có bất cập, chồng chéo nên gây khó khăn cho việc thanh tra, kiểm tra.
Đặc biệt, do biên chế không đủ đáp ứng hết lượng công việc của Thanh tra Sở, nên các Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện việc công nhận cộng tác viên thanh tra giáo dục để trưng tập khi cần (với tổng số là 17.466 người trên toàn quốc). Tuy nhiên, đội ngũ cộng tác viên thanh tra còn hạn chế về nghiệp vụ, ảnh hưởng đến chất lượng các cuộc thanh tra”.
Đội ngũ Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An. (Ảnh: NVCC).
Từ những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn, Chánh Thanh tra Sở Nguyễn Thị Thu Hà đề cập đến một số kiến nghị, đề xuất để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới.
Cụ thể, theo bà Hà, cần có cơ chế để nâng cao tính độc lập hơn nữa của Thanh tra Sở. Trên cơ sở các văn bản pháp luật về thanh tra, cần nghiên cứu ban hành văn bản pháp lý quy định cụ thể về công tác phối hợp trong hoạt động thanh tra giáo dục.
Đồng thời, cần có cơ chế để thu hút và duy trì ổn định đội ngũ làm công tác thanh tra tại Sở Giáo dục và Đào tạo.
Đặc biệt, Thanh tra Sở rất cần Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các đợt hội thảo, tập huấn chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ cho Thanh tra Sở đối với một số nội dung thanh tra, kiểm tra.
Thanh tra Sở kiểm tra hồ sơ thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022. (Ảnh: NVCC).
“Ngoài ra, Thanh tra Sở phải thường xuyên quan tâm đến công tác nắm bắt và dự báo tình hình để tham mưu và tổ chức hoạt động thanh tra có hiệu quả để không những kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm mà còn làm tốt công tác định hướng trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.
Bên cạnh đó, Thanh tra Sở cũng cần quan tâm hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong công tác kiểm tra nội bộ; xem công tác kiểm tra nội bộ là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá, xếp loại các cơ sở giáo dục hằng năm. Chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo làm tốt công tác phối hợp với Thanh tra huyện trong việc thanh tra hành chính các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền” – Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra khối các Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã nêu một số giải pháp trong thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể, bà cho biết: “Việc triển khai dạy học các môn mới có tính chất liên môn như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên thì tùy theo tình hình đội ngũ, mỗi trường sẽ có cách để triển khai phù hợp và không có một biểu chung cho tất cả. Vì vậy, trong thanh tra, kiểm tra, không nên cứng nhắc.
Nghệ An đã xây dựng và ban hành hướng dẫn về công tác kiểm tra nội bộ trường học để làm cơ sở cho các trường tự tổ chức kiểm tra từ cấp tổ/nhóm chuyên môn, cấp trường, gắn liền với công tác kiểm tra với việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các cơ sở giáo dục”.
Giáo viên mầm non nghỉ việc vì lương không đủ sống
Gắn bó với môi trường giáo dục được vài năm, trải qua sóng gió của dịch Covid-19, cô giáo mầm non không còn trụ được với nghề, nên phải tìm kiếm một công việc mới.
Đi làm mấy năm, không phụ giúp được gì cho gia đình
Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Huyền (26 tuổi), từng là giáo viên mầm non tại một trường tư thục trên địa bàn Hà Nội.
Huyền nhớ lại: "Sau khi tốt nghiệp, tôi tham gia thi tuyển vào một trường mầm non công lập nhưng không đỗ, nên đã nộp hồ sơ vào một trường tư thục. Lúc ấy, trong bụng vẫn còn thầm nghĩ, âu cũng là một cái duyên, và hài lòng vì cho rằng, lương của giáo viên trường tư thục sẽ "nhỉnh" hơn, sẽ dễ sống hơn.
Thế nhưng, thực tế, lương cũng chẳng khá hơn nhiều, mỗi tháng tôi chỉ nhận về trên dưới 5 triệu đồng. Tháng nào chẳng may bị ốm thì tiền lương còn thấp nữa.
Số tiền đó có thể là tạm đủ với mức sống ở quê, còn giữa đất Thủ đô biết bao chi phí đắt đỏ, từ tiền nhà trọ, tiền ăn uống, tiền xăng xe đi lại, tiền điện thoại... tất cả trông vào thì đồng lương ấy trở nên eo hẹp vô cùng".
Cô giáo mầm non Nguyễn Thị Huyền khi còn đứng lớp, tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: NVCC).
Mặc dù thuê được căn phòng trọ giá rẻ, lại gặp chủ nhà tốt bụng, suốt gần chục năm qua (gồm cả thời gian học cao đẳng lẫn khi đi làm) không tăng tiền nhà, song, tháng nào làm được đến đâu, cô giáo trẻ cũng tiêu hết đến đó. Thậm chí, có những tháng, chưa đến ngày lĩnh lương, tiền tháng trước đã cạn, mà lại được mời dự một vài đám cưới, Huyền lại phải tính đến phương án tạm ứng lương để trang trải. Rồi thậm chí, có nhiều khi "bí" quá, Huyền phải vay thêm từ bạn bè, đồng nghiệp.
Cứ như vậy, có khi, đến ngày lĩnh lương, cô chỉ nhận được khoảng 2/3 số lương và thậm chí, tiền chưa cầm ấm tay, đã phải mang trả nợ.
Ra trường và đi làm đã mấy năm, nhưng cô gái quê Nam Định dường như chưa thể gửi tiền về phụ giúp bố mẹ. Một số tài sản giá trị nhất của cô, như xe máy, điện thoại, máy tính xách tay,... tất cả đều là sự hỗ trợ từ gia đình.
Vì đồng lương không dư dả, Huyền cũng ít khi về thăm quê. Mặc dù chỉ cách Hà Nội hơn trăm cây số, tiền vé xe cũng chỉ hơn 100.000 đồng/lượt, nhưng phải mấy tháng, cô mới về quê một lần.
"Dịp Tết đến, giáo viên thường được thưởng khoảng 4 triệu đồng, còn tôi là giáo viên trẻ, chỉ được hưởng 75%, nên cũng chẳng được bao nhiêu. Xoay xở trong khoản lương thưởng nho nhỏ ấy, tôi cũng không biết phải sắm sửa gì nên chỉ trích ra một chút để biếu bố mẹ, còn lại để dành mừng tuổi cho các cháu và lo cuộc sống sau khi trở lại Hà Nội", cô giáo trẻ trải lòng.
Huyền tâm sự: "Đã có lúc, mẹ tôi thủ thỉ, ở Hà Nội khó khăn quá, thì về quê, xin vào một trường học gần nhà... Nhưng tôi trộm nghĩ, để thi được vào một trường ở quê cũng không phải dễ dàng gì, mà lương cũng chỉ quanh quẩn 2-3 triệu đồng, thì cũng chẳng có tích lũy được cho tương lai, nhất là sau này khi có gia đình riêng, lại càng khó cân đối được tài chính. Thế là, tôi lại quyết định ở lại...".
Không trụ được qua làn sóng dịch Covid-19
Năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của các cô giáo mầm non, như Huyền.
Huyền kể: "Trước khi có dịch Covid-19, cuộc sống cũng đã khó khăn, nhưng vì công việc được gắn bó với trẻ mầm non là một công việc rất ý nghĩa, tôi cảm thấy mình rất vui vẻ mỗi khi được dạy các con, nên tôi vẫn luôn tự nhủ, mình sẽ vượt qua được. Mỗi ngày đến trường, gặp các con khiến tôi như được tiếp thêm một nguồn năng lượng đầy tích cực.
Thế nhưng, khi dịch bùng phát, diễn biến phức tạp, trẻ em phải tạm dừng đến trường, giáo viên chúng tôi rơi vào trạng thái thất nghiệp. Nghỉ ở nhà vừa buồn vì không được đến trường vừa khó khăn về kinh tế.
Huyền phải lựa chọn một nghề khác sau Covid-19. (Ảnh: NVCC).
Những ngày đầu, phía trường học còn ít nhiều có khoản hỗ trợ đối với giáo viên, nhân viên. Sau đó, do dịch kéo dài, nhà trường cũng không đủ sức "gồng gánh" nữa, khoản hỗ trợ không còn, chúng tôi thậm chí không biết bấu víu vào đâu. Trong khi, trước đó, lương không dư dả nên tôi cũng không có tích lũy. Vậy nên, khi phải nghỉ dịch thì cũng là lúc tôi kiệt quệ...".
"Lúc này, tôi được người quen giới thiệu cho công việc khác, tôi thấy thu nhập khá hơn, mà lại có thể chủ động thời gian, vì chủ yếu làm online, nên đã quyết định xin nghỉ việc ở trường để tìm kiếm cơ hội mới.
Trước đây, khi còn là giáo viên, tôi dường như không có thời gian rảnh. Sáng 7 giờ kém đã có mặt ở trường, chiều có nhiều hôm phụ huynh đón con muộn là ở lại đến tận 7 giờ, 8 giờ tối. Trong khi đó, ngày nghỉ cũng được tận dụng để làm công tác chuẩn bị cho nhiều cuộc thi ở trường, ở quận, ở thành phố... Chưa kể, mỗi tháng, mỗi tuần đều có những sự kiện do nhà trường tổ chức, giáo viên lại lo từ khâu trang trí đến chuẩn bị... Có nhiều lúc, không phải soạn giáo án, mà các cô cũng gần như ăn, ngủ lại trường. Vất vả là thế, mà đồng lương đổi lại cũng không dư dả gì...
Vậy nên, tôi đành phải dừng bước, tìm đến một nghề khác để lo được cuộc sống cho bản thân, phụ giúp được gia đình", Huyền bộc bạch.
5 công việc được dự đoán sẽ "hái" ra tiền trong tương lai Dưới đây là 5 công việc được yêu cầu tuyển dụng nhiều nhất hiện nay và được trả lương cao "ngất ngưởng" theo thống kê từ Monster và Paycale. Khi lạm phát tăng cao, nhiều người vì không đủ khả năng chi trả cho nhu cầu sống hàng ngày nên đã bỏ việc hoặc tham gia vào thị trường lao động để tìm...